Monday, March 2, 2009

RỒNG TIÊN - DẤU ẤN CỦA NHỮNG NGHỊCH LÝ

RỒNG TIÊN
DẤU ẤN CỦA NHỮNG NGHỊCH LÝ

ÐOÀN VĂN KHANH

http://aosauvuon.fortunecity.net/
.
1.- CON RỒNG CHÁU TIÊN
Dân tộc Việt nam vốn cùng chung một nguồn gốc, cùng chung một tiếng nói, một phong tục, có chung một kỷ niệm và nhất là cũng đã từng trải qua trên bốn ngàn năm tồn tại kể từ thời lập quốc. Ðó là những điều mà dân tộc Việt nam vẫn lấy làm tự hào. Nhưng ngoài những điều đáng tự hào nói trên, dân tộc Việt nam còn mang một niềm tự hào khác do một nguyên nhân hoàn toàn chủ quan thuộc về tâm lý, đó là sự tác động của tư tưởng "con Rồng cháu Tiên", phát xuất từ huyền thoại Rồng Tiên.
Ngay từ thủa mới cắp sách đến trường, bắt đầu học sử Việt, ai cũng có ít ra vài lần được thầy cô kể cho nghe câu truyện này. Tùy theo người kể, câu truyện có thể thêm bớt nhiều chi tiết khác nhau nhưng tóm tắt các điểm chính yếu vẫn là: Lạc Long quân vốn giòng dõi Rồng, lấy công chúa Âu cơ thuộc giòng dõi Tiên, sinh ra cái bọc một trăm trứng, nở thành trăm người con. Sau đó, Lạc Long quân nói với Âu cơ rằng: mình thuộc giòng giõi Rồng nên không thể nào sống lâu dài với Âu cơ vốn là giòng giõi Tiên. Và hai người đã quyết định chia tay nhau. Con cái cũng được chia ra 50 người theo cha xuống biển và 50 người theo mẹ lên núi. Dân tộc Việt nam phát xuất từ nguồn gốc đó.
Ðây là một câu truyện có tính cách thần kỳ quái đản, nhưng từ bao đời nay vẫn được dân Việt nam truyền tụng với nhau như một huyền thoại nói về nguồn gốc của dân tộc mình. Sự kiện này cho thấy câu truyện trên phải phản ánh những điểm nào đó phù hợp với tâm lý chung của mọi người trong xã hội nên mới được mọi người chấp nhận một cách mặc nhiên, và do đó mang một ý nghĩa có giá trị đối với dân tộc. Vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt nam phát xuất từ đâu, vào thời kỳ nào, có phải là một chủng tộc thuần nhất hay là có sự pha trộn giống của nhiều chủng tộc khác nhau là một vấn đề còn cần nhiều nghiên cứu. Còn câu chuyện Rồng Tiên do đâu mà có, được đặt ra từ bao giờ thì cũng chưa có học giả nào xác định được. Tuy nhiên dù sao thì mọi người vẫn quen dựa vào huyền thoại này để liên kết những người Việt nam lại với nhau.
Khi giải thích câu truyện Rồng Tiên này, cũng có người đã dựa vào triết lý Dịch để diễn giải thành ra một quan niệm về triết học. Rồng và Tiên có thể xem như là biểu tượng của hai nguyên lý Âm và Dương giống như trong triết học Trung hoa cổ đại. Sự giải thích này cho thấy người giải thích chịu ảnh hưởng của triết học Trung quốc nên đã giải thích câu truyện bằng những ý niệm siêu hình không hẳn là của dân tộc. Tôi nghĩ rằng đa số người Việt nam ít quan tâm đến những vấn đề siêu hình dựa trên lý trí suy luận mà chỉ cảm nhận phần ý nghĩa của hai hình ảnh Rồng và Tiên có thể mang lại cho tất cả mọi người.
Có thể nói là dân tộc Việt nam vốn mang nặng đầu óc mê tín dị đoan, phát xuất từ những tin tưởng phiếm thần của buổi con người còn sơ khai, sợ hãi trước những hiện tượng thiên nhiên. Những tin tưởng này thiếu sự trầm tư của lý trí suy luận nên đã không tiến triển thành những ý niệm siêu hình mà vẫn mang tính chất hình ảnh hiện tượng, do đó mà dân tộc Việt nam đã không thể xây dựng thành hệ thống triết học mà chỉ dần dà biến những tin tưởng này thành một loại tín ngưỡng gọi là đạo Tiên, mang sắc thái đặc biệt của dân tộc, chứ không hoàn toàn giống như đạo Tiên phát xuất từ tư tưởng Lão giáo của Trung hoa.
Từ ý thức về sự bé nhỏ và bất lực của con người trước cuộc đời với những hiện tượng thiên nhiên luôn luôn đe dọa, con người tưởng tượng ra một cuộc sống trường sinh bất tử ở thế giới tiên cảnh. Và từ sự mơ ước được sống trong một thế giới trường sinh bất tử và hạnh phúc ở bên ngoài cuộc đời này đã khiến cho người Việt nam không quan tâm đến việc cải tạo trần gian thành một nơi con người có thể sống hạnh phúc mà chỉ coi đó như là nơi đày ải của những tâm hồn chưa giũ sạch tục lụy hay các thần tiên còn vướng mắc vào vòng tội lỗi. Trong dân gian vẫn còn truyền tụng nhiều câu truyện về mối liên hệ giữa Tiên với người đời như truyện Từ Thức lạc vào tiên cảnh, hay truyện Tú Uyên và Giáng Kiều.
Có lẽ do ảnh hưởng của những điều mê tín hoang đường cùng với mộng tưởng về một thế giới thần tiên rất phổ cập trong dân gian mà người sáng tác ra câu truyện Rồng Tiên đã dựng nên câu truyện nguồn gốc dân tộc Việt nam phát xuất từ những vật tổ có tính cách thần kỳ và quái đản cho phù hợp với trình độ nhận thức chung và cái tâm lý chung vốn kính sợ những mãnh lực thiên nhiên của mọi người trong xã hội thời bấy giờ.
Tuy rằng đa số người Việt nam ngày nay không còn tin vào tính cách thần kỳ quái đản của truyện Tiên Rồng, nhưng vẫn mặc nhiên chấp nhận huyền thoại Rồng Tiên như một giải thích cho cái điều chưa thể giải thích về nguồn gốc, đồng thời vẫn xem chuyện Tiên Rồng như là một biểu tượng cho tinh thần dân tộc, chỉ vì cái huyền thoại này hình như vẫn có một mãnh lực nào đó để liên kết những con người Việt nam lại với nhau từ bao đời nay.


2.- CHUỖI DÀI NHỮNG NGHỊCH LÝ
Ðối với người Ðông phương nói chung và người Việt nam nói riêng, Rồng và Tiên đều là những biểu tượng cao qúy. Khi người Việt nam nhận mình là con cháu Tiên Rồng tức là đã tự cho mình thuộc giòng giõi cao quý chứ không phải loài giống tầm thường. Rồng còn tượng trưng cho lý trí, uy quyền, sức mạnh. Khi Rồng ẩn nhẫn ở ao hồ thì hình như rất tầm thường, nhưng một khi gặp mây thì Rồng lại có thể vùng vẫy tạo ra mưa gió và có một sức mạnh phi thường.Tiên là nguồn gốc của tình cảm, thương yêu và dịu dàng.
Như vậy, Rồng và Tiên cũng là tượng trưng cho hai yếu tố tinh thần: lý trí và tình cảm. Dân tộc Việt nam là con cháu Tiên Rồng, tất nhiên phải là một dân tộc vừa thông minh tài giỏi, lại vừa hiền hoà yêu thương.
Ðây có lẽ là cái điểm nói lên dân tộc Việt nam là một dân tộc có một cá tính rất đặc biệt, mang nhiều nét mâu thuẫn, nhiều khi gần giống như là những nghịch lý. Tuy rằng dân tộc Việt nam vẫn được coi là thông minh , ham học, và có trí nhớ dai nhưng lại chỉ thích bắt chước và cải đổi cái của người cho phù hợp với hoàn cảnh của mình chứ không chịu tìm tòi sáng tạo ra cho riêng mình. Chính vì thế mà cái mẫu mực Trung quốc vẫn cứ ám ảnh và đè nặng lên tư tưởng của người Việt nam khiến cho người Việt nam không vươn lên được.
Ngoài ra, có lẽ cũng vì do những điều kiện thiên nhiên hiền hòa nên con người không cần phải đấu tranh cật lực mới tìm được cái sống cho nên dễ nảy sinh thái độ cầu an hưởng lạc hơn là suy nghĩ tìm tòi để bắt thiên nhiên phục vụ mình. Cái quan niệm "Trời sinh voi, sinh cỏ" là một biểu lộ cho thái độ thích an nhàn. Do đó trong cách nhìn sự vật , người Việt nam cũng chỉ nhận xét thế giới khách quan qua mặt hiện tượng mà không tìm hiểu sâu về yếu tính, cho nên không dẫn đến sự hình thành khoa học mà chỉ luẩn quẩn trong phạm vi kinh nghiệm. Ðó cũng là lý do khiến cho người Việt nam dễ nảy sinh ra những tưởng tượng hoang đường, dù sống trong cuộc đời hiện tại nhưng vẫn mơ tưởng một cõi Tiên nào đó.
Bình thường, người Việt nam vẫn yêu thích sự hiền hòa cho nên dù có bị áp bức vẫn cố nhịn nhục như câu tục ngữ thường được mọi người lấy làm châm ngôn: "một câu nhịn là chín câu lành", hoặc như câu: "tránh voi chẳng xấu mặt nào". Một ngàn năm bị người Trung hoa cai trị bằng chính sách bóc lột rất hà khắc và bị coi là man di, người Việt nam vẫn chịu đựng để sống còn và duy trì cái bản sắc cố hữu của mình.
Tuy nhiên như câu tục ngữ khác cũng đã nói: "Tức nước vỡ bờ", hoặc là: "con giun xéo lắm cũng quằn", cho nên cũng có một lúc nào đó, khi mà sự nhịn nhục không còn thể nào chịu đựng được nữa, thì dân tộc Việt nam cũng nhân thời cơ đó mà như Rồng gặp mây, vùng dậy đánh đuổi quân đô hộ để giành lại quyền tự chủ cho dân tộc. Từ sự thành công này, dân tộc Việt nam đã có được một tâm lý tự hào, và huyền thoại Rồng Tiên là một tác động vào tâm lý tự hào này để biến thành tinh thần dân tộc tự tôn.
Cái tinh thần tự tôn này được bộc lộ rất rõ trong cách người Việt gọi các dân tộc khác. Không kể những dân tộc yếu kém hơn vốn đã bị người Việt nam coi là mọi rợ, ngay cả với các dân tộc văn minh hơn cũng không còn làm cho người Việt nam phải kính sợ. Dù đã từng bị Tàu đô hộ, bị Tây cai trị, hay trong thời gian gần đây bị Mỹ khuynh loát, dân Việt nam vẫn gọi các dân tộc này bằng những từ coi thường như chú chệc, thằng Tây, bọn Mẽo.
Một vài nhà nghiên cứu ngày nay cho rằng thực ra cái tinh thần tự tôn này chỉ là biến thái của mặc cảm tự ti. Sống bên cạnh một dân tộc khổng lồ, văn minh hơn, và lúc nào cũng lăm le tiêu diệt các dân tộc bé nhỏ, người Việt nam đã đặt ra câu truyện Tiên Rồng để biến đổi cái mặc cảm tự ti trên thành mặc cảm tự tôn, tạo cho dân tộc Việt nam cái ý nghĩ "giấy rách phải giữ lấy lề", nhờ đó mà người Việt nam chẳng những đã duy trì được cái tinh thần dân tộc để tránh khỏi bị đồng hóa hay bị tiêu diệt, mà cuối cùng còn có thể liên kết nhau để quật khởi giành lại giang sơn về cho dân tộc mình. Như vậy là câu truyện Rồng Tiên đã có tác dụng cổ võ cho tinh thần yêu nòi giống cũng như tạo nên sự đoàn kết toàn dân để chống lại bất cứ sự đô hộ nào. Nhờ thế mà dân tộc Việt nam đã dám chống cự lại với Tống, Nguyên, Minh, Thanh hay là gần đây hơn, đã có thể đánh Tây đuổi Mỹ, mặc dù vẫn biết rằng sức của mình đem ví với lực lượng của các nước này chẳng khác nào "trứng chọi với đá" hay là "châu chấu đá xe". Và cũng chính nhờ những lần chiến thắng đó mà dân tộc Việt nam đã tạo được cho mình cái truyền thống bất khuất.
Nhưng có một điều khiến cho sự hòa hợp lại có vẻ như là nghịch lý. Tại sao người đặt truyện lại không đặt ra dân tộc Việt có một tổ tiên cùng chung một loài giống để có thể yêu thương hòa hợp cùng nhau mà lại tạo ra sự kết hợp của hai loài khác nhau? Và phải chăng rồi lại chính vì suy luận mà người sáng tác ra câu truyện trên đã nhận ra cái điều phi lý của sự kết hợp này, do đó mới để cho Tiên và Rồng phân ly vì hai bản tính không thể tương hợp?
Thông thường sự kết hợp trong hôn nhân vẫn là nhằm tạo dựng một gia đình vững bền và hạnh phúc, nhưng trong truyện Rồng Tiên, sự kết hợp lại không đạt được cứu cánh đó. Dù Rồng và Tiên đã tác hợp với nhau để sinh con đẻ cái, nhưng Rồng vẫn mang bản chất Rồng, còn Tiên vẫn giữ bản chất Tiên, nên đã không thể nào hòa hợp với nhau lâu dài. Cuối cùng là vợ chồng đành phải chia ly. Con cái cũng phải một nửa theo cha và một nửa theo mẹ. Phải chăng đây cũng chính là điều phản ánh những mâu thuẫn nội tại của con người Việt nam? Mặc dù dân tộc Việt nam là một dân tộc thống nhất nhưng lịch sử cũng đã từng ghi lại không biết bao nhiêu lần "nồi da xáo thịt", hay cái cảnh "gà nhà bôi mặt đá nhau". Ðất nước cũng đã có nhiều lần chia năm xẻ bảy, và cũng đã trải qua hai thời kỳ qua phân lâu dài đưa đến một hậu quả ngăn cách về tâm lý rất trầm trọng, đó là cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh, và cuộc chia đôi lãnh thổ theo hiệp định Genève 1954. Sau những lần qua phân này, sự tái thống nhất dù có được thực hiện về phương diện chính trị, nhưng riêng về phương diện tâm lý thì sự hoà hợp không bao giờ còn nguyên vẹn.
Xã hội Việt nam thời nguyên thủy vốn theo chế độ mẫu hệ, do đó mà người đàn bà Việt nam từ ngàn xưa đã có một địa vị đáng kể. Câu tục ngữ "Nhất vợ, nhì Trời" hay "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh", cho thấy người đàn bà Việt nam xưa nay vẫn được tôn trọng.Từ khi chịu ảnh hưởng Hán tộc để chuyển thành phụ hệ, vai trò của người đàn bà có phần bị giới hạn, nhưng quyền hạn của người đàn bà trong gia đình vẫn còn rộng rãi, và ảnh hưởng của người mẹ đối với vấn đề giáo dục con cái vẫn có tính cách quyết định. Câu tục ngữ "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà" đã nói lên tầm quan trọng của người đàn bà trong lãnh vực này.
Nhưng người đàn bà bao giờ cũng nặng tình cảm và ít phân tích sự vật theo lý trí. Có lẽ vì thế mà người Việt nam không phát triển được óc suy luận trừu tượng, chỉ ham chuộng cái gì cụ thể , thực tế và đáp ứng được nhu cầu trước mắt hơn là những lý tưởng cao xa. Thằng Bờm cười để tỏ vẻ chấp thuận khi nhìn thấy nắm xôi như là vật trao đổi với cái quạt mo trong bài ca dao Thằng Bờm là một minh chứng cho cái đầu óc thực tế thiển cận này. Ngoài ra cái khuynh hướng thiên về tình cảm như trong câu tục ngữ: "Nhất mẹ, nhì cha, thứ ba bà ngoại" cho thấy người Việt nam dễ sinh tình quyến luyến, cho nên mỗi người thường không sống cho riêng mình mà sống là sống cho gia đình, cho giòng họ, và cuộc sống dựa vào nhau này tạo thành một mớ dây mơ rễ má mà con người khó lòng rứt bỏ.
Dân tộc Việt nam vẫn thường được xem như là một dân tộc hiếu hòa, biết trọng điều lễ nghĩa, hay thương người và biết đùm bọc lẫn nhau như mọi người vẫn nói: "Lá lành đùm lá rách". Nhưng ngược lại, cái bản tính ích kỷ hầu như cũng là một nét cố hữu trong con người, nên một khi quyền lợi bị đụng chạm hay tình cảm san sẻ không đều, thì đó cũng lại là những nguyên nhân khiến cho dù là anh em trong nhà cũng sẵn sàng cấu xé nhau. "Không được ăn thì đạp đổ" cũng là một hiện tượng tiêu cực rất thường xuyên và rất phổ biến.
Một điểm nữa là dân Việt nam tự ngàn xưa vẫn quen sống thành làng, hoặc nếu sinh hoạt bằng nghề nghiệp thì cũng kết thành phường để nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau. Làng hay phường là những cơ cấu xã hội có tác động trực tiếp và quan trọng nhất trong cuộc sống của con người. "Phép vua thua lệ làng", tục ngữ Việt nam cũng đã từng nêu lên như vậy. Nếu cái làng giúp cho con người Việt nam phát sinh và duy trì những tình cảm tốt thì ngược lại cái làng cũng là môi trường dung túng những tệ đoan, hủ tục, làm nảy nở đầu óc địa phương hay bè phái, tính thủ cựu và đâàu óc cố chấp. Những câu nói như: "Ðèn nhà ai, nhà nấy rạng", "Ăn cây nào, rào cây nấy" cho thấy cái tư tưởng kỳ thị, đầu óc địa phương hay mang nặng tính cách bè phái của người Việt nam.
Cũng vì lối suy nghĩ theo cảm quan lấn át suy luận theo lý trí nên người Việt nam thường không có được những ý niệm rõ ràng về quốc gia, dân tộc, mà luôn luôn có khuynh hướng liên kết những ý niệm trừu tượng với những hình ảnh cụ thể có tính cách thân thuộc như là tổ tiên , giòng họ, xóm giềng, cho nên sự đoàn kết trên bình diện quốc gia chỉ có được khi mà cơn hoạn nạn khó khăn có tác động đến chính bản thân, gia đình, họ hàng hay làng xóm của mình. Và cũng do khuynh hướng dựa vào tình cảm với nhau mà sống nên cái tình liên đới cũng mang nặng tính chất chủ quan theo kiểu "khi lành, quạt giấy cũng cho; khi dữ, quạt mo cũng đòi" khiến cho sự đoàn kết hay đồng tâm nhất trí trên một bình diện rộng lớn thường không có tính cách lâu bền. Một khi thoát cơn sóng gió, bản tính ích kỷ và ưa thủ lợi cho mình hay người thân thuộc của mình lại lấn át cái nghĩa chung khiến cho cái tinh thần gia đình hay đầu óc địa phương, bè phái lại nổi dậy để chia rẽ nhau, và con người lại chỉ muốn quay về với cái cộng đồng bé nhỏ của mình nhiều hơn.
Qua bao nhiêu thế kỷ, con người Việt nam vẫn bám lấy quê hương mà sống, ít khi muốn rời bỏ nơi mình chôn nhau cắt rún. Mọi người vẫn quen bảo nhau: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Tuy nhiên lịch sử lại cho thấy dân tộc Việt nam cũng đã từng thôn tính nước Chiêm thành và xâm lấn một phần đất Chân lạp để rồi biến nó thành quê hương vĩnh viễn của chính mình. Cái lý do đưa đến sự xâm chiếm này cũng thật là giản dị: "Ðói, đầu gối phải bò." Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt nam cũng lại là một nghịch lý vì trong khi vẫn yêu cuộc sống hiền hòa, nhưng để thực hiện cái mục tiêu kinh tế, dân Việt nam trong thực tế cũng đã tiêu diệt cả một dân tộc khác.
Trong thế kỷ 20 này, dân tộc Việt nam cũng đã trải qua nhiều năm dài chinh chiến, phát xuất từ một cuộc chiến tranh giành độc lập để rồi sau đó lại bị sa lầy vào một cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa những con người Việt nam với nhau. Ðiều này đã gây ra cho đất nước không biết bao là hủy hoại về vật chất lẫn tinh thần. Cái điều nghịch lý là tất cả những phe phái đối lập nhau đều dùng cái chiêu bài vì tự do và hạnh phúc của dân tộc để tập hợp và đoàn kết con Rồng cháu Tiên, nhưng trong thực tế thì lại chỉ vì chủ đích thực hiện những mưu đồ chính trị của phe phái mình, nên đã dùng mọi thủ đoạn để tiêu diệt phe phái khác, khiến cho dân tộc lại càng thêm chia rẽ một cách sâu sắc.
Khi rủ nhau làm cách mạng theo tinh thần duy lý Tây phương, người Việt nam vẫn bị cái bản chất duy cảm chi phối nên không bao giờ đạt được cái ý niệm thực sự về tự do dân chủ. Tất cả đều được nhận thức qua cảm quan và diễn dịch theo luận lý liên tưởng, do đó mang nặng tính cách chủ quan có tính cách hiện sinh và hiện tượng. Ngoài ra, đầu óc mê tín cùng với cái khối tình cảm mơ mộng hình như lúc nào cũng ám ảnh bên mình khiến cho người Việt nam vẫn không gột rửa được cái lề lối suy nghĩ cũ. Do đó mà khi tiếp xúc với trào lưu tư tưởng hiện đại, người Việt nam vẫn không lãnh hội đúng cái tinh thần duy lý để hành động theo khoa học cho nên đã dẫn đến những sai lầm tác hại như phá bỏ cái cũ không tính toán và khi xây dựng cái mới thì cũng chỉ biết làm theo kiểu "Lành làm gáo, vỡ làm môi, lôi thôi làm thìa" cho nên kết quả là mọi nỗ lực đều bị lãng phí, và xã hội càng thêm tan nát.
Năm thế kỷ trước, vào thời mà cả thế giới còn đắm chìm trong chế độ phong kiến lạc hậu, thì ở tại Việt nam, khi Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh giành lại nền độc lập cho dân tộc, đã cho công bố bản Bình Ngô đại cáo với những lời lẽ thật khoan dung và độ lượng như: "lấy chí nhân mà thay cường bạo." Nhưng rồi giữa thế kỷ 20 này, khi mà thế giới đang tiến lên con đường Tự do Dân chủ, tôn trọng Nhân quyền, thì cũng tại cái đất nước vẫn tự hào có bốn ngàn năm văn hiến, dân tộc Việt nam khi rủ nhau vùng lên làm cuộc cách mạng để bảo vệ quyền sống và quyền làm người thì lại cùng nhau gào thét: "thề phân thây uống máu quân thù", và đó lại chính là lời lẽ trong bài hát được một phe phái dùng làm quốc ca.
Một ngàn năm bị người Trung hoa đô hộ và bị bóc lột một cách tàn nhẫn, ngưòi dân Việt nam vẫn nhẫn nhục để sống còn. Ðiều này đã tạo cho con người Việt nam một sức chịu đựng thật bền bỉ, nhưng trong sự nhẫn nhục đó hình như lúc nào cũng ấp ủ một mối căm hờn, chỉ chờ có dịp là bùng nổ thành những hành vi độc ác, có khi tàn nhẫn. Do đó mà một khi bị khích động, người dân Việt nam cũng dễ khái quát hóa vấn đề một cách chủ quan để trở thành vong thân cho những xúc cảm thiếu sự kiểm soát của lý trí. Những cuộc đấu tố dã man trong phong trào cải cách ruộng đất do chế độ cộng sản chủ trương, hay những hành vi tàn bạo trong chiến tranh, đã là minh chứng cho cái nghịch lý này của con người.
Sau 30 năm chiến tranh tương tàn với những chiêu bài Tự do, Bình đẳng, Nhân quyền, Hạnh phúc, những ý thức hệ chống đối nhau được đem ra áp dụng vào xã hội Việt nam bằng một thái độ cố chấp theo kiểu "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay", kết quả là xã hội Việt nam càng thêm băng hoại và lòng người thêm phân hóa, và cũng đã có những con người Việt nam phải lìa bỏ đất nước mà đi. Người dân Việt nam với bản chất không thiết tha với những gì có tính chất duy lý và trừu tượng nên đã không thực hiện được ước mơ của mình, do đó vẫn thấy mình xa lạ và lạc lõng giữa rừng tư tưởng của những ý thức hệ.
Cho dù nếp sống theo khoa học kỹ thuật hiện đại có gò bó con người vào thế giới vật chất thực tại, nhưng con người Việt nam hình như vẫn không thoát khỏi cái ảnh hưởng của những giấc mơ thần tiên, cho nên vẫn thấy mình cứ mãi mãi như lưng chừng giữa lý trí và tình cảm, giữa thương yêu và hận thù, giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa bành trướng và lệ thuộc, giữa mơ mộng và thực tế, giữa quá khứ u hoài và tương lai còn cần phải xây dựng...
Một dân tộc có một truyền thống bất khuất, có một niềm tự hào về dân tộc mình, khi bước vào kỷ nguyên khoa học tiến bộ lại không tạo được cho mình một vị trí xứng đáng phải chăng đó là một nghịch lý? Một dân tộc đã có lần tuyên bố hùng cứ một phương với Trung quốc, đã biết tổ chức làng thành một cơ cấu mang nhiều nét dân chủ từ thời phong kiến, đã từng triệu tập Hội nghị Diên hồng để vận động toàn dân cự Nguyên, đã có một bộ luật Hồng Ðức được xem như là một bộ luật tiến bộ từ thời nhà Lê, nhưng lại không đạt được cái cứu cánh hòa bình và thịnh vượng trong thời đại đổi mới này. Những cố gắng cải cách từ những thời xa xưa như của Hồ Qúy Ly hay Quang Trung đều bị thất bại, cũng như những phong trào cách mạng trong thế kỷ 20 đã không mang lại kết quả cũng chỉ vì bản chất duy cảm của dân tộc vốn mang nhiều mâu thuẫn nội tại.
Ngày nay do những điều kiện chính trị và kinh tế trên thế giới đã biến đổi khiến cho các dân tộc không còn thu mình trong biên giới quốc gia. Dân tộc Việt nam cũng đã có nhiều người phải từ bỏ quê hương ra đi tìm cuộc sống nơi những quốc gia khác. Nhưng cho dù bám lấy quê hương mà sống hay bỏ ra xứ người làm kẻ tha hương với tâm trạng của kẻ lưu đày thì cái bản chất thiên về tình cảm, đồng thời cái mặc cảm tự hào lúc nào cũng ray rứt, đã khiến cho con người Việt nam vẫn không thay đổi cá tính dân tộc của mình. Do đó, dù là sống ở đâu và trong hoàn cảnh nào đi nữa, người Việt nam vẫn không bị đồng hóa, mà trái lại còn tìm đến với nhau chỉ vì cái lẽ thấy mình vẫn luôn luôn tha thiết với những gì vốn được coi là truyền thống của dân tộc.
Có lẽ vì thế mà dù tin hay không còn tin chuyện Tiên Rồng thì hình ảnh Tiên Rồng vẫn thường được mọi người Việt nam nhắc đến như là một biểu tượng của dân tộc, và huyền thoại Rồng Tiên vẫn sống trong lòng mỗi người như là cái dấu ấn của những nghịch lý trong tâm hồn của một dân tộc vốn mang một truyền thống tự hào.

ÐOÀN VĂN KHANH


No comments:

Post a Comment