Friday, February 27, 2009

HỒI ỨC VỀ NHÀ TÙ CỘNG SẢN VIỆT NAM (Phần 9)

Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [9]
Huỳnh Ngọc Tuấn
Đăng ngày 27-2-2009
http://danchimviet.com/articles/896/1/Hi-c-v-nha-tu-cng-sn-Vit-Nam-9/Page1.html
Mấy ngày sau tôi và anh Đăng vẫn đi làm, không khí vẫn căng thẳng, vẫn tiếp tục những buổi làm việc, với anh em, hết người này đến người khác, càng ngày sự việc càng có phần nghiêm trọng. Chúng tôi chuẩn bị để đi cùm, anh em thu dọn đồ đạt cho gọn gàng, tất cả đã sẵn sàng
Hôm đó tôi đau răng quá không đi làm được.Tôi đi bệnh xá
Tay cán bộ hỏi tôi:
- Đau răng thì có gì phải xin nghỉ.
Tôi chuẩn bị tinh thần để đi kỷ luật nên nói với Doãn Hồng Phong.
- Tôi đau răng quá không chịu được, cán bộ cho nghỉ thì tốt, không cho tôi vẫn nghỉ
Hắn nhìn tôi hằn học
- Thế sao anh không nghỉ đi mà đến đây làm gì?
- Tôi làm theo nội quy trước
Cuối cùng hắn vẫn cho tôi nghỉ
Về buồng giam tôi uống thuốc của Bs Nguyễn Kim Long đưa cho, dùng bông xoáy vào chỗ răng hỏng, cho thuốc vào và đi nằm.
30 phút sau tôi nghe tiếng xôn xao ngoài cổng khu, tôi ngồi dậy (cái răng sâu vẫn nhức dữ dội).T-một người tù thường phạm buôn lậu quê Hải Phòng hớt hải chạy vào cho tôi hay.
- Anh Tuấn..Anh Đăng đâm vào bụng, người ta khiêng ảnh vào trạm xá rồi.
Tôi hoảng hồn tim đập thình thịch, cơn đau biến mất, tôi chạy tới chạy lui, cửa khu đã đóng, không đi đâu được. Tôi chạy đi tìm Tr (cũng là một thường phạm, hằng ngày anh Đăng vẫn hay cho tiền nó để nhờ nó một số việc) Tr đang nấu cơm cho đội ở dưới bếp. Tôi bảo nó
- Em xuống trạm xá coi anh Đăng có sao không, để anh coi bếp cho.
Nhìn tôi mặt nó dài ra trông thảm hại
- Em cũng đang lo cho ảnh đây, nhưng cổng đang đóng trèo ra lỡ chúng nó bắt được thì chết em. Anh nhờ thằng L thử coi.
Tôi chạy đi tìm L, nhưng không thấy nó đâu hết, thôi…như vậy là nó đi thăm mấy bà chị nuôi của nó bên khu nữ. Hy vọng là nó nghe được việc này.
Rất lâu lắm L mới về, Tôi hỏi nó có tin gì về anh Đăng không
Nó lắc đầu.
- Em cũng vừa mới hay thôi, em cũng mới xuống trạm xá, cửa trạm xá đóng không ai được vào…em có hỏi thằng bạn, nhưng nó nói với em, cán bộ bảo tau không được nói gì, mày bé bé cái mồm đi nhé, đừng có dây vào việc này.
Đến trưa cả đội về, tôi hỏi anh Dương Văn Sỹ, một người trầm lặng, kiên nghị và rất nhân hậu..anh với tôi rất thân tình.
- Tình hình anh Đăng thế nào?
Anh Sỹ và những anh em khác hơi bất ngờ nhưng có vẻ bình tĩnh. Anh Sỹ bảo tôi
- Máu ra không nhiều lắm, không biết vết thương có sâu không, chỉ sợ chạm ruột ở bên trong gây xuất huyết thì mệt. Anh Đăng chơi bạo quá.
Anh Sỹ cười nhưng có vẻ lo lắng

Anh Lê Hoàng Sơn chạy sang chỗ tôi, (anh Sơn cũng là người của tổ chức Liên Đảng), việt kiều từ Pháp về. Trong số anh các anh em hải ngoại, anh Sơn và anh Đăng thân nhau nhất, với tôi anh Sơn là một người anh đúng nghĩa, anh chăm sóc tôi lúc đau ốm và chia sẽ những chuyện rất riêng tư.
-Thằng Đăng nó đâm vào bụng mày ơi! Nó tuyên bố với cán bộ là phản đối việc cưỡng bức lao động với tù chính trị.
Máu ra không nhiều lắm..nhưng mong sao đừng có đụng vào bên trong (nói đến đây anh dừng lại nhìn tôi)
- Mày có biết dự định của nó không?
Tôi không thể giấu anh Sơn được
- Có, em có biết.
Anh Sơn trợn mắt nhìn tôi, anh làm ra vẻ tức giận nhưng tôi biết anh là một người rất hiền, tôi chưa thấy anh nổi nóng với ai, là một Phật tử thuần thành, chính anh là người có ảnh hưởng với tôi nhất trên con đường đến với Phật giáo. Đối với tôi và anh Đăng, anh Sơn hiền và ân cần như một người anh ruột.
- Tụi mày có còn coi anh là anh nữa không? Việc như thế mà chúng mày cũng giấu anh, không cho anh biết!
Tôi giải bày với anh Sơn:
- Anh Đăng sợ anh phản đối và cấm ảnh. Bắt em phải hứa không được nói với ai. Em biết phải làm sao?
Tôi nói lại suy nghĩ và những dự kiến của anh Đăng cho anh Sơn nghe. Anh Sơn cũng hiểu chuyện đó..cũng biết anh Đăng làm như vậy là vì anh em. Anh Sơn lặng lẽ ngồi xuống đối diện với tôi:
- Có gì phải nói cho anh biết chứ..nếu chúng nó muốn kỷ luật thì anh em mình cùng đi hết cho vui.
Buổi trưa hôm đó anh Đăng không về, tôi và Cường ăn với nhau.
Cường không nói gì, lo lắng và buồn thiu.
Buổi chiều anh em vẫn còn xôn xao về chuyện anh Đăng.
Anh Sơn đi làm về đến chỗ tôi, anh ngồi xuống vẻ lo lắng vẫn chưa hết, nó biểu hiện qua từng cử chỉ của anh. Trên nét mặt anh:
- Tau có hỏi cán bộ về tình hình của thằng Đăng, họ nói vết thương không sâu, không có vẫn đề gì..nhưng mà làm sao tin mấy ổng được..có khi nào nó nói thật đâu.
Cả buổi tối anh Đăng cũng không về, anh ở lại trạm xá. Tôi và Cường cũng như anh Sơn càng thêm lo. Không biết có sao không?
Cả đêm hôm đó tôi không ngủ được, chỉ chợp mắt được một chút lúc gần sáng. Anh Sơn và Cường rất dễ ngủ nhưng cũng thao thức cả đêm.

Buổi sáng hôm sau răng tôi đã đỡ đau nhưng tôi không muốn đi làm, ở nhà để tìm hiểu tin tức của anh Đăng xem sao. Xuống trạm xá, chúng tôi cố tìm anh Đăng nhưng không thấy.
Sáng nay thượng uý công an Doãn Hồng Phong không nói gì, anh em đi khám bệnh ai cũng được nghỉ mà không bị hạch sách như những lần trước.
Đến trưa đội gần về thì tôi cũng biết được tin tức của anh Đăng, L gặp được anh Đăng về nói cho tôi biết là anh ấy không sao cả, chỉ bị thủng ở phần ngoài, khâu 2, 3 mũi gì đó
Tôi hỏi L:
- Trông thần sắc của ảnh thế nào.
L cười ha hả:
- Vẫn khoẻ như thường.
Như vậy là tôi yên tâm rồi, trưa hôm đó tôi ngủ bù.

3 giờ chiều anh Đăng về, tôi chạy ra cổng thấy anh đi vào, bước đi hơi chậm một chút nhưng trông anh vẫn khoẻ mạnh. Chú Phạm Đức Khâm choàng vai anh dìu vào. Chú cũng rất lo lắng cho anh có điều chú lặng thinh không tỏ dấu điều gì, đó là tính cách của chú: điềm tĩnh, đỉnh đạc nhưng không thể nói chú vô tình
Chú là người rất có tình..theo cách của chú và tôi không bao giờ nghi ngờ tấm lòng của chú.
Anh Đăng ở nhà một tuần không đi làm, ba ngày sau khi ở trạm xá về, anh đi xuống canteen để mua một số thức ăn bồi dưỡng, anh bị mất máu một chút.
Kể từ đó không thấy BGT nhắc nhở gì về việc chỉ tiêu lao động cả, anh em thoải mái làm việc, 4 xô cũng được, 3 xô-2 xô cũng không sao.
Mấy ngày sau đại diện sứ quán Canada đến thăm anh như thường lệ, anh đã trình bày với sứ quán Canada về việc cưỡng bức lao động ở trại giam và anh đã tự đâm vào bụng mình để phản đối sự đàn áp đối với tù chính trị. Anh dỡ áo cho họ xem vết thương còn mới của anh.Họ ghi nhận và hứa sẽ đặt vấn đề với phía VN.
Khi gặp đại diện sứ quán Canada vào anh cười ha hả. Anh Đăng có nụ cười rất duyên.

Cuộc sống anh em vui vẻ trở lại, cán bộ không còn trực tiếp “nghiệm thu” sản phẩm của từng người nữa, mọi việc giao cho anh H muốn ghi bao nhiêu thì ghi. Bây giờ thì mọi người tha hồ trồng trọt (mảnh đất chúng tôi đang làm khá rộng khoảng 500m2. Trước đó anh em không có thì giờ vì phải hoàn thành chỉ tiêu lao động). Anh Sơn trồng rất nhiều khổ qua, anh Đỗ Hồng Vân là người năng nổ nhất trong việc trồng trọt, anh thừa tiền nhưng muốn làm việc cho hết thời gian. Khi rảnh rỗi anh còn lội xuống ao để bắt ốc về luộc ăn.
Những ngày này anh em chúng tôi rất vui vì cái lệnh phong toả tiền bạc cũng được nới ra một chút. Những anh em dư giả bây giờ có thể giúp đỡ cho các anh em khác.
Anh Đăng lúc này rất siêng đi căngtin vì được mua sắm một chút, anh mua gà..mua giò chả. Một hôm anh mang về mấy kg heo quay, anh đặt cán bộ mua từ Vinh về..tất nhiên là với giá cắt cổ…anh nói:
- Kệ nó, lâu lâu anh em mình mới được ăn ngon, cứ ăn đi, mai mốt nó buồn nó cấm vận trở lại để tiền cũng bằng thừa.

Tôi nhớ khi lệnh cấm vận còn ngặt nghèo, anh Đăng, anh Thành, chú Khâm, anh Lê Hoàn Sơn, trong lưu ký ai cũng có mấy triệu đồng nhưng chỉ để nhìn mà không mua được, muốn giúp anh em cũng không có để giúp, có lần Thành nói với tôi trên tay mân mê tấm ngân phiếu
- Bố chúng nó, tiền thì có đây nhưng đành phải chịu nhìn anh em thiếu đói. Cái bọn này ác thật.

Tháng 1 năm 1997, Bs Nguyễn Kim Long ngã bệnh, anh bị lao phổi nhưng không biết, anh nằm liệt mấy ngày trời, ho rất nhiều.
L ăn chung với anh là thường phạm, quê Nghệ An, L là người công giáo, anh Long thương yêu L như con, những ngày này có L chăm sóc cho anh Long, cũng đỡ cho anh em rất nhiều. Hôm anh Long bị khái huyết, L dọn dẹp chu đáo. Tôi nằm cạnh anh, lúc đầu cũng thấy sợ nhưng tôi cố gắng dẹp bỏ ý tưởng sợ hãi đó.
Anh Long đối với tôi như một người anh cả, nghe tin anh Long khái huyết anh em ai cũng đến thăm. Tôi chưa từng thấy nơi đâu như ở trong tù này, người ta đối xữ với nhau thân tình đến vậy. Ai cũng biết bệnh lao phổi là căn bệnh nguy hiểm, nhưng chẳng có ai sợ hải cả. Anh em đến thăm anh Long ngồi quanh nói chuyện hàng giờ.
Chúng tôi báo cho BGT biết bệnh tình của anh Long và đề nghị đưa anh đi bệnh viện, họ chỉ ầm ờ rồi thôi.
Cả tuần trôi qua chẳng ai hỏi han gì. Anh em rất phân vân, anh Long ở đây được sự chăm sóc của anh em cũng tốt nhưng nếu bệnh diễn biến nặng hơn thì không biết làm sao.
Còn đi ra ngoài trạm xá của họ thì chẳng biết việc gì sẽ xảy ra với anh Long. Chúng tôi chỉ còn biết trông chờ vào số mệnh.
Nửa tháng sau anh Long quá yếu, đã mê man không biết gì, anh nằm thiêm thiếp chỉ còn có da và xương, anh em vẫn đến để chăm sóc anh. Anh Long nằm đó, hai tay xuôi hai bên, bàn tay to và gầy của anh quờ quạng dưới chiếu như muốn lấy vật gì. Dân gian người ta gọi là “bắt cá”, đó là biểu hiện nguy cập, người bệnh sắp lìa đời. Đến lúc này chẳng còn cách nào khác chúng tôi cử đại diện lên gặp BGT để đòi hỏi cho anh Long được đi bệnh viện. Để tránh sự căng thẳng với chúng tôi họ đồng ý cho anh Long đi bệnh viện, hơn nữa họ cũng biết tình trạng của anh Long quá nguy cập ..chẳng còn bao lâu nữa.
Chúng tôi cũng lượng định được điều đó và sẵn sàng đón nhận tin xấu nhất.
Anh Nguyễn Ngọc Đăng giả vờ ốm làm đơn xin khám bệnh. Họ không thể từ chối được vì anh là công dân Canada. Đến bệnh xá Thanh Hoá, khi đã khám bênh xong anh Đăng xin phép vào thăm anh Long. Rất may lúc đó có hai cô con gái của anh Long ra thăm bố định kỳ. Ba con anh Long đã gặp nhau trong hoàn cảnh như vậy. Nghe anh Đăng về kể lại, hai cô con gái của anh Long khóc rất nhiều, tình hình của anh Long ngày một xấu đi.
Tôi đã từng ra bệnh xá....để khám bệnh cách đây mấy tháng khi bị một viên đá bằng ngón tay cái văng đập vào, lúc đó tôi tưởng mắt trái của mình đã hỏng. Tôi đề nghị BGT cho đi khám, họ trả lời mắt tôi không có vấn đề gì. Tôi không đồng ý, tôi nói với họ là tôi muốn được bác sĩ nhãn khoa khám cẩn thận.
Còn y sĩ Phong không phải là bác sĩ nhãn khoa làm sao khám được, hơn nữa đây là tai nạn lao động, trại phải chịu trách nhiệm về việc này chứ. Sau mấy ngày tranh luận gay gắt, họ buộc tôi phải làm đơn xin phép.
Lúc đầu tôi thấy thật phi lý nên từ chối vì tôi cho đây là trách nhiệm của trại. Họ trả lời tôi nếu không làm đơn thì sẽ không được đi. Anh em khuyên tôi nên làm đơn đi khám để chửa lành mắt đã, chuyện gì tính sau. Tôi đành phải chấp nhận điều kiện đó. Tôi làm đơn và mấy ngày sau được ra bệnh xá nông trường
Tôi thấy kinh khủng khi nhìn thấy cái gọi là bệnh xá..Đó chỉ là một dãy nhà tồi tàn, bẩn thỉu, không hề có bất cứ một thiết bị gì. Phương tiện khám, chửa bệnh ở đây là mấy cái ống nghe và mấy cái đồ đo huyết áp cổ lỗ.
Phòng chụp X-Quang là một căn nhà tối tăm bẫn thỉu với chiếc máy X-Quang từ những năm 60 của thế kỷ trước, lúc hoạt động được, lúc thì không.

(còn tiếp)

Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [1]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [2]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [3]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [4]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [5]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [6]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [7]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [8]

No comments:

Post a Comment