Saturday, February 14, 2009

TRUYỀN THÔNG VIỆT NAM SỢ HAI CHỮ TRUNG QUỐC

Truyền thông VN sợ hai chữ 'Trung Quốc'
Nguyễn Hùng
bbcvietnamese.com
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2009/02/090213_china_fear.shtml
Ngày kỷ niệm 30 năm cuộc chiến Việt Trung, 17/2/2009 đang tới gần và đây là phép thử đối với sự can đảm của truyền thông Việt Nam.
Những bài viết công phu và có lửa về các biến cố ở biên giới phía Bắc cách đây ba thập niên đã xuất hiện nhiều trên blog và trên truyền thông ở ngoài Việt Nam.
Nhưng các tờ báo chính thống cho tới giờ vẫn im hơi lặng tiếng và không có cơ sở để nghĩ rằng họ sẽ thay đổi vào thứ Hai tuần sau.

Lấy một ví dụ nhỏ.
Khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc bị ném giày ở Đại học Cambridge thứ Hai tuần trước, hầu như không tờ báo nào của Việt Nam đưa tin.
Cho tới cuối tuần đó mới có một bài báo nói về điều được gọi là ''văn hóa quái dị'' của chuyện ném giầy và trong đó ông Ôn Gia Bảo được nhắc tới với tên ''thủ tướng của một nước''.
Trong khi đó trong cùng bài viết, tên của một đại sứ Israel bị ném giầy và dĩ nhiên tên của Tổng thống George W. Bush được tác giả bài viết đề cập tới.

Trước đó cũng đã có nhiều cơ sở để tin rằng truyền thông Việt Nam có sự sợ hãi khi nhắc tới hai chữ Trung Quốc trong những tình huống mà họ sợ rằng Bắc Kinh có thể phật lòng.
Cho dù đó là các vụ bê bối, những chỉ trích Trung Quốc của thế giới hay những cuộc biểu tình phản đối của chính Việt Nam.
Thái độ này khác hẳn với các diễn biến của những năm 79/80, khi mà những lời hát ''quân xâm lược bành trướng dã man đã dày xéo mảnh đất tiền tiêu. Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương... '' vang vang khắp nơi.

Há miệng mắc quai

Nhưng có lẽ truyền thông ngày nay chỉ sợ chỉ trích có Trung Quốc ngoài nỗi sợ 'miệng nhà quan có gang có thép'.
Mỗi dịp 30/4 hàng năm người ta chẳng hề ngại khi nhắc tới thành tích 'oanh liệt' của miền Bắc đối với Mỹ (mà trên thực tế là đối với người Việt).

Sự kiểm duyệt truyền thông của Việt Nam chỉ làm cho ngành này trông thiểu não khi đứng cạnh truyền thông quốc tế.
Thế nhưng liệu đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc sẽ giải thích thế nào nếu bị triệu đến khi đài báo Việt Nam chỉ trích Bắc Kinh?
Giá như họ không kiểm soát truyền thông có lẽ Việt Nam đã có thể nói rằng báo chí tư nhân hoạt động theo luật pháp và họ không vi phạm luật nên không can thiệp nổi.
Nhưng sự khao khát kiểm soát của nhà cầm quyền đã khiến họ há miệng mắc quai.


No comments:

Post a Comment