Đã đến lúc Bắc Kinh biểu tỏ sức mạnh?
Trần Bình
Đăng ngày 24/03/2009 lúc 04:01:19 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3636
Đó là nhan đề bài báo: “A Time for muscle-flexing” đăng trên tờ The Economist số 21 – 27 Tháng Ba 2009. Nội dung bài báo viết:
Tại Trung Quốc tháng 12 vừa qua có một phong trào quần chúng đòi biểu dương sức mạnh vào dịp sinh nhật thứ 115 của Mao Trạch Đông (1) và chính quyền Bắc Kinh không muốn dư luận quốc tế chú ý đến phong trào quần chúng này. Bài báo nhấn mạnh rằng phong trào này nẩy mầm từ tháng Ba năm trước, khi thế giới ủng hộ đức Dalai Lama và phản đối chính sách của Trung Quốc tại Tây Tạng và bùng lên khi Trung Quốc chiếm được nhiều huy chương nhất trong Thế Vận Hội mùa hè tháng Tám năm 2008. Vào cuối năm 2008 khi Hoa Kỳ và thế giới bị khủng hoảng kinh tế trầm trọng, Trung Quốc bỗng nhiên thấy có cơ hội biểu dương sức mạnh kinh tế của mình.
Trong 20 năm qua, ngoài hai trường hợp Trung Quốc làm dữ, thứ nhất là vụ 1995-1996 khi Đài Loan muốn đòi độc lập, thứ hai là năm 2001 đụng độ với Hoa Kỳ khi máy bay Trung Quốc chạm máy bay trinh thám của Hoa Kỳ ngoài khơi Trung Quốc, Trung Quốc thường tỏ ra tự chế trong các chính sách liên quan đến thế giới theo đúng lời căn dặn của Đặng Tiểu Bình: lặn cho sâu, đừng đi trước, nhẫn nại quan sát và giấu kỹ khả năng của mình (keep a low profile, not take the lead, watch developments patiently, keep capacities hidden). Nhưng vào thời điểm này, nhân Tây phương đang yếu thế vì khủng hoảng kinh tế, hình như Trung Quốc đang chuyển dần chính sách và “lên gân”.
Trong chuyến thăm viếng Âu châu cuối Tháng Giêng đầu Tháng Hai (2009) vừa qua, thủ tướng Ôn Gia Bảo trong một cuộc nói chuyện tại đại học Cambridge nói sự phát triển của Trung Quốc không đe dọa ai (2) mà là một sự lớn mạnh bình thường trong tinh thần hòa bình và hợp tác của một “siêu cường” (great power). Vì lý do tế nhị, khi phổ biến bản tin, Tân Hoa Xã đã dùng chữ “nước lớn” (great country) thay cho chữ siêu cường.
Cuối tháng Hai 2009, Trung Quốc đã tiếp đón bà Hillary Clinton tân ngoại trưởng Hoa Kỳ một cách trọng thể vì bà
Nhưng chỉ hai tuần lễ sau ngày bà Clinton rời Bắc Kinh, Trung Quốc đã cho tàu chiến chận đường một chiếc tàu của hải quân Hoa Kỳ, chiếc USN Impeccable, khi chiếc Impeccable đang làm công tác đo đạc và dò tìm vật lạ dưới đáy biển (tàu ngầm Trung Quốc?) trong vùng biển Đông, ngoài khơi Việt Nam chỉ cách bờ cực nam của đảo Hải Nam của Trung Quốc 75 hải lý (125 km). Hải quân Hoa Kỳ vẫn có công tác theo dõi hoạt động quân sự của Trung Quốc quanh bờ biển Trung Quốc trong hải phận quốc tế. Trung Quốc theo dõi sát các hoạt động này nhưng không lớn tiếng phản đối. Lần này, không phải tình cờ mà Trung Quốc làm dữ, và để đáp ứng Hải quân Hoa Kỳ đã phái một khu trục hạm đến hộ tống chiếc Impeccable. Đáp lại Trung Quốc phái một chiếc tàu kiểm soát ngư nghiệp đến trong vùng. Người ta không biết chiếc Impecable có tiếp tục công tác với tàu hộ tống không. Hình như Trung Quốc không muốn làm cho vụ này nổ lớn như vụ máy bay Trung Quốc và Hoa Kỳ đụng nhau trên không năm 2001, nhưng theo ông Sử Tân Hồng (Shi Yinhong) tại đại học Nhân Minh (Renmin) thì Trung Quốc cảm thấy cơ hội đã tới để chứng tỏ sức mạnh của mình với Tây phương.
Nhưng nếu Trung Quốc còn dè dặt với Hoa Kỳ, Trung Quốc không nhẹ tay với Âu châu. Trung Quốc đột ngột hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh với Âu Châu dự trù trong tháng 12/2008 chỉ vì tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đương kim chủ tịch Cộng đồng Âu Châu đã tiếp đức Dalai Lama. Cuộc họp thượng đỉnh được dời lại vào cuối năm 2009, nhưng thủ tướng Ôn Gia Bảo Trung Quốc vẫn không đến viếng Pháp trong chuyến công du qua nhiều nước Âu châu của ông cuối Tháng Giêng đầu Tháng Hai vừa qua.
Và nếu quan sát kỹ chúng ta thấy Trung Quốc chưa từ bỏ chính sách “4 tiêu chuẩn” vàng của Đặng Tiểu Bình. Trung Quốc tỏ ra không phấn khởi khi giáo sư Fred Bergsten gợi ý rằng chìa khóa giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay nằm trong tay Hoa Kỳ và Trung Quốc – mà ông đặt tên là nhóm G2-. (3)
Chủ tịch Ngân Hàng Quốc Tế (World Bank) Robert Zoellick hưởng ứng ý kiến của giáo sư Bergsten trong một bài báo đăng trên tờ Washington Post ngày 6 tháng Ba 2009 lập luận rằng nếu không có cái nhân G2 thì thượng đỉnh G20 (4) gồm 20 nước có kinh tế mạnh trên thế giới không giải quyết được gì.
Nhưng giới chức Trung Quốc không để cho ý tưởng này mê hoặc. Họ cho rằng đóng vai trò quan trọng trong nhóm “tưởng tượng” G2 có hại hơn là có lợi vì Hoa Kỳ chẳng bao giờ chịu từ bỏ thế thượng phong của mình và Trung Quốc cũng không bao giờ tìm kiếm thế bá quyền (sic).
Tuy nhiên trong bụng Bắc Kinh rất khoái vai trò quốc tế đang lên của mình. Một nhà ngoại giao Tây phương nói rằng cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc vào dịp họp khối G20 họp ngày 2/4/09 tới tại London còn quan trọng hơn hội nghị G20. Không biết Trung Quốc sẽ đưa ra lá bài gì trước cuộc họp năm nay, nếu người ta nhớ rằng trước hội nghị G20 năm trước (5) Trung Quốc đã làm cho dư luận quốc tế chú ý đến mình khi công bố một chương trình chi tiêu trong nước để thúc đẩy kinh tế (stimulus package) lên đến 4 tỉ nhân dân tệ (565 tỉ mỹ kim).
Tuy nhiên Trung Quốc chưa muốn đẩy Hoa Kỳ ra khỏi vị trí ưu tiên. Trung Quốc chỉ muốn tiếng nói của mình và của các nước đang phát triển khác trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có trọng lượng hơn để cân bằng tiếng nói đang có ảnh hưởng gần như tuyệt đối của Hoa Kỳ. Trong cuộc họp báo ngày 13/3/2009 thủ tướng Ôn Gia Bảo nói rằng Trung Quốc sẽ đóng góp cho IMF nhiều hơn để IMF có khả năng giải quyết khó khăn kinh tế thế giới hiện nay, và (thủ tướng họ Ôn không nói ra) đóng thêm bao nhiêu tùy theo tiếng nói của Trung Quốc có trọng lượng đến mức độ nào. Có một số nước trong danh sách giúp đỡ của IMF vốn có ác cảm với Trung Quốc và Trung Quốc không muốn bỏ tiền ra để giúp các nước này.
Một số viên chức và nhóm chủ trương quốc gia quá khích tại Trung Quốc muốn Trung Quốc nên nhân dịp này tạo thế đứng mới trên thế giới. Một bài viết trên tờ Economic Reference (một tờ báo Anh ngữ của chính phủ Trung Quốc) nói cuộc khủng hoảng hiện nay làm yếu các nước tiên tiến Tây phương về cả 3 phương diện kinh tế, chính trị và quân sự, và Trung Quốc nên nhân cơ hội lịch sử này (historic opportunity – danh từ dùng trong bài báo) để củng cố thế lực. Họ chủ trương Trung Quốc nên đổ nhiều tiền bạc vào các nước Đông Nam Á để giúp các nước này chấn hưng kinh tế, chận đứng sự bất ổn xã hội và do đó làm tăng thế đứng chiến lược của Trung Quốc trong vùng.
Bài báo viết rằng: Trung Quốc nên mua nhiều cơ sở sản xuất tại Hoa Kỳ để có thêm hiểu biết kỹ thuật (know-how), và nếu Hoa Kỳ ngăn cản không cho Trung Quốc mua, Trung Quốc có thể dùng số lượng “đô la” Trung Quốc đang có trong tay để làm áp lực. Một số viên chức cấp thấp của Trung Quốc đã tung quả bóng “đe dọa” rằng Trung Quốc có thể bán công khố phiếu của Hoa Kỳ (và làm giảm giá trị đồng mỹ kim) nếu như tổng thống Obama làm Trung Quốc bất bình về vấn đề Tây Tạng, thí dụ như ông Obama tiếp đức Dalai Lama chẳng hạn. Người ta không tin Trung Quốc sẽ dùng ngón đòn hạ cấp đó, nhưng sự việc ý đó được tung ra dư luận cho thấy thái độ tự tin của Trung Quốc. Ngày 18/3 vừa qua Trung Quốc đã dùng luật “chống độc quyền” (6) để chận không cho hãng nước ngọt Coca-Cola của Mỹ mua lại công ti đóng hộp nước trái cây Huiyuan của Trung Quốc với giá 2.4 tỉ mỹ kim.
Mới đây trong Tháng Hai, Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping), khi thăm viếng Nam Mỹ đã nói trước một cử tọa Hoa kiều tại Mexico rằng có những người nước ngoài có thói thích chỉ trích Trung Quốc. Ông nói thêm rằng Trung Quốc không xuất cảng nghèo khó và đói kém, Trung Quốc không nhảy xổm vào chuyện của nước khác, vậy tại sao cái gì cũng đổ tội cho Trung Quốc? (7) . Một số giới chức Trung Quốc khác cho rằng ông Phó chủ tịch đi quá xa. Truyền thông chính thức trong nước không đăng tải lời phát biểu của ông Xi Jinping, nhưng nhiều trang nhà điện tử quá khích (bán chính thức của chính phủ) tỏ ra rất phấn khích.
Trung Quốc cũng muốn tránh tiếng rằng Trung Quốc không muốn chấp nhận kinh tế thị trường mặc dù đảng cộng sản Trung Quốc đang nhúng tay đậm vào chương trình kiểm soát cuộc khủng hoảng. Tuy vậy kinh tế Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng không ít bởi sự suy thoái toàn cầu hiện nay. Theo con số chính thức ít nhất đã có 20 triệu người thất nghiệp phải trở về quê khi các hãng xưởng sản xuất hàng rẻ tiền để xuất cảng đóng cửa. Nhân công làm văn phòng cũng bị cho nghỉ việc hoặc cắt lương, hay giảm các khoản tiền thưởng. Chính phủ Trung Quốc nói rằng độ tăng trưởng kinh tế năm nay là 8% so với 9% năm 2008. Nhưng Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước lượng rằng mức tăng trưởng của Trung Quốc năm nay chỉ chừng 6.5% và công nhận – dù vậy – kinh tế Trung Quốc vẫn còn vững mạnh hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới.
Trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế này Trung Quốc thường lên tiếng chống đối khuynh hướng bảo vệ công nghệ (protectionism) của thế giới vì Trung Quốc biết mậu dịch với thế giới Tây phương là con đường sống của kinh tế Trung Quốc. Vì vậy thủ tướng Ôn Gia Bảo không bỏ lỡ cơ hội nào trong các bài diễn văn hay các cuộc tiếp xúc với báo chí để ca ngợi thuyết “cung cầu” của Adam Smith. Tại London ông khoe với ký giả báo Financial Times rằng ông luôn mang theo trong cặp da của ông cuốn Lý thuyết luân lý kinh tế (The Theory of Moral Sentiments) của Smith. Ông Ôn Gia Bảo nói đoạn ông thích nhất trong cuốn sách là đoạn Smith nói rằng nếu (chính phủ) không phân phối thành quả của sự phát triển kinh tế cho mọi người thì đó là một động thái thiếu luân lý (morally unsound) và đe dọa sự ổn định của xã hội. Đảng Cộng sản Trung Quốc biết rằng ở trong nước đảng đang bị dân chúng than phiền đã không làm những gì cần thiết để giúp thành phần gặp khó khăn vì suy thoái kinh tế, nên khi ông Ôn Gia Bảo ca ngợi cuốn sách Lý thuyết luân lý kinh tế ông muốn nói với dân chúng Trung Quốc rằng Đảng thật sự có quan tâm.
Tuy nhiên chính phủ Bắc Kinh không muốn nội bộ bàn ra tán vào nhiều về cách nào hay nhất để vãn hồi sức mạnh kinh tế như ở Tây phương. Phiên họp quốc hội định kỳ họp trong tháng Ba này chỉ kéo dài 9 ngày thay vì hai tuần như thường lệ với một nghị trình lấy có. Ông Ngô Bang Quốc (Wu Banggun), Chủ tịch quốc hội, lợi dụng quốc hội họp để chỉ trích những đại biểu đòi hỏi cần nới lỏng sự kiểm soát độc tôn của đảng (trong kế hoạch cải tổ để phục hồi kinh tế). Không có một chương trình phục hồi kinh tế nào được công bố vào cuối phiên họp quốc hội. Quốc hội chỉ hứa sẽ công bố sau, và tiết lộ để yên lòng dân rằng chương trình phục hồi sẽ gồm 850 tỉ nhân dân tệ trải dài trong 3 năm để cải tổ chương trình chăm sóc sức khỏe của dân, và các chương trình trợ cấp tăng từ 1% lên 4%, trong khi các chương trình xây dựng công cọng giảm từ 45% xuống 38%, và chương trình chống khí quyễn nóng dần được cắt giảm từ 9% đến 5% trong ngân sách phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên chương trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc nặng về bảo vệ lĩnh vực công. Các ngân hàng nhà nước, nguồn cung cấp tín dụng cho các công ty quốc doanh chiếm hầu hết ngân sách phục hồi kinh tế, các xí nghiệp tư chỉ còn lượm đồ thừa.
“Viện Cải tổ và Phát triển Trung Quốc” (The China Institute for Reform and Development), một cơ sở nghiên cứu độc lập vừa cho phát hành một tài liệu dày 171 trang nhan đề “Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới làm chậm chương trình cải tổ kinh tế Trung Quốc” (The International Financial Crisis Challenges Reforms in China) kết luận rằng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là cơn khủng hoảng lớn nhất của quốc gia từ 30 năm nay kể từ ngày bắt đầu chương trình mở cửa (bên cạnh những cuộc khủng hoảng khác như cuộc nổi dậy Thiên An Môn năm 1989, cuộc khủng hoảng kinh tế Á Châu các năm 1997-1998 và đợt tái cấu trúc các cơ sơ kinh doanh làm hàng triệu người mất việc).
Tài liệu viết rằng Trung Quốc cần cải tổ kinh tế theo hướng thị trường hơn nữa, nếu không, chẳng những kế hoạch phục hồi kinh tế hiện nay không thành công mà còn tạo ra những vấn đề khác trong tương lai. Và đề nghị chính phủ cần nới lỏng sự kiểm soát giá cả trong lĩnh vực điện nước và hạ giảm tính độc quyền trong các lĩnh vực kỹ nghệ khác như tin học, hỏa xa và hàng không dân dụng. Tài liệu kêu gọi chính phủ khuyến khích sự phát triển các cơ sở kinh tế tài chánh tư, thả nổi lãi xuất ngân hàng và giá hối đoái của đồng nhân dân tệ. Trong bài diễn văn kết thúc phiên họp quốc hội hôm 13/3/2009 thủ tướng Ôn Gia Bảo kêu gọi cải tổ kinh tế và chính trị cho dân có nhiều quyền và được tự do hơn. Nhưng trong cuộc khủng hoảng này Bắc Kinh vẫn thấy có nhu cầu tập trung quyền hành trong tay Đảng để quyết định các biện pháp cho là cần thiết mà không cần bàn cãi lôi thôi.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ rất thận trọng trong các chính sách trong nước (để yên lòng dân). Nhưng nếu các nước Tây phương có khuynh hướng bảo vệ công nghiệp của mình thì những người quốc gia quá khích tại Trung Quốc sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn đòi Trung Quốc phải có thái độ. Trong Tháng Ba này người ta thấy xuất hiện tại Trung Quốc một cuốn sách nhiều tác giả nhan đề Một nước Trung Hoa Bất Mãn (Unhappy China) in 70 ngàn số nội dung nói lên sự bất mãn của quần chúng đối với thái độ của Tây phương. Một bài viết trong cuốn sách đi xa đến độ nói rằng Tây phương có thể sẽ gây chiến với Trung Quốc vì ganh tị.
Ít ai nghĩ kịch bản đó có thể xẩy ra. Một tác giả khác nói với dân chúng rằng chính quyền không muốn thấy những cuốn sách có nội dung như cuốn Unhappy China ra đời vì Tây phương có thể dựa vào đó kết luận Trung Quốc là một mối đe dọa cho hòa bình thế giới. Nhà xuất bản cũng đã cắt không đăng một bài viết kể chuyện Ấn Độ sáp nhập
Tất cả nói lên môt điều rằng Trung Quốc muốn trở thành số một trên thế giới, nhưng Trung Quốc muốn âm thầm đi tới đó mà không tạo ra những địch thủ đáng sợ.
Trần Bình Nam lược thuật
23 Tháng Ba, 2009
-------------------------------------------------------------------
(1) Mao Trạch Đông sinh ngày 26/12/1893
(2) Tại đó, theo tin tức, một sinh viên người Đức đã cởi giày định ném vào thủ tướng họ Ôn – như từng xẩy ra tại
(3) Giáo sư Fred Bergsten thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Institute for International Economics) gợi ý này trong một bài viết đăng trên tờ Foreign Affairs số Tháng Bảy 2008
(4) Hội nghị G20 gọi là “Thượng Đỉnh về Thị Trường Tài chánh và Kinh Tế Thế Giới” (Summit on Financial Markets and the World Economy).
(5) Hội nghị G20 năm trước họp tại Hoa Thịnh Đốn ngày 15/11/2008.
(6) Một bộ luật Trung Quốc thông qua trước đây, và bây giờ người ta mới hiểu để làm gì.
(7) Tiếng nói của ông Tập Cận Bình có trọng lượng vì ông là một trong 2 người được đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị thay thế Hồ Cẩm Đào vào đại hội năm 2012.
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment