Sunday, March 29, 2009

LUẬN CỨ BÀO CHỮA CHO 8 GIÁO DÂN THÁI HÀ

Luận cứ bào chữa cho tám bị cáo của Luật sư Huỳnh Văn Đông


Thưa Hội Đồng Xét Xử (HĐXX),

Theo yêu cầu của bà Ngô Thị Dung, Nguyễn Thị Việt, Lê Quang Kiện, Lê Thị Hợi, Phạm Chí Năng, Nguyễn Đắc Hùng, Thái Thanh Hải, Nguyễn Thị Nhi. Tôi, LS Huỳnh Văn Đông - Người được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận người bào chữa số 29/HS-GCNBC ngày 12/2/2009 đảm nhiệm bào chữa cho các bị cáo tại phiên xử phúc thẩm. Hôm nay, tôi sẽ bào chữa đối với tội danh “gây rối TTCC”, còn tội danh “hủy hoại tài sản” sẽ do đồng nghiệp của tôi là Luật sư Hoàng Cao Sang trình bày.

Thưa HĐXX

Bản án hình sự số 605/2008/HSST ngày 08/12/2008 của TAND Quận Đống Đa đã tuyên xử Bị cáo Ngô Thị Dung, Nguyễn Thị Việt, Lê Quang Kiện, Lê Thị Hợi, Phạm Chí Năng, Nguyễn Đắc Hùng, Thái Thanh Hải về tội “Gây rối TTCC” và tội “Hủy hoại tài sản” trên cơ sở áp dụng khoản 1 điều 245 (Đ.a, K2 điều 245- đối với bị cáo Nguyễn thị Nhi), khoản 1 điều 145 BLHS, theo đó đã xử phạt:

(Xem bản án)

Nhận định và Đánh giá chứng cứ:

Điều đầu tiên chúng tôi khẳng định rằng, bản án HSST số 605 ngày 08/12/2008 của TAND Quận Đống Đa đã kết luận các bị cáo phạm “gây rối trật tự công cộng” là không có cơ sở vì bản án đã không xác định hành vi phạm tội dựa vào yếu tố cấu thành tội phạm như luật định và các chứng cứ được áp dụng tại bản án sơ thẩm đã không mang đầy đủ những thuộc tính vốn có của nó.

Bởi lẽ:

Thứ 1: Điều 245 quy định: “Người nào gây rối TTCC gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tôi này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Theo nội dung của điều luật thì gây rối TTCC là hành vi làm náo loạn trật tự nơi công cộng và một người chỉ bị truy cứu TNHS về hành vi gây rối TTCC khi và chỉ khi người đó có hành vi “gây rối” và hành vi gây rối này phải gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Theo Từ điển Tiếng Việt phát hành năn 2006 của Nxb Từ Điển Bách Khoa, chúng tôi thấy động từ gây rối được hiểu là “gợi ra chuyện không hay”.

Đối chiếu với các hành vi của các bị cáo theo cáo buộc tại bản cáo trạng so 178a/KSĐT ngày 11/11/2008 của VKSND Quận Đống Đa và bản án số 605/HSST ngày 08/12/2008 của TAND Quận Đống Đa chúng tôi không hề thấy các bị cáo đã có hành vi “gợi ra những chuyện không hay” hay làm náo động trật tự nơi công cộng. Vậy căn cứ vào đâu, vào cái gì mà TAND Quận Đống Đa đưa ra phán quyết như nêu trên ?

Hành vi “gây rối” được hiểu tại bản án số 605 như sau: “các bị cáo đã tụ tập cùng nhiều người khác, tập trung không đúng nơi thờ tự, dùng loa phóng thanh để cầu kinh”. Cách hiểu này mang tính suy diễn và áp đặt, tôi đề nghị tòa án cấp phúc thẩm cần quan tâm và xem xét lại.

Tại hồ sơ vụ án cũng như kết quả thẩm tra công khai tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố đã không chứng minh được các bị cáo (có mặt hôm nay) đã “dùng loa phóng thanh để cầu kinh”. Việc “dùng loa phóng thanh để cầu kinh”, nếu có, thì lại là hành vi của người khác, không liên quan đến các bị cáo. Còn cáo buộc “các bị cáo đã tụ tập cùng nhiều người khác, tập trung không đúng nơi thờ tự” là cáo buộc vô căn cứ, bởi lẽ không có quy định nào quy định giáo dân chỉ được tập trung ở trong nhà thờ mà không được tập trung ở nơi khác. Mặt khác, tại khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng chưa bao giờ là nơi có đặt biển “cấm người” đến đó.

Như chúng ta đã biết, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo là quyền căn bản của con người, hiến pháp nước CHXHCNVN cũng ghi nhận quyền này tại điều 70. Mọi hành vi xâm phạm đến các quyền cơ bản của con người về tín ngưỡng, tôn giáo là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Kinh Thánh của người Công giáo thì “Thiên chúa ở khắp mọi nơi”, và việc cầu nguyện của những giáo dân có thể diễn ra bất cứ nơi nào không phải là khu vực cấm, và rõ ràng pháp luật cũng không thể cấm việc cầu nguyện của họ. Tại đây, tôi cũng xin được nói thêm rằng: có nhiều hình thức để cầu nguyện: có thể là cầu nguyện thầm kín, đọc kinh, hát thánh ca… và mục đích của việc cầu nguyện là nhằm xin đấng thiêng liêng - mà theo tín ngưỡng của người Công giáo đó là xin Thiên chúa ban cho họ được toại nguyện các điều chính đáng mà họ mong ước. “Điều chính đáng” ở đây có thể là cho bản thân họ, gia đình họ, tập thể của họ, đất nước của họ, thậm chí cho cả thế giới. Vì thế, hành vi xuất phát từ sự nhiệt thành, mong muốn những điều tốt đẹp cho cả đất nước, cho toàn thế giới không thể bị coi là hành vi gây rối.

Bản án nhận định mục đích của việc cầu nguyện là nhằm đòi lại đất. Cách hiểu này chưa đúng với bản chất của nó. Mục đích lớn lao hơn trong việc cầu nguyện của các giáo dân ở đây là cầu xin Thiên chúa soi sáng, chỉ rõ cho cá nhân, cho tổ chức có trách nhiệm nhận thấy những sai trái, thiếu sót của mình trong việc giải quyết các vấn đề đất đai nhằm để điều chỉnh lại hành vi cho phù hợp với pháp luật và đạo lý, chứ bản thân Thiên chúa không tự ban hành quyết định trả lại đất cho giáo xứ, giáo dân Thái Hà. Trải qua một thời gian rất dài, các Linh Mục và giáo dân giáo xứ Thái Hà đã có đơn khiếu nại để đòi lại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng vốn dĩ thuộc quyền quản lý, sử dụng của giáo xứ Thái Hà từ ngày 26.9.1928 cho đến ngày 30.1.1961 bị Sở quản lý nhà đất Hà Nội chiếm đoạt giao cho Xí nghiệp thảm len Hà Nội sử dụng bằng quyết định 76/QL-NĐ nhưng không hề có 1 văn bản thu hồi nào. Việc khiếu nại bằng văn bản theo quy định của pháp luật đã không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết một dứt khoát và đến nơi đến chốn nên đã tạo ra tâm lý lo lắng, mất niềm tin vào pháp luật, vì thế họ đã chọn giải pháp cầu nguyện. Họ cầu nguyện cho mục tiêu cao cả, cho pháp luật Việt Nam được ban hành bởi Việt Nam được thực thi trên đất nước Việt Nam. Cầu nguyện cho công lý được thực thi trên quê hương Việt Nam, và có phải vì thế, sau những cuộc cầu nguyện của giáo dân mà Hà Nội đã có thêm 02 Công viên cho mọi người nghĩ ngơi, thư giản như nhiều người đã nói?

Những hành động ấy, xuất phát từ mục đích tốt đẹp như thế liệu rằng có thể gây ra “bất bình trong dư luận xã hội, ảnh hưởng uy tín và danh dự của những bà con Công giáo khác” như nhận định của tòa án cấp sơ thẩm? (Bản án, trang 16). Chúng tôi cho là không. Việc làm của các bị cáo chỉ có thể bị coi là tạo ra “bất bình trong dư luận xã hội, ảnh hưởng uy tín và danh dự của những bà con Công giáo khác” khi hành động đó bị bóp méo, xuyên tạc như lời phát biểu của ngài Tổng Giám mục đáng kính đã bị bóp méo, cắt xén nhằm xuyên tạc như mọi người có và còn lương tri đã thấy.

Thứ 2: Chứng cứ mà tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng là những chiếc “băng đĩa ghi lại hình ảnh đập phá tài sản, tập trung đông người gây huyên náo mất trật tự trị an” ( trang 14 của bản án).


Cáo trạng số 178a/KSĐT ngày 11/11/2008 của Viện Kiểm sát quận Đống Đa ghi rõ “Tang vật: Không” (Trang 17), vậy 2 đĩa hình ghi trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 720/2008/HSST-QĐ ngày 21/11/2008 của Tòa Án quận Đống Đa lấy ở đâu ra? 2 đĩa hình này đã được cơ quan chuyên môn nào giám định tính trung thực, tính nguyên bản của nó chưa? Hay nó chỉ là những hình ảnh được cắt xén lắp ghép? Khoản 1 Điều 64 BLTTHS quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”. 2 đĩa hình ghi trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 720/2008/HSST-QĐ của Tòa Án quận Đống Đa đã không được thu thập đúng quy định nhưng Tòa Án quận Đống Đa coi đó là “vật chứng cần đưa ra xem xét tại phiên tòa” là trái với khoản 1 Điều 64 BLTTHS vì đã sử dụng hai đĩa hình chưa được giám định, không được thu thập theo trình tự luật định để kết tội các bị cáo là việc làm hết sức tùy tiện, bất chấp quy định của TA cấp sơ thẩm. Vì vậy, chúng tôi đề nghị HĐXX không được xem 2 đĩa hình này là vật chứng.

Thứ 3: Hành vi gây rối (nếu có) phải gây ra hậu quả nghiêm trọng - và giữa hành vi và hậu quả phải có mối liên hệ nhân quả với nhau. Ở vụ án này chúng ta có thể loại ra ngay từ đầu trường hợp các bị cáo đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm như quy định tại điều luật. Vậy hậu quả nghiêm trọng mà các bị cáo đã gây ra bằng hành vi “gây rối” trong vụ án này là gì?

Bản án sơ thẩm đã nhận định bằng hành vi “cầu kinh” trong nhiều ngày của các bị cáo đã “gây mất trật tự trị an xã hội, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần may chiến thắng”.

Kết luận như trên là không có cơ sở vì không có một chứng cứ cụ thể nào đủ sức thuyết phục để chứng minh rằng: Việc “cầu nguyện” của các bị cáo mà đã gây ra những thiệt hại to lớn như thế. Cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế là cản trở như thế nào? Bình thường Công ty may Chiến Thắng hoạt động ra sao, nó không hề có một tài liệu rõ ràng nào để chứng minh cho những thiệt hại đó và điều lạ kỳ là, Cty cho rằng các bị cáo đã gây ra thiệt hại cho công ty gần 1.1tỷ đồng nhưng lại không yêu cầu các bị cáo bồi thường. (cần lấy giả dụ).

Bản án đã dựa vào báo cáo doanh thu của hai tháng 8 và tháng 9 năm 2008 của Công ty bị giảm doanh thu là 1.059.708.000đ, danh sách chi tiền cho 308 người với lý do “chi tiền phục cấp cho công nhân làm tại 178 Nguyễn Lương Bằng do giáo dân gây rối làm ảnh hưởng đến Năng suất lao động”, danh sách chi tiền trực bảo vệ cho 137 người với số tiền là 191.196.000đ.

Chúng tôi thấy rằng, thiệt hại mà công ty Chiến Thắng đưa ra là những con số hết sức khôi hài và trái luật. Doanh thu trong hai tháng 8 và 9 bị giảm sút chúng tôi thấy chẳng có liên quan gì đến các bị cáo. Ông bà xưa đã dạy: “Tiên trách kỹ, hậu trách nhân”, trước tiên phải xem xét lại năng lực quản lý, điều hành của mình. Khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 không ảnh hưởng gì đến công ty may Chiến Thắng? Năng lực quản lý điều hành công ty yếu kém không ảnh hưởng hoạt động của Công ty? Hơn nữa, con số này cũng chưa được thẩm tra tại phiên tòa thì liệu nó có thể làm căn cứ để chứng minh cho thiệt hại của công ty?

Thông qua các danh sách mà Công ty may chiến thắng cung cấp cho Tòa án, chúng ta có thể thấy rằng: công ty Chiến thắng đã chi tiền một cách vô tội vạ, việc chi như thế, chúng ta dễ dàng nhận thấy: Hoặc cách “chi tiền” của Công ty Chiến thắng từ trước đến nay vẫn vô nguyên tắc thế, hoặc Công ty đã “lợi dụng” tình hình - vụ việc để hợp thức hóa những khoản chi bất hợp pháp hay những khoản tiền “lỡ lọt” vào túi cá nhân, tổ chức nào đó; dù kết luận nó thuộc giả thuyết nào thì cả hai điều này đều không thể chấp nhận được.

Thậm chí cái gọi là “thiệt hại” hơn 1 tỷ đồng do Công ty May Chiến Thắng khai vống lên (không có tài liệu chứng minh thuyết phục) mà đại diện Công ty May Chiến Thắng không hề yêu cầu bị cáo bồi thường là việc hết sức phi lý. Bởi lẽ Công ty May Chiến Thắng là doang nghiệp Nhà nước, thiệt hại (nếu có) là tài sản Nhà nước-tức Tổng Công ty Dệt May Việt Nam, cán bộ nào gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đại diện Công ty May Chiến Thắng lại không yêu cầu bồi thường số tiền to như thế thì chỉ có thể hiểu rằng hoàn toàn không có thiệt hại xảy ra. Không có thiệt hại xảy ra, bị cáo chưa bị xử lý hành chính, chưa có tiền sự mà vẫn bị truy tố, xét xử thì rõ ràng là các bị cáo đã bị truy tố, xét xử oan.

Ngoài các chứng cứ mà tôi vừa nêu trên, bản án còn “căn cứ vào lời khai của các nhân chứng Nguyễn Đức Trọng, Đinh Hồng Phong, Trần Tiến Hùng, lời khai của 6 người phụ nữ Mường đã tham gia đánh cồng chiêng”. Những lời khai này có ý nghĩa như thế nào trong việc xác định hành vi của các bị cáo? Chúng tôi không thấy một lời khai nào chỉ đích danh các bị cáo đã có hành vi gây rối, có chăng theo bản cáo trạng thì bà Việt có hành vi “nhặt cỏ, dọn dẹp ở khi vực bể nước nơi đặt tượng Đức Mẹ, nhặt gạch san lấp chỗ trống…” rõ ràng các hành vi này không thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đối chiếu với BLHS Việt Nam, không ai có thể nghĩ ra rằng, hành vi trên lại là hành vi vi phạm pháp luật và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhận xét và Kết luận

Thưa HĐXX

Trong khi cáo trạng nhận định các bị cáo hành động là do sự kích động, lôi kéo của Linh mục Vũ Khởi Phụng, Lm Nguyễn Ngọc Nam Phong, Lm Nguyễn Văn Khải, Lm Nguyễn Văn Thật, nhưng tại sao những Linh mục này không ai bị xử phạt hành chính (không có quyết định xử phạt hành chính), trong khi chính họ là những người khởi xướng, cầm đầu? Điều này cho thấy rõ ràng không có hành vi phạm tội nào xảy ra như kết luận của bản án sơ thẩm. Các bị cáo chỉ đóng vai trò thứ yếu lại bị đưa ra xử lý bằng biện pháp hình sự. Vì vậy, chúng tôi thấy bất hợp lý và bất công đối với 8 bị cáo, và như thế, vụ án đã có biểu hiện bất công ngay từ đầu, nên họ kháng cáo kêu oan là hoàn toàn có cơ sở.

Tám bị cáo đứng trước vành móng ngựa hôm nay là những người có đầy đủ năng lực, nhận thức và điều khiển hành vi. Họ ý thức được hành động việc làm của họ. Họ có bổn phận trách nhiệm với bản thân, tập thể và xã hội đó mới là công dân đúng nghĩa. Cầu nguyện trong ôn hòa, bất bạo động nhưng lại bị khởi tố, bắt tạm giam và bị xét xử để lãnh án trong khi những kẻ có dấu hiệu phạm tội thật sự thì cho đến nay vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật. Đêm 31/8/2008 có kẻ đã lẫn vào đám đông giáo dân đang cầu nguyện để xịt hơi cay gây náo loạn, đánh người già trẻ em đến bất tỉnh và đổ máu, tôi cũng không biết bình xịt hơi cay ở đâu mà những người này có?

Đêm 15 rạng 16/11/2008, một nhóm người xông vào nhà thờ Thái Hà đòi đập đền thánh Giê-Ra-Đô, họ hô hào và tự đuổi nhau nhưng điều đáng buồn hơn cả là trong đám lộn xộn này người ta lại thấy có những vị Chính quyền phường Quang Trung và lực lượng Công an mặc cảnh phục lẫn thường phục, nhưng những vị này không làm gì cả để ngăn chận tình trạng gây rối lộn xộn nói trên. Chúng tôi không nói chính quyền quận Đống Đa bao che hay đồng lõa cùng với nhóm người này, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy vụ án được khởi tố dù chỉ để trấn an dư luận, cho nên, nhiều người cho rằng luật pháp của chúng ta đã không được áp dụng nghiêm minh cho tất cả công dân là có lý do của nó.

Kính thưa quý vị, người tín hữu Công giáo đều biết rằng: Không ai có thể làm hại được các vị nếu các vị nhiệt thành làm điều thiện, điều đúng? Mà nếu các vị chịu khổ vì sống công chính thì các vị thật có phúc. “Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ bang quý vị vì quý vị ăn ở ngay thẳng (trong Đức KiTô) thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống (…) Bởi lẽ, thà chịu khổ vì làm việc lành còn hơn làm điều ác”. Quý vị đã và hãy hành động như những người tự do, không phải như những người lấy tự do làm màn che cho sự gian ác. Quý vị đã và hãy không sợ những kẻ chỉ có thể giết chết thân xác quý vị, mà không thể giết chết linh hồn của quý vị. Thật anh dũng, và quý vị đã có phần thưởng được dọn sẳn rồi.

Từ những phân tích cơ bản như tôi đã trình bày trên đây, tôi đề nghị HĐXX tuyên bố các bị cáo không phạm tội “gây rối TTCC”.

Xin cảm ơn mọi người đã lắng nghe tôi trình bày.

Luật sư HUỲNH VĂN ĐÔNG

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=Content&pa=showpage&pid=1263

No comments:

Post a Comment