Monday, February 9, 2009

THU GIỮ HỘ CHIẾU LÀ VI PHẠM NHÂN QUYỀN

Thu giữ hộ chiếu là vi phạm nhân quyền
Vũ Quốc Dụng
(ISHR và CAMSA)
Posted on Thursday, February 05 @ 11:48:03 EST
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1502

LTS. Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA) chủ trương giải quyết tận gốc nạn buôn người qua việc can thiệp cho nạn nhân, trừng trị thủ phạm, ảnh hưởng chính sách quốc gia, và giáo dục quần chúng. Trong bài này, Ông Vũ Quốc Dụng, Tổng Thư Ký Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (ISHR), giải thích về khía cạnh vi phạm nhân quyền của việc thu giữ passport của công nhân. Việc thu giữ này dễ đưa đến tình trạng buôn người khi mà nạn nhân, vì không có passport, đã không thể trốn thoát tình trạng bị bóc lột sức lao động. Đây là một trong loạt bài phân tích về khía cạnh nhân quyền trong vấn đề phòng và chống buôn người.

Hộ chiếu (passport) là một tài liệu được một chính quyền cấp cho người dân sử dụng trong việc đi ra nước ngoài. Hộ chiếu trước hết chứng minh lai lịch và quốc tịch của một con người. Trên hộ chiếu công dân của một nước có thể xin đóng hoặc dán giấy phép nhập cảnh của những quốc gia khác. Nếu không có giấy nhập cảnh, một người sẽ bị xem là cư trú bất hợp pháp trên một quốc gia khác. Không có hộ chiếu, một người sẽ mất lai lịch cũng như mất sự bảo vệ của pháp luật ở nước ngoài. Tóm lại hộ chiếu là một tài liệu quan trọng đối với một người ngoại quốc đang có mặt ở ngoài lãnh thổ quốc gia của họ.

Cấp phát hộ chiếu một cách rộng rãi là hệ quả của việc mở rộng bang giao và thông lưu giữa các nước trên thế giới. Ngày nay nhiều quốc gia đã ký thoả hiệp song phương để bỏ thị thực nhập cảnh cho công dân của nhau. Công dân của một số quốc gia hiện có thể đến du lịch ở một nước khác mà không phải mất công làm trước những thủ tục nhập cảnh lôi thôi. Đến trạm kiểm soát ở biên giới họ chỉ cần trình hộ chiếu là có thể nhập cảnh dễ dàng. Có nhiều quốc gia láng giềng với nhau – thí dụ như các quốc gia Âu Châu tham gia thoả ước Schengen – đã bỏ cả trạm kiểm soát giấy tờ ở biên giới để tạo thuận tiện cho việc đi lại xuyên quốc gia. Dù bằng đường bộ hay đường hàng không, công dân của những quốc gia này không cần đi qua các cổng xét hộ chiếu nữa. Những dễ dãi về thủ tục đi lại này là thành quả của cuộc đấu tranh bền bỉ cho quyền tự do đi lại (1). Những dễ dãi này làm cho con người ở mọi nơi dễ gần lại với nhau và biên giới của mỗi quốc gia như được mở rộng thêm ra.

Một số quốc gia trên thế giới hiện vẫn không cho công dân được xuất ngoại. Một số quốc gia khác vẫn còn hạn chế hoặc cản trở quyền tự do đi lại của công dân. Việt Nam ngày nay vẫn tuỳ tiện thu giữ hộ chiếu của những người bất đồng chính kiến hoặc không cho họ xuất cảnh cho dù họ đã có hộ chiếu hợp lệ. Việt Nam vẫn xem xuất ngoại là một đặc ân hơn là một quyền tự do. Riêng trong lãnh vực “lao động xuất khẩu” chính quyền Việt Nam đã có nhiều nới lỏng hơn trước. Trước năm 1989, tất cả những công dân Việt Nam đi lao động tại các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đều bị sứ quán CHXHCN Việt Nam thu giữ hộ chiếu để ngăn ngừa họ đi du lịch hoặc trốn sang các nước dân chủ khác. Những hành vi này đều bị xem là vi phạm quyền tự do đi lại.

Nhưng ngày nay người lao động Việt Nam đang bị hạn chế quyền tự do đi lại dưới một dạng khác. Người lao động Việt Nam ở Mã Lai vẫn bị thu giữ hộ chiếu bởi tư nhân, là các chủ nhân hoặc công ty môi giới. Không có hộ chiếu, người lao động Việt Nam ở Mã Lai đã không thể rời khỏi ký túc xá để tìm một chỗ ở khác. Họ không thể rời khỏi nước Mã Lai khi muốn đi thăm bạn bè hoặc đi du lịch ở một nước khác trong thời gian nghỉ cuối tuần hay nghỉ phép. Họ như bị cầm tù mặc dù họ không phạm pháp. Ngoài ra, nếu không có hộ chiếu mà bị cảnh sát bắt thì một người lao động Việt Nam có thể bị xem là nhập cảnh lậu và bị trục xuất mặc dù giấy phép làm việc ở Mã Lai của họ vẫn còn hợp lệ.

Hành vi thu giữ hộ chiếu này đã được cả chính quyền Việt Nam lẫn Mã Lai dung dưỡng. Dung dưỡng vì cả hai chính phủ đều biết rõ hành vi trái pháp luật này nhưng đã không có biện pháp ngăn chặn. Dung dưỡng là một hình thức đồng tình và như thế là chối bỏ trách nhiệm bảo vệ một nhân quyền căn bản. Chúng ta cần biết rằng luật Việt Nam và Mã Lai không cho phép tư nhân thu giữ hộ chiếu. Trên nguyên tắc, ở mọi nơi trên thế giới, tư nhân không được phép thu giữ hộ chiếu hay giấy tờ tuỳ thân mà việc này chỉ có thể được thực hiện bởi một cơ quan nhà nước. Ngoài ra cũng chỉ có một số cơ quan nhà nước nhất định mà nhiệm vụ được luật pháp qui định rõ ràng mới được phép thu giữ hộ chiếu. Một người tự nhận là nhân viên của một “cơ quan nhà nước nào đó” sẽ không được phép xem giấy tờ tuỳ thân, chứ chưa nói đến việc thu giữ hộ chiếu.

Việc tư nhân thu giữ hộ chiếu phát xuất từ lối suy nghĩ đơn giản, thiếu tôn trọng con người và thiếu tôn trọng luật pháp. Lối suy nghĩ này còn rất phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội ở Mã Lai. Các công ty Mã Lai giữ hộ chiếu để ngăn ngừa công nhân Việt Nam bỏ hợp đồng và đi ra làm ở những chỗ khác. Một luật sư Mã Lai cho biết chính gia đình ông ta cũng thu giữ hộ chiếu của các gia nhân ngoại quốc để đề phòng họ ăn cắp và tẩu thoát. Trước hết đây là những hành vi lạm quyền tột độ. Tư nhân thu giữ hộ chiếu vì đã tự cho mình cái quyền trừng phạt người khác. Đây là một thứ luật rừng mà không một chế độ có pháp luật nào có thể chấp nhận được. Ngoài ra hành vi thu giữ hộ chiếu lan tràn hiện nay thể hiện một sự nghi ngờ chung chung đối với mọi người lao động Việt Nam. Cho nên dù họ chưa phạm tội, họ đã bị trừng phạt. Cuối cùng, hộ chiếu không thể bị đem ra làm vật thế chấp. Những hành vi phạm pháp hoặc vi phạm hợp đồng, nếu xảy ra, đều có thể chế tài bằng những phương cách được qui định chính xác bởi pháp luật.

Người ăn cắp sẽ bị phạt tiền, người bỏ hợp đồng sẽ phải bồi thường thiệt hại. Những hình phạt này không đòi hỏi phải thu giữ hộ chiếu.

Việc dung dưỡng thói quen thu giữ hộ chiếu trái phép sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nạn bóc lột sức lao động hoặc bóc lột tình dục. Kẻ buôn giữ nô lệ thời xưa và kẻ buôn người thời nay đều thu giữ giấy tờ tuỳ thân của nạn nhân như một phương cách ngăn cản họ trốn thoát khỏi tình trạng bóc lột. Họ còn thường huỷ luôn các giấy tờ của nạn nhân để xoá dấu tích của hành vi phạm pháp và cản trở công việc điều tra của cơ quan cảnh sát hình sự. Mất giấy tờ tuỳ thân, nhiều nạn nhân cho biết họ sợ bị trục xuất về nước và phải cắn răng tiếp tục chịu cảnh khốn cùng. Sau khi giải cứu các nạn nhân và muốn đưa họ trở về nước, Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Á Châu (CAMSA) đã rất vất vả để đòi lại giấy tờ tuỳ thân cho họ. Qua việc thu giữ hộ chiếu, nhiều công ty Mã Lai cũng đã có thể trục xuất dễ dàng những công nhân mà họ tình nghi là người cầm đầu các cuộc biểu tình phản đối việc công ty bóc lột hoặc trả lương thiếu. Việc truy tố những công ty này trước toà án Mã Lai thường gặp trở ngại vì thiếu nhân chứng.

Liên minh CAMSA không chấp nhận hành vi thu giữ hộ chiếu của công nhân Việt Nam vì hành vi này vi phạm nghiêm trọng quyền tự do đi lại, giới hạn quyền của công nhân và tạo điều kiện cho các tổ chức buôn người cầm giữ nạn nhân. CAMSA sẽ dựa trên những cơ sở đạo đức và pháp lý quốc tế vững vàng để chống lại hành vi này. Luật quốc tế nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với các người làm công ngoại quốc và cấm tịch thu hoặc tiêu huỷ giấy tờ tuỳ thân của người di dân lao động (2). Trong công tác phòng chống nạn buôn người (3), CAMSA đòi hỏi các chính phủ Việt Nam và Mã Lai làm hết sức mình để dẹp bỏ thông lệ thu giữ hộ chiếu rất phổ biến hiện nay ở Mã Lai vì cả hai nước đều đã ký kết vào Công ước Chống Tội ác có Tổ chức Xuyên Quốc gia (4). CAMSA cho rằng việc dẹp bỏ thông lệ thu giữ hộ chiếu của người lao động Việt Nam nằm trong tầm tay giải quyết của các chính phủ Việt Nam và Mã Lai vì CAMSA thấy rằng công nhân của nhiều nước khác ở Mã Lai đã không bị mất giấy tờ tuỳ thân. CAMSA sẽ vận động cộng đồng thế giới lên án hành vi thu giữ hộ chiếu như một sự vi phạm hay hạn chế quyền tự do đi lại và quyền của người lao động.

Vũ Quốc Dụng

---------------

(1) Điều 13 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (Universal Declaration on Human Rights): “Bất cứ ai cũng có quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi của mỗi quốc gia. Bất cứ ai cũng có quyền rời khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả quốc gia của mình, và có quyền trở về quốc gia của mình. ”
(2) Điều 21 của Công ước Quốc tế Bảo vệ Quyền của Di dân Lao động và Thành viên Gia đình họ (International Convention on the Protection of the Rights of All Migrant Workers and Members of Their Families) và Công ước 97 về vấn đề Di dân Lao động (Migration for Employment Convention) của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO
(3) Hành vi buôn người được định nghĩa rất rõ trong “Hiệp định thư về việc Phòng, Chống và Trừng phạt Nạn Buôn người, đạc biệt đối với Phụ nữ và Trẻ em”, còn gọi là Hiệp định thư Palermo, là văn bản đính kèm theo “Công ước chống Tội phạm có Tổ chức Xuyên quốc gia” của LHQ (Protocol to Prevent, Suppress and Punish Trafficking in Persons, Especially Women and Children, supplementing the United Nations Convention against Transnational Organized Crime).
(4) Tính đến ngày 26/09/2008 đã có tổng cộng 147 nước tham gia vào Công ước Chống Tội ác có Tổ chức Xuyên Quốc gia (United Nations Convention against Transnational Crime).

==========================================

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA trong tiếng Anh, được thành lập tháng 2 năm 2008 bởi bốn tổ chức: UBCNVB, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, và Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức). Tháng 4 năm 2008, Liên Minh CAMSA phối hợp với tổ chức Tenaganita để thiết lập Văn Phòng Hỗ Trợ Công Nhân Việt Nam. Trong chưa đầy một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho khoảng 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.
Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:
BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 - USA


No comments:

Post a Comment