Tuesday, March 24, 2009

MỘT PHIÊN TOÀ GỢI NHỚ MỘT PHIÊN TOÀ

Một phiên tòa gợi nhớ một phiên tòa
Phạm Hồng Sơn

Gửi vào ngày Thứ Ba, 24 Tháng 3, 2009.

http://tiengnoitudodanchu.org/modules.php?name=News&file=article&sid=7243

Ngày 06 tháng 06 năm 1931 cảnh sát Anh tại Hồng Công đã bắt được một yếu nhân của Quốc tế Cộng sản III – một tổ chức được liệt vào hàng cực kỳ nguy hiểm tới an ninh của các thuộc địa Anh và Pháp quốc trên toàn thế giới vào lúc đó. Tuyên ngôn Cộng sản có ghi rõ
« ...giai cấp vô sản sẽ là người đào mồ chôn Chủ nghĩa Tư bản...và công khai tuyên bố rằng mục đích của họ là dùng bạo lực lật đổ trật tự xã hội hiện hành. »

Tống Văn Sơ, nhân viên cao cấp của Quốc Tế Cộng sản III

http://i38.photobucket.com/albums/e113/diendantudodanchu/lich_su/341f9b67.jpg


Người bị bắt là Tống Văn Sơ tức Lý Thụy, Nguyễn Ái Quốc, nhân viên cao cấp của Quốc Tế Cộng sản III được điều sang hoạt động tại vùng Đông Dương (theo hồ sơ của cơ quan mật thám Pháp). Với thân phận chỉ là người dân bản xứ của thuộc địa Pháp tại Đông Dương và lại bị sa lưới nơi đất khách quê người, cùng với số đồng chí thân cận và có khả năng hỗ trợ cho Tống Văn Sơ tại Hồng Công lúc đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay và bản thân họ cũng phải luôn lẩn tránh sự truy lùng ráo riết của các mật thám Pháp và Anh, tính mạng của Tống Văn Sơ thực đã bị rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Chưa kể, Tống Văn Sơ lại đang là đối tượng bị truy nã án tử hình do tòa án tại Đông Dương đã tuyên vắng mặt vào năm 1929 vì những hoạt động bị cho là kích động bạo loạn. Có lẽ lúc đó, Hồ Tùng Mậu, người lĩnh trách nhiệm đi nhờ luật sư người Anh Frank Loseby để bào chữa cho Tống Văn Sơ cũng không thể hy vọng nhiều có thể giải thoát được cho Tống Văn Sơ.

Nhưng cuối cùng, như chúng ta đều biết, Tống Văn Sơ đã được tuyên là vô tội trước tòa án Hồng Công và an toàn rời Hồng Công để trở về tiếp tục con đường đấu tranh bạo lực mà ông đã theo đuổi. Tư liệu lịch sử có kể lại vụ án đã được đưa ra tòa tới chín lần, với nhiều tình tiết gay cấn, kịch tính và vô cùng khó khăn để buộc quan tòa phải tuyên Tống Văn Sơ vô tội chiểu theo pháp luật Anh quốc lúc đó và chỉ được trục xuất theo một hạn định có lợi cho Tống Văn Sơ.

Nhưng cái đáng kể trong vụ án và phiên tòa chính là các luật sư được hoàn toàn tự do tác nghiệp. Và phán quyết vô tội của tòa hoàn toàn chỉ do tài tranh biện, sự thấu hiểu pháp luật và tài ứng đối thuyết phục của luật sư trước mọi mưu toan kết tội đã có sẵn của chính quyền Anh tại Hồng Công, có sự câu kết với chính quyền Pháp tại Đông Dương. Những kẻ cầm quyền có mưu đồ xấu của cả hai chính quyền thực dân khét tiếng, cuối cùng, đã phải lắng nghe lý lẽ, đã chịu nghe ra lẽ phải và đã chấp nhận tuân thủ luật pháp, cho dù một cách khiên cưỡng. Kẻ cầm quyền của chế độ thực dân cách đây hơn ba phần tư thế kỷ đã biết hổ thẹn trước Lẽ phải và nhường bước trước Công lý.


Trở lại với hiện tại. Phiên phúc thẩm dành cho tám bị cáo Công giáo vào ngày 27 tháng Ba tới đây tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội – Tòa án của chính thể nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (do cựu tù nhân Tống Văn Sơ năm xưa dựng lên tại Việt Nam cách đây hơn 60 năm) liệu có chứng tỏ biết nghe lý lẽ, chịu nghe lẽ phải và biết tuân thủ pháp luật hơn chính quyền thực dân năm xưa hay không? Lẽ nào người Việt của chúng ta lại cư xử với nhau tệ hơn người ngoại chủng ? Lẽ nào chế độ chính trị do chính người Việt chúng ta nắm giữ lại dã man hơn chế độ thực dân ? Lẽ nào ?

http://s38.photobucket.com/albums/e113/diendantudodanchu/ton_giao/conggiao/2853aef4.jpg



Phạm Hồng Sơn
24/03/2009

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

SẼ CÓ GÌ QUANH PHIÊN TOÀ PHÚC THẨM NGÀY 27/3/2009 ?

CTV. Trần Công Lý

http://dcctvn.net/news.php?id=2485

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày xét xử phúc thẩm các giáo dân giáo xứ Thái Hà trong vụ án bị gán cho là “Gây rối trật tự công cộng” và “Phá hoại tài sản”. Thế nhưng đến ngày hôm nay 23/9/2009, việc Luật sư Lê Trần Luật – Văn phòng Luật sư Pháp Quyền có ra được Hà Nội để cùng các Luật sư khác bào chữa cho các giáo dân hay không còn đang là mối quan tâm lo lắng của nhiều người bởi vì Luật sư Lê Trần Luật đang được chính quyền chăm sóc đặc biệt như một nhân vật quan trọng nhưng theo kiểu “khủng bố”.

Cộng đồng dân Chúa còn đang mải mê với câu hỏi về người bào chữa cho các bị cáo mà quên đi mất những mối nguy hiểm đang chờ đón cộng đoàn trong ngày xét xử 08 anh chị em mình. Những kế hoạch đã được vạch ra một cách chi tiết, tỉ mỉ, công phu từ những cái đầu đầy mưu lược, đầy tính sáng tạo nhưng thiếu nhân cách của cả một bộ máy điều hành đồ sộ và được hỗ trợ bởi quyền lực Nhà nước thông qua công an, súng đạn, hơi cay, toà án và nhà tù … nhằm bóp chết việc đấu tranh cho công lý và hoà bình của các giáo dân chống lại những bất công trong xã hội. Chúng ta hãy thử hình dung một vài tình huống sẽ xảy ra quanh phiên toà ngày 27/3/2009 tại Hà Đông – Hà Nội để xem “con cái ma quỷ luôn không ngoan hơn con cái sự sáng”:

Tình huống 1

Chính quyền sẽ bố trí đông đảo lực lượng công an, tổ chức chốt chặt các ngả đường từ khắp nơi đổ về Hà Nội nhằm ngăn chặn từ xa việc các giáo dân từ khắp nơi đến hiệp thông cầu nguyện cho 8 anh chị em trong phiên toà. Kết hợp với đó là việc thông báo cho các chính quyền địa phương, trường học, cơ quan công ty, xí nghiệp tổ chức tuyên truyền, thuyết phục kết hợp răn đe nghiêm trị những giáo dân dám đến Hà Đông để theo dõi phiên toà. Nếu cần thiết thì chủ động gây ra vài vụ tai nạn, tắc nghẽn giao thông rồi quay phim, chụp ảnh để vu cáo cho các giáo dân quá khích gây ra nhằm gây sự hiểu nhầm đối với các giáo dân trong nhân dân và tạo dư luận quần chúng.

Tình huống 2

Do Hà Đông nằm xa trung tâm thành phố Hà Nội, tránh được sự chú ý của các cơ quan báo chí, lãnh sự nước ngoài từ đó dễ cho việc tổ chức đàn áp các giáo dân mà không bị soi mói dị nghị nên hôm đó chính quyền sẽ tổ chức các lực lượng quần chúng tự phát như Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các giáo dân cốt cán và cả những phần tử hiện đang bị hạn chế quyền công dân như lực lượng nghiện xì ke ma tuý…Các lực lượng “quần chúng tự phát” này được trang bị đầy đủ các trang thiết bị như gậy gộc, cờ quạt, quốc xẻng, kim tiêm (và được hậu thuẫn bởi lực lượng công an chìm nổi hùng hậu) để tổ chức biểu tình trước cổng Toà án nơi diễn ra phiên toà xét xử 08 Giáo dân. Các phần tử này sẽ la ó, hô hào, chửi bới đòi phải nghiêm trị những kẻ phá hoại tài sản công dân, gây mất khối đại đoàn kết dân tộc, rồi quá quắt hơn là đòi giết một số các linh mục, tu sĩ đứng đầu trong Giáo hội.

Nếu có giáo dân nào lỡ đứng gần các đối tượng này mà không để ý thì sẽ bị họ tự động ngã vào lòng rồi như anh “Chí phèo” thuở nào cào mặt ăn vạ, giãy đành đạch hô bị đánh, bị tấn công gây náo loạn cả khu vực và chỉ chờ có thế lực lượng công an, cảnh sát cơ động ở đâu ập tới xích cổ tất cả các giáo dân ở đó tống lên xe, hoặc mạnh tay hơn thì dùi cui, hơi cay, giày đinh, chó nghiệm vụ rồi vòi phun nước tha hồ và được dịp sử dụng cho bõ tức với cái đám dân cứng đầu cứng cổ dám đòi hỏi Công lý và Hoà bình, công bằng tại một đất nước vốn dân chủ, văn minh vào loại bậc nhất này.

Kết hợp với đó là cả hàng ngàn nhà báo với máy quay phim, máy chụp ảnh tha hồ mà chụp các cảnh nóng tuỳ thích rồi về đưa lên các phương tiện truyền thông với những mỹ từ vu cáo, bịa đặt đủ điều để cho nhân dân cả nước biết rằng người công giáo chỉ là những kẻ phản động, bán nước hại dân, những kẻ gây rối.

Tình huống 3

Tổ chức lực lượng công an, cảnh sát cơ động, chó nghiệp vụ kết hợp dân phòng dùng hàng rào sắt, giây thép tạo nhiều chốt chặn từ xa vào đến cổng Toà án nơi xét xử các giáo dân để phong toả sự tập trung đông đảo của các giáo dân tạo ra các hàng rào ngăn cách giữa các nhóm giáo dân đến cầu nguyện cho các bị cáo nhằm giảm đi sự hiệp nhất, tính liên kết giữa các nhóm giáo dân để phục vụ cho các phần tử quần chúng tự phát đến gây hấn, quậy phá rồi đàn áp các nhóm giáo dân riêng rẽ được dễ dàng. Biện pháp chia để trị này cũng giảm đi áp lực cho Hội đồng xét xử bên trong và làm giảm đi sự tự tin của các bị cáo từ đó có lợi cho chính quyền trong khi xét xử.

Tình huống 4

Cũng như trong phiên toà sơ thẩm, tuy đây là phiên toà xét xử công khai nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ không cho các giáo dân, các đại diện cơ quan ngoại giao của các nước cũng như người thân của các bị cáo được vào phòng xử án cũng như không cho bắc âm thanh, truyền hình trực tiếp ra bên ngoài, cấm quay phim, chụp ảnh….Làm như vậy để “tiện cho việc xét xử”, bịt mắt, bịt tai các nhà ngoại giao và cơ quan báo chí quốc tế, làm giảm đi áp lực với Hội đồng xét xử, đồng thời tạo điều kiện cho cấp trên “chỉ đạo phiên toà” được dễ dàng hơn. Hội đồng xét xử cũng sẽ không cho các luật sư được trình bày dài dòng, trình bày những vấn đề không cần thiết, nằm ngoài phạm vi vụ án như việc chứng minh đất cát ở 116 Nguyễn Lượng Bằng là của ai…mà chỉ đi vào trình bày việc đập tường có vi phạm pháp luật hay không còn không được nói dài dòng, không được nói động chạm đến các vấn đề nhạy cảm khác làm ảnh hưởng đến Đảng và Nhà nước…

Tình huống 5

Để tiếp tục biện minh cho việc làm sai trái của chính quyền trong việc đàn áp, bắt giam, truy tố và xét xử 8 giáo dân một cách bất công, vô tội; để kéo dài thời gian điều tra, truy tố về các tội danh “Huỷ hoại tài sản” và “gây rối trật tự công cộng” đối với các giáo dân nhằm làm cho họ thấy mệt mỏi, chán trường mà đầu hàng. Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ phán một câu như sau: “Từ những việc nghiên cứu hồ sơ vụ án và trong quá trình xét hỏi tại phiên toà hôm nay, xét thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không bổ sung được và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là tạm giam đối với một số bị cáo để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử lại. Rất có thể tình huống này sẽ xảy ra vì quyền lực trong tay nhà nước mà. Với lại việc Toà án cứ phán một câu chung chung rằng việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm còn thiếu sót cần điều tra lại thì bố ai mà nói được câu gì đấy.

Chỉ hình dung đến thế thôi, chúng ta đã thấy rợn người vì những món quà chính quyền sẽ dành tặng cho những người dám đấu tranh cho Sự thật, Công lý và Hoà bình vốn được coi là xa xỉ ở Việt Nam. Xin cộng đoàn dân Chúa khi đến dự phiên toà và cầu nguyện cho 8 anh chị em mình hết sức cảnh giác trước những âm mưu thâm độc này. Trong mọi tình huống có thể xảy ra bất cứ lúc nào với bất cứ ai thì xin mọi người hãy bình tĩnh đối phó và giữ thái độ nhẹ nhàng, ôn hoà nhưng cương quyết trong thinh lặng và cầu nguyện và phó thác cho Thiên Chúalà đấng làm chủ mọi sự mọi loài từ đó đập tan những mưu ma trước quỷ đang tìm cách rảo quanh tìm mồi cắn xé. Xin hẹn gặp cộng đoàn ở phiên toà ngày 27/3/2009 lịch sử để cùng hiệp nhất với 8 anh chị em chúng ta trên con đường đi tìm Công lý, Hoà bình và Sự thật.

CTV. Trần Công Lý

No comments:

Post a Comment