Saturday, March 7, 2009

BÀI HỌC TỪ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG

Rút ra được gì từ cuộc chiến biên giới Việt-Trung?
Tiến Hồng
Đăng ngày 07/03/2009 lúc 04:21:17 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3586
Kỷ niệm 30 năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung (17/02/1979), một cuộc chiến mà Trung Quốc tung ra khoảng 150 000 quân với khoảng 80 000 thương vong của cả hai phía, về mặt chính thức chỉ có một câu nói ngắn ngủi của đại diện ngoại giao Trung Quốc «hy vọng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai». Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hoàn toàn im lặng ngoại trừ vòng hoa lạc lõng đặt tại nghĩa trang Long Châu, Quảng Tây của HĐND,UBND,MTTQ xã Đề Thám (Cao Bằng, nơi quân Trung Quốc tàn phá giết hại nặng nhất). Vòng hoa có đề: «Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ Trung Quốc» (!). Về phương diện truyền thông, trong khi phía Trung Quốc đã cho đăng trên mạng như Hoàn Cầu, Thiết Huyết Luân Đàn (1) những bài viết kỷ niệm và ca ngợi cuộc «đánh trả tự vệ Việt Nam» (!), lên án Việt Nam phản bội, thì Ban Văn hoá Tư tưởng lại cho phép phát hành cuốn truyện dịch Ma chiến hữu của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn mà bìa sau đã quảng cáo «một cách ca ngợi riêng về chủ nghĩa anh hùng» (2). Đây chỉ là một vài biểu hiện trong tư tưởng thần phục thiên triều của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Phải sòng phẳng với lịch sử trước khi hướng tới tương lai. Phải tìm biết nguyên nhân tại sao nhà cầm quyền một nước cộng sản lớn này lại “trừng phạt” một nước cộng sản «núi liền núi, sông liền sông» sau khi đã từng chi viện 20 tỉ MK cho cuộc chiến Việt Nam. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, chúng ta sẽ ghi nhận những hệ quả của cuộc chiến và bài học rút ra.
Có rất nhiều nguyên nhân đã đưa đến mối bất hoà Việt Trung ngày càng trầm trọng mà năm 1978 là cao điểm không thể hàn gắn. Các nhà phân tích thường nêu lên các yếu tố: Việt Nam ngả theo Liên Xô, cuộc tranh chấp ảnh hưởng tại Campuchia, vấn đề nhập tịch, chống tư sản và «nan kiều», vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Mối bất hoà này trong bối cảnh cô lập về ngoại giao của Việt Nam đã được Trung Quốc khai thác để biến thành hành động quân sự giới hạn có tính toán. Mối bất hoà nói trên thực ra đã có trước 1975 sau khi thông cáo chung Thượng Hải Mỹ-Trung 1972 ra đời. Chính Mao Trạch Đông đã khuyên Phạm Văn Đồng nên tiếp tục chiến tranh du kích, không nên tổng tấn công chiếm hết miền Nam. Mao nói: “Cái chổi của chúng tôi không quét tới Đài Loan thì cái chổi của các đồng chí cũng không quét tới Sài Gòn” (4). Năm 1973, Chu Ân Lai hứa với Lê Duẩn sẽ viện trợ 2 tỉ MK trong hai năm nếu Bắc Việt không tổng tấn công miền Nam. Lê Duẩn không chấp thuận và xoay qua Liên Xô. Kể từ đó đến 1975,Trung Quốc ngưng viện trợ quân sự cho Bắc Việt. Sau 1975, Trung Quốc muốn Mặt Trận GPMN có vị trí độc lập với Bắc Việt thể hiện nơi cuộc tiếp đãi ân cần phái đoàn của Trương Như Tảng trong khi lạnh nhạt với phái đoàn Bắc Việt.

Yếu tố Liên Xô

Năm 1975 cũng là năm mà vấn đề Trường Sa và nhất là mối quan hệ Việt Nam-Liên Xô trở nên nhức nhối với Trung Quốc. Kể từ cuộc chiến biên giới Xô-Trung năm 1969, Liên Xô được coi là kẻ thù số 1 của Trung Quốc. Cuối năm 1975 khi Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền, Trung Quốc e ngại Liên Xô liên kết với Việt Nam để gây ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á sau khi Mỹ rút lui.
Lúc đó, Việt Nam rất cần viện trợ sau khi các nước Tây Âu hững hờ. Sau chuyến đi cầu viện thất bại của Lê Thanh Nghị với biệt danh «tên ăn mày», cuối tháng 9/1975, Lê Duẩn và Lê Thanh Nghị lại sang Trung Quốc một lần nữa. Đặng Tiểu Bình trong bữa tiệc khoản đãi đã đề cập đến «chủ nghĩa bá quyền» và gián tiếp kêu gọi Việt Nam liên kết với Trung Quốc để chống lại Liên Xô. Lê Duẩn không đả động đến vấn đề này mà chỉ cám ơn toàn thể «các nước XHCN anh em» dĩ nhiên trong đó có Liên Xô. Lê Duẩn không thảo thông cáo chung và ra về tay không. Trong chuyến đi một tháng sau đó sang Liên Xô, Lê Duẩn ký thông cáo chung nhất trí với đường lối đối ngoại của Liên Xô và được cấp viện 3 tỉ MK từ 1976-1980. Kể từ ngày đó, Việt Nam nằm trong hàng ngũ đối nghịch với Trung Quốc mặc dù phải đến 7/6/1978 họ Đặng mới nói thẳng: «Việt Nam đang ngả về Liên Xô, kẻ thù của Trung Quốc» (5). Lúc đó, Việt Nam vừa chính thức gia nhập COMECON và Trung Quốc cắt đứt mọi viện trợ cho Hà Nội.
Năm 1976, giới lãnh đạo Việt Nam lần lượt đưa ra những biện pháp để tránh thù trong như: loại trừ Hoàng Văn Hoan ra khỏi Bộ Chính trị đại hội 4 (1976-80), loại ba cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc trong tư cách uỷ viên dự khuyết. Vấn đề nội thù người Hoa cũng được đặt ra. Đến 3/11/1978, khi Việt Nam ký hiệp ước hợp tác toàn diện với Liên Xô trong đó có điều 6 (quân sự), Trung Quốc không còn chần chừ gì nữa trong hành động quân sự dù là đã được xác định là hạn chế trong thời gian ngắn và mục tiêu. Tất nhiên, lo ngại về phản ứng của Liên Xô đã được nêu ra trong phiên họp của quân uỷ trung ương tháng 12/1978 nhưng Đặng đã lượng định khả năng này rất thấp (khi ấy biên giới Xô Trung đã bố trí 50 sư đoàn chủ lực).

Vấn đề người Hoa

Về vấn đề quốc tịch, trước đây, miền Bắc cho phép người Hoa giữ quốc tịch mà vẫn hưởng đủ quyền lợi, lại không phải đi lính. Tháng 2/1976, để chuẩn bị quốc hội cả nước, những người không nhận quốc tịch Việt Nam bị mất hộ khẩu, khẩu phần. Tháng 3/1978, một chiến dịch đánh tư sản mại bản mà chủ yếu là người Hoa đã làm cho Bắc Kinh bực tức. Trước đó, các người Hoa ở biên giới được khuyến khích, ép buộc để rời Việt Nam. Tháng 5/1978, Trung Quốc đã dự tính đưa tàu ra đón những «nạn kiều» nhưng Việt Nam không cho vào. Trung Quốc đã lên án và kêu gọi những người chưa nhập tịch lập liên minh chống bá quyền. Chính sách lấy vàng cho người Hoa vượt biên bán chính thức bị Bắc Kinh lên án.

Cuộc chiến Campuchia

Mặc dù cùng là cộng sản và quân đội Bắc Việt đã giúp phe Khơ-me đỏ xây dựng lực lượng trong hai năm đầu sau khi Lon Nol đảo chính Sihanouk nhưng lực lượng Pol Pot (Saloth Sar) đã không giúp đỡ và có những đụng chạm với quân đội Bắc Việt. Pol Pot từ Pháp về và sau đó thành lập đảng Lao động Campuchia (1960) không chịu ảnh hưởng của Việt Nam như tiền thân đảng Nhân dân cách mạng (1951) do Sơn Ngọc Minh thành lập. Di chứng đảng cộng sản Đông dương đã khiến Pol Pot luôn luôn lo ngại âm mưu thống trị của Việt Nam và đã đi đến chiến dịch thanh trừng những đảng viên đã từng ở Bắc Việt trở về. Pol Pot có hận thù với Việt Nam tương tự Lon Nol (chiến dịch «cáp duồn» khiến VNCH phải đưa tàu đón người Việt về) và mong ước một thời đại hoàng kim Angkor. Mối hận thù, nghi kỵ lại thêm hoang tưởng (tương tự Lon Nol) đã thể hiện trong một bài diễn văn của Pol Pot (10-5-1978): “Cho đến nay, chúng ta dã đạt được tỉ số một người lính Campuchia chết sau khi giết được ba mươi người Việt (sic). Như vậy chúng ta chỉ cần hy sinh có hai triệu người Khmer để tiêu diệt trên năm chục triệu người Việt, và chúng ta vẫn còn sáu triệu”.
Mối hận thù này đã được Trung Quốc khai thác triệt để, nhưng những tấn công đảo Phú Quốc và chiếm đảo Thổ Châu chỉ ba tháng sau khi chiếm quyền chắc không có bàn tay của Trung Quốc. Chính chuyến đi Bắc Kinh cuối năm 1975 của Pol Pot được Mao hết lời khen ngợi đã là nhân tố quyết định để Pol Pot đi sâu vào con đường chống Việt Nam mà cao điểm là hai trận tấn công quy mô tại An Giang (30/04/1977, gần 1000 thường dân bị chết) và Tây Ninh (24/09/1977) tất nhiên với sự yểm trợ vũ khí của Trung Quốc. Cuối năm 1977, Việt Nam tấn công trả đũa một đòn nặng nhưng phải lui quân (6/1/1978) khi bị tố cáo xâm lược. Sau trận tấn công đó, Campuchia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam và phái đoàn Trung Quốc do Đặng Dĩnh Siêu dẫn đầu (18/01/1978) đã cam kết giúp đỡ bảo vê Campuchia. Với sự đào thoát của Heng Samrin tiếp theo một cuộc thanh trừng chưa từng có trong nội bộ Pol Pot, Việt Nam đã chuẩn bị kế hoạch chiếm đóng Campuchia và Lê Duẩn đã thông báo cho đại sứ Nga tại Hà Nội (tháng 7/1978) sẽ giải quyết dứt điểm Kampuchia trước đầu năm 1979. Tình báo Trung Quốc đã theo dõi sát và báo cho Đặng trước phiên họp quyết định tấn công Việt Nam của quân uỷ vào tháng 12/ 1978. Về phía Việt Nam, với Nghị quyết 9 vào giữa năm 1978, theo đó Trung Quốc được coi là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất (trong khi Hoa Kỳ chỉ là kẻ thù cơ bản và lâu dài), Việt Nam đã tự đặt mình ở trường hợp có thể bị Trung Quốc tấn công bất cứ lúc nào.

Vấn đề Hoàng Sa & Trường Sa

Sau khi Việt Nam ra công hàm về vấn đề Hoàng Sa (tháng 6/1975), trong chuyến đi Bắc Kinh, khi Lê Duẩn đề cập đến vấn đề này, họ Đặng đã gạt đi và nói «Vấn đề này không cần phải bàn.. (đó) là lãnh thổ Trung Quốc» (6). Cuối năm 1975, Việt Nam đóng giữ một số đảo thuộc Trường Sa đã gây phản ứng từ Trung Quốc. Tháng 6/1977, khi Phạm Văn Đồng đến Bắc Kinh và đặt vấn đề này, phó thủ tướng Lý Tiên Niệm đã yêu cầu Việt Nam trở về lập trường trước 1974 (bản
công hàm của chính ông Đồng năm 1958). Ông Đồng bối rối không trả lời.

Tình trạng cô lập về ngoại giao của Việt Nam và chủ thuyết Brzezinski

Đặng Tiểu Bình đã khai thác triệt để tình trạng cô lập về ngoại giao của Việt Nam để tung ra cuộc chiến tranh biên giới có giới hạn. Thực vậy, kể từ sau chiến thắng 30/4/1975, cộng sản Việt Nam quá tự đắc. Không những coi thường các quốc gia trong vùng (những lời tuyên bố của ông Đồng), trợ giúp phiến quân cộng sản Thái Lan, không gia nhập ASEAN. Tất cả đã khiến cộng sản Việt Nam phải trả giá đắt khi Việt Nam bị lên án khi xua quân qua Kampuchia và các nước này cũng yên lặng để Trung Quốc hành động quân sự với Việt Nam. Đặc biệt là Thái Lan đã gián tiếp hỗ trợ tàn quân Pol Pot (khoảng 30000 để đương đầu với 200000 quân Việt Nam). Với Mỹ, trong giai đoạn đầu 1975-1977, khi nước này chìa tay để muốn tiếp nối ngoại giao (kể cả một phái đoàn qua Hà Nội), cộng sản Việt Nam lại đặt điều kiện phải viện trợ 3 tỉ MK mà Nixon đã hứa. Đây là một đòi hỏi hoàn toàn phi hiện thực và lại không đúng theo tinh thần mà Nixon đã hứa: phải tôn trọng hiệp định Paris. Đến lúc biết ra thì đã quá trễ. Mỹ không còn muốn sớm tái lập quan hệ với Việt Nam vì cố vấn Brzezinski qua mặt ngoại trưởng Vance để thúc đẩy tổng thống Carter đặt ưu tiên quan hệ với Trung Quốc hầu cô lập Liên Xô đang sa lầy ở Afghanistan (cuộc chiến 10 năm). Vì thế trong chuyến công du Mỹ tháng 1/1979, khi Đặng tỏ ý là cần lo ngại phản ứng dây chuyền từ Campuchia, Afghanistan, Carter đồng ý. Từ đó Đặng nêu lên cần hạn chế tham vọng của Việt Nam và cho Việt Nam bài học thích hợp, Carter không có phản ứng gì rõ rệt để Đặng lo ngại. Trước đó (tháng 12/1978), khi ghé thăm vài nước Đông Nam Á, họ Đặng đã hùng hổ tuyên bố trước truyền thông quốc tế là «Việt Nam là côn đồ (hooligan), phải dạy một bài học». Dù truyền thông Trung Quốc cắt xén đoạn đầu, chúng ta thấy là Đặng đã chuẩn bị dư luận cho hành động chiến tranh. Kể cả câu tuyên bố tại Tokyo: “Hiệp ước mà Việt Nam và Liên Xô ký kết có tính chất đồng minh quân sự. Việt Nam đã mở cuộc xâm nhập vũ trang vào Campuchia và đang khiêu khích ở biên giới Trung Quốc”.
Thực ra, nguyên nhân chính của cuộc chiến biên giới là vì Việt Nam đã thách thức uy quyền và ảnh hưởng của Trung Quốc tại các nước Đông Dương đặc biệt là tai Campuchia. Cuộc chiến biên giới 1979 nên được coi là «đòn trả thù giới hạn (về không gian và thời gian)» như tuần báo Time đã ghi nhận.

Hệ quả về phía Trung Quốc

Theo đa số các nhà phân tích, cuộc chiến 6 tỉnh biên giới 1979 là một thất bại tương đối về phương diện quân sự đối với Trung Quốc nhưng thành công về ngoại giao và nhiều phương diện khác (7).
Khi chuẩn bị tấn công, Đặng dự tính sẽ đánh chớp nhoáng lấy tỉ lệ 8 chọi 1 để đánh gục quân đội Việt Nam. Nhưng mặc dù có bất ngờ về thời gian (8), Trung Quốc đã không dự đoán được lực lượng quân đội biên phòng (chủ yếu là dân quân) với quân số đông đảo (tỉ lệ thực là 3 chọi 1), huấn luyện thuần thục và trang bị hiện đại (với nhiều loại đại bác, tên lửa do Liên Xô cung cấp) đã làm cho quân đội Trung Quốc hao tổn nặng mới lấy được Lạng Sơn. Phương thức tấn công «biển người» của tư lệnh mặt trận Hứa Thế Hữu đã thất bại, vấn đề phối hợp hành quân yếu kém, các vũ khí thô sơ so với Việt Nam. Phải đơn phương quyết định lui quân ngày 5/3/1979 khi quân đội chính quy Việt Nam chuẩn bị phản công ở Lạng Sơn. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chần chờ đến ngày 16/3/1979 mới rút hết quân để tàn phá và giết hại tối đa thường dân hai tỉnh biên giới. Một dấu hiệu cụ thể của thất bại quân sự là các tướng chỉ huy đều bị thất sủng sau cuộc chiến biên giới lần này.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Đặng đã nhân thất bại lần tấn công này để xúc tiến kế hoạch 4 hiện đại trong đó quân sự là ưu tiên. Điều này thể hiện trong cuộc chiến biên giới lần 2 (1984-89) để chiếm lĩnh cứ điểm chiến lược 1509 núi Đất (thuộc tỉnh Hà Giang của Việt Nam mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn). Cuộc chiến này đã làm hao tổn hàng chục ngàn quân hai bên để rồi chính thức mất về tay Trung Quốc ngày 13/2/ 1991 (khi hai bên bình thường hoá quan hệ).

Hệ quả về tranh chấp biên giới

Trước cuộc chiến, đã có những đụng độ ở khu vực điểm nối ray Đồng Đăng-Bằng Tường. Sau cuộc chiến, theo ông Lê Công Phụng, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ (cựu trưởng đoàn đàm phán biên giới) trong cuộc phỏng vấn của đài BBC cuối tháng 9/2008, Trung Quốc vẫn còn giữ 27 cao điểm (kể cả cao điểm 1509) và cuối cùng vẫn còn giữ 6 đỉnh. Như vậy, chúng ta hiểu tại sao Trung Quốc muốn hoàn tất phân giới cắm mốc dứt điểm trước ngày kỷ niệm 30 năm cuộc chiến 1972 (Đặng nói: Người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán!). Đọc kỹ thông cáo của thứ trưởng ngoại giao Vũ Dũng (9) ngày 24/2/2009 về 3 điểm mốc biên giới chúng ta có thể hiểu một phần những thua thiệt (thực ra chưa đầy đủ vì có nhiều chỗ mơ hồ và có giấu giếm nhiều điểm) trong việc phân định này. Việc phân định biên giới trên đất liền và biển trong các hiệp định ký với Trung Quốc năm 1999 và 2000 trong hoàn cảnh cô lập và lệ thuộc vào Trung Quốc mới là nguồn gốc của những thua thiệt ngày nay. Dù sao, việc ổn định về biên giới đất liền dù thua thiệt có thể được coi là tích cực trên một số khía cạnh. Tình trạng không giao thương ở cửa khẩu suốt 10 năm vẫn còn tranh chấp võ trang biên giới đã khiến nền kinh tế Việt Nam thêm khốn khó. Tình trang thâm hụt ngoại thương với Trung Quốc gần 15 tỉ MK như hiện nay đã cho thấy Việt Nam bị thua thiệt trong giao thương với Trung Quốc.
Tuy nhiên, tranh chấp quan trọng nhất hiện nay liên quan đến biển Đông và Hoàng Sa Trường Sa vẫn chưa giải quyết. Trung Quốc nhất quyết không chịu cho các hãng dầu ngoại quốc khai thác vùng biển của Việt Nam và mới đây chỉ chấp nhận để hãng dầu Trung Quốc khai thác với ngân khoản 29 tỉ MK (để rồi sẽ chia cho Việt Nam một phần bé nhỏ) là một điều thua thiệt lớn. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn Việt Nam sẽ nhân nhượng về về vấn đề này hay không khi đưa ra những đề nghị cho Liên Hiệp Quốc về quy định lãnh hải mở rộng trong tháng 5/2009.

Hệ quả chính trị kinh tế

Tất nhiên, nếu coi cuộc chiến biên giới lần 1 và 2 là để quân đội Việt Nam phải rút lui sớm Campuchia thì họ Đặng cũng không thành công. Tuy nhiên, cuộc chiến kéo dài 10 năm ở Campuchia cũng là một thất bại về quân sự và chính trị của Việt Nam khi mà chỉ với 30000 tàn quân Pol Pot, quân đội Việt Nam với 20000 quân vẫn không thể sớm bình định và sa lầy. Hậu quả cuộc chiến với thiệt hại 50000 quân và làm suy yếu kinh tế, cô lập ngoại giao hàng chục năm để cuối cùng phải trở về quỹ đạo Trung Quốc khi khối Liên Xô tan rã không còn chỗ dựa nào khác.
Theo giáo sư Carl Thayer, cuộc chiến biên giới Trung Quốc đã làm cho tiến trình đổi mới bị chậm đi 7 năm (7). Họ Đặng đã khởi sự đổi mới từ 1978 với phương châm «Bất kể mèo trắng, mèo đen hễ mèo nào bắt được chuột là mèo tốt». Lúc đó, báo chí trong nước đã lên án họ Đặng là đầu hàng tư bản, là phản động. Thế mà hiện nay họ Đặng lại được ca ngợi hết lời về tiến trình đổi mới mà Việt Nam mãi đến 1986 mới mở mắt ra.
Nhưng hệ quả quan trọng nhất là hệ quả tâm lý nơi giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Giáo sư Ngô Vĩnh Long (7) đã có lý khi phát biểu: «Hệ quả cuộc tấn công Việt Nam, theo tôi, là sự kiện nhiều người trong giới lãnh đạo Việt Nam thấy Trung Quốc là sợ và muốn làm hài lòng Trung Quốc. Thế nhưng ta không thể nào chiều ý Trung Quốc 100% được, ví dụ như là việc ký kết các hiệp định nói là Việt Nam sẽ hợp tác toàn diện trong mọi lãnh vực đối với Trung Quốc, kể cả trong vấn đề đào tạo cán bộ, rồi cho Trung Quốc biết về tình hình Việt Nam thế này thế kia.
Tôi nghĩ như vậy ấy là quá mức. Không có một đất nước nào trên thế giới mà có thể hợp tác toàn diện với một nước khác được. Như vậy rất là khó cho vấn đề giao lưu với Trung Quốc về lâu về dài, bởi vì Trung Quốc sẽ càng ngày càng ép Việt Nam. Đến khi mà dân chúng Việt Nam không chiụ được nữa, tôi e rằng đó sẽ là một vấn đề gây rất khó khăn, không những giữa chính quyền Việt Nam với dân chúng mà cả giữa Việt Nam với Trung Quốc. Nếu mà mình muốn có một sự hợp tác ổn định và lâu dài, thì phải có một sự công bằng, và bình đẳng giữa hai bên».

Việc Trung Quốc ngày càng ép giới lãnh đạo cộng sản hiện nay thì mọi người đều biết rõ. Không những về biên giới đất liền, Hoàng Sa Trường Sa, dự án bôxít ở Tây nguyên và dự án lập lò nguyên tử do Trung Quốc xây dựng, trao đổi thương mại, và quan trọng hơn cả là không thực hiện được mối quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, một đối trọng phải có với Trung Quốc…

Giới lãnh đạo cộng sản hiện nay đã hoàn toàn đi vào quỹ đạo của Trung Quốc và không còn mối quan hệ với nhân dân. Vấn đề là đến khi nào thì nhân dân sẽ có tiếng nói quyết định sau cùng.

Rennes 06/03/2009
Tiến Hồng

--------------------------------
(1) Tam Dương,
«30 năm cuộc chiến TQ-VN nhìn từ phía TQ». Diễn Đàn, 12/02/2009.
(2) Thực ra trong cuốn truyện này, Mạc Ngôn đã cho thấy những binh sĩ Trung Quốc tham gia nhưng chẳng hề biết lý do cuộc chiến mà chỉ để đỡ miệng ăn cho gia đình nghèo khó. Những lời lẽ tuyên truyền chủ yếu từ viên chính uỷ sư đoàn. Tác giả có thể chỉ muốn đề cao tình chiến hữu như nhan đề cuốn sách. Xem thêm bài viết
“Ma chiến hữu - một bằng chứng khác về việc CSVN muốn bán tất cả cho Trung Quốc » của Phan Việt Đăng trên Người Việt, (27/02/2009).
(3) Trung Quốc chính thức đơn phương ngưng chiến ngày 05/03/2009 nhưng phải đến 16/03/2009 mới thực sự rút hết quân sau khi đã phá sạch, giết sạch đặc biệt tại Cao Bằng, Lạng Sơn.
(4) Hoàng Dung,
«Chiến tranh Đông Dương 3». Văn Tuyển, ngày 23/03/2007.
(5) TS Nicholas Khoo,
«Từ đồng chí thành kẻ thù». BBC Tiếng Việt, ngày 6/2/2009.
(6) Huy Đức,
«Cuộc chiến 1979 và Hoàng Sa». BBC Tiếng Việt, ngày13/2/2009.
(7) Trọng Nghĩa,
«30 năm sau cuộc chiến biên giới, hai chính quyền muốn xoá nhoà quá khứ». RFI Tiếng Việt, 16/2/2009.
(8) Quân đội biên phòng chỉ biết trước có hai ngày và lại lầm về thời điểm tấn công (dự tính là ngày 22/7/1979). Nhưng quân đội chính quy đã tập huấn bộ đội biên phòng 5 tháng trước. Tuy nhiên việc thiếu chuẩn bị tâm lý người dân được coi là sai lầm và gây hậu quả nhiều phương diện.
(9)
«Kết quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền VN-TQ tại các khu vực: cửa khẩu Hữu Nghị, thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân». Bộ ngoại giao Việt Nam, 6/3/2009.

© Thông Luận 2009



No comments:

Post a Comment