Monday, February 23, 2009

TRAO ĐỔI GIỮA BÙI TÍN VÀ X-CAFE

Trao đổi giữa ông Bùi Tín và các thành viên X-cafe
Diễn đàn X-cafevn
http://www.x-cafevn.org/node/1423

Lời giới thiệu:
Diễn đàn X-cafevn được hân hạnh mở một bàn tròn nho nhỏ để các thành viên cùng vào trò chuyện với ông Bùi Tín, người từng làm Phó Tổng Biên Tập Báo Nhân Dân, một trong những tờ báo lớn nhất của báo chí Việt Nam. Ông cũng là một trong những người có mặt sớm nhất tại Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não cao nhất của chính quyền VNCH trước khi tan rã.
Có lẽ không có nhiều người được tận mắt chứng kiến giây phút lịch sử ấy, vì lẽ đó, cộng với cấp bậc Đại Tá trong Quân đội nhân dân của phe chiến thắng, ông Bùi Tín là một nhân vật khá nổi bật, nhất là khi ông chính thức trở thành người tỵ nạn chính trị tại nước Cộng Hòa Pháp.
Vào tháng 9 năm 1990 khi ông Bùi Tín sang Pháp theo lời mời của báo L'Humanité của Đảng Cộng sản Pháp để tham dự ngày hội báo hàng năm do báo này tổ chức, tiếp theo đó là "Bản kiến nghị của một công dân" do ông viết được ra đời sau đó 2 tháng và đã được BBC loan tải đã gây một tiếng vang lớn, nhất là trong bối cảnh khi đó các nước cộng sản ở Đông Âu đang lần lượt theo nhau sụp đổ.
Trong số rất nhiều những tác phẩm sách báo của ông Bùi Tín được xuất bản ở trong nước cũng như ở nước ngoài thì người ta chú ý hơn cả là những tác phẩm được ra đời sau khi ông Bùi Tín sang và định cư tại Pháp và trở thành một nhân vật bất đồng chính kiến.
Những tác phẩm tiêu biểu đó là: Hoa Xuyên Tuyết, Mặt Thật, Mây Mù Thế Kỷ và hàng trăm bài báo, bài bình luận chính trị, thời cuộc liên tục được ra đời đều đặn không ngừng nghỉ cho đến nay mặc dù tác giả đã ngoài 80 tuổi (ông Bùi Tín sinh năm 1927)
Ông Bùi Tín là con trai của cụ Bùi Bằng Đoàn, là người từng giữ chức Thượng thư bộ Hình trong triều đình Huế và là Tổng thanh tra chính Phủ kiêm chủ tịch ủy ban thường vụ Quốc hội trong chính phủ của ông Hồ Chí Minh.
Dù thích dù không, đa số người Việt Nam phải thừa nhận ông Bùi Tín là một người có khả năng tạo sóng gió chính trị. Những tiểu thuyết cũng như các bài báo của ông đều làm dấy lên những cuộc tranh luận nẩy lửa suốt mười mấy năm nay. Dư luận đánh giá về ông rất đa dạng: kính trọng, tin tưởng, khinh lờn, nghi ngờ...đều có đủ. Đây cũng là một hệ quả tất yếu khi một nhà báo dấn thân vào con đường chính trị một cách quyết liệt như Bùi Tín. Về quyết định xin tỵ nạn chính trị của ông, người ghét thì cho ông là một kẻ phản bội, người yêu thì đánh giá đó là một hành động sáng suốt, bỏ chỗ tối ra chỗ sáng, người hoài nghi lắm kẻ cho ông là một người cơ hội. Tóm lại, Bùi Tín là một nhân vật nổi bật, đa chiều, cuộc trò chuyện tới đây với ông trên diễn đàn X-cafevn hy vọng sẽ làm sáng tỏ thêm một số vấn đề trong nhãn quan của từng thành viên X-cafevn chúng ta.
Đối thoại, bao giờ cũng là phương pháp tốt nhất để dẫn mọi người tới gần nhau. Xin thay mặt diễn đàn X-cafevn, cám ơn nhà báo Bùi Tín đã vui vẽ nhận lời trực tiếp thảo luận với các thành viên diễn đàn X-cafevn.

Nhà báo Bùi Tín
http://www.x-cafevn.org/forum/files/imagehosting/37874999b55dbbda8.jpg

Ông Bùi Tín: Trước hết, tôi chân thành cám ơn bạn Hồ Gươm đã đề xuất ra ý cho tôi có dịp gặp các bạn trên mạng X-Cafevn này.
Tôi cũng cám ơn ông bạn nhà văn Vũ Thư Hiên có nhã ý làm trung gian với nhiều thiện chí trong việc này.
Tôi ưa thích những cuộc gặp gỡ, trò chuyện, tâm sự, giải bày, tranh luận về tình hình đất nước, qua đó ai cũng có lợi, được hiểu nhau và mở rộng kho kiến thức riêng, hành trang cần thiết trong cuộc hành trình lý thú luôn mới mẻ trên đời.
Một lần tôi đã trả lời trên mạng Đàn Chim Việt rằng trong hơn 18 năm sống ở hải ngoại tôi có mất, có được, được nhiều hơn mất, được to, mất ít, và " lãi " lớn nhất là có thêm nhiều bạn tốt, cả ngoài nước và trong nước, phần lớn là các bạn trẻ.
Cái thú vị sâu xa là các bạn mới ấy vừa đông đảo, vừa đa dạng, rải khắp các châu lục, rải khắp nước ta, phần lớn gắn bó do cùng nhau ít nhiều dấn thân cho tự do và dân chủ của đồng bào ta ở quê nhà, có nghĩa là gắn bó cùng nhau bởi một Nghĩa đời cao rộng.
Mấy năm nay tôi khám phá ra một sự thật được chiêm nghiệm ngày một đặc sắc là trong đời mình, cái điều quý nhất không phải có nhiều tiền, có nhà cao, cửa rộng, có danh tiếng, địa vị, được tâng bốc, khen thưởng, được ưu đãi, chiều chuộng, mà điều quý nhất là cái cảm giác có ích cho nhân quần xã hội và có nhiều, thật nhiều bạn tốt trên đời.
Xin phép các bạn cho tôi được coi các bạn tham dự trò chuyện trên X-Cafevn hôm nay là những người bạn của tôi.
Mời bạn tưởng tượng một chút là bạn Hồ Gươm đang mời chúng ta mỗi người một cốc cà phê Ban Mê Thuột bốc khói.

(còn tiếp)

Trao đổi giữa ông Bùi Tín và các thành viên X-cafe (tiếp theo)
Diễn đàn X-cafevn
http://www.x-cafevn.org/node/1436

Tv Sukhoi: Không biết giờ đây khi sống những ngày cuối cùng của cuộc đời tai nơi đất khách quê người, ông có hối hận khi có hành động phản bội lại những người đồng chí khi nghĩ rằng họ sẽ sụp đổ như những gì đã xảy ra ở Đông Âu và LX cũ? Và ông có khi nào đánh giá lại những việc ông đã làm có giúp ích được những gì cho quê hương của ông không?

Ông Bùi Tín: bạn hỏi tôi về "những ngày cuối cùng của cuộc đời nơi đất khách quê người", tôi chỉ mỉm cười. Tôi biết, bạn không có ý nghĩ gì xấu. Còn có thể là bạn thương tôi, hơn 8 "bó" rồi, lại như thui thủi một mình. Bạn chớ lo. Tôi là người lạc quan. Tôi sống sót nhiều lần. Quá 75 tuổi,- tuổi thọ trung bình, tôi coi là được sống thêm, hưởng thêm, được lộc trời đất quá nhiều rồi. Tôi không luyến tiếc gì cuộc đời đâu. Chỉ tự nhủ ta cố sống thọ hơn cái chế độ lạc hậu bất nhân này.
Với tôi, giữa thời đại toàn cầu hoá, luôn có cảm nghĩ mình là công dân của thế giới, nơi nào có dân chủ đó là quê hương tôi, là vùng đất giải phóng của tôi.
Đây là "đất ta, quê mình", đất tự do bạn ạ. Chưa ở đâu tôi được thăm hỏi, an ủi, khuyến khích như ở đây. Tết, bánh chưng từng chồng. Chè móc câu chính hiệu dùng không hết. Áo ấm đủ loại, chẳng phải mua. Cho đến máy tính lớn, nhỏ cũng là bạn cho. Tôi không nhận một xu nào của một tổ chức chính trị hay tổ chức quốc tế vì sẽ mắc nợ họ, mất tự do cá nhân. Còn bạn chí thiết cho, tôi nhận, vui vẻ nhận, với cảm giác sướng, tôi là người của xã hội, của bà con ta, của chung, của mọi người lương thiện trên trái đất.
Tôi không hề mảy may hối hận về cuộc dấn thân 19 năm nay. Việc gì mà phải "đánh giá lại" việc mình làm, bạn Sukhoi ơi. Ba ngày nay, tôi bận bịu, vừa trả lời bạn Việt Long ở RFA về tình hình biên giới Tây Nam hồi 1978 thì các bạn BBC đã hỏi về chiến sự tháng 2-1979 ở biên giới Việt - Trung, rồi hỏi tiếp về nhân vật Hoàng Văn Hoan; và trưa qua bạn Bạch Thái Quốc của RFI lại phỏng vấn tôi về tình hình Đông Âu và Liên xô năm 1989 (20 năm trước), với những sự kiện bùng nổ ở Tiệp khắc, Ba lan, Hungari, sôi sục ở Moscow và sự đổ sập của bức tường Berlin. Tối nay, tôi ngồi gõ phím trò chuyện tâm tình với các bạn ở quán X-Cafe đây.
Tôi bận nhưng vui, phấn hứng do cảm thấy có ích. Chỉ vài ngày mà 4 lần tiếng nói được đưa về trong nước, với hàng triệu người nghe, phá dần màn đen dối trá của bạo quyền.
Tôi hiểu rằng nếu ở trong nước, nay tôi được hưởng thụ bao nhiêu là đặc lợi. Cán bộ đảng càng cao càng thành đại tư bản đỏ, có hàng tỷ bạc, của chìm của nổi... Tôi không có cái tạng ưa hưởng lạc. Nhìn ảnh chụp nhà Lê Khả Phiêu, tôi ghê sợ. Báu gì nhà hàng chục gian, sa-lông lim chạm rồng, trống đồng, ngà voi ăn cắp hay ăn cướp, ô tô cực sang. Đó là cái nhục, cái nhục thê thảm. Miệng thì leo lẻo : hy sinh, khó khăn đi trước, hưởng thụ đi sau nhân dân. Tự trọng ở đâu. Lương tâm ở đâu. Phiêu có còn dám chường mặt ra đường không.

Tv Innova: Về một phương diện nào đó, ông có cho rằng sự cân bằng nội tại của chính trị Việt Nam hiện tại là đáng quý? Chúng ta nên dùng áp lực để chỉnh hình nó dần dần thay vì thay một hệ thống này bằng hệ thống khác mà chắc chắn sẽ mất thời gian mới có sự cân bằng?

Ông Bùi Tín: Xã hội nào cũng cần ổn định để nhân dân lao động và mọi tầng lớp sinh sống làm ăn trong an cư lạc nghiệp, điều mà bạn gọi là "cân bằng nội tại". Trong hoà bình, ai cũng muốn có ổn định.
Có nhiều cảnh ổn định khác nhau. Có ổn định trong đoàn kết dân tộc, trong bình đẳng hài hoà, trong hưởng phồn vinh chung, xã hội ấm áp tình thương; khi chỉ có nụ cười, tiếng hát, lời ru, khi ban đêm cổng không cần đóng, cửa không cài. Không thể ổn định khi bất công tràn lan, hố cách giầu nghèo mở rộng, người lương thiện xơ xác, bọn tham nhũng béo ú cùng bọn xã hội đen hung bạo hoành hành.
Thời mở cửa, hội nhập sự thay đổi từ từ theo hướng tiến bộ đang diễn ra. Người tốt, lương thiện đang sốt ruột, muốn thay đổi nhanh hơn, lo âu vì cái xấu - tham nhũng, bạo lực, đồi truỵ, tệ nạn - cũng tăng.
Phải rèn luyện tính kiên nhẫn, và không chịu khoanh tay, giữ niềm tin, và hoạt động, bạn Innova ạ.
Không ngồi yên, chờ đợi. Không nói suông. Hãy vào cuộc, hành động hiệu quả, hết sốt ruột ngay.
Một chế độ xấu, tệ, nát sẽ tự sụp đổ bởi những tật bệnh tự trong cơ thể nó. Bạn nói đúng. "It destroys itself from within!".
Sức nội tại của xã hội phá huỷ cơ chế cũ có phần đóng góp của bạn.

Tv buiphan: Cân bằng trong chính trị không có nghĩa là bất động. Độc đảng là bất động, bất động là thoái hóa. Vận động nội tại mới là sự cân bằng cần thiết. Đa đảng giúp cho có sự vận động nội tại.

Ông Bùi Tín: Cân bằng xã hội không có nghĩa là bất động. Chuyển động khi nhanh khi chậm, theo chiều hướng đi lên. Dân đã bớt sợ bạo quyền. Bạo quyền sợ dân thức tỉnh, nể trọng công luận thế giới, tính đến pháp luật. Từ khi vào WTO, thay đổi nhanh hơn. Nay tôi có thể nói chuyện hàng giờ với các anh chị em dân chủ trong nước. Nay 3 bà giáo dân đang kiện báo Hà Nội mới của thành uỷ cộng sản, theo đúng luật, làm họ bối rối. Năm qua đã có 900 cuộc bãi công của lao động dù bị bạo quyền cho là bất hợp pháp.
Năm nay, có những chủ đề nóng bỏng đã chín để đặt ra quyết liệt, tạo thay đổi lực lượng : chống tham nhũng (những vụ nổi cộm nhất), quyền tư hữu ruộng đất (khi sửa luật Đất đai), quyền tự do báo chí, vấn đề mất đất, biển, đảo. Rồi vụ PCI, vụ Bô - xít...Cần nhạy bén bám. Và bám chặt. Không cho chúng nó thoát! Và trong mọi vấn đề nêu đậm sự bế tắc của chế độ độc đảng; lối thoát, con đường khai thông duy nhất là khởi đầu chế độ đa nguyên đa đảng trong trật tự và luật pháp.

Tv Kami: Theo tôi biết, không có bất kỳ nhà cầm quyền nào dễ dàng từ bỏ quyền lợi lãnh đạo độc tôn của mình để thương lượng với một nhúm nhà dân chủ èo uột trong nước như hiện nay ,mà cần phải tạo nên một áp lực từ bên trong kết hợp vói ngoại lực bên ngoài đủ mạnh để buộc nhà cầm quyền xuống thang ngồi vào bàn đàm phán đó là mục tiêu chính. Ông có cách gì để có sự đồng thuận các tổ chức chính trị trong và ngoài nước tạo nên áp lực này? Khi đã tạo được áp lực cần thiết theo ông trong số hơn ba triệu người Việt ở hải ngoại và 84 triệu người Vn trong nước hiện nay chúng ta có thể có một vài người có tài có đức được quần chúng ủng hộ và chấp nhận (cỡ Havel - Tiệp khắc, Walesa - Ba Lan) hay ít cũng như Ngô Quang Kiệt, Bùi Tín, có đủ sự dũng cảm xả thân đối đầu công khai với chính quyền trong nước để làm người đứng đầu lãnh đạo phong trào hay không? Đã có hay chưa?

Ông Bùi Tín: Bạn nói lên rất đúng những nhược điểm của cuộc đấu tranh. Có người bỏ cuộc; có những mâu thuẫn nội bộ, cãi cọ không nên có, làm suy yếu cuộc đấu tranh, phí thời gian. Vừa qua nhiều anh chị em đã nhận ra và cố sửa chữa, hoàn thiện mình, thúc đẩy cuộc đấu tranh cho có hiệu quả khi đang có nhiều dịp tốt. Mới đây nhiều tổ chức đã phối hợp, kết hợp, chung sức với nhau trong và ngoài nước, sát cánh cùng đồng bào trong những cuộc đấu tranh đòi công bằng xã hội, quyền tư hữu ruộng đất, quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí, quyền bãi công, lập công đoàn tự do, đòi tự do cho mọi người tù do bất đồng chính kiến...Gần đây hàng chục luật sư trẻ dấn thân, hàng chục giáo viên vào cuộc, hàng vài chục sinh viên trong và ngoại nước vẫy nhau đứng dậy lập Tập hợp Thanh niên Dân chủ, lập ra một loạt báo mạng, lập nhóm nghiên cứu...
Bạn nói rất đúng, nước ta cần sự xuất hiện của những nhân vật như Gorbachev, Eltsin, hay như Walesa, Havel ..., từ cơ quan lãnh đạo của đảng CS, hay từ tổ chức công đoàn, từ giới trí thức ngoài đảng, được quần chúng tin cậy giao cho sứ mạng cứu nước, dân chủ hoá, mở ra một giai đoạn lịch sử mới. Hiện ở ta đã có những gương mặt dân chủ kiên cường, có trình độ văn hoá - chính trị khá, được quần chúng tin cậy. Thời thế đang tạo anh hùng, bạn Kami ạ.

Tv sun-pak: Trước đây, dường như một trong những mục tiêu của bác là thuyết phục mọi người nên hy vọng đảng CS sẽ sửa đổi cho tốt hơn và chờ đợi nó xảy ra, chứ không cần manh động. Nhưng thật tế chưa hề có việc gì xảy ra như ý bác mong đợi mà còn trái ngược nữa. Trong vài bài mới đây của bác có những lời lẽ mạnh bạo hơn. Như vậy có phải bác đã từ bỏ "đường lối" hy vọng, chờ đợi và cả không còn coi cái gốc (HCM) là đáng tôn trọng? Nếu thế, bác có ân hận vì mình đã góp phần dẫn dắt dư luận đi theo hướng sai, thiếu sự thúc đẩy phong trào tranh đấu không? Và đường hướng mới của bác về sau sẽ như thế nào?
Như bác vừa nói, dân VN bây giờ gọi đảng CS là "bọn họ", "chúng nó" (các đảng viên) một cách khinh bỉ. Thật ra còn một từ nữa còn nặng hơn, đó là " nó " (đảng CS) trống trơn; nói lên sự căm ghét tột cùng. Như thế chắc bác cũng đồng ý việc gì đến sẽ đến. Điều mà mọi người cần quan tâm là tình huống như thế sẽ dễ gây ra bạo loạn vì thiếu lãnh đạo và đoàn kết. Đó là điều không tốt vì sẽ mang đến những rủi ro rất lớn như nội chiến, sứ quân và ngay cả nước ngoài sẽ thừa cơ thủ lợi. Vậy thì ý kiến của bác như thế nào? dĩ nhiên chắc không phải là kiểu hy vọng, chờ đợi, dân chủ tiệm tiến, là những xảo thuật câu giờ giúp đảng CS sống dai.
Sau khi đọc cuốn "Hoa Xuyên Tuyết" của bác về hy vọng một mùa Xuân sẽ đến cho dân tộc VN sau những đêm Đông lạnh giá, điều mà cháu tưởng tượng là mùa tuyết tan sẽ đến với VN không xa, dân chúng sẽ ồ ạt xuống đường tỏ ra bản lĩnh không kém Indo, Phi, Thái, Hàn, nhưng nếu thiếu sự chỉ đạo, kiểm soát, kiềm chế thì thật tai họa. Hay là vận nước ta phải hứng chịu những oan trái không ngưng?

Ông Bùi Tín: Bạn hỏi tôi có phải trước đây tôi dùng biện pháp thuyết phục, kiến nghị, yêu cầu họ sửa sai, không cần manh động, không kết quả nên nay chuyển sang biện pháp khác, mạnh mẽ hơn?
Đúng là trong đấu tranh, nhận thức của tôi có thay đổi, ngày càng gần thực tế và sự thật. Mặt khác, lãnh đạo cộng sản tuy ở thế chống đỡ, buộc phải lùi, nhưng cũng tỏ ra lỳ lợm, hư hỏng, bất nhân hơn trước. Đảng CS cũng thoái hoá, sa sút, rã rời và phân hoá.
Bạn cũng cần hiểu rằng khi tôi gửi thư cho ông tướng Giáp, cho ông thủ tướng Kiệt, cho hội nghị trung ương hay Đại hội đảng, thì không phải tôi tin ở sự tiếp thu, tiếp nhận, tán đồng của họ đâu. Tôi biết là họ không tiếp nhận, nhưng vẫn làm vì đây là dịp để tải chính kiến của mình về cho đồng bào, cho trí thức, thanh niên và một số đảng viên tử tế. Cái đich thật sự là nâng cao nhận thức, thức tỉnh lương tâm, động viên ý chí của toàn xã hội, như cụ Phan Chu Trinh từng nói: nâng cao dân trí, hậu (làm cho hùng hậu) dân khí. Sự giác ngộ của xã hội luôn là nhân tố quyết định. Mỗi người bị lừa dối có hệ thống theo quan điểm toàn trị, bị nhồi sọ từ khi mới đẻ cho đến khi chết (còn mang theo vô vàn điều bị lừa dối sang bên kia thế giới), nên việc thức tỉnh xã hội luôn là chuyện hệ trọng nhất.
Riêng với ông tướng Giáp, tôi rất quý trọng từ khi ở trong nước và nhiều lần cố thuyết phục ông bênh vực, đòi công bằng cho đồng đội Chu Văn Tấn, Đặng Kim Giang, Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương ... nhưng ông vẫn vô cảm và bất động. Ông như con chim bị bắn - kinh cung chi điểu, cố giữ yên ổn, tiếng tăm (hão huyền) cho riêng cá nhân mình, ích kỷ ve vuốt ngắm nghía những huân chương và lon 4 sao trên vai, bỏ mặc đồng đội trong đại nạn. Nhiều lần tôi nói thẳng với ông "nhất tướng công thành vạn cốt khô", cố làm ông động lòng nghĩ đến hàng mấy trăm nghìn liệt sỹ, nhưng ông vẫn bất động. Tôi thất vọng sâu sắc về ông tướng thiếu dũng khí, thiếu lòng nhân này từ khi tôi còn ở trong nước.
Ra nước ngoài tôi còn gửi thư cho ông, nghĩ rằng "còn nước còn tát", biết đâu ông nghĩ lại, tự vượt qua mình như tướng Trần Độ thì có lợi biết bao. Còn chút hy vọng le lói, tôi viết lá thư cuối cho ông, thanh thản là đã làm hết sức mình, đã nghĩ cho đến hết lẽ. Tôi không ảo tưởng.
Còn về tránh bạo loạn thì theo tôi đó là cần, vì nhân dân ta đã chán chiến tranh, không cho phép một cuộc nội chiến nữa. Nhưng những người đối kháng, anh chị em dân chủ chúng ta cần có một khái niệm linh hoạt về đấu tranh chính trị, về con đường phi bạo lực. Kinh nghiệm thực tế cho thấy đấu tranh chính trị, phi bạo lực vẫn rất cần đến hy sinh, đến tinh thần dấn thân quyết liệt trước đàn áp, tù đầy từ bạo quyền phi nhân. Và khi cần, phải huy động quần chúng xuống đường đông đảo, với "vũ khí" là khẩu hiệu, yêu sách, truyền đơn, biểu ngữ, với nội dung sắc bén, thích hợp. Bà con giáo dân Thái Hà tập họp 2, 3 ngàn người cầu nguyện là một cuộc đấu tranh có hiệu quả. Những cuộc tập họp hàng 400 hay 500 dân oan ở Bắc Giang, Cầu Giấy (Hà Nội), những cuộc đình công hàng nghìn công nhân ở Bình Dương, Chợ Lớn, Hải Phòng... là những kinh nghiệm ban đầu.

Tv Oldman: Thưa ông Bùi Tín, tôi cũng từng có thời gian đi bộ đội và tham gia chiến trường biên giới tây nam ở cuối thập niên 70's. Từng là cựu chiến binh trong QDND nên xin phép ông cho tôi hỏi những câu hỏi liên quan tới QDND vì ông đã từng làm đại tá. (xin nhận là tôi chỉ là thượng sỹ rồi về quê cày ruộng). Đồng thời, trong số các thành viên của x-cà cũng có những thành viên là cựu quân nhân như tôi và cũng có (những) thành viên hiện vẫn còn dang phục vụ trong quân đội mà cấp bậc cũng tương đương hay gần tương đương với ông khi xưa. Xin hỏi:
Cấp bậc cuối cùng của ông là đại tá đồng thời cũng cũng là Phó TBT báo ND. Vậy khi ấy ông đã hoàn toàn chuyển ngành về dân chính ở một khoảng thời gian nào đó trong quá khứ hay là ông làm cả hai cùng lúc, vừa là đại tá QDND vừa là phó TBT cùng lúc?
Nếu những người còn ở lại phục vụ trong QDND cho rằng ông là một người lính mang tới cấp bậc đại tá mà phản bội lại Đảng và quân đội như một hình thức đào ngũ do đó không xứng đáng với tác phong người người sỹ quan QDND. Đối với những lời cáo buộc này ông sẽ trả lời như thế nào?
Cũng trong số những người còn phục vụ trong quân đội và là sỹ quan trung cấp họ cũng cảm nhận được những bất công của xã hội, những sai trái của các cấp chính quyền. Đồng thời, họ cũng nhận thức được tính ưu việt của xã hội dân chủ và môi trường tự do ngôn luận, nhưng ở họ có một điều bất khả xâm phạm là niềm tin nơi đảng CS vì họ đã là đảng viên hằng bao nhiêu năm. Ông sẽ có lời khuyên hay sự giải thích nào để những người này tự tìm được sự thanh thản của tâm hồn, của lý trí?


Ông Bùi Tín: Tôi không còn là sỹ quan tại ngũ từ cuối năm 1982; tôi chuyển hẳn sang ngành dân sự, chỉ còn là sỹ quan dự bị.
Ở trong nước có vài kẻ trong ngành tuyên huấn, tư tưởng, an ninh có vài lần dùng từ "phản bội" đối với tôi. Tôi không mảy may quan tâm đến chiếc mũ vô nghĩa này.
Nhượng cho bọn bá quyền từng mảng đất, biển, đảo; để mất gần 1 tỷ đôla nguồn viện trợ ODA của Nhật, lại che chở bọn tham nhũng cỡ bự; ngầm chuyển từng mảng cực lớn ngân sách quốc gia cho bộ chính trị CS mà quốc hội không hề biết ... có mang tính chất phạm pháp và phản bội nhân dân và đất nước hay không?
Xin để công luận phán xét một cách công bằng.

Nguồn:
Diễn đàn X-cafevn


No comments:

Post a Comment