Wednesday, March 4, 2009

CÁC ĐIỆU HÁT CỔ TRUYỀN

Phỏng vấn Nga Mi & Trần Lãng Minh
Đặng Phú Phong
27.02.2009
http://damau.org/archives/4269

LTS: Vì không còn phù hợp thời gian tính, chúng tôi xin lược bỏ những phần câu hỏi và câu trả lời trình bày về chương trình PHONG CHÂU MỞ HỘI giữa tác giả và hai nghệ sĩ Nga Mi - Trần Lãng Minh
Đặng Phú Phong thực hiện

Nga Mi và Trần Lãng Minh đang nói chuyện về nghệ thuật với các bạn.
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/PHNGVNNGAMITRNLNGMINH_D8C/clip_image002_thumb.jpg

Đặng Phú Phong: Xin chào nghệ sĩ Nga Mi (NM) và Trần Lãng Minh (TLM), anh chị là nghệ sĩ trình diễn: Ngâm thơ, dân ca, nhạc truyền thống v. v., nói chung là những môn văn nghệ có tính cách cổ, có những bộ môn ngay ở trong nước đã dường như mất hẳn, nhưng anh chị đã quyết theo đuổi hằng chục năm qua. Điều gì đã khiến anh chị sống chết với bộ môn ca nhạc cổ truyền, trong khi anh chị đều có khả năng cao về trình diễn tân nhạc? Mời Lãng Minh.
Trần Lãng Minh: Thưa anh, từ thuở còn bé Trần Lãng Minh vốn đã thích và luyện tập ngâm thơ, các điệu dân ca của khắp miền đất nước. Theo thời gian, Trần Lãng Minh nghiên cứu sâu thêm về các loại nghệ thuật truyền thống có từ hằng trăm năm qua của Việt Nam như: Hát Ả Đào (Ca Trù), Hát Chầu văn, Hát Xẩm, Hát Chèo, Hát trống Quân, Ngâm Kiều. Sa Mạc, Cổ Phong, Đường Thi, Bình văn, Thanh Nghệ Tĩnh, Ru Em, Tao Đàn, Hát Xoan, Hát Ghẹo … Càng đi sâu vào kho tàng Thi Ca của nghệ thuật truyền thống Việt Nam, TLM lại càng ngạc nhiên và thích thú với rất nhiều độc đáo, phong phú mang đậm tính nghệ thuật và bản sắc dân tộc, từ cả trăm, cả ngàn bài dân ca của khắp miền đất nước, đến các thể điệu, giai điệu, nhạc điệu, tiết điệu… đến giọng hát, lối hát, thể hát… của bao nhiêu bộ môn mà chúng ta có thể nghệ thuật hóa ở mức độ cao dưới hình thức trình diễn sân khấu. TLM cảm thấy rằng cuộc đời của mình gắn liền với nghệ thuật truyền thống.
Ở hải ngoại chúng ta may mắn có được môi trường, hoàn cảnh và điều kiện hơn trong nước. Chúng ta dễ dàng tổ chức hơn để giới thiệu những bộ môn nghệ thuật tiêu biểu này đến những người bạn bản xứ muốn tìm hiểu, muốn thưởng thức cụ thể hơn là qua tài liệu, sách báo… ngay cả giới thiệu rộng rãi đến các cơ sở học đường cho các em học sinh, sinh viên bản xứ (trong đó có cả các em gốc Việt của chúng ta nữa). Chúng ta cũng thấy là bộ môn Tân nhạc dù sao cũng bị giới hạn và chưa đủ để có thể tạm gọi là tiêu biểu đại diện cho các bộ môn Văn Hóa Nghệ Thuật của dân tộc Việt Nam nữa anh ạ! Nói tóm lại vì yêu thương, đam mê và muốn cổ súy nền nghệ thuật truyền thống nước mình nên TLM và Nga Mi đã quyết “sống chết” với nó bao năm qua như anh nói.

Đặng Phú Phong: Chị Nga Mi có muốn bổ túc thêm không ?
Nga Mi: Vâng, Nga Mi cũng xin chia sẻ thêm điều này với anh là qua nhiều năm hát tân nhạc ở mức độ chuyên nghiệp, nhưng từ khi gặp TLM, Nga Mi đã chuyển hướng và tập trung nhiều về các bộ môn ca nhạc truyền thống, Nga Mi thấy rõ là hát tân nhạc dễ hơn nhiều. Thí dụ một bài hát tân nhạc mới Nga Mi có thể mất tới 2, 3 tháng để tập dợt cho nó nhuần nhuyễn. Nhưng với bài hát nói (Ả-đào hay Ca Trù) thì phải mất tới cả năm có khi hơn mới hát được đó anh! Có nghĩa là phần nghệ thuật và kỹ thuật của các bộ môn này khó học, phải có căn bản về âm luật, nhạc lý và phải tập luyện rất công phu mới gọi là hát nghe được. Có lẽ NM và TLM là những kẻ lội ngược giòng, tìm những cái khó khăn và bị giới hạn khán thính giả mà làm hay sao đấy anh ạ! Nếu không yêu thích, không thấy cái giá trị và cái hay độc đáo của các bộ môn cổ truyền quí giá này thì chắc chắn là NM và TLM đã không theo đuổi từ lâu rồi anh ạ!
Nga Mi cũng hy vọng là càng ngày sẽ có càng nhiều người biết đến và tìm đến gần hơn nữa với các bộ môn nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc này. Đó cũng là điều mà riêng NM-TLM mơ ước và cũng là lý do mà chúng tôi nhiều năm nay đã theo đuổi để cố gắng giới thiệu trong những buổi trình diễn khắp nơi ở Hoa-kỳ và những quốc gia khác, thưa anh!

Đặng Phú Phong:
Ngâm Thơ, Hát Ả Đào, Hát Xẩm… thì cũng khá quen thuộc với những người thuộc lớp trung niên, nhưng vừa rồi Trần Lãng Minh có nhắc đến hai điệu hát rất lạ là Hát Xoan và Hát Ghẹo. Xin mời anh giải thích cho độc giả.
Trần Lãng Minh: Hát Xoan, hát ghẹo là một lọai dân ca độc đáo, tồn tại lâu đời của người Việt (tương truyền có từ thời vua Hùng Vương thứ 4). Hiện vẫn còn những hình thức sinh hoạt ở hai xã Kim Đức và Phượng Lâu, thuộc huyện Phong Châu (Phú Thọ) và thành phố Việt Trì ngày nay.
Hát Xoan thường được trình diễn vào mùa Xuân trong những ngày hội đám ở các đình làng trong tỉnh, nên còn được gọi là Hát Cửa Đình. Chữ Xoan (tiếng địa phương xưa) có nghĩa là Xuân đọc trại ra. Trước đây chúng ta thường hay nghe nói như: ” Chị ấy (bà ấy) hãy còn xoan lắm! “. Ý nói là vẫn còn xuân xanh, trẻ đẹp Trong tỉnh có một số phường hát Xoan. Người đứng đầu phường hát Xoan gọi là ông Trùm. Phường Xoan viên có khoảng từ 10 đến 15 người. Trai gọi là Kép; gái gọi là Đào. Y phục cũng giống như Quan Họ Bắc Ninh. Nam mặc áo the, khăn xếp, quần trắng ; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao, giải yếm nhiều màu, quần lụa, đeo xà tích.
Các tiết mục hát Xoan (có cả múa) thường theo thứ tự nhất định. Mở đầu là các tiết mục có tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, chúc tụng… Đây là những bài ca cổ, chủ yếu như hát nói và ngâm nga như: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Tiếp theo là phần hát cách (làn điệu) còn gọi là quả cách.
Trong phần này ông Trùm hay Kép chính giở sách ngâm nga 14 bài thơ nôm dài, với sự phụ họa của các cô đào đứng ở phía sau. Cái đặc biệt và hay nhất là 14 quả cách trong hát Xoan là những áng thơ khuyết danh với nhiều đề tài khác nhau, như diễn tả các sinh họat của người dân ở nông thôn, ca ngợi cảnh vất thiên nhiên tú lệ, kể các chuyện cổ tích mang ý nghĩa khuyên răn, đề cao…
Sau phần hát cách đến các tiết mục có tính chất dân gian mang nhiều nội dung trữ tình, giao duyên… Mỗi tiết mục nối tiếp nhau thường đi với những động tác và múa ; hoặc lối diễn theo tính cách họat cảnh như: Hát gái, Bỏ Bộ, Xin Huê, Đố Huê, Đố chữ, Gái Huê, Hát Đúm, Đánh cá.. v. v…
Hát Xoan là di sản văn hóa vô giá, là niềm tự hào của người dân Phú Thọ (đất vua Hùng). Theo truyền thuyết dân gian, hát Xoan xuất hiện rất sớm vào thời vua Hùng Vương thứ 4. Sau khi thắng trận trở về, vua Hùng cùng với thứ phi đi ngang qua làng An Thái. Thứ phi đang mang thai bỗng chuyển dạ, nhưng không hiểu sao chưa thể sinh nở được. Bỗng nhiên nghe có tiếng hát từ làng vọng lại, giúp thứ phi mẹ tròn con vuông. Thấy việc xảy ra kỳ lạ, vua Hùng đặt tên cho làng là An Thai (ý là sanh nở THAI nhi bình AN). Điệu hát được nghe gọi là hát Xoan.
Hát Xoan có 14 làn điệu (quả cách) với ý nghĩa cầu cho quốc THÁI dân AN, mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt. Xưa kia để hát hết 14 quả cách phải hát liên tục thâu đêm mới kết thúc phần hát Xoan này. Vào những ngày đặc biệt như mùng 1 Tết Nguyên Đán, hội làng, hội Đền Hùng thường có sinh họat hát Xoan của phường Xoan An Thái. Vậy An Thái chính là mảnh đất tổ sản sinh ra nghệ thuật hát Xoan của Phú Thọ.

Đặng Phú Phong: Rất cảm ơn anh đã giải thích khá cặn kẽ. Thế còn điệu Hát Ghẹo tiện thể anh giải thích luôn nhé.
Trần Lãng Minh: Hát Ghẹo hơi khác hát Xoan. Hát ghẹo là một loại dân ca phổ biến trong dân chúng. Vì hát ghẹo là của mọi người, nên hát ghẹo không tổ chức thành phường, họ hay bọn. Ở miền Bắc ai đã qua tuổi thanh xuân thì ít nhiều đều biết hát ghẹo, thường được hát trong những dịp hội hè, tế lễ ở địa phương. Cái hay và ý nghĩa nhất là người hát ghẹo không phải để mưu sinh hoặc để lấy tiền thưởng, mà chính là để giải trí, mua vui cho tinh thần. Chúng ta có thể nói rằng hát Ghẹo thực sự là một hình thức sinh hoạt văn hóa phổ thông dân gian.
Mặc dầu mang tính rộng rãi, trữ tình, phóng khoáng hơn hát Xoan, hát Ghẹo cũng vẫn có qui định và qui cách riêng để có một trật tự nhất định chung. Hát Ghẹo được chia ra làm 4 loại giọng như sau: Ví đãi trầu, giọng sổng, sang giọng, ví tiễn chân.
1/ Ví đãi trầu - Trầu thường bọc vào khăn tay hoặc bày ở trên khay, trên đĩa. Các chị đưa trầu ra mời các anh bằng những câu ví: Miếng trầu để đĩa bưng ra, xin anh nhận lấy để mà thở than. Lời mời thật là lễ phép, ân cần. Nhưng các anh chưa vội nhận, để cho các chị phải mời đi, mời lại nhiều lần. Đôi khi còn phải trách móc bóng gió: Miếng trầu để đĩa mang ra, có cau có vỏ lòng đà có vôi. Hay là trầu héo, cau ôi, mà anh nỡ để trầu mời không ăn.
Các anh nghe xong cũng ngại ngùng, nhưng khéo léo đáp lại:
Miếng trầu ăn nặng bằng chì, ăn thì ăn vậy, lấy gì trả ơn ?
Khi nhận trầu, ăn trầu xong, các anh cùng hát sang giọng Sổng để đáp lại.
2/ Giọng Sổng - Là nét nhạc thay đổi mà người ta dùng để hát các câu ca khác nhau, nội dung lời ca thường là để bày tỏ lòng mình. Chẳng hạn như: Bối rối là con chỉ thâm, những điều anh nói nhập tâm em rồi. Sau đó, hai bên có thể trao đổi với nhau qua giọng khác.
3/ Sang giọng - Theo các cụ thì ngày xưa có 36 giọng. Hát hết 36 giọng là trời rạng sáng, cũng là lúc sắp tàn một đêm sinh họat ca hát. Cuối cùng cũng phải chia tay. Các anh, các chị sẽ hát tiễn nhau.
4/ Ví tiễn chân - Các câu ví lúc này thốt lên từ đáy lòng của mỗi người trong thời gian trò chuyện, đối đáp chứa chan tinh cảm. Cho nên lời ca đều thiết tha đầy cảm xúc như: Anh về có chốn thở than, Em về ngồi tựa phòng loan một mình. Hay là: Anh về tựa bóng sao mai, Em về, em biết lấy ai bạn cùng ? Hoặc: Trăm năm gắn bó như nêm, chữ tình tạc dạ, như duyên ghi lòng.
Các chị, các anh khi tiễn chân nhau lúc ra về, có khi cùng đi một đọan đường rất xa hàng mấy dặm. Vừa đi, vừa hát ví, tiếng ca như chất chứa nỗi niềm lưu luyến, không muốn đôi ngã chia xa.
Hát Xoan cũng như hát Ghẹo ngày nay tuy không phát triển, chỉ giới hạn trong các vùng địa phương gần đất Hùng Phú Thọ (Vĩnh Phúc Yên ngày nay) mà thôi. Những làn điệu ấy, chất liệu đặc thù ấy đến giờ vẫn còn lưu truyền và vẫn còn làm giàu thêm, đẹp thêm cho kho tàng dân ca truyền thống Việt Nam. Hy vọng và mong sẽ có thêm nhiều người lưu tâm và tha thiết về hát Xoan, hát Ghẹo cùng với chúng tôi phổ biến và giới thiệu xa rộng hơn đến với mọi người để đề cao một nghệ thuật hát cổ truyền thống có từ ngàn năm xưa của dân tộc Việt chúng ta.

Đặng Phú Phong: Ồ, anh đã giải thích hai điệu hát cổ, quí một cách rất rõ ràng, khúc chiết. Tôi nghĩ nếu tiếp tục hỏi hết về những làn điệu ca cổ thì chúng ta sẽ mất cả tuần lễ mới xong, vậy chỉ xin hỏi anh chị thêm một điệu hát nữa thôi nhé. Có phải Hát Xẩm là điệu hát của những người bị mù lòa đi ăn xin biểu diễn để xin tiền? Anh chị có thể nói đặc tính của điệu hát này không?
Trần Lãng Minh: Hát Xẩm là một trong những thể loại hát rong của người Việt thuở xưa khá phổ biến ở miền Bắc.
Thường thấy xuất hiện ở chỗ đông người (phố phường, họp chợ…), người hát Xẩm hầu hết là người bị mù hoặc hư mắt (khiếm thị), vừa đàn (nhị hay bầu) vừa hát. Đi bên cạnh thường là người thân trong gia đình (chồng, vợ hoặc con…) phụ họa bằng tiếng phách, hay trống. Những người qua lại thương cảm cho tiền.
Tương truyền hát Xẩm là do vị hoàng tử (Trần quốc Định) con vua Trần Nghệ Tông làm ra điệu hát này. Vì sự ám hại của người em mình (Trần Quốc Toán) muốn giành ngai vị làm vua sau này, bị vất trong rừng, không chết, nhưng bị mù cả hai mắt. Để tránh họa diệt thân của người em, hoàng tử Định lẩn vào sống với dân làng với hình hài tàn phế, nghèo khổ. Là một vị hoàng tử tài hoa, đa cảm, những lời ca, điệu hát đã từ trong trái tim oan khổ tuôn trào theo giòng lệ không trào được ra khóe mắt đã hư lòa. Từ đó lời ca than oán về thân phận và cảnh đời ngang trái của mình cũng như của bao nhiêu cảnh đời khác đã làm thành giai điệu, thể hát đầu tiên của hát Xẩm. Nên có lẽ từ truyền thuyết này cũng liên quan gắn liền với những người hát Xẩm mù lòa sau này chăng ?
Sự hấp dẫn và cái đặc biệt của hát Xẩm là ở những điệu hát, lời ca với nhịp trống phách khích động, cuốn hút hòa cùng tiếng đàn nhị, bầu nỉ non, réo rắt tạo thành tác phẩm độc đáo cho người thưởng thức. Càng về sau này, càng có nhiều bài hát, lời ca rất phong phú. Những bài trào phúng, châm biếm, hóm hỉnh. Những chuyện ví von, nhẹ nhàng. Những gương anh hùng đáng đề cao. Những lời khuyên răn ý nhị, tâm lý… Tóm lại, những người hát xẩm là những người có tài hát và kể chuyện tài ba được người nghe yêu thích.
Có nhiều điệu hát Xẩm, nhưng có thể kể các làn điệu chính như: Thập ân, Huê tình, Ba bậc, Hà Liễu…
Ngày nay những người hát Xẩm rong hình như không còn nữa. Trước đây ta còn thấy người hát Xẩm xuất hiện ở Hà-nội và các tỉnh ở ngoài Bắc. Ngay cả miền Nam chúng ta cũng thấy ở Saigòn, chợ Đà-lạt. Cũng may nghệ thuật này vẫn tồn tại và được trân trọng. Vài năm trước đây, nghệ nhân hát Xẩm Hà thị Cầu đã mất ở tuổi 90. Nghệ thuật, kỹ thuật cao nhất và truyền thống nhất hầu như đã thất truyền theo người nghệ sĩ hát Xẩm tài hoa này. Mặc dầu cũng có truyền nghề cho các học trò, nhưng không ai sở đắc được. Tôi thật tiếc là không có duyên được gặp và được học những tinh hoa căn bản về hát Xẩm của cụ trước đó!
Nhất ẩm, nhất trác giai do tiền định! Có phải?

Đặng Phú Phong: Từ năm 1977 đến nay anh chị đi lưu diễn các tiểu bang của Hoa kỳ còn rất nhiều nơi khác trên thế giới như: Canada, Pháp, Đức, Nhật, Úc…. Anh chị có được sự ủng hộ của khán thính giả ở các nơi đó không ? Thành phần khán giả của anh chi có được nhiều khán giả trẻ tuổi ủng hộ không?
Trần Lãng Minh : Đa số những buổi lưu diễn của TLM-NM đều là những khán thính giả hằng yêu mến những làn điệu quê hương, những bộ môn nghệ thuật truyền thống VN mà không phải dễ dàng mà lúc nào cũng có hoặc tổ chức được. Thường thì phần đông khán giả tham dự là người lớn tuổi, nhưng cũng có các bạn trẻ nữa. Đa số là các bạn sinh viên và một ít là đi theo với người nhà (ba mẹ, anh chị…). Điều đáng nói ở đây là các bạn trẻ rất là ngạc nhiên và thích thú khi nghe chúng tôi trình diễn. Có lẽ những bộ môn nghệ thuật này cũng lạ đối với các bạn trẻ, nên chúng ta cần rất nhiều công sức và tâm huyết để làm sao cho từ thô sơ, nghèo nàn trở thành tươi đẹp, sang cả. Từ đơn điệu, khó nghe, khó hiểu trở thành phong phú, dễ nghe, dễ cảm. Đây là công việc của chúng ta, của nhiều người, sớm hay muộn thôi anh ạ!

Đặng Phú Phong: Anh chị đã phát hành bao nhiêu CD rồi ? Số đĩa đó còn không và nếu có thính giả muốn mua thì liên lạc ở đâu?
Nga Mi: Chúng tôi đã đã thực hiện và phát hành được 5 CD rồi. - HẠNH PHÚC NƠI MỘT CON ĐƯỜNG (1995), ĐÔI BỜ THƯƠNG NHỚ I (1998) VÀ II (2000) TÌNH CA VIỆT NAM (2001), THU HÁT CHO NGƯỜI (2004) Những CD này hầu hết dưới hình thức Thơ Nhạc Giao Duyên
Những CD này vẫn còn một ít nên chúng tôi không gửi đến các nơi buôn bán, nếu quý thính giả có ai thích thì xin liên lạc trực tiếp với chúng tôi thôi anh ạ! Tiện đây cũng gởi cho anh luôn nhé! Số phone của TLM-NM:714-360-2629 Email:
minhngami@hotmail. com

Đặng Phú Phong: Rất cảm ơn anh chị đã trả lời rất hay, rất cặn kẽ giúp chúng tôi học hỏi thêm về những điệu hát cổ truyền tưởng đã tuyệt tích: “Giang Châu tuyệt tích bây giờ hỏi ai?”. Hi vọng sẽ có được một lần khác mời anh chị nói thêm về những làn điệu phong phú trong văn hóa cổ truyền của chúng ta.



No comments:

Post a Comment