Wednesday, February 4, 2009

TRUNG QUỐC MỞ RỘNG MẠNG LƯỚI TUYÊN TRUYỀN

TRUNG QUỐC chuẩn bị mở rộng màng lưới tuyên truyền trên toàn cầu
Bảo Thạch
Bài đăng ngày 04/02/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 04/02/2009 14:48 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/110/article_2422.asp
Chính quyền Bắc Kinh đang triển khai dự án mở rộng màng lưới thông tin tuyên truyền nhắm vào công luận nước ngoài, để tô điểm hình ảnh của mình trên trường quốc tế. Kế hoạch này trị giá 6,5 tỷ đôla, gồm có việc thiết lập đài truyền hình, mà giới nhà báo gọi là CNN của Trung Quốc

Với chi phí hơn 6 tỷ rưỡi đôla, Bắc Kinh đang lên kế hoạch thành lập một đài truyền hình nói tiếng Anh, phát sóng 24 giờ trên 24, để quảng bá cho mình. Tuy nhiên, liệu các cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc có đạt được hiệu quả của một đài như CNN của Hoa Kỳ, hay Al-Jazeera của Quatar hay không ? Câu hỏi này đang khiến cho các chuyên gia của Bắc Kinh đau đầu.

Tháng giêng vừa qua , một số các báo như South China Morning Post của Hồng Kông, Wall Street Journal của Hoa Kỳ đã đưa tin, Bắc Kinh đang triển khai dự án mở rộng màng lưới thông tin tuyên truyền nhắm vào công luận nước ngoài, để tô điểm hình ảnh của mình trên trường quốc tế. Kế hoạch này gồm có việc thiết lập đài truyền hình, mà giới nhà báo gọi là CNN của Trung Quốc, nhắm đến đối tượng một tỷ người trên thế giới sử dụng anh ngữ.

Mặt khác, Bắc Kinh cũng sẽ tung ra vào tháng 5 sắp tới, một tờ báo anh ngữ trên phạm vi toàn quốc và đang hối hả tuyển mộ các nhà báo Trung Quốc và ngoại quốc. Mục tiêu của Bắc Kinh là phát huy điều được các chuyên gia gọi là ‘’quyền lực mềm’’ (soft power).

Khái niệm này, kể từ mươi năm qua, được định nghĩa như khả năng thu hút và thuyết phục các nước khác mà không cần sử dụng đến sức mạnh (hard power). Quyền lực mềm được thể hiện qua hàng loạt các yếu tố như hình ảnh, uy tín, năng lực giao tiếp, mức độ cởi mở của xã hội, tính gương mẫu của chính quyền và sức quyến rũ của nền văn hóa, vân vân…

Khủng hoảng của Tây Phương tạo cơ hội cho Bắc Kinh

Quyết định của Bắc Kinh tạo ''Bước nhảy vọt'' trên mặt trận tuyên truyền phát sinh từ hai nguyên nhân chủ yếu : thứ nhất là các lãnh đạo quốc gia này đã rút kinh nghiệm từ việc hình ảnh Trung Quốc bị hoen ố nhiều vào năm 2008. Năm qua đáng lẽ ra, theo họ, phải đánh dấu thời điểm Bắc Kinh lên ngôi, qua việc tổ chức thành công Thế Văn Hội.

Thế mà, thay vì giữ lại trong ký ức gương mặt hoành tráng này, và những thành tựu sau 30 năm liên tục phát triển, thì công luận nước ngoài lại bị chấn động bởi cuộc đàn áp người Tây Tạng, vụ xì căng đan sữa nhiễm độc và những nghi vấn chung quanh các trường học xây cất không theo đúng tiêu chuẩn đã khiến cho vụ động đất ở Tứ Xuyên gây ra nhiều thiệt hại nhân mạng.

Nguyên nhân thứ nhì khiến Bắc Kinh phải gấp rút nâng cấp màng lưới tuyên truyền nhắm vào dư luận ở hải ngoại, đó là cơn khủng hoảng tài chính và kinh tế ở các nước Tây Phương càng cũng cố cho luận điểm : mô hình phát triển của Trung Quốc theo họ là đúng đắn.

Hơn nữa, trong năm 2009 này, chính quyền Trung Quốc đã nhận thức được sự cần thiết chuẩn bị đối phó trên địa bàn truyền thông, nếu chẳng may xảy ra bất ổn xã hội vì thất nghiệp gia tăng, hay nhân kỷ niệm 50 năm Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong và 20 năm cuộc tàn sát Thiên An Môn.

Mâu thuẫn giữa thông tin và sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, ít ai chờ đợi đài truyền hình tiếng Anh của Trung Quốc có thể bắt kịp CNN Mỹ hay Al- Jazeera của Quatar. Bởi vì, sự quản lý khắt khe thông tin tại Trung Quốc đã cho thấy chính sách kiểm duyệt được tôn làm quốc sách và tự do thông tin thì rất ít, mà tuyên truyền thì rất nhiều. Bằng chứng là ngay cả diễn văn nhậm chức của Tổng Thống Mỹ Barack Obama còn bị kiểm duyệt nữa là, những tiết lộ có nguy cơ gây khó chịu cho tầng lớp lãnh đạo.

Theo các nhà phân tích, đài truyền hình Al- Jazeera trong hai năm qua, đã chứng tỏ họ gặt hái được sự tín nhiệm khi họ thúc đẩy các cuộc tranh luận, có lúc gay gắt, và đặt lại rất nhiều tín điều xưa nay được xem là chắc chắn như đinh đóng cột tại Trung Đông. Đó là ưu điểm nổi bật của Al-Jazeera, ngày nay được xếp vào nhóm 3 đài truyền hình anh ngữ uy tín nhất thế giới, bên cạnh BBC và CNN.

Còn tại Trung Quốc, theo Human Rights Watch, vẫn có 26 nhà báo bị cầm tù. Căn cứ trên điều này, thật khó mà hình dung làng truyền thông nước này có thể mạnh dạn bước ra ngoài lằn ranh mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã vạch ra, để chinh phục công luận thế giới.

No comments:

Post a Comment