Không thể chấp nhận "kiểu văn hóa" vừa ăn, vừa nghe chửi
18:54' 17/02/2009 (GMT+7)
http://www.vietnamnet.vn/bandocviet/2009/02/829638/
Khách bỏ tiền là muốn được ăn ngon, không phải để nghe chửi. Đó là một nét xấu không thể chấp nhận.
Ăn hàng Hà Nội: Miệng nhai, tai nghe chửi
Bán hàng, "khuyến mại"... chửi!
Vừa ăn, vừa nghe chửi: Tới thượng đế cũng phải... hãi
Đọc qua bài "Ăn hàng Hà Nội: Miệng nhai, tai nghe chửi", thật sự tôi vô cùng hãi với cái gọi là... "văn hóa" này! Tôi đã nghe rất nhiều bạn bè ra Hà Nội chơi, thậm chí là bạn bè ở Hà Nội nói về cung cách phục vụ thấp như vậy, nhưng tôi không tin. Nay đọc qua bài viết này, tôi mới thấy lời bạn bè nói là còn ít! Cảm ơn bài báo đã cho tôi biết sự thật... hãi này! Loan, Trần Huy Liệu, Phú Nhuận, pittbecks@...
Tôi không hiểu về cái cách phục vụ của những ông bà chủ của những quán ăn này và cả những thực khách cảm thấy ngon khi ăn ở những quán ăn chửi. Nếu gọi đây là nét văn hóa thì... xin kiếu. Thà ở nhà làm một gói mỳ tôm còn cảm thấy thoải mái hơn. BHN, TP.HCM, kidboyhn@...
Không thể hỗn tạp như vậy được. Nên có tổ chức chính trị xã hội nào chủ trì việc vận động xây dựng nếp sống văn hoá nói chung cho người Thủ đô: văn hoá công sở, văn hoá giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hoá ẩm thực (từ nhà hàng, khách sạn đến quán xá…).
Tất nhiên, việc này là lâu dài nhưng cần thiết và nhất thiết phải làm. Những “hiện tượng“ như bài viết nêu thực buồn quá, xô bồ quá, không thể chấp nhận, càng không thể “đôi khi chấp nhận rồi trở thành bình thường của Hà Nội được. Van Hong Tu, Đà Nẵng, hongtu54@...
Nếu vừa ăn vừa nghe chửi mà được gọi là "nét văn hoá Hà Nội" thì xin lỗi, chắc tôi không bao giờ dám nhận mình là người Hà Nội nữa. Tôi cũng không ít lần chứng kiến và từng bị "ăn" chửi ở ngoài hàng ăn. Mình là khách hàng, bỏ tiền ra mua chứ có phải là ăn quịt đâu, các cụ cũng có câu "trời đánh tránh miếng ăn", sao chủ quán lại cứ nhằm đầu người ta ra mà mắng thế...
Một người bạn của tôi Tết này từ Mỹ bay về, hắn đi ăn bún riêu hôm mùng năm, cũng rất lịch sự hỏi người bán hàng, vậy mà ăn ngay câu "từ từ, là bố người ta d... đâu mà đòi ăn là có được...", mà đấy là mới Tết ra nhé, may mà hắn này hiền lành, lịch sự, phải người khác thì cãi nhau to rồi.
Thầy giáo marketing của tôi nói, chất lượng các mặt hàng dịch vụ và sự phục vụ khách hàng của Việt Nam kém, cái này mà không mau thay đổi thì những cửa hàng này cũng không tồn tại được lâu, vậy mà tôi thấy hình như dân mình ngược lại, càng ăn chửi càng thích quay lại(?)... Buồn quá!!!! Trịnh Thị Hải Yến, Long Biên, Hà Nội, tthy_2802@...
Ngày nào đi làm về tôi cũng đi qua hàng bún ở ngách Chợ Ngô Sĩ Liên. Có một lần, tôi giận chồng không ăn cơm nhà mới tạt vào quán bún dọc mùng của bà bán bún có nói tới trong bài viết, vừa ngồi xuống ghế giật mình nghe bà ta chửi người làm: "Thằng kia mắt mày mù à, mù thế mà thấy gái hở hang ngoài đường cứ là cứ dán mắt vào mông, ngực..." và còn rất tục tĩu hơn nữa.
Tôi thấy nóng mặt, định đứng dậy ra về thì bà ta đưa bát bún cho tôi, tôi đành ăn vài gắp rồi ra về. Thế mà khách cứ đến đông nghịt. Có ngon đến đâu nhưng nghe bà ta chửi, tôi cũng không thể nuốt nổi. Từ giờ đến già, tôi sẽ không bao giờ qua đó mà đi đường khác vì tôi dị ứng với những lời ăn tiếng nói vô văn hóa. Cẩm Tú, Ngõ Văn Hương, Đống Đa, Hà Nội, saobang_511_163@...
Mình nghĩ chẳng có gì hay ho gì khi phát huy cái "văn hóa chửi" kỳ cục này. Vinh Tran, Nha Trang, vinh19792001@...
Tôi thật sự hãi hùng mỗi khi vào phải những quán ăn như vậy. Khi muốn ăn ở ngoài, tôi đều tìm hiểu về món ăn, cách phục vụ ở các diễn đàn uy tín trên mạng internet. Tôi nghĩ, chúng ta cần phải tẩy chay những quán ăn không biết tôn trọng khách hàng, xã hội ngày một văn minh, tiến bộ mà vẫn còn rất nhiều quán ăn có cung cách phục vụ thật "kinh dị" như vậy thì biết đến bao giờ hình ảnh một Thủ đô Hà Nội văn minh, hiếu khách, thân thiện mới có được. Hoang Minh, The Manor Mỹ Đình, hmquangfigimedia@...
Tôi được một người bạn mời ăn phở tại quán Phở Nhớ trên đường Huỳnh Thúc Kháng (ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyên Hồng). Thật ngạc nhiên khi bước vào đã nghe thấy bà chủ quán chửi người làm bằng ngôn ngữ thô tục hết chỗ nói, thật sự là ngồi ăn trong hoàn cảnh đó làm sao mà ngon được.
Chưa hết, khi anh bạn tôi hỏi người thái hành: "Hành chưa rửa hay sao mà trông bẩn thế?". Lập tức bà chủ quán quát tháo: "Anh nói gì? Ai chưa rửa, nhà tôi bán hàng có cho mình anh đâu, ăn thì ăn không ăn thì bước, không cần bán, d.m cái loại khách này đ.. cần". Ôi trời! Tôi nghe như tiếng sét bên tai, thật quá hãi hùng, tôi không thể hiểu nổi văn hóa của người bán phở này. Họ nghĩ cái gì trong đầu? Văn hóa nào dạy họ có cách cư xử như vậy? Bây giờ nghe cái gì có từ "Nhớ" tôi cũng giật mình! Thật sự là quán phở đáng "nhớ"! asva@...
Khách bỏ tiền không phải được nghe chửi
Tôi chẳng hiểu tại sao những người bán hàng vẫn được phép bán hàng theo kiểu vô văn hóa như thế cho khách. Việc này sẽ có ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Thủ đô. Nếu có 1 ai ở 1 thành phố nào đó hoặc 1 nước nào đó mà tôi mời đi ăn vô tình vào những quán như thế này thì chẳng biết để đâu cho hết cái xấu hổ. Thật sự thất vọng khi ở Hà Nội mình - trung tâm văn hóa - chính trị và kinh tế lớn của cả nước mà lại để như vậy. Vũ, Hai Bà Trưng, Hà Nội, mrapple1687@...
Tôi không nghĩ vừa ăn vừa nghe chửi là một nét văn hóa, "phong cách" của người Hà Nội. Khách bỏ tiền là muốn được ăn ngon, không phải để nghe chửi. Đó là một nét xấu khi mà những hình ảnh về người Hà Nội vui vẻ, nhã nhặn với mọi người lại bị "nhiễu" bởi những quán ăn như vậy. Những người này làm mất đi hình ảnh của người Hà Nội trong lòng du khách.
Hôm vừa rồi, tôi cũng xem một phóng sự trên Đài Truyền hình Hà Nội cũng nói về một quán phở mà chủ quán không cần đon đả đón khách, nhưng việc làm đó lại được "lý giải" của phóng viên thành việc bình thường, rằng đó cũng là một "nét văn hóa" riêng của "ẩm thực" Hà Nội. Phải chăng người Hà Nội đang đánh mất hình ảnh của mình qua "ẩm thực Hà Nội". Đinh Khắc Nam, TP.HCM, dinhkhacnam855@...
Ông bà ta có câu "miếng ăn là miếng tồi tàn..." nếu chỉ vì miếng ăn ngon mà phải chịu nhục, chịu nghe chửi bới như thế thì người Hà Nội nên xem lại văn hóa ứng xử của mình. Hà Nội tự hào với sự thanh lịch, văn hiến ngàn đời của mình, là trái tim của Việt Nam nhưng những nét xấu này vẫn còn tồn tại và phát triển thì đấy thật sự là đáng ngại cho văn hóa ứng xử của Thủ đô. Trí Trần, TP.HCM, deltatoni@...
Tôi không thể ngồi ăn mà nghe người khác chửi được, vậy mà có những người đến những quán ăn nghe chửi mới ăn ngon thì thật không thể hiểu được. Mình mất tiền thì miếng ăn phải xứng đáng với đồng tiền chứ. Thủy Tiên, TP.HCM, thuytien240981@...
Đọc bài viết về cái “văn hóa chửi” của một vài quán ăn thuộc dạng cá biệt này, tôi thật bàng hoàng và đau xót cho nền văn hóa và ẩm thực của Thủ đô. Đâu rồi những câu khen tặng của bạn bè, doanh nhân, du khách quốc tế? Hình như các bài quảng cáo cho du lịch VN vẫn luôn ca ngợi về một đất nước và con người VN bằng mỹ từ… “thân thiện”, cái từ mà mọi người đều biết dịch ra tiếng Anh là friendly ấy?!
Trước đây, trên mạng đã có bài đăng về "văn hóa chửi" độc nhất vô nhị và cư dân mạng cũng đã phải bức xúc đến phát sốt để bàn thảo về cung cách cư xử, phục vụ của những… ông thần, bà thánh ấy. Nhưng phải công nhận là chuyện lạ có thật này vẫn tồn tại và tiếp diễn.
Là một người đã có thời gian sống ở HN, rất yêu HN và cũng đã từng nghe nhiều đồng nghiệp ra công tác ở Hà Nội nói về việc này, tôi cảm thấy xấu hổ và xót xa cho Thủ đô của chúng ta lại có những kiểu văn hoá kinh doanh buôn bán "quái đản" này. Đoàn Anh, Cà Mau, ctipcm@...
Cần một liều thuốc cho văn hóa ứng xử nơi công cộng
Tôi là người miền Nam, tôi thường hay ra Hà Nội công tác và rất thích các món ăn ở Hà Nội. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường lân la ăn nhiều món ở Hà Nội. Tuy nhiên, ăn ở đây tôi có cảm giác mình không phải là thượng đế. Ăn mà phải tự mình phục vụ, tự bưng bê, lấy ghế, trông xe, giữ xe, tự đi tính tiền... rồi còn nghe chủ quán quát tháo, cằn nhằn.
Điều này khác hoàn toàn với trong miền Nam, khách hàng khi vào ăn được nhân viên giữ xe ân cần dắt xe, khi ra thì ân cần dắt ra, vào quán chỉ cần kêu, chủ quán phục vụ tận bàn, cho dù gọi lắt nhắt, đủ thứ thì bao giờ người bán hàng cũng vui vẻ, niềm nở. Không có kiểu "không ăn thì biến" như ngoài Hà Nội.
Tôi chỉ muốn góp ý vài dòng về cách buôn bán ở những quán ăn bình dân, quán ăn ven đường làm sao đừng quát nạt, chửi bới nghe không hay lắm. Trong miền Nam, khách hàng đúng là thượng đế thực sự, muốn gì đều được phục vụ tận răng. Đó mới là văn hóa trong ăn uống. Hữu Trung, Tp.HCM, trunght@...
Thiết nghĩ, liều thuốc hữu hiệu đặc trị căn bệnh khó chữa này là thực khách. Hãy để cho hàng quán của họ không người lui gót, lúc đó họ còn chửi ai được nữa. Về phía chính quyền, có lẽ nên rút giấy phép kinh doanh từ tạm thời đến vĩnh viễn để cắt được cái ung nhọt đó khỏi nền văn hóa giao tiếp giữa người với… người, và để cho nền văn hóa ẩm thực Việt Nam không bị ảnh hưởng. Long, TP.HCM, saigon9dragon@...
Vừa ăn, vừa nghe chửi, thậm chí cả những câu chửi tục tĩu nữa thì không thể coi là nét văn hoá "rất Hà Nội" được. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là đất ngàn năm văn hiến. Tôi chưa nghe Nhà Hà Nội học nào nói Hà Nội có văn hoá ăn bị chửi cả.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải có giải pháp tuyên truyền giáo dục, vận động các chủ nhà hàng, chủ quán ăn (nhất là các chủ quán cóc như báo phản ánh) phải có thái độ phục vụ khách hàng đúng mực. Hành vi chửi bới khách hàng, người khác, ở bất cứ đâu, không riêng gì Hà Nội đều là hành vi xúc phạm danh dự và nhân phẩm con người cần phải xử lý chứ không thể không thể là nét văn hoá được. N.L.K, Hà Nội
Văn hoá người Hà Nội là thế sao? Tôi đã một lần đi tham quan Hà Nội, nhìn người Hà Nội tham gia giao thông mà phát khiếp. Hôm nay, đọc bài báo này, tôi hiểu thêm vì sao người Hà Nội tham gia giao thông như vậy. Đó là một cách kinh doanh vô văn hoá của những người vô văn hoá, nó không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam chúng ta, cần phải loại bỏ nó ra khỏi đời sống văn hoá của người Việt Nam. Hoàng Trung Dũng, Đà Nẵng, trungkien20042008@...
Tôi là người Hà Nội và tôi cảm thấy rất xấu hổ khi giữa cái mảnh đất luôn tự hào là "nghìn năm văn hiến" này lại tồn tại những người có thể dung túng cho những hành động vô văn hóa và thô tục như thế tồn tại, như thể nó là một mảng của "văn hóa" Hà Nội. Tôi rất hoan nghênh khi tác giả phanh phui những "trò thô thiển" của các hàng quán như vậy trên mặt báo, đó là trách nhiệm cao cả của người làm báo.
Nhưng báo chí chỉ có thể cung cấp thông tin, cung cấp sự thật, còn trách nhiệm phản biện thuộc về xã hội mà cụ thể là thuộc về mỗi người dân Hà Nội. Chúng ta không đọc báo chỉ để biết, biết rồi... để đấy! Người dân Hà Nội hãy kiên quyết nói không với những hàng ăn quán nước kinh doanh trên nền tảng vô văn hóa này. Chúng ta không thể thỏa hiệp để sống chung với thói xấu, mà hãy quét sạch nó ra khỏi xã hội! ĐTH, Hà Nội, j.angelus@...
"Nghe chửi" để ôn lại thời niên thiếu
Tôi không phải người Hà Nội. Nhưng tôi sinh tại Hà nội và một phần tuổi thơ tôi đã ở đó. Thỉnh thoảng về Hà nội, tôi lại thích ghé vào những quán "chửi" như vậy để nghe lại những "bài chửi" của hàng xóm khu tập thể mất con gà hoặc của những cô mậu dịch viên trong những lần chen chân mua hàng bằng tem phiếu mà đã quá lâu rồi tôi không nghe thấy nữa; mặc dù tôi có thừa tiền để vào những nhà hàng sang trọng nhất. Những lúc thế này, tôi như sống lại thời niên thiếu. Mong các bạn thông cảm. Những hàng quán mà các bạn lên án ở Hà Nội sở dĩ vẫn đông khách có lẽ vẫn còn nhiều người có tâm trạng như tôi. Lê Văn Sơn, Nguyễn Hoàng, Đà Nẵng, leson40@...
No comments:
Post a Comment