Friday, March 27, 2009

CẦN TUYÊN BỐ RANH GIỚI VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ

Cần tuyên bố ranh giới vùng đặc quyền kinh tế

Dương Danh Huy

Gửi tới BBC từ Oxford, Anh Quốc

Cập nhật:08:56 GMT - Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/03/090326_vietnam_eastsea.shtml

Bản đồ 1: Hai lô 5.2 và 5.3 nằm gần Phú Quý hơn Trường Sa và cách bờ biển đất liền dưới 200 hải lý. Dựa trên bản đồ của PetroVietnam.

http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/03/090326091007_map446262.gif

Gần đây một số sự kiện liên quan tới quy chế vùng đặc quyền kinh tế đã xảy ra ở Biển Đông.

Ngày 8/3, 5 tàu của Trung Quốc cản trở hoạt động do thám, đo đạc thuỷ văn của một tàu không vũ trang thuộc hải quân Mỹ trong khu vực mà Trung Quốc cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Ngày 17/3, Trung Quốc gửi tàu Ngư Chính 311 tới Biển Đông với lý do tuần tra nghề cá và sau đó tuyên bố là sẽ tăng cường lực lượng tuần tra bằng cách dùng chiến hạm cũ hay đóng tàu tuần dương mới. Việc Trung Quốc tuần tra Biển Đông trong khi phần lớn Biển Đông còn đang trong tình trạng tranh chấp có thể xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ngày 19/3, BP tuyên bố chính thức rút ra khỏi dự án với vốn 2 tỷ USD để thăm dò dầu khí tại hai vùng Hải Thạch (trong lô 5.2) và Mộc Tinh (trong lô 5.3) trong bồn trũng Nam Côn Sơn. Hai lô 5.2 và 5.3 nằm gần đảo Phú Quý của Việt Nam hơn Trường Sa và cách bờ biển đất liền Việt Nam dưới 200 hải lý. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định rằng hai lô này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. BP đưa ra lý do thương mại cho việc rút ra khỏi dự án mặc dù đã đầu tư 200 triệu USD để thăm dò và đã đánh giá vùng Hải Thạch là có thể có nhiều khí đốt nhất trong bồn trũng Nam Côn Sơn. Trước đó, vào năm 2007, Trung Quốc đã dùng quyền lợi thương mại của BP tại nước này để áp lực BP rút ra khỏi dự án với Việt Nam.

Những sự kiện này làm nổi bật lên một thiếu sót pháp lý trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Đường cơ sở 1982 của Việt Nam. Bản đồ của Defense Mapping Agency, Mỹ.

http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/03/090326091011_mapbaseline226283.gif

Trong các vùng biển mà một quốc gia có thể có chủ quyền hay quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế, từ 12 hải lý ra tới tối đa là 200 hải lý, thường là vùng đem lại nhiều quyền lợi kinh tế cho quốc gia đó nhất.

Thế nhưng Việt Nam chưa bao giờ công bố bản đồ hay phạm vi cụ thể nào cho vùng đặc quyền kinh tế của mình bên ngoài Vịnh Thái Lan và Vịnh Bắc Bộ. Trên nguyên tắc, đó là một điều bất lợi cơ bản cho việc bảo vệ quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông. Trên thực tế, với thực trạng Trung Quốc có chủ trương và hành động cụ thể để chiếm 75% Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sự chưa công bố này lại càng gây bất lợi nghiêm trọng hơn.

Vì các đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang trong tình trạng tranh chấp, vì hiệu lực để tính vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo này chưa được xác định và chưa các nước trong khu vực công nhận, vì vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo này sẽ nằm chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế từ lãnh thổ không bị tranh chấp của các nước khác, Việt Nam có thể tuyên bố là sẽ công bố phạm vi vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo này sau. Như vậy sẽ phù hợp với tinh thần của Tuyên bố 2002 của ASEAN và Trung Quốc về quy tắc ứng xử về Biển Đông.

Nhưng Việt Nam cần phải yêu sách phạm vi cụ thể cho vùng đặc quyền kinh tế từ lãnh thổ không bị tranh chấp của mình càng sớm càng tốt, thay vì chỉ tuyên bố nguyên tắc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Trong việc này, Việt Nam phải lựa chọn giữa 2 phương cách.

Phương cách thứ nhất là yêu sách phạm vi cụ thể cho vùng đặc quyền kinh tế tính bằng khoảng cách 200 hải lý từ đường cơ sở 1982 của Việt Nam.

Tuy nhiên, đường cơ sở 1982 của Việt Nam không phù hợp với UNCLOS ở một số điều quan trọng và nằm xa bờ một cách đáng kể so với một đường cơ sở phù hợp với UNCLOS. Trong vòng 2 năm từ khi Việt Nam công bố đường sơ sở 1982, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Cộng hoà Liên bang Đức, Thái Lan phản đối đường sơ sở này.

Một số khuyết điểm của đường cơ sở 1982 của Việt Nam tương đương với một số khuyết điểm của dự luật HB 3216 của Philippines về đường cơ sở của nước này. Philippines đã bác bỏ dự luật này.

Khả năng là một vùng đặc quyền kinh tế tính bằng khoảng cách 200 hải lý từ đường cơ sở 1982 sẽ không được nhiều nước chấp nhận, thậm chí có thể sẽ bị nhiều nước phản đối.

Nếu yêu sách của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế không được nhiều nước chấp nhận, hay bị nhiều nước phản đối, thì yêu sách đó khó có thể đóng góp cho việc bảo vệ quyền chủ quyền của nước ta.

Cách thứ hai

Phương cách thứ nhì là yêu sách phạm vi cụ thể cho vùng đặc quyền kinh tế tính bằng khoảng cách 200 hải lý từ những đường ad hoc phù hợp với các quy định của UNCLOS về đường cơ sở. Các đường ad hoc này có thể là ngấn thuỷ triều thấp của đất liền, của các đảo ven bờ, và của các đảo trong các nhóm Côn Đảo, Phú Quý, đơn giản hoá một cách phù hợp với quy chế đường cơ sở thẳng bình thường của UNCLOS.

Vùng đặc quyền kinh tế của các vùng lãnh thổ không bị tranh chấp, tính từ ngấn thủy triều thấp. Ranh giới lưỡi bò vi phạm phần lớn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia.

http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/03/090326091020_mapeconzone226283.gif

Phương cách này cho phép Việt Nam yêu sách phạm vi cụ thể cho vùng đặc quyền kinh tế ngay cả khi đường cơ sở 1982 chưa được chỉnh sửa, vì phạm vi đó sẽ không cách đường cơ sở 1982 hơn 200 hải lý.

Vùng đặc quyền kinh tế tính bằng phương cách này sẽ phù hợp với UNCLOS, sẽ không gây ra hay chỉ gây ra ít tranh chấp với các nước ASEAN do chồng lấn, và, quan trọng nhất, sẽ công bằng.

Như vậy, phạm vi vùng đặc quyền kinh tế đó sẽ được nhiều nước công nhận và sẽ góp phần quan trọng cho việc bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp và công bằng của nước ta. Cụ thể là Việt Nam sẽ có một ranh giới công bằng, hợp pháp và được nhiều nước chấp nhận cho vùng đặc quyền kinh tế của mình để góp phần đối trọng với những yêu sách không thể chấp nhận được của Trung Quốc dựa trên ranh giới lưỡi bò - một ranh giới mập mờ, không công bằng, không phù hợp với luật pháp và không thể chấp nhận được.

*Tác giả xin cảm ơn Lê Minh Phiếu về một số góp ý cho bài này.

No comments:

Post a Comment