Đoàn ta tiêu cả tỉ đô la
Nguyễn Hữu Vinh
21/02/2009
http://anhbasam.wordpress.com/2009/02/21/75doan-ta-tieu-c%e1%ba%a3-t%e1%bb%89-do-la/
Đó là “dự toán” của đề án “Đẩy mạnh công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên giai đoạn 2007 - 2010″. Một tin vui, hay là nỗi lo, hoặc cả hai ? Xin có mấy lời bàn.
1.”Tiền trảm hậu … kiến”:
- Tại Hội nghị triển khai kế hoạch dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động giai đoạn 2007-2010 (Bộ LĐ-TB-XH tổ chức tại Hà Nội từ 10, 11-5-2007), thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh “… Chính phủ sẵn sàng dành 1 tỉ đô la cho việc đào tạo nghề”*. - Nhưng trước đó, đề án đã được hoàn tất sau khi T.Ư Đoàn TNCSHCM nhận nhiệm vụ “chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH; Bộ GD&ĐT… xây dựng đề án về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt”, được Thủ tướng nêu rõ trong phiên làm việc với Ban Bí thư T.Ư Đoàn ngày 22 tháng 3 năm 2007. - Ngày 5-6 T.Ư Đoàn phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KTVN tọa đàm lấy ý kiến góp ý cho đề án này. - Tháng 6 sẽ lấy ý kiến Bộ LĐ-TB-XH, trình Chính phủ - Quý III-2007 “nhanh chóng triển khai”**.
Đúng là khí thế tuổi trẻ. Một siêu dự án chưa từng thấy cấp cho một đoàn thể (chuyên hoạt động “phong trào”), nhưng lập, trình, lấy ý kiến cho kế hoạch đạt siêu tốc trong 3 tháng, tiêu pha (gọi là giải ngân) thì thần tốc trong 3 năm.
Còn quy trình ? Đó là sau khi Đoàn “nhận nhiệm vụ”, đã trình thủ tướng đề án. Thủ tướng nói “sẵn sàng dành 1 tỉ đô la”, thì lúc này Đoàn toạ đàm “lấy ý kiến” Liên hiệp, Bộ … Vậy là các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, quản lý được mời ngồi lại để bàn cái việc đã được quyết. Lề lối này sao cứ diễn mãi không thôi?
2. Gương tày liếp:
- Thất bại ê chề của Chương trình 112 còn đó chưa được làm rõ. Cũng là từ chuyện thủ tướng phê duyệt, nhưng nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo. Rồi cơ sự vẫn ra vậy. - Tiếp đến là vụ in tiền polyme, chuyện tày đình, mà cho tới giờ vẫn chưa rõ vì lẽ gì thủ tướng (lúc đó- năm 2001) phê duyệt lại không đúng với tờ trình Bộ Chính trị***. Hai vụ này cho kinh nghiệm về quan hệ giữa việc ra quyết định với khâu nghiên cứu, lấy ý kiến phản biện, rồi thẩm định, triển khai … vẫn theo lối “mệnh lệnh” thời kế hoạch hóa tập trung quan liêu, phát từ trên xuống theo ý chí chủ quan, không từ kết quả nghiên cứu công phu nào cả; “ý kiến” của các nhà khoa học cũng chỉ như của “cái kiến con sâu”, để rồi khi thất bại, hoang phí thì không ai chịu trách nhiệm cho dù sự việc nghiêm trọng tới đâu.
3. Phản đề:
- Trước hết, tựa như những bất hợp lý của Chương trình 112 là Ban điều hành không có chức năng quản lý nhà nước về CNTT, nay cái “Ban điều hành” nào đó của Đoàn liệu có thể có chức năng quản lý nhà nước về “dạy nghề” và “giải quyết việc làm” ? Hay lại phải “liên kết” với hai Bộ LĐ-TBXH và GD-ĐT, tính pháp lý ở đâu ? - Tiền nhiều, tiêu nhanh, kinh nghiệm thiếu, năng lực quản lý yếu của một đoàn thể phải thực hiện một công việc quá ư mới mẻ với mình. Tham nhũng, lãng phí sẽ là khôn lường. Điều này có được tính tới chút nào trong đề án ? Có đối chiếu Luật Phòng chống tham nhũng để đề ra cho rõ các giải pháp phòng ngừa ? - Đề án liệu có nêu những mặt trái, bất khả thi của quyết định này, hay lại cứ răm rắp “tuân lệnh” ? - Có tính đến khả năng “xin được rút” vì thấy không đủ năng lực, điều kiện ? - Có dự liệu những ảnh hưởng không tốt nhiều mặt đến việc đảm bảo nhiệm vụ chính của tổ chức Đoàn ? - Ngoài đoàn thanh niên, có cơ quan nào khác phù hợp hơn, có thể đảm đương tốt hơn, để khỏi bị cái lối “chỉ định thầu” như vậy ? - Cũng từ đây, thêm một dấu hỏi là có nên gọi là chỉ giành riêng cho thanh niên hay là nên giành cho tất cả mọi đối tượng cần có tay nghề, việc làm ? Và, không lẽ không thể nghĩ ra được giải pháp nào căn cơ, dài hơi hơn hay sao ? v.v..
Đoàn ta hơn sáu chục cái xuân xanh rồi, nét già cỗi nó cứ xồng xộc đến. Bao nỗi lo thanh niên giờ sao thờ ơ với “tổ chức”, “tổ chức” thì cứ kết nạp thanh niên theo kiểu “đánh trống ghi tên”, mọi hoạt động vẫn cứng nhắc, hình thức, mô phạm, thậm chí giả dối, theo phong cách xưa cũ từ thế kỷ trước, bộ máy thì chằng chịt, cồng kềnh, tốn kém. Đã bao giờ ta tìm nguyên nhân bằng so sánh mình với những tổ chức thiện nguyện quốc tế, “Hướng đạo sinh” của ta ngày xưa, xem có phải khác nhau một trời một vực nên mới đến nông nỗi vậy ? Trong khi bao nhiêu lĩnh vực, từ y tế, giáo dục, môi trường, … được công luận “mổ xẻ” tời bời, nhưng chưa thấy có Đoàn trong đó. Chưa làm tốt cái nhiệm vụ cơ bản, giờ lại thêm cái gánh nặng quá đỗi này. Thật đáng ngại !
Cũng như một cơ thể sống, chuyện “sinh, lão, bệnh, tử” làm sao tránh khỏi. Cán bộ Đoàn ta trông đã già, thế mà giờ lại già người thêm vì nỗi lo ôm nhiều tiền bạc nữa, không khéo “bệnh”, “tử” chưa biết chừng.
Hỡi các bác “thủ lĩnh” của lớp trẻ, hăng hái nhiệt tình là tốt. Chỉ có điều chuyện kinh tế, quản lý, nhất là dính tới tiền bạc của dân, các con cháu nhân dân không thể làm theo kiểu “phong trào” được.
Của đau, con dân xót ! Mà dân thì còn nghèo lắm, 1 tỉ đô chứ đâu phải …
-------------------------------------------------------------------------------------
* Báo Tuổi trẻ ngày 12-5-2007
** VietnamNet ngày 5-6-2007
*** Báo Đại đàn kết, ngày 8-6-2007
(Diễn Đàn - ngày 27-8-2007)
Xin mời xem thêm một bài hôm nay 21-2-2009 trên VietnamNet quanh vấn đề này: “110 tỷ đồng đào tạo công chức trẻ: Đoàn lại ôm đồm!“
No comments:
Post a Comment