Monday, March 30, 2009

GIẢI PHÁP BIỂN ĐÔNG CỦA DƯƠNG DANH HUY

Giải pháp Biển Đông của Dương Danh Huy và Quỹ Nghiên cứu Biển Đông

Phạm Quang Tuấn

31/03/2009 3:06 sáng

http://www.talawas.org/?p=1841

Trong một loạt bài viết trên các diễn đàn, kể cả BBC tiếng Việt, đăng lại trong một số báo tiếng Anh (ở Phillippines, Nhật) và báo trong nước, ông Dương Danh Huy (một Việt kiều ở Anh, sáng lập viên nhóm Quỹ Nghiên cứu Biển Đông) đưa ra một số đề nghị để giải quyết vấn đề Biển Đông [1-4]. Mới đây, ông Trương Nhân Tuấn đã kịch liệt công kích đề nghị của Dương Danh Huy, thậm chí bảo ông này là tay sai của chính quyền, sửa soạn dư luận để đem Trường Sa và Hoàng Sa cúng cho Trung Quốc.

Để có sự công bằng ta cần đánh giá đề nghị của nhóm Dương Danh Huy một cách khách quan và nghiêm túc. Trước hết xin tóm tắt lại những đề nghị này:

1. TẠM THỜI gác việc tranh giành các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa sang một bên để bàn về việc phân chia các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (continental shelf) ở Biển Đông.

2. Thương lượng với các nước chung quanh Biển Đông (Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Brunei, Phillippines) để chia Biển Đông ra thành những vùng kinh tế của mỗi nước, theo đúng luật biển UNCLOS (United Nations Law of the Sea) [5] và tiền lệ quốc tế, tức là:

(a) Mỗi nước được 1 vùng EEZ 200 hải lý (370 km) tính từ “đường cơ sở” (bờ)

(b) Phía nam Biển Đông có một thềm lục địa rất lớn tên là Sunda Shelf, theo UNCLOS thì các nước quanh đó (kể cả Việt Nam) được tính thêm ra tối đa 350 hải lý.

(c) Khi khu kinh tế hay thềm lục địa của hai nước trùng nhau, thì chia hai theo nguyên tắc vẽ một đường trung tuyến từ ranh giới trên đất liền.

(d) Các đảo (Hoàng Sa, Trường Sa) là đảo nhỏ, không nuôi sống được người, nên không được tính EEZ mà chỉ cho tối đa một lãnh hải (territorial sea) 12 hải lý; tức là, các đảo đó không ảnh hưởng đến việc phân chia EEZ và thềm lục địa.

Xin để ý là nhóm Dương Danh Huy không hề nói là đem Hoàng Sa, Trường Sa “dâng” cho Trung Quốc hay ai khác cả như Trương Nhân Tuấn đã viết. Trái lại, họ luôn luôn nhấn mạnh là Việt Nam vẫn phải bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa, Hoàng Sa [1], chỉ nói là việc phân chia Biển Đông cần làm trước hoặc làm song song.

Đề nghị trên có lợi ở chỗ nào? Trước hết, ta phải nhìn vào cán cân lực lượng của các nước ở Biển Đông và thế giới. Chỉ trong vòng 30 năm nữa, Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường, kể cả trên mặt biển. Muốn thành cường quốc trên biển, phải có sức mạnh kinh tế, khoa học kỹ thuật, phải có tàu lớn và khí giới tối tân và ngân quỹ hàng trăm tỷ đô la. Đánh nhau trên biển không phải như trên đất liền mà có thể dùng “tiêu thổ kháng chiến”, “du kích chiến”, “đường mòn Hồ Chí Minh”, “địa đạo Củ Chi”, “bẫy cọp” hay chỉ dựa vào lòng yêu nước và can đảm hy sinh, như ta đã thấy trong hai trận hải chiến ở Hoàng Sa và Trường Sa. Trong hai trận đó, Việt Nam đã cay đắng thảm bại trước một Trung Quốc chưa là cường quốc, thậm chí còn tụt hậu, huống chi bây giờ và trong tương lai. 30 năm nữa, ngay cả Mỹ cũng sẽ không còn đủ sức và nhất là đủ ý chí để đè nén tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vì vậy, dùng sức mạnh đối với Trung Quốc hay ỷ vào sức mạnh của Mỹ để đòi lại Hoàng Sa và chiếm lại hết Trường Sa là điều hoàn toàn không tưởng đối với Việt Nam, và mỗi năm lại càng thêm không tưởng. Việt Nam chỉ có thể dùng luật pháp ngoại giao, và đó là giải pháp của Dương Danh Huy đề nghị.

Về luật pháp thì như đã thấy, đề nghị này dựa trên Luật Biển quốc tế 1982 (UNCLOS) mà chính Trung Quốc đã ký kết, cũng như các nước khác quanh Biển Đông. Còn về ngoại giao thì sao? Hiện các nước Đông Nam Á đang xâu xé nhau về vụ tranh giành Trường Sa, mà như vậy thì chỉ Trung Quốc hưởng lợi theo kiểu ngư ông và nghêu sò. Nếu tạm để Hoàng Sa và Trường Sa sang một bên để giải quyết sau, thì sẽ đỡ được nguồn tranh chấp đó, các nước nhỏ sẽ có cơ đoàn kết với nhau để hợp sức chống lại kẻ thù chung là Trung Quốc. Bởi vì, không như các nước khác quanh Biển Đông, Trung Quốc không chỉ bằng lòng với EEZ 200 hải lý, mà đòi TẤT CẢ Biển Đông, đi dọc suốt gần bờ Việt Nam, thòng xuống phía Nam tận sát bờ Indonesia và Malaysia, và phía Đông thì sát bờ Phillippines! Cái đòi hỏi vô lý và bất hợp pháp này (chẳng hạn xem [6, 7]) được vẽ trên nhiều bản đồ của Trung Quốc. Họ gọi nó là “nine-dotted line” và chúng ta gọi đó là đòi hỏi “vùng biển lưỡi bò”.

Dĩ nhiên, khi phân chia Biển Đông theo đề nghị của Dương Danh Huy thì cái lưỡi bò đó sẽ “tiêu”, sẽ thành petfood, do đó các nước sẽ chia ngay làm hai phe: một bên là Trung Quốc đòi bảo vệ lưỡi bò, bên kia là các nước khác, chắc chắn là với sự ủng hộ của Mỹ và quốc tế (vì không ai có thể chấp nhận cái lưỡi đầy rớt rãi khó ngửi của Tàu). Tình hình sẽ rất thuận lợi cho Việt Nam, ít ra là thuận lợi hơn bây giờ! Dù Trung Quốc có trở thành siêu cường nhưng chắc là sẽ bớt hống hách hơn khi thấy nguyên một khối Đông Nam Á nửa tỉ dân đồng lòng chống mình.

Còn về các đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì sao? Đề nghị của Dương Danh Huy không nói gì về việc này mà chỉ bảo là tạm gác đó. Tuy nhiên, một khi Biển Đông đã chia thành hai phe rõ ràng (Trung Quốc chống the rest) thì lối giải quyết tập thể đó có khả năng được liên minh Việt-Mã-Phi-Brunei đòi áp dụng cho các đảo. Tức là, nếu Trung Quốc và các nước khác đồng ý, có thể ta sẽ mất một số đảo, nhưng sự mất mát đó không quan trọng lắm vì những đảo đó chỉ còn một lãnh hải tối đa 12 hải lý ở quanh mỗi hòn. Dĩ nhiên, sẽ nhiều người quan niệm “tấc đất tấc vàng”, không chấp nhận được sự mất mát đó. Họ muốn Việt Nam phải đòi hết, đòi đến cùng. Như ta đã thấy, thái độ đó sẽ dẫn đến việc mất hết: không những mất hết các đảo, mà còn mất các khu đặc quyền kinh tế, khi mà Trung Quốc trở thành siêu cường trên Biển Đông và các siêu hạm Trịnh Hòa 11, Trịnh Hòa 12 v.v. thường trực tuần tra cái lưỡi bò của họ. Còn, nếu các nước không đồng ý giải quyết theo cách này, thì sẽ lại tiếp tục tranh chấp tiếp như bây giờ, nghĩa là tình hình vẫn như cũ.

Trương Nhân Tuấn và Dương Danh Huy không đồng ý với nhau về việc các hòn đảo của Trường Sa có thực sự là “đảo” không hay chỉ là “cồn đá” (rock), và do đó có được hưởng EEZ 200 hải lý quanh mỗi đảo không. Điều 121/3 của UNCLOS viết: “Rocks which cannot sustain human habitation or economic life of their own shall have no exclusive economic zone or continental shelf” (những cồn đá không thể có người sống hay đời sống kinh tế riêng thì không được hưởng EEZ hay thềm lục địa). Điều này mập mờ và UNCLOS không giải thích thêm gì cả. Dương Danh Huy cho là các đảo quá nhỏ để được EEZ, Trương Nhân Tuấn không tin như thế. Nên để ý rằng đảo lớn nhất của Trường Sa là đảo Ba Bình (Itu Aba), hiện bị Đài Loan chiếm, diện tích chỉ có 0.4 km vuông, bằng 1/10 cái tiêu chuẩn 1 hải lý vuông để được coi là đảo mà Trương Nhân Tuấn bảo là ai đó đang kiến nghị. Theo một số luật gia thì khi luật pháp không nói rõ, các nước liên hệ phải thương thuyết với nhau. Nếu theo phương cách thương thuyết này thì các nước nhỏ như Việt Nam lại càng cần liên minh để có thế khi tranh cãi với Trung Quốc.

Cuối cùng, ta cũng nên tự hỏi tại sao Trương Nhân Tuấn đả kích kịch liệt Dương Danh Huy và gọi ông này là tay sai cộng sản, dọn đường dư luận cho chính quyền để dâng Hoàng Sa - Trường Sa cho Trung Quốc, mặc dầu Dương Danh Huy đã viết: “Song song với việc thực hiện những mục đích này, Việt Nam vẫn phải tiếp tục cố gắng bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông một cách triệt để”[1]. Lẽ ra khi mà hai người đều lưu tâm về chủ quyền đất nước, họ phải đối xử với nhau như là “đồng chí”, hay ít ra là tranh luận một cách lịch sự tương kính chứ.

Theo tôi, đó là vì khi viết, Dương Danh Huy có một “target audience” rõ ràng là chính quyền, không những chính quyền Việt Nam mà cả chính quyền Philippines, Indonesia, v.v… Do đó, Dương Danh Huy thường viết với một giọng khách quan, không gay gắt, không “nhập đề”, “kết luận” hay “thân bài” bằng cách đay nghiến cái công hàm của Phạm Văn Đồng hay rủa xả nhà nước Việt Nam, vì làm như vậy sẽ phản tác dụng. Khác hẳn lối viết của Trương Nhân Tuấn (ông này nhắc đến Phạm Văn Đồng ít nhất là TÁM lần trong bài và câu kết thúc cũng là nói về cái công hàm “mắc dịch” đó, dường như mối lo chính của ông là sợ người đọc quên cái tội của Phạm Văn Đồng). Có những người có thể coi lối viết của Dương Danh Huy là một kiểu “lập lờ”, ủng hộ cộng sản, không thể tha thứ được.

Theo tôi, nếu quả thật Dương Danh Huy và nhóm Nghiên cứu Biển Đông là cái “loa” của chính quyền Việt Nam như Trương Nhân Tuấn nói, thì ta phải lấy làm mừng rằng chính quyền Việt Nam đã có một chính sách quá hay để giải quyết vấn đề Biển Đông theo chiều hướng thuận lợi nhất có thể được. Chỉ e rằng không được thế!

Những người quen thuộc với UNCLOS và tình hình Biển Đông cũng sẽ thấy ngay một số điểm sai quan trọng trong những luận cứ của Trương Nhân Tuấn. Chẳng hạn, ông Tuấn nói rằng Exxon Mobil rời bỏ Việt Nam vì áp lực của Trung Quốc, một việc chưa hề xảy ra (Exxon Mobil quả đã bị áp lực trong năm 2008 nhưng đã tuyên bố là không rời bỏ hợp đồng khai thác với Việt Nam). Về tiền lệ, ông nói rằng “Anh vẫn giữ nguyên tuyên bố 200 hải lý quyền khai thác” chung quanh hòn đá “Rock All”, trong khi thực ra Anh đã chính thức rút lại đòi hỏi này từ năm 1997 để tuân thủ Luật Biển. (Thực ra là hòn Rockall chứ không phải Rock All, như Trương Nhân Tuấn đã viết sai hai lần!) Vậy tiền lệ này ủng hộ quan điểm của Dương Danh Huy chứ không ủng hộ quan điểm của Trương Nhân Tuấn!

Trương Nhân Tuấn còn viết rằng “nước nào có chủ quyền ở [Trường Sa] (và Hoàng Sa) đương nhiên chiếm lĩnh cả Biển Đông, vì biển giữa quần đảo được coi là nội hải”. Hoàn toàn sai, 100%! Thực ra, điều khoản “nội hải” này của UNCLOS chỉ áp dụng cho các quốc gia quần đảo (archipelagic states) như Philippines, Indonesia, chứ không áp dụng cho những quần đảo không phải là quốc gia, như Trường Sa. Tôi cho rằng đây là một sự cố ý ngụy biện chứ không phải là không biết, vì ngay sau đó thì Trương Nhân Tuấn đã viết nguyên si thành ngữ “quốc gia quần đảo” trong UNCLOS: “Theo Luật Biển 1982: Quốc gia quần đảo có chủ quyền với vùng nước, vùng trời và vùng đáy và lòng đất tương ứng cũng như tài nguyên ở đó”. Trương Nhân Tuấn đã đưa ra những lý lẽ ngụy biện, “luật rừng” mà Trung Quốc dùng để bảo vệ lưỡi bò của mình, và bảo đó là luật biển quốc tế!

Còn nhiều chi tiết sai bậy hay thổi phồng khác, như: “Hầu hết các Atlas nước ngoài đều ghi nhận công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng đã công nhận HS và TS thuộc chủ quyền của Tàu”. Atlas thường đâu có ghi nhận những công hàm như vậy? Trương Nhân Tuấn đưa ra được đúng… một ví dụ để chứng minh chữ “hầu hết”. “Trước dư luận quốc tế, HS và TS đã là của Trung Quốc”: có thật không vậy? Hầu hết báo chí cũng như giới nghiên cứu quốc tế đều nói rằng những đảo này, nhất là Trường Sa, đang tranh chấp chủ quyền. Chỉ cần xem Wikipedia là biết. “Trường hợp tranh cãi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về chiếc tàu Impeccable là một thí dụ. Đây là một trong nhiều kẽ hở của Luật Biển 1982″: hoàn toàn sai. UNCLOS (điều 58) nói rõ ràng là ngoài việc khai thác kinh tế, EEZ phải được coi là biển khơi, tàu các nước tự do qua lại.

Tôi nghĩ rằng, ở tư thế một nước yếu phải bảo vệ quyền lợi của mình, người Việt cần có thái độ hợp tác và xây dựng hơn trong những vấn đề có liên quan đến lãnh thổ quốc gia. Dùng thủ đoạn công kích chụp mũ như ông Trương Nhân Tuấn đã làm không ích lợi gì cho quốc gia dân tộc, mà chỉ là tung hỏa mù cho chính mình khi đang tranh đấu trước kẻ thù chung.

--------------------------------------------------

Tài liệu

[1] Dương Danh Huy - Phạm Thu Xuân - Nguyễn Thái Linh - Lê Vĩnh Trương - Lê Minh Phiếu, Tranh chấp Biển Đông và vai trò của Liên hiệp quốc: http://tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/6378/index.aspx

[2] BBC (21/1/2008) Philippines đăng thư ngỏ về Biển Đông: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/11/081121_manilatimes_asean_sea.shtml

[3] Dương Danh Huy, Bức thư ngỏ trên tờ Manila Times: http://www.minhbien.org/?p=493

[4] Lê Minh Phiếu - Dương Danh Huy, Việt Nam trước chủ trương của Trung Quốc đối với Biển Đông: http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/5831/index.aspx. Ghi chú: bản đồ ở bài này có sửa đổi vài chi tiết trong đề nghị phân chia biển Đông cho hợp luật quốc tế hơn, so với bản đồ trước ở BBC.

[5] United Nations Law of the Sea (UNCLOS): http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/convention_overview_convention.htm

[6] Li Jinming, Li Dexia, The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea: A Note, Ocean Development & International Law, 34:287-295, 2003: http://www.southchinasea.org/docs/Li%20and%20Li-The%20Dotted%20Line%20on%20the%20Map.pdf

[7] Official Chinese map of the South China Sea with the nine-dotted line, 1999: http://www.southchinasea.org/9-dotted%20map/map_small.gif

© 2009 Phạm Quang Tuấn

© 2009 talawas blog

No comments:

Post a Comment