Ngành xây dựng cảnh báo về nhà thầu ngoại
Cập nhật:08:26 GMT - Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/03/090328_tuoitre_article.shtml
Báo Tuổi Trẻ vừa có bài tường thuật tọa đàm hôm 27/03 của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong có đưa ra cảnh báo về thực trạng 'lấn sân' của nhà thầu Trung Quốc.
Báo này cho hay vấn đề lớn được bàn luận tại hội thảo của các chuyên gia và giới chức ngành xây dựng là việc "rất nhiều dự án lớn đã triển khai nhưng hàng hóa VN không thể tiêu thụ được vì trúng thầu là các nhà thầu ngoại, chủ yếu là Trung Quốc".
Báo Tuổi Trẻ vừa có tổng biên tập mới, ông Phạm Đức Hải, từ ngày 26/03.
Ông Trần Ngọc Hùng, chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, được trích lời nói tại cuộc tọa đàm về kích cầu trong xây dựng rằng nhiều công trình trọng điểm về điện, xi măng, hóa chất... đều về tay nhà thầu Trung Quốc.
Hơn mười công trình xây dựng nhà máy xi măng, nhiều công trình xây dựng nhà máy điện lớn, đều đang do công ty Trung Quốc thực hiện.
Ông Hùng cho hay: "Nhà thầu Trung Quốc thường đem theo hàng ngàn công nhân và đem cả thiết bị của họ sang, trong khi những thiết bị đó VN hoàn toàn có thể sản xuất được."
Một quan chức có mặt tại tọa đàm đã xác nhận mỗi công trình, "công nhân TQ sang đến 2.000 người".
Được biết doanh nghiệp TQ được hỗ trợ của nhà nước về nhiều mặt, như giảm thuế, nên giá bỏ thầu thường thấp hơn hẳn các công ty nước ngoài khác. Do vậy, khả năng trúng thầu của họ cao hơn.
Tuy nhiên, giới xây dựng VN cảnh báo tình trạng nhà thầu ngoại chỉ dùng công nhân và nguyên vật liệu của nước họ dẫn tới việc "triệt tiêu nội lực".
Giải quyết thất nghiệp
Việc Trung Quốc đưa công nhân vào Việt Nam đã từng được đề cập tới trong bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi đầu năm.
Trong bức thư yêu cầu dừng dự án bauxite Tây Nguyên, Tướng Giáp viết: "Trong tháng 12/2008 đã có hàng trăm công nhân Trung Quốc đầu tiên có mặt trên công trường (dự kiến cao điểm sẽ lên tới vài nghìn tại một dự án)".
Thực ra, chủ trương đưa người lao động ra các nước ngoài đã được Trung Quốc thực hiện một vài năm nay như một biện pháp giúp giải quyết công ăn việc làm và kích cầu kinh tế cho bản thân nước này.
Trong riêng năm 2007, có tới 750.000 công nhân Trung Quốc đã theo các dự án của Trung Quốc sang châu Phi, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và khai khoáng, vốn cần nhân công.
Tình trạng thất nghiệp đang đe dọa xã hội Trung Quốc, với ước tính mười triệu người mất việc vì kinh tế khó khăn.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh từng nói với BBC hồi tháng Hai 2009 rằng thất nghiệp là "thách thức lớn nhất mà Trung Quốc đang đối diện".
"Kinh tế sụt giảm cũng là khi nguy cơ bất ổn xã hội gia tăng."
Tuy nhiên Việt Nam cũng đang phải đối phó với tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao, dù chưa có cơ chế để thống kê con số thực tế. Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội trong một báo cáo ước tính có tới 400.000 người mất việc trong năm nay.
-----------------------------------
BÀI TRÊN BÁO TUỔI TRẺ
Nhiều dự án lớn trong ngành xây dựng: Đa số nhà thầu ngoại trúng thầu
Thứ Bảy, 28/03/2009, 08:31 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=308402&ChannelID=11
* Hàng vạn công nhân Trung Quốc đã vào VN
TT(Hà Nội)- Ngày 27-3, Tổng hội Xây dựng VN tổ chức buổi tọa đàm về kích cầu trong xây dựng. Thực trạng lớn nhất được đưa ra tại buổi tọa đàm là rất nhiều dự án lớn đã triển khai nhưng hàng hóa VN không thể tiêu thụ được vì trúng thầu là các nhà thầu ngoại, chủ yếu là Trung Quốc...
Chủ trương kích cầu xây dựng là đúng, nhưng ông Trần Ngọc Hùng - chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - khẳng định các nhà thầu VN đang rất lo vì thực tế cho thấy các dự án lớn khi đem ra đấu thầu hầu như đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài. Ông Hùng cho biết các nhà thầu Trung Quốc đang thắng thầu rất nhiều công trình trọng điểm về điện, ximăng, hóa chất... “Đáng quan tâm là các nhà thầu Trung Quốc thường đem theo hàng ngàn công nhân và đem cả thiết bị của họ sang, trong khi những thiết bị đó VN hoàn toàn có thể sản xuất được”...
Vừa đi cùng Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đến thăm một công trình xây dựng nhiệt điện ở Quảng Ninh, ông Nguyễn Công Lục - vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ - công nhận “một công trình nhưng công nhân Trung Quốc sang tới hơn 2.000 người”. Trong khi đó, ông Trần Văn Huynh - chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng VN - cho biết không chỉ một mà hơn 10 công trình xây dựng nhà máy ximăng, nhiều dự án nhà máy điện lớn ở VN đều đang được các nhà thầu Trung Quốc làm.
Đặc trưng của nhà thầu Trung Quốc, theo ông Huynh, là họ không thuê nhân công VN mà đem người sang, có thể bằng cả đường du lịch rồi ở lại. “Một số loại vật liệu Trung Quốc được đem qua Thái Lan rồi vòng vào VN. Máy móc thiết bị không nhập riêng được thì họ lắp sẵn rồi đem cả sang. Tôi có thăm một nhà máy ximăng do nhà thầu Trung Quốc làm, đến cái bệ xổm toilet họ cũng không dùng hàng VN mà mua hàng Trung Quốc” - ông Huynh nói.
Ông Trần Hồng Mai - viện phó Viện Kinh tế xây dựng - góp thêm một thực trạng khi cho biết có thể các nhà thầu Trung Quốc nhận được nhiều hỗ trợ từ phía nước họ, kể cả chính sách thuế, nên giảm mạnh giá bỏ thầu. Vì vậy, họ thường nắm phần thắng khi đấu thầu. Nên các công trình lớn như Đạm Cà Mau, nhà máy điện ở Hải Phòng, khi xây dựng lúc nào cũng có hàng ngàn công nhân Trung Quốc...
Cùng lo ngại như ông Trần Văn Huynh “nếu các công trình lớn đều vào các nhà thầu ngoại sẽ dần triệt tiêu nội lực”, nhiều chuyên gia đề nghị nên có chính sách cụ thể để giúp các doanh nghiệp xây dựng trong nước. Ông Huynh phân tích: “Giá thầu rẻ nhưng chất lượng không cao chưa chắc đã là rẻ, không nên tư duy cứ giá thấp là trúng thầu”. Ông Trần Hồng Mai viện dẫn Luật đấu thầu đã quy định phải ưu tiên doanh nghiệp VN nhưng nhiều chủ đầu tư VN lại “quên” điều này. Ông Mai cho rằng Nhà nước cần có chính sách để “nhắc” các chủ đầu tư.
CẦM VĂN KÌNH
No comments:
Post a Comment