Thursday, February 19, 2009

TỔ MAI TÁNG TỪ THIỆN

“Người đưa đò” ở bến biệt ly
Thứ Năm, 19/02/2009, 08:16 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=302388&ChannelID=89
TT - Trầm tư nhìn ra con hẻm chật chội ồn ào, ông chiêm nghiệm: “Tôi nghĩ sinh ra trên đời ai cũng có quyền được chết một cách đàng hoàng, nhưng đôi lúc ông trời cũng chơi khăm phận nghèo. Với một số người, cái chết đàng hoàng nhiều khi cũng không thể có được...”.
Cũng vì suy nghĩ này mà ông trở thành “người đưa đò” bất đắc dĩ ở bến biệt ly, nơi con người giã từ cõi sinh, đi về bến tử. Tên ông là Bùi Văn Oanh, nhưng người dân ở đây vẫn thường gọi là chú Ba Oanh mai táng từ thiện.

Danh vọng, bạc tiền đều là hư vô

Miếng rách trên vai áo và cái nghề đạp xe ba gác nói lên rằng ông cũng chỉ là một người bình thường như bao người khác trong con hẻm lao động nghèo trên đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, TP.HCM.
Tôi gặp khi ông ngồi đăm chiêu bên cái thau trước sân chậm rãi đốt từng tờ giấy khai tử, từng trang điếu văn của những người dưng mà ông từng đưa tiễn họ. Ông bảo đó là “trả về hư vô những gì còn lại của những người đã khuất”. Chỉ vào những tàn tro bay lên, ông nói: “30 năm qua, anh em chúng tôi đã đưa tiễn hơn 800 phận người về với cát bụi.
Trong số đó, người một thời danh tiếng cũng có, người vô danh cũng nhiều... Tất cả đều trở thành hư vô. Phải sống gần hết đời người tôi mới hiểu rằng chẳng có cái quan tài nào có túi để đựng tiền bạc, danh vọng khi người ta lìa đời!”.

Tổ mai táng từ thiện của ông ra đời từ năm 1979, sau cái chết của chính cha ông. Ông nhớ lại: “Nhà tôi nghèo lắm... Nghèo đến mức cha tôi nằm xuống cũng không đủ tiền mua nổi cái quan tài. Chạy vạy mãi, cuối cùng cũng có một người tốt bụng chấp nhận bán thiếu.
Từ đấy tôi cứ dằn vặt mãi về cái chết của cha, về những thân phận nghèo khó khi nhắm mắt lìa đời. Tôi ước có được một tổ mai táng từ thiện để giúp những linh hồn khốn khó được ra đi thanh thản, được sang sông một cách êm ả sau một kiếp người thăng trầm”. Ấp ủ là vậy, nhưng để tổ chức được một nhóm mai táng từ thiện không phải là dễ...
Hồi đó, bình quân mỗi ngày ông Ba Oanh đạp xe được 4-5 đồng. Để trả được món nợ 50 đồng tiền mua quan tài cho cha, ông phải mất hơn ba năm gồng mình trên những cuốc xe ba gác nặng trĩu cả ngày lẫn đêm. Thêm vào đó là gánh nặng gia đình với năm đứa con nheo nhóc. Ông kể: “Mỗi ngày tôi “nuôi heo” bằng việc nhín chút tiền ăn sáng, uống cà phê. Tằn tiện từng đồng, cuối cùng tôi cũng mua được mười bộ trang phục chuyên dụng cho tổ mai táng”.
Ngày ông mang những bộ đồ tùy táng về nhà, vợ ông phản đối kịch liệt. Nhắc lại chuyện xưa, bà Nguyễn Thị Y - vợ ông - thật thà: “Lúc đó tui la ổng dữ lắm. Ai đời thu nhập bấp bênh, con cái thì bữa đói bữa no, thân mình lo còn chưa xong nói chi lo cho thiên hạ. Mà ổng lì lắm, cứ đợi nửa đêm dựng tui dậy nói chuyện, riết rồi tui cũng xiêu lòng...”. Khi đã dàn xếp xong với vợ con, ông Ba Oanh lên kế hoạch tìm kiếm những người đồng chí hướng. Thế rồi đội mai táng từ thiện Phước Thiện do ông làm tổ trưởng chính thức ra đời, có 21 thành viên. Họ là người tứ xứ đổ về TP.HCM mưu sinh với những cảnh đời khác nhau, nhưng họ có một điểm chung: nghèo khó và có lòng như ông Ba Oanh!

Hành khất cho người nằm xuống

Suốt 30 năm qua ông đã lê bước khắp hang cùng ngõ hẻm ở TP.HCM để xin từng cái quan tài cho những người nghèo khó khi hữu sự. Có người đồng cảm, chia sẻ với ông, nhưng cũng không ít lần ông bị người ta lảng tránh. Ông tâm sự: “Hễ có ai gọi điện nhờ vả đến đội mai táng từ thiện, việc trước tiên tôi phải làm là đi xin quan tài. Nơi này không cho, tôi lại đạp xe đi nơi khác, cứ thế mà xin chừng nào có mới thôi...”.
Từ dạo có tin xe ba gác bị cấm, ông bỏ nghề, chuyển qua lượm rác hằng đêm để kiếm sống. Những người cộng sự của ông cũng chẳng khấm khá gì hơn, người thì chạy xe ôm, người bán vé số... Lam lũ là vậy nhưng cũng chỉ đủ trả tiền thuê nhà và hai bữa cơm đạm bạc qua ngày. Vậy mà khi ông Ba Oanh báo tin có người cần giúp, dù là nửa đêm họ cũng sẵn sàng lên đường không một chút đắn đo. Phần lớn những người nhờ đến ông đều có hoàn cảnh nghèo khó, vì thế tiền xe cộ và chút cháo lót dạ đêm hôm ông phải tự xoay xở.
Nhắc lại những “chuyến đò”, ông Ba Oanh rớm lệ: “Có một đôi vợ chồng trẻ ở tận Nghệ An vô thành phố mưu sinh. Anh chồng bệnh, vừa tắt thở cũng là lúc chủ nhà đến đuổi đi, không cho làm đám tang trong nhà vì sợ xui xẻo. Tôi phải giăng bạt ngoài trời khâm liệm rồi vội vã khăn gói cùng anh em đưa người xấu số về quê an nghỉ. Đó là chuyến đi buồn nhất của đời tôi, buồn vì thương cho những phận nghèo khi phải lìa đời mà cái nghèo vẫn chưa chịu buông tha!”. Không biết sẽ còn bao nhiêu số phận bần hàn nữa phải nhờ ông? Chính ông cũng không thể biết được, nhưng ông nói rằng chừng nào trời còn cho ông sống thì ông còn làm “người đưa đò” ở bến biệt ly.

Xin chút bình yên cho người đã khuất

Ông kể: ”Có lần tôi được nhờ đến lo tang ma cho một cậu thanh niên bị chết do nhiễm HIV vì chích ma túy. Hàng xóm thì xa lánh, người nhà thì lạnh nhạt với đứa con yểu mệnh. Đến giờ động quan, bất ngờ người mẹ cầm roi lao đến đánh tới tấp vào quan tài rồi gào lên: “Mày là thằng con bất hiếu!”. Hoảng quá, tôi phải van xin bà cụ: “Chúng con không máu mủ mà còn đến đây để đưa tiễn cháu, cụ là mẹ, mong cụ bỏ qua những lầm lỗi cho cháu...”. 30 năm trôi qua, ông không nhớ rõ đã bao nhiêu lần mình phải van nài như thế...

THẾ ANH


No comments:

Post a Comment