Saturday, February 14, 2009

KHAI THÁC BÔXIT LÀ HUỶ DIỆT TÂY NGUYÊN

Khai thác bô xít là hủy diệt Tây Nguyên!
Thiện Giao, phóng viên đài RFA
2009-02-14
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Bauxit-mining-means-destroying-central-highland-expert-tgiao-02142009102620.html
Những thông tin cho đến thời điểm này cho thấy Chính Phủ Việt Nam cương quyết cho khai thác bauxite tại nhiều nơi ở Việt Nam, đặc biệt là Tây Nguyên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, gần đây nói rằng “khai thác bauxite tại Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước.” Đã và đang có rất nhiều ý kiến phản đối từ giới khoa học. Xin trình bày một phản biện khác, nhìn từ khía cạnh văn hóa. Nhà văn Nguyên Ngọc, người có một thời gian dài gắn bó với Tây Nguyên, nói rằng “Tây Nguyên là một bảo tàng sống độc đáo và đặc sắc.”

Xin theo dõi cuộc phỏng vấn của Thiện Giao với nhà văn Nguyên Ngọc.

Thiện Giao: Chắc rằng ông đã và đang nghe về các dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Dự án bauxite Tây Nguyên đang gây rất nhiều dư luận trong xã hội. Nói chung là lo lắng nhiều mặt, về kinh tế sẽ thua lỗ, về môi trường thì tác hại không thể khắc phục. Còn nhiều mặt khác, như xã hội, an ninh quốc phòng, vân vân. Tôi thì tôi quan tâm đến mặt văn hóa xã hội của Tây Nguyên.

Thiện Giao: Là một người có nhiều năm sống và gắn bó với Tây Nguyên, ông có thể trình bày sơ lược những nét đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên?
Nguyên Ngọc: Lâu nay, nói đến văn hóa Tây Nguyên, chúng ta thừa nhận đây là vùng văn hóa đặc sắc và độc đáo. Nói đến Tây Nguyên, người ta nói đến cồng chiêng, đàn T’rưng, nhà rông, vân vân. Tôi nghĩ rằng đây là những biểu hiện ra bên ngoài, là kết quả của một nền tảng văn hóa rất sâu. Tôi cho rằng UNESCO rất giỏi khi họ công nhận cồng chiêng là di sản văn hóa thế giới. Khi công nhận như vậy, họ không chỉ công nhận cồng chiêng hay âm nhạc cồng chiêng. Cái mà họ công nhận là “không gian văn hóa cồng chiêng.”

Thiện Giao: Ông có nói rõ hơn về “không gian văn hóa cồng chiêng.”
Nguyên Ngọc: Tây Nguyên trước hết là rừng. Toàn bộ văn hóa Tây Nguyên là tinh hoa của sự gắn bó của con người với tự nhiên. Tự nhiên ở Tây Nguyên chính là rừng. Điều thứ hai nữa, rừng đây là “rừng của làng.” Làng là đơn vị xã hội cơ bản của Tây Nguyên; và làng ở Tây Nguyên thì gọi là “làng rừng.” Ở Tây Nguyên, đất và rừng gắn chặt với nhau làm một, và đây là nền tảng, là gốc, của văn hóa. Đàn T’Rưng, nhà rông, cồng chiêng … chính là những bông hoa mọc trên gốc văn hóa ấy.

Hủy diệt văn hóa, xã hội, thổ nhưỡng

Thiện Giao: Có thể tạm hiểu ý ông, rằng các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nếu được tiến hành, sẽ phá vỡ “không gian văn hóa” mà ông vừa đề cập, và từ đó sinh ra các ảnh hưởng về mặt xã hội?
Nguyên Ngọc: Khi Tây Nguyên mất nền tảng của mình, văn hóa của họ sẽ tan. Một khi văn hóa tan đi, đặc biệt đối với dân tộc thiểu số là nơi văn hóa đối với họ vô cùng sâu sắc, xã hội sẽ không thể ổn định, thậm chí các dân tộc không thể tồn tại một cách bền vững.

Thiện Giao: Ông đã từng nói rằng, Tây Nguyên là một “bảo tàng sống?”
Nguyên Ngọc: Ở Tây Nguyên có điều này rất đáng chú ý về văn hóa. Trên bán đảo Đông Dương của chúng ta, trong mấy ngàn năm, phía Bắc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, phía Nam thì Champa và Cambodia chịu ảnh hưởng Ấn Độ. Riêng Tây Nguyên, do điều kiện lịch sử và địa lý riêng, các lớp phủ văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ gần như không có. Cho nên, ở Tây Nguyên hiện còn tồn tại dấu vết những nền văn hóa cổ xưa nhất của những dân tộc đã từng sống trên mảnh đất mà nay ta gọi là mảnh đất Đông Dương. Có thể nói, đây là một bảo tàng sống của văn hóa cổ của Việt Nam.

Thiện Giao: Về mặt thổ nhưỡng thì sao, thưa ông? Thổ nhưỡng Tây Nguyên sẽ ra sao nếu người ta khai thác bauxite?
Nguyên Ngọc: Lấy Đắc Nông làm ví dụ. Bauxite có tầng quặng mỏng, độ phân tán vì vậy rất rộng, chiếm 2 phần 3 diện tích. Và như vậy sẽ có 2 phần 3 diện tích rừng sẽ bị “bóc” đi. Người ta nói rằng, người ta sẽ hoàn thổ, trồng rừng trở lại. Một người không cần am hiểu về khoa học cũng thấy rằng, vấn đề ở đây không phải là đất lấy ra rồi đổ vào lại, mà là thổ nhưỡng. Tôi từng đến một nơi mà người ta “hoàn thổ” được vài hecta ở vùng chè nổi tiếng Bảo Lộc. Bây giờ chỉ có cây keo tai tượng mọc thôi, còn chè thì người ta nói ít nhất 100 năm nữa mới trồng trở lại được. Tức là thổ nhưỡng tạo nên tầng đất trồng chè, cà phê, đã mất.

Thiện Giao: Như vậy, có thể nói tổng quát rằng các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên có thể dẫn đến nhiều hệ quả, mà tất cả các hệ quả này đều xoay quanh yếu tố văn hóa của các sắc tộc sống tại đó?
Nguyên Ngọc: Vấn đề Tây Nguyên như thế này: người ta đã từng nói đến chuyện môi trường, công nghệ, vân vân. Tất cả vấn đề này, ở Tây Nguyên, đều trở thành vấn đề xã hội và văn hóa. Do đó, không thể tách rời vấn đề môi trường và công nghệ ra khỏi không gian văn hóa rất độc đáo và đặc sắc của Tây Nguyên.


No comments:

Post a Comment