Tuesday, March 31, 2009

CHUYỆN BÔ-XÍT

Chuyện Bauxite: Đừng Lo - Mỹ Đầu Tư 40%, Trung Quốc 20% hay là Hoả Mù?

Đàn Chim Việt

Đăng ngày 31-3-2009

http://danchimviet.com/articles/996/1/Chuyn-Bauxite-ng-Lo---M-u-T-40-Trung-Quc-20-hay-la-Ho-Mu/Page1.html

LTS. Gần đây chuyện nhà nước Việt Nam đang tiến hành cho Trung quốc vào Trung nguyên (Tân Rai, Lâm Đồng, ĐắcNông...) khai thác quặng mỏ Bô-xít, khích động dân tộc thiểu số Tây nguyên (FULRO, Front Unifié De Lutte des Races Opprimeés/United Front for the Struggle of the Oppressed Races) giành lấy chủ quyền, đang là một vấn đề gây nhiều âu lo xóc nổi với nhiều người Việt trong và ngoài nước. Là những người không quên cội nguồn cũng như đất nước và dân tộc Việt của mình, chúng tôi cũng nhiều khi trằn trọc mất ngủ không hiểu tại sao lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, từ tổng bí thư đến chủ tịch nước cũng như phe phái, bộ hạ của mình lại có thể ngu xuẩn đánh một nước cờ thí, bán đứng tương lai và sinh mạng của đất nước cùng bao nhiêu thế hệ của người dân để đổi lấy lợi tức cho tập đoàn kinh tế của họ? Cho dù dân tình Việt Nam sẽ chấp nhận và chịu đựng một kiếp nô lệ cho Bắc triều thêm một phen nữa, hiểm họa bệnh tật do ô nhiễm độc hại Bauxite mang lại cho kiếp sống mình và con cháu mình sẽ chẳng có thú vị gì trong cuộc sống đồng hóa, gả bán tài nguyên quốc gia để được làm chư hầu của Trung quốc.

Sau đây để rộng đường dư luận, Đàn Chim Việt xin đơn cử bài của blogger Hà Hiền ở Hải Phòng (đăng trên BBC), một người mà theo thiển ý, cố tình gây hỏa mù, bao che cho ý đồ bán nước của lãnh đạo. Cũng trong ý niệm đó, độc giả sẽ đọc được nhận định rất xác đáng của Nguyễn QuốcTuấn về những lời bào chữa hay thông cáo vô căn cứ trong blog đó cũng như một lá thơ thống thiết khác của nhà báo Lê Phú Khải từ thành phố Sài Gòn.

------------------------------------------------------------------------

Trung Quốc, Mỹ và bauxite ở Tây Nguyên
Hà Hiền
Blogger, Hải Phòng

Truyền thông nhà nước Việt Nam đã loan tin chính phủ Việt Nam cho phép Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, gọi tắt là TKV, lập công ty cổ phần và giữ 51%, bán ra công chúng 9%, còn lại thì cho nước ngoài tham gia với tỉ lệ không quá 40%.
Dựa vào đó, TKV có thể mời tập đoàn ALCOA của Mỹ góp đến 40% vốn vào dự án Nhân Cơ ở Đắk Nông, và mời tập đoàn luyện kim Vân Nam của Trung Quốc tham gia dự án Tân Rai, Lâm Đồng, với tỉ lệ vốn không quá 20%.
Đã có người để ý hóa ra trong vấn đề khai thác bauxite, không chỉ có công ty Trung Quốc mà cũng có "tư bản" Mỹ nhúng tay vào - trong khi hầu hết ý kiến phản đối đều chỉ nhắm vào đối tượng láng giềng phương Bắc.
Nếu như vậy thì đa số ý kiến, ít nhất là trong cộng đồng mạng, đã "thành kiến" với Trung Quốc rồi.

Thành kiến xác đáng


Nhưng sự thành kiến này có nguyên nhân khách quan và xác đáng của nó.
Đó là đa số người ta không nhìn thấy nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ đến từ Mỹ trong khi nguy cơ này lại luôn lù lù hiển hiện từ ông bạn láng giềng "núi liền núi sông liền sông".
Tất nhiên cũng có một bộ phận người Việt rất ghét Mỹ, nhưng số người Việt vừa ngại vừa không ưa Trung Quốc chắc chắn lớn hơn rất nhiều
Lịch sử quan hệ Việt-Trung từ ngàn đời là lịch sử xâm lược Việt Nam của Trung Quốc và lịch sử chống xâm lược Trung Quốc của Việt Nam, tạo nên vết hằn có tính di truyền trong não bộ của các thế hệ người Việt, làm cho người VN luôn nhìn người Trung Quốc với mối e ngại và thiếu thiện cảm.
Tất nhiên cũng có một bộ phận người Việt rất ghét Mỹ, nhưng số người Việt vừa ngại vừa không ưa Trung Quốc chắc chắn lớn hơn rất nhiều.
Trong lịch sử của quan hệ Việt - Mỹ cũng có chiến tranh, nhưng khách quan mà nói thì đó là cuộc chiến tranh giữa một bộ phận người VN với Mỹ. Và nhiều người cho rằng Mỹ chỉ có tham vọng áp đặt ảnh hưởng chứ chưa bao giờ thể hiện tham vọng chiếm đất, chiếm biển của VN.

Dân trí?

Còn trong các cuộc chiến tranh Việt - Trung, người ta có thể thấy tinh thần chống trả của tất cả mọi người VN, và khối đoàn kết dân tộc trong những trường hợp như vậy luôn luôn tỏ ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Phải thừa nhận một sự thật khách quan rằng tham vọng về ảnh hưởng của Mỹ, cụ thể hơn là những chuyện "nhạy cảm" có dính dáng đến những cụm từ "dân chủ" hay "nhân quyền" đang được một bộ phận người Việt Nam coi là nguy cơ sát sườn, nguy cơ số một.
Nhưng cũng phải thừa nhận một sự thật khách quan khác là rất nhiều người, nếu không nói là chiếm số đông hơn so với bộ phận kia, coi tham vọng về lãnh thổ của Trung Quốc mới là nguy cơ hàng đầu.
Liệu đấy có phải là do dân trí của đa số dân VN vẫn còn thấp, hoặc đã đủ cao, để không biết sợ con ngáo ộp có tên là "dân chủ" hay "nhân quyền"?
Hay là do người VN thành kiến với Trung Quốc quá mà quên đi những nguy cơ đến từ nước Mỹ?
Riêng những câu hỏi này thì có lẽ nên dành phần trả lời cho người Trung Quốc hay những người làm công tác "văn hóa tư tưởng" ở VN.

Nguồn: bbc.co.uk Forum

------------------------------------------------------------------------------

Phân tích của Nguyễn Q. Tuấn

"Dựa vào đó, TKV có thể mời tập đoàn ALCOA của Mỹ góp đến 40% vốn vào dự án Nhân Cơ ở Đắk Nông, và mời tập đoàn luyện kim Vân Nam của Trung Quốc tham gia dự án Tân Rai, Lâm Đồng, với tỉ lệ vốn không quá 20%.
Đã có người để ý, hóa ra trong vấn đề khai thác bauxite, không chỉ có công ty Trung Quốc mà cũng có "tư bản" Mỹ nhúng tay vào - trong khi hầu hết ý kiến phản đối đều chỉ nhắm vào đối tượng láng giềng phương Bắc." Trước khi vào vấn đề, tôi muốn nêu lên một chi tiết rất buồn cười là truyền thông nhà nước loan tin trước khi có thông cáo báo chí chính thức - (Press Release) thì làm gì có việc các đài TV/radio thong tin bậy bạ kiểu này. Quả là Đảng Cộng Sản Việt Nam lúc nào cũng là đội ngũ tiền phong trong chuyện tin vịt này (chữ nghiêng Đàn Chim Việt).

1. Bây giờ, xin trở lại vấn đề chính. Xin mời đọc giả đọc lại đoạn đầu tiên của blogger Hà Hiền:

"Truyền thông nhà nước Việt Nam đã loan tin chính phủ Việt Nam cho phép Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, gọi tắt là TKV, lập công ty cổ phần và giữ 51%, bán ra công chúng 9%, còn lại thì cho nước ngoài tham gia với tỉ lệ không quá 40%.
Dựa vào đó, TKV có thể mời tập đoàn ALCOA của Mỹ góp đến 40% vốn vào dự án Nhân Cơ ở Đắk Nông, và mời tập đoàn luyện kim Vân Nam của Trung Quốc tham gia dự án Tân Rai, Lâm Đồng, với tỉ lệ vốn không quá 20%."
"Dựa vào đó, TKV có thể mời ..." Đặt vấn đề như vậy thì hơi thiếu thực tế, nghe giống như là Công An Cộng Sản Việt Nam "mời" là phải lên trình diện tại sở công an địa phương vậy...
Lúc nào TKV cũng "có quyền" mời, tuy nhiên cứ làm như mời là tập đoàn tư bản Mỹ phải đầu tư đến 40% lập tức. Và tất cả mọi sự việc là do TKV (hay đúng hơn là Đảng Cộng Sản Việt Nam) đứng ra sắp đặt là anh Mỹ phải nghe lời DCVN phải đầu tư 40% vào dự án Nhân Cơ ở Dak Nông và anh Trung Quốc cũng phải nghe lời DCSVN đầu tư 20% vào dự án Tân Rai, Lâm Đồng.
Nếu chẳng may, anh Mỹ thấy cơ hội làm ăn ở Việt Nam rủi ro nhiều (high risk) nên không muốn đầu tư thì Trung quốc vì giá lao động (labor rate) rẻ hơn nên đầu tư luôn vào 2 công trình thì sao? Có phải là dâng toàn bộ 2 dự án vào tay Trung Quốc hay không?
Ngoài ra, bài viết này dùng số phần trăm (%) một cách thiếu dữ kiện định lượng (quantitative inputs). Chỉ nói chung chung 40% và 20% làm cho một số đọc giả không chú ý, đọc lướt qua cứ tưởng Trung Quốc chỉ có 1/2 vốn đầu tư so với Mỹ (như đã trình bày ở trên đây chỉ là bài viết có tính cách hoàn toàn giả thuyết - hypothetically). Muốn so sánh một cách chính xác thì phải nói là dự án nhân Cơ có giá trị đến 400 triệu USD và dự án Tân Rai có giá đi đến 700 triệu USD (thí dụ). Từ đó, người đọc có thể qui ra là số vốn đầu tư đến từ công ty nước ngoài là bao nhiêu - khng nất thiết chỉ có Trung quốc và Mỹ như là tác giả (Hà Hiền) đã lập luận.
Tóm lại, bắt nguồn từ 1 cụm từ "có thể mời", tác giả đã coi như sự việc "đã rồi" (DCSVN mời thì Mỹ và Trung Quốc phải nghe theo) và từ đó đặt luận cứ trên giả thuyết khó có thể xảy ra đó và tiếp tục lý luận chung chung thiếu chỉ số chuần xác.
Ở đoạn cuối tác giả có đưa ra những câu hỏi có chiều hướng so sánh hiểm họa xâm lăng của Trung Quốc và hiểm họa áp đặt ảnh hưởng của Mỹ. Điều này thì thật xác đáng, vấn đề là nhân dân Việt Nam quyết định hay la DCSVN quyết định.

Kết luận: Tôi không dám võ đoán dụng ý của tác giả khi viết bài này. Đáng giá trên nội dung và chất lượng của bài viết, tôi có nhận xét cá nhân như sau. Bài viết này có khả năng đưa đến một hậu quả mà CSVN rất mong muốn, đó là "ĐỪNG LÀM LỚN CHUYỆN BAUXITE TÂY NGUYÊN, ĐỪNG ĐỂ ĐẠI ĐA SỐ QUẦN CHÚNG ĐỨNG LÊN PHẢN KHÁNG DCSVN KHI TẬP ĐOÀN BÁN NƯỚC NÀY LÀM NGƠ ĐẾN HIỂM HỌA XÂM LĂNG CỦA TRUNG CỘNG."

a. Những gì gọi là truyền thông của nhà nước Cộng Sản Việt Nam có đáng tin cậy hay không? Suốt mấy chục năm qua chúng ta đã "nhẹ dạ" tin CSVN bao nhiêu lần? Và chúng ta đã phải trả giá bằng những gì? Nên nhớ đây là thông tin của nhà nước CSVN chứ không phải là của tập đoàn TKV. Lấy một thí dụ điển hình: Tại đất nước Mỹ này, đài CNN, FOX, NBC, v.v.. có thể đăng tin Microsoft sẽ đầu tư 20 tỉ USD (dollars) vào Việt Nam. Nhưng nguồn tin đó có thể không chính xác cho đến khi nào cong ty Microsoft ra thông cáo chính thức (official Press Release). Vì vậy cái gọi là truyền thông của nhà nước Cộng Sản Việt Nam có thể gửi lời cải chính là đã "đưa tin nhầm" không có gì lạ. Qua vụ cướp đất Thái Hà và những việc đàn áp dân oan từ hai năm nay thì chúng ta biết công cụ truyền thông tại Việt Nam đang phục vụ cho quyền lợi DCSVN chứ không phải cho nhân dân hay tổ quốc Việt Nam.

b. "Dựa vào đó.."
Không hiểu câu này nên hiểu thế nào mới đúng. TKV dựa vào thông tin của nhà nước CSVN (CSVN cho phép 40% vốn đầu tư nước ngoài vào TKV) hay là blogger Hà Hiền muốn chúng ta dựa vào bản tin của nhà nước CSVN để tiếp tục đặt vấn đề. Rất tiếc, tôi chưa được đọc bản thông tin của nhà nước CSVN về việc cho phép TKV nhận vốn đầu tư 40%. Thôi thì ai đưa vào cũng được, nội dung chính là 40% đầu tư vào TKV có thể cho nước ngoài vào đầu tư. Blogger Hà Hiền tiếp tục TKV có thể mời... hay là "Chuyện này rất đúng và hoàn toàn chính xác.." và buồn cười. TKV muốn mời tập đoàn đầu tư ngoại quốc nào mà lại không được? Có thể là tư bản Hàn Quốc hay là mấy ông vua dầu hỏa Ả Rập, hay Iran, một nước đang thiếu nhiên liệu trầm trọng. Tại sao lại phải Mỹ? Không hiểu trong bản tin của nhà nước Cộng Sản Việt Nam có viết rõ ràng là mời tập đoàn ALCOA của Mỹ hay không?

c. Cứ cho là CSVN muốn ôm chân Mỹ nên mời tập đoàn ALCOA đi...Nhưng quý vị nào từng đi mời thầu đều biết là mình "mời" nhưng chưa chắc ALCOA đã muốn bỏ vốn đầu tư vì thấy mức dự đoán lợi nhuận không được khả quan cho lắm thì họ vẫn không muốn đầu tư. Bởi vậy việc nói rằng cho Mỹ đầu tư đến 40% không có nghĩa là Mỹ sẽ đầu tư. Ngoài ra việc tập đoàn ALCOA đầu tư vào Việt Nam thì khác hẳn với một công ty luyện kim của Trung Quốc. ALCOA là một hãng độc lập với chính phủ Hoa Kỳ. Trong khi những ngành kỹ nghệ quan trọng của các nước Cộng sản nói chung đều có "đường dây ăn rễ" tới tận chính phủ trung ương. Đây là chỗ khác nhau cần phân biệt.

d. "Trung quốc tham gia dự án Tân Rai, Lâm Đồng, với tỉ lệ vốn không quá 20%". Đến đây thì tôi thật muốn hỏi là blogger Hà Hiền có hiểu một chút căn bản về việc đầu tư và các quy trình của dự án đầu tư ra sao không?

Vì liên hệ trực tiếp đến việc làm, nên tôi đã cơ hội tham gia chuẩn bị trên dước 50 hồ sơ đấu thầu (bids) cho các công ty tại Đông Nam Á (trong đó có 5 công ty Việt Nam). Không bao giờ có chuyện mời vốn đầu tư mà lại có thể giới hạn là Trung Quốc chỉ được quyền đầu tư tối đa 20%, trong khi Mỹ (hay các nhà đầu tư nào khác) được quyền đầu tư đến 40%.

Về mặt thương mại, đây là chuyện không thể có vì thiếu cạnh tranh công bằng. Về mặt chính trị, tôi không tin rằng CSVN dám đặt ra một điều kiện đầu tư như thế với "thiên triều". Đây là cái tát tai 'nẩy lửa' với bất cứ một chính phủ nào chứ đừng nói chuyện là Thiên Triều Trung Quốc.

Tất cả các giả thuyết khác - tuy rất khó xảy ra mà blogger Hà Hiền đề cập đến - tôi nghĩ có thể bỏ qua, nhưng luận cứ sau cùng về phần trăm của vốn đầu tư cho thấy đây là một bài viết "rất là tay mơ" (về chuyện đầu tư quốc tế nhưng lại đánh đủ đòn tâm lý về hiểm họa Trung Quốc so với Hoa Kỳ, do đó đủ tác dụng lợi hại trong việc trấn an và thuyết phục người Việt, (hàng chữ tô đậm là của Đàn Chim Việt). Tuy tôi không dám võ đoán mục đích của tác giả, nhưng tôi dám khẳng định rằng bài viết này có thể đem lại một hiệu quả mà CSVN rất mong muốn là: "Đừng làm lớn chuyện Bauxite ở Tây Nguyên và đừng lo sợ thái quá đến âm mưu bành trướng của Trung Cộng."

Nguyễn Q. Tuấn

----------------------------------------------------------------------------

Thư ngỏ của một công dân ngoài Đảng
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh

Hãy xét lại việc khai thác bauxite


Nhà báo Lê Phú Khải viết từ thành phố HCM


Thưa Ông Tổng Bí thư,

Tôi là Lê Phú Khải, một công dân ngoài Đảng. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày cầm bút viết thư cho Ông Tổng Bí thư Đảng độc tôn cầm quyền. Song, những gì diễn ra trên đất nước của chúng ta những ngày qua khiến tôi ăn không ngon, ngủ không yên, suy nghĩ đến thức trắng nhiều đêm.

Đó là cơn bão ô nhiễm môi trường do công ty Vedan gây ra còn nóng bỏng dư luận cả nước thì một tin kinh hoàng lại ập đến là khai thác bauxite ở Tây Nguyên trên diện rộng và thời gian lâu dài. Tôi càng đau đớn hơn khi được đọc các bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nhà văn Nguyên Ngọc, tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn và đặc biệt gần đây là bài của nhà văn Phạm Đình Trọng (gây tiếng vang lớn) về thảm họa khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Tôi được biết, từ xưa đến nay Đảng cầm quyền vẫn nêu khẩu hiệu: "Ý Đảng lòng Dân". Nay những người được tuyệt đại đa số nhân dân rất yêu qúy, kính trọng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Nguyên Ngọc cả cuộc đời gắn bó với Tây Nguyên... đều phản đối mạnh mẽ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Rõ ràng trong việc này, ý Đảng không hợp với lòng Dân. Từ trước đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam làm được điều gì đều là do được sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân. Nay một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên có liên quan đến sinh mạng của đất nước, đến sự tồn vong của giống nòi, của dân tộc lại không được sự đồng thuận của nhân dân thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đối với cả Đảng cầm quyền và đất nước.

Tôi nghĩ rằng trong quá khứ, lịch sử đã lựa chọn Đảng Cộng sản là chính đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nhưng với hiện tại và tương lai thì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản không phải là một định mệnh. Nếu một đường lối, chủ trương lớn của Đảng mà từ Đại tướng đại công thần của chế độ như Võ Nguyên Giáp đến người dân bình thường lại không đồng thuận thì dù có một ngàn lần đưa sự lãnh đạo của Đảng vào điều 4 Hiến pháp cũng vô nghĩa!

Chính vì lẽ đó, với tư cách một công dân, một nhà báo lâu năm, tôi kiến nghị lên Ông Tổng Bí thư, người có trách nhiệm cao nhất của Đảng cầm quyền: Hãy đưa vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên ra bàn ở cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội và Nhà nước để dừng lại dự án này khi chưa quá muộn.

Trước đây, cải cách ruộng đất là một chủ trương lớn của Đảng nhưng khi thấy sai, Đảng đã sửa sai, được nhân dân tha thứ và đồng tình. Nay theo tôi, vấn đề bauxite còn nguy hại gấp trăm ngàn lần cải cách ruộng đất, vì nó hủy diệt cả dân tộc ta như các nhà khoa học đã dự báo.

Mười năm nữa sông Đồng Nai và những con sông khởi nguồn từ Tây Nguyên bị nhiễm bùn đỏ thì cả miền Trung, Đông Nam Bộ và TP.HCM lấy gì mà uống, những bà mẹ sẽ đẻ ra tòan quái thai. Vì sự tàn khốc đó mà Trung Quốc đã đóng cửa các mỏ bauxite của họ trên tòan quốc vào năm 2008. Vì nhân đạo mà Liên Xô trước đây đã khuyên ta không nên khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Vậy mà...

Thưa Ông Tổng Bí thư, trong cuộc cách mạng Pháp năm 1789 có một câu nói nổi tiếng của Marat được truyền tụng khắp châu Âu: Người ta lớn bởi vì anh quỳ xuống (On est grand, parce - que vous vous mettez à genoux) Dân tộc chúng ta từ khi lập nước chưa bao giờ tự cho mình là bé nhỏ. Chính vì thế nước ta xưa kia mới có tên là nước Đại Việt và giữ được nước đến hôm nay. Khi thực dân Pháp cai trị nước ta, với dã tâm làm yếu hèn ý chí tự cường của thanh thiếu niên, chúng đã sọan sách giáo khoa dạy rằng: "Nước ta hình cong như chữ S, nằm khiêm tốn bên bờ biển Thái Bình Dương!" Nhưng trận Điện Biên Phủ năm 1954 đã chôn vùi thói tham tàn của thực dân Pháp xuống bùn đen vạn kiếp.

Tổ quốc Việt Nam vĩ đại của chúng ta đời đời bất diệt. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Không kẻ nào có thể bắt Việt Nam phải "khiêm tốn" làm bãi thải rác cho họ!

Tôi có bấy nhiêu lời gan ruột của một công dân nước Việt gửi đến Ông Tổng Bí thư. Kính chúc Ông sức khỏe.

Về tác giả: Sinh năm 1942 tại Hà Nội, ông Lê Phú Khải được độc giả trong nước biết đến qua những trang viết về đồng bằng sông Cửu Long. Tác phẩm chính: Đồng Tháp Mười hôm nay, Viết từ đồng bằng Sông Cửu Long, Rắn độc trong tay người, Hồ sơ đồng bằng sông Cửu Long. Lá thư này viết ngày 18.3.2009.

Nguồn: bbc.co.uk

No comments:

Post a Comment