Trồng nhiều lúa chất lượng thấp:
Không ai giúp nông dân quyết định?
Thứ Tư, 19/11/2008, 13:46
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=143847&ChannelID=3
TP - Trong lúc lúa của ta đang không thiếu thì lúa chất lượng cao từ Campuchia tràn sang và nông dân ĐBSCL lại ùn ùn đem gạo chất lượng thấp lên TP Hồ Chí Minh bán với giá rẻ. Điều gì đang diễn ra?
Tiền phong phỏng vấn TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL và TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang.
Trong lúc lúa ở ta đang rẻ thì lúa bên ngoài lại tràn vào, vì sao lại có chuyện như vậy?
TS Lê Văn Bảnh: Đời sống dân ta đã nâng lên, không còn ăn nhiều gạo nên có nhu cầu gạo chất lượng cao, trong khi đó có một phần khá lớn lúa ở ĐBSCL chất lượng thấp, còn lúa ngoại nhập vào chất lượng cao hơn.
TS Võ Tòng Xuân: Đã mấy năm rồi, bà con mấy ấp ở bên cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) sống bằng nghề cửu vạn, vận chuyển lúa từ Campuchia về nước. Không chỉ lúa của Campuchia, gạo thơm từ Thái Lan cũng sang tới Việt Nam, do các đầu nậu nước ta mua về.
Gạo thơm Thái Lan cũng do không bán được bên đó, vì chất lượng chưa cao so với nước sở tại nên giá chỉ có 8,5 triệu đồng/tấn, đem sang Việt Nam bán có lời. Người Việt Nam ta đã dư dả nên thích ăn gạo ngon.
Nhưng từ năm 2006 Chính phủ đã có chủ trương xây dựng dự án “Một triệu tấn gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu”, đến nay sao vẫn thiếu gạo chất lượng cao?
TS Lê Văn Bảnh: Thời gian thực hiện dự án đến năm 2010, hiện cũng đã gần đạt yêu cầu. Nên hiện nước ta chưa có đủ gạo chất lượng cao.
Lúa chất lượng thấp thì giá thấp, khó bán, tại sao nông dân ta lại trồng nhiều như thế?
TS Lê Văn Bảnh: Đầu năm 2008 xảy ra cơn sốt gạo, giữa gạo chất lượng cao và chất lượng thấp lúc đó giá chênh lệch không lớn, trong lúc lúa IR50404 năng suất lại cao thời gian trồng ngắn nên nông dân đổ xô trồng để hy vọng có lời cao.
TS Võ Tòng Xuân: Lúa IR 50404 là loại cao sản và dễ trồng, năng suất có thể đến 7-8 tấn/ha/vụ, chưa lúa nào qua được, kháng sâu bệnh rất tốt lại trồng được trên mọi loại đất: phèn, mặn, phù sa. Giá có rẻ chút nhưng nông dân tính vẫn có lời nên trồng.
Tuy nhiên, khi ai cũng đổ xô trồng lúa chất lượng thấp thì lại thừa?
TS Lê Văn Bảnh: Lúc đó không có ai hướng dẫn nông dân. Bà con nông dân đến Viện lúa ĐBSCL chúng tôi đều hỏi giống lúa IR50404, không hỏi giống khác.
TS Võ Tòng Xuân: Phải thấy rằng, các giống lúa chất lượng cao như jasmine năng suất thấp và rất khó trồng, vừa kén đất vừa không kháng sâu bệnh.
Vì không có ai đặt hàng những giống lúa ấy nên nông dân không dám trồng.
Trồng lúa chất lượng thấp thì chi phí thấp, làm ra lỡ khó bán thì cũng lỗ ít. Làm gì nông dân nước mình cũng phải tự quyết định lấy tất cả, làm mà thắc thỏm không yên, khổ quá trời chứ không sung sướng gì.
Thưa TS Võ Tòng Xuân, theo ông thì cần phải làm gì để thị trường lương thực ổn định hơn và nông dân bớt rủi ro hơn?
TS Võ Tòng Xuân: Nhà nước phải tổ chức để gắn nông dân với các Cty kinh doanh lương thực. Phải thúc các Cty kinh doanh lương thực nắm được nhu cầu của thị trường, quay trở lại bảo nông dân trồng giống gì cho chắc ăn.
Cứ nói gạo chất lượng cao nhưng đầu mùa không ký hợp đồng với nông dân, cuối mùa làm sao có? Như hiện nay, các Cty không nắm được gì cả, không biết có khách hàng ở đâu.
Xin hỏi vấn đề cụ thể hiện nay, nông dân nên trồng giống lúa gì?
TS Võ Tòng Xuân: Tôi mới nghe một số bộ khuyến cáo nông dân không nên trồng giống lúa IR50404 mà chưa nghe nói trồng giống gì cho chắc ăn.
TS Lê Văn Bảnh: Không nên đổ xô trồng lúa thơm bởi thị trường rất hẹp và lúa thơm của Việt Nam không có thương hiệu, không cạnh tranh bằng nước khác như Thái Lan.
Còn các loại lúa chất lượng cao khác chắc chắn sẽ thiếu giống. Trước nay, các cơ sở sản xuất giống chỉ đảm bảo giống cho khoảng 30% diện tích, còn lại do nông dân tự lo, chủ yếu dùng lúa thịt làm giống. Vụ vừa rồi, bà con tập trung trồng giống IR50404 tới đây sẽ thiếu các giống lúa khác.
Sáu Nghệ
(thực hiện)
No comments:
Post a Comment