Đại hội luật sư toàn quốc thiếu Dân Chủ?
Thiện Giao, phóng viên RFA
2009-03-06
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Saigon-bar-association-continues-to-reject-the-nationwide-forum%20sponsored-by-the-government-due-to-the-lack-of-democracy-03062009085105.html
Ngày 27 tháng Hai vừa qua, luật sư Nguyễn Đăng Trừng, đương kim Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư thành phố Hồ Chí Minh, gởi thông báo đến tất cả các trưởng Văn Phòng Luật Sư, Giám Đốc các Công Ty Luật, và Luật Sư Đoàn tại các tỉnh, nói rõ rằng ông vẫn giữ nguyên quyết định từ chối tham gia Ban Chỉ Đạo Đại Hội Đại Biểu Luật Sư Toàn Quốc và Hội Đồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc.
Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư TPHCM từ chối tham gia BCĐ. ĐHĐB Luật Sư Toàn Quốc
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng gởi thông báo này sau khi ông tái đắc cử vị trí Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư Thành Phố Hồ Chí Minh tại Đại Hội Đại Biểu Luật Sư Lần Thứ 5, tổ chức ngày
Trong thông báo vừa đề cập, luật sư Trừng nhắc đến 2 khía cạnh, giải thích cho việc ông rút lui. Đó là yếu tố “nhân sự” và tính “dân chủ, minh bạch” trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại Hội Đại Biểu Luật Sư Toàn Quốc.
Nguyên thủy của sự việc bắt đầu từ giữa năm ngoái, khi luật sư Nguyễn Đăng Trừng gởi văn bản đến ông Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp, thông báo về việc ông rút tên khỏi Hội Đồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc với sự nhất trí của Ban Chủ Nhiệm và Hội Đồng Khen Thưởng – Kỷ Luật Đoàn Luật Sư Thành Phố. Trước đó ít hôm, theo một văn bản cũng do chính luật sư Nguyễn Đăng Trừng ký tên, thì Đoàn Luật Sư Thành Phố từ chối đơn xin gia nhập của ông Lê Thúc Anh.
Ông Lê Thúc Anh, nguyên là Phó Chánh Án Toà Án Nhân Dân Tối Cao, từng ngồi ghế chánh án xử nhiều nhân vật dân chủ nổi tiếng, như giáo sư Đoàn Việt Hoạt, luật sư Đoàn Thanh Liêm. Nay ông Lê Thúc Anh được Bộ Tư Pháp bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Đồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc. Sau đó, ông này nộp đơn xin gia nhập Đoàn Luật Sư Sài Gòn. Ban Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư Sài Gòn nói rằng Chủ Tịch Hội Đồng Lâm Thời là cấp trên của Đoàn Luật Sư Sài Gòn, thì việc xem xét cho ông Anh gia nhập đoàn Sài Gòn là một quyết định “con sinh ra cha.”
Vi phạm tính tự quản của Đoàn Luật Sư
Về quyết định của Bộ Tư Pháp, trong một cuộc trả lời phỏng vấn khi sự việc vừa diễn ra, luật sư Bùi Quang Nghiêm, phó Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư Sài Gòn, nhận định.
“Tôi không biết là Bộ Tư Pháp ra các quyết định như thế dựa trên cơ sở nào. Nhưng theo tôi biết thì quyết định này chưa phù hợp qui định liên quan đến việc chuẩn bị thành lập Liên Đoàn Luật Sư Toàn Quốc.”
Ngoài ông Lê Thúc Anh, quyết định đề cử từ Trung Ương còn có 2 nhân vật khác, là cựu Phó Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương, Trần Đại Hưng, và cựu Vụ Trưởng Vụ Bổ Trợ Tư Pháp Nguyễn Văn Thảo, vào vị trí Phó Chủ Tịch Hội Đồng.
Cũng xin được nhắc lại, là hồi cuối năm ngoái, một dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Luật Sư cũng đã tạo ra nhiều dấu hỏi. Trong số này có mối quan hệ giữa các Đoàn Luật Sư địa phương và Liên Đoàn Luật Sư Toàn Quốc. Bản tin của báo Pháp Luật ra cuối tháng 10 thì nói, rằng Bộ Tư Pháp khẳng định không có quan hệ “trên – dưới” giữa 2 thực thể này. Trong khi ấy, vẫn theo dự thảo, được đăng trên báo Pháp Luật, thì “... trường hợp ban chủ nhiệm đoàn luật sư vi phạm nghiêm trọng điều lệ đoàn luật sư, điều lệ của liên đoàn... thì ban thường vụ liên đoàn ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của ban chủ nhiệm, yêu cầu tổ chức đại hội bất thường để bầu mới.”
Luật sư Lê Công Định của Đoàn Sài Gòn nói rằng, một qui định như vậy là “vi phạm vào tính tự quản của Đoàn Luật Sư.”
“Nếu có qui định như vậy thì rõ ràng là có sự vi phạm tính tự quản của Đoàn Luật Sư. Thực ra, Liên Đoàn Toàn Quốc chỉ là để bảo vệ hoạt động nghề nghiệp của các luật sư. Luật Luật Sư ghi rõ, rằng Đoàn Luật Sư là tổ chức tự quản, và Liên Đoàn không phải là cấp trên. Do đó, nếu có qui định như vậy thì tức là có sự vi phạm.”
Hạn chế dân chủ thiếu công khai minh bạch
Cũng trong thông báo ngày 27 tháng Hai vừa qua, luật sư Nguyễn Đăng Trừng đề cập đến ý kiến đóng góp của toàn bộ Ban Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư Sài Gòn. Ý kiến đó là: “Từ việc thành lập Ban chỉ đạo Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất, Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc, đến việc chuẩn bị nhân sự, tiêu chuẩn và thể thức bầu các chức vụ lãnh đạo Hội đồng luật sư toàn quốc, đều không có tác dụng…”
Luật sư Trừng viết tiếp trong thông báo gởi đồng nghiệp, rằng ông “quyết định không tham gia ứng cử, đề cử vào các chức vụ lãnh đạo trong Hội đồng Luật sư toàn quốc, nếu việc chuẩn bị nhân sự và tổ chức Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất vẫn được tiếp diễn theo hướng hạn chế dân chủ, không đảm bảo công khai- minh bạch theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, Hiến pháp và Luật Luật sư.”
No comments:
Post a Comment