Friday, February 27, 2009

THẢM HOẠ DỰ ÁN KHAI THÁC BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN

Thảm hoạ dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn
Đăng ngày 26/02/2009 lúc 16:28:46 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3564
Mặc dù quy hoạch khổng lồ về khai thác quặng nhôm ở Tây Nguyên đã bắt đầu được triển khai, các nhà khoa học đang phản biện quyết liệt. Một trong những phản biện đó lại chính từ bên trong đơn vị thực hiện, chuyên gia Nguyễn Thanh Sơn của Tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV). Sau đây là những điểm chính trong phản biện của ông.

Màu xanh Tây Nguyên

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Chính phủ VN đã từng đề xuất đưa dự án khai thác bô - xít ở Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên của khối hợp tác COMECON. Các nước thành viên của COMECON, đặc biệt là Liên Xô, khi đó rất cần bô - xít cho nhu cầu công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, Hội đồng COMECON đã quyết định không triển khai dự án, thay vào đó, đã tích cực giúp VN triển khai các dự án cao su, cà phê và chè.

Các chuyên gia khi đó đã nhận định: nếu triển khai các dự án bô - xít, về môi trường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước của vùng Tây Nguyên, không đủ nước để phát triển được cây công nghiệp cao su, chè và cà phê.

Về sinh thái, sẽ ảnh hưởng xấu đến khí hậu của toàn vùng miền Nam Trung Bộ và Campuchia, hạn hán sẽ kéo dài, lũ lụt sẽ thường xuyên xẩy ra hơn.

Về kỹ thuật, không thể lưu giữ một khối lượng khổng lồ bùn đỏ (red mud) ở trên cao nguyên, chỉ có thể tuyển bô - xít ở vùng đồng bằng ven biển để chôn cất bùn đỏ gần bờ biển.

Về kinh tế, các dự án bô - xít không có hiệu quả và không thể giúp VN phát triển bằng các dự án cao su, cà phê, và chè.

Tính đúng đắn và hiệu quả của những quyết định của COMECON đến nay càng thể hiện rõ.

Một quy hoạch phát triển bô - xít “chẳng giống ai” hiện nay

Sau hơn 20 năm “án binh bất động”, năm 2007 Việt Nam đã thông qua một quy hoạch phát triển ngành bô-xít - nhôm rất hoành tráng. Đây là quy hoạch một ngành kinh tế hoàn toàn mới, lần đầu tiên được phê duyệt của VN.

Lẽ ra, chúng ta nên thuê trực tiếp một tổ chức tư vấn nước ngoài có tên tuổi thực hiện (tương tự như qui hoạch ngành khí của tập đoàn Dầu khí VN đang lập, hay quy hoạch đầu tiên của các ngành than, điện… trước đây do Liên Xô giúp). Quy hoạch bô-xít - nhôm do tư vấn của VN chưa có kinh nghiệm soạn thảo. Việc soạn thảo chưa dựa vào và không có các thông tin tham khảo cần thiết nên “chẳng giống ai”. Vì vậy, bản quy hoạch này, mặc dù đã được Chính phủ thông qua (QĐ 167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007), nhưng còn có quá nhiều vấn đề cần được trao đổi, làm rõ để xác định tính khả thi trên thực tế.

Nhìn chung, quy hoạch bô - xít-nhôm của VN có quá nhiều tham vọng không có cơ sở, quá nhiều dự án không cần thiết, quá nhiều rủi ro không quản lý được, và quá nhiều bất cập chưa được tính đến.

Mục tiêu của quy hoạch: quá nhiều tham vọng không có cơ sở.

Đối với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay, nhôm không phải là nguyên liệu chiến lược. Nhu cầu về nhôm của VN không lớn. Cũng như của thế giới, 30% nhu cầu nhôm được đáp ứng do tái chế nhôm phế liệu. 30% nhu cầu nhôm có thể được thay thế bằng sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền khác (sắt, thép, gỗ, nhựa, giấy…) Vì vậy, thị trường nhôm trên thế giới cũng như ở VN chưa khi nào có khủng hoảng hoặc khan hiếm.

Việt Nam là nước còn nghèo (về vốn và khoáng sản) và đói (về năng lượng), nhưng đã có quy hoạch phát triển một ngành bô - xít-nhôm đầy tham vọng. Tham vọng lớn là tốt, nhưng cần phải có cơ sở.

Nguồn lực phát triển các dự án alumina-nhôm của Tập đoàn Than – Khoáng sản (TKV) hiện nay chỉ là quyết tâm chính trị và ý chí trên giấy. Nhân lực và tri thức công nghệ gần như bằng 0. Các cán bộ quản lý chỉ đạo từ cấp Tập đoàn đến các cán bộ kỹ thuật trực tiếp làm việc với các “đại gia” nước ngoài và đưa ra các quyết định về alumina chỉ có chuyên môn về khai thác than lộ thiên ở Quảng Ninh. Khai thác bô-xít chỉ là khâu đơn giản nhất trong tất cả các khâu làm alumina, còn dễ hơn so với khai thác than ở Quảng Ninh.

Nguồn lực bằng 0, nhưng tổng số dự án lên tới 15 (trong khi cả thế giới chỉ có khoảng 55), tổng công suất thiết kế các dự án của VN lên tới 18 triệu tấn/năm (cả thế giới chỉ có 74 triệu tấn/năm), qui mô bình quân của các dự án của VN cũng ngang ngửa với thế giới (1,3 triệu tấn/năm, sản lượng của VN là 15 triệu tấn/năm, trong khi cả thế giới có 70 triệu tấn/năm.

Quy hoạch có quá nhiều dự án không cần thiết

Phần lớn các dự án chỉ tập trung vào khâu khai thác bô - xít để chế biến thành alumina. Alumina chưa phải là nhôm kim loại (aluminium). Xuất khẩu alumina là xuất khẩu quặng bô - xít đã được tinh chế, chỉ phục vụ cho các nhà máy luyện nhôm đang khan hiếm alumina của nước ngoài.

Ở Lâm Đồng, dự kiến khai thác tới 3,96 triệu tấn bô-xít, chế biến khoảng 1,2 triệu tấn alumina. Dự án khai thác bô-xít Nhân Cơ có công suất tới 1,8 triệu tấn/năm, dự kiến chế biến thành 0,6 triệu tấn alumina. Khu vực Măng Đen - Kon Hà có dự án khai thác bô - xít lên tới 9 triệu tấn/năm, dự án chế biến alumina lên tới 1,5 triệu tấn/năm.

Có thể nói, nếu triển khai theo qui hoạch này, toàn bộ vùng Tây Nguyên của VN sẽ biến thành “sân sau”, là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy luyện nhôm của các đại gia ở nước ngoài. Kể cả tới cuối thế kỷ này, mặc dù Tây Nguyên sẽ phải trả giá về sinh thái, môi trường, nhưng, ngành công nghiệp nhôm của VN vẫn là con số 0. Khâu điện phân nhôm có công suất được quy hoạch rất khiêm tốn, chỉ 0,2-0,4 triệu tấn/năm, nhưng còn rất xa vời, ngay trên giấy (trong quy hoạch) cũng rất khó tìm ra.

Vấn đề đường sắt và cảng biển, chỉ là “đâm lao, phải theo lao”, thực sự không cần thiết. Những sai lầm chiến lược đã dẫn đến nhiều sai lầm chiến thuật. Sai lầm chiến lược của chúng ta là chỉ tận dụng khai thác nguồn bô - xít trên Tây Nguyên để xuất khẩu quặng dưới dạng alumina. Việc xuất khẩu quặng alumina dẫn đến phải xây dựng đường sắt và cảng biển với qui mô lớn, có năng lực thông qua (cả đường sắt và cảng biển) tới 30 triệu tấn/năm.

Với cung độ ngắn (khoảng 200-300km), nhưng chênh lệch độ cao lớn (hàng trăm mét) giữa Tây Nguyên với Bình Thuận, trước đây, các chuyên gia của COMECON chỉ dám nghĩ tới đường sắt trong phương án không để lại bùn đỏ trên Tây Nguyên, đưa bô-xít xuống gần biển để tuyển thành alumina và lưu giữ bùn đỏ một cách an toàn bên cạnh bờ biển. Nhưng phương án này cũng quá tốn kém và rất không hiệu quả.

Nếu xét về mặt quốc phòng, tuyến đường sắt “chẳng giống ai” Tây Nguyên - Bình Thuận này cũng chẳng có ý nghĩa gì, và cũng không có lợi thế cơ động hay an toàn như đường bộ. Còn nếu để vận chuyển alumina ra biển xuất khẩu, hiện nay có phương thức “băng tải ống” rẻ tiền hơn, và thân thiện với môi trường hơn nhiều.

Quy hoạch có quá nhiều rủi ro không quản lý được

Bình thường, nếu dự án có một rủi ro nào đó không quản lý được, chúng ta đã phải xem xét lại. Việc phát triển bô-xít trên Tây Nguyên có quá nhiều rủi ro không quản lý được.

Trước hết là rủi ro về thị trường. Nguyên liệu alumina của chúng ta chủ yếu để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Thị trường trong nước nhu cầu về nhôm không lớn, cũng không đủ điện để luyện alumina thành nhôm. Thị trường nước ngoài, mặc dù nhu cầu nguyên liệu alumina để luyện nhôm rất lớn, nhưng vì chi phí vận tải cao, Việt Nam chỉ có thể bán rẻ nguyên liệu alumina cho các nhà máy luyện nhôm trong khu vực.

Thứ hai là rủi ro về tài chính. Nhu cầu vốn để phát triển rất nóng ngành bô - xít như của VN sẽ rất lớn. Phương thức huy động vốn chủ yếu là đi vay nước ngoài. Trong khi đó, chỉ tiêu hoàn vốn nội tại (IRR) của dự án Nhân Cơ chỉ có 14,98% (được tính từ trước thời kỳ khủng hoảng tài chính và trước khi giá năng lượng tăng). Khâu luyện nhôm có giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế nhất thì không nằm ở Tây Nguyên. Toàn bộ lãi suất vay và chi phí môi trường đắt đỏ đều nhằm vào quặng alumina xuất khẩu.

Thứ ba là rủi ro về tài nguyên. Chỉ duy nhất có mỏ “1 tháng 5”, và mỏ Gia Nghĩa có trữ lượng được phê duyệt. Hầu như toàn bộ tài nguyên bô-xít còn lại chưa được đánh giá đúng mức cần thiết, số liệu không thống nhất, điều tra địa chất chưa đạt yêu cầu.

Thứ tư, rủi ro về kỹ thuật. Công nghệ tuyển bô-xít thành alumina của VN dựa trên qui trình Bayer, bản chất của qui trình này là chuyển hoá ô xít nhôm ngậm nước trong quặng bô-xít bằng dung dịch kiềm nồng độ cao và ở nhiệt độ cao để thành aluminat natri. Thành phần khoáng vật của quặng nhôm trong trong quặng bô-xít có nhiều dạng khác nhau và có phản ứng rất khác nhau với dung dịch NaOH. Ngoài thành phần khoáng vật, các chất khác lẫn trong quặng bô - xít cũng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình kiềm hoá. Quặng bô-xít của VN, trong các báo cáo địa chất chưa được nghiên cứu kỹ về mặt khoáng vật, chưa có thử nghiệm công nghiệp các phản ứng cơ bản.

Thứ năm, rủi ro về công nghệ. Qui trình Bayer phổ biến khắp thế giới. Nhưng thiết bị kỹ thuật để thực hiện qui trình này (cũng giống như nhà máy điện nguyên tử) đối với VN cũng là con số 0. Chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Nhà máy alumina là nhà máy hoá chất, sử dụng NaOH nồng độ cao, ở nhiệt độ lớn.

Thứ sáu, rủi ro về môi trường sinh thái. Đối với các dự án đang triển khai, chúng ta mới chỉ có đánh giá tác động về môi trường cục bộ của dự án, chưa có nghiên cứu về vấn đề sinh thái toàn vùng. Ngoài ra, cơ quan thực hiện và thẩm tra các báo cáo đánh giá tác động môi trường của VN cũng có nhiều rủi ro do trình độ chuyên môn rất hạn chế, không có kinh nghiệm.

Quy hoạch có quá nhiều bất cập không được tính đến

Bất cập thứ nhất: sự không cân đối giữa các khâu đầu nguồn và cuối nguồn: các dự án tuyển luyện để bán quặng có công suất lên tới hơn 18 triệu tấn/năm. Nhưng các dự án chế tạo (điện phân) nhôm kim loại có công suất chỉ 0,2-0,4 triệu tấn/năm.

Bất cập thứ hai: Các dự án đều triển khai ở vùng rất nhạy cảm về môi trường và xã hội nhưng không có thử nghiệm trước.

Bất cập thứ ba: Các dự án tuyển luyện bô-xít cần rất nhiều nước, được triển khai ở vùng hiếm nước (Tây Nguyên còn đang thiếu nước cho các cây công nghiệp cau su, chè, cà phê, điều…)

Bất cập thứ tư: Mất cân đối về cung cấp điện trên địa bàn có hệ thống nguồn và lưới điện hiện còn đang kém phát triển. Các dự án luyện cán nhôm cần rất nhiều điện. Việt Nam còn đang thiếu điện, và sẽ không có nguồn thuỷ điện rẻ tiền để đảm bảo cho các dự án nhôm.

Bất cập thứ năm: Các dự án hạ tầng (đường sắt, cảng biển, điện) triển khai sau các dự án khai thác bô - xít và sản xuất alumina.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn
Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng


---------------------------------------------
Bài liên quan:

• Nguyễn Trung,
“Mất và được trong việc khai thác bô - xít Tây Nguyên”. Tuần Việt Nam, ngày 02/12/2008.
• Nguyễn Trung,
“Triển vọng bô-xít Tây Nguyên - Tìm hiểu tại chỗ”. Tuần Việt Nam, ngày 07/01/2009.
• Nguyên Ngọc,
“Cái giá văn hoá-xã hội-chính trị của các đại dự án bô-xít”. Tuần Việt Nam, ngày 09/01/2009.
“Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề khai thác quặng bô xít ở Tây Nguyên”. Thông Luận, ngày 11/01/2009.
“10 lý do đề nghị tạm dừng dự án bô xít Tây Nguyên”. Tuần Việt Nam, ngày 13/01/2009.
• Bùi Tín,
“Chớ có nhầm, rồi hối không kịp!”. Thông Luận, ngày 10/02/2009.
• Đỗ Thái Nhiên,
“Bauxite: thế trận xôi đậu”. Thông Luận, ngày 13/02/2009.
“Thông báo số 17/TB-VPCP (13/01/2009), thông báo kết luận của TTg Nguyễn Tấn Dũng về thăm dò, khai thác bauxít, sản xuất alumin và luyện nhôm”. Viet-Studies, ngày 20/02/2009.
“Tuyên bố chung Trung - Việt (1-6-2008)“ (kết thúc chuyến thăm TQ của Nông Đức Mạnh năm 2008). Trang thông tin điện tử Bộ Ngoại Giao Việt Nam.

© Thông Luận 2009


No comments:

Post a Comment