Wednesday, February 4, 2009

HỘI CHỢ TẾT Ở NAM CALIFORNIA

Hội chợ Tết ở Nam Cali
Hà Giang, thông tín viên RFA
2009-02-03
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Tet-festival-in-Orange-County-02032009151353.html
Tết là ngày lễ thiêng liêng nhất của người Việt Nam nhưng đối với người Việt hải ngoại không phải lúc nào cũng có hoàn cảnh thuận tiện để được ăn Tết vào đúng ngày 1 tháng 1 năm âm lịch.

Những cô sinh viên với chiếc áo dài xưa. Photo, Ha Giang RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Tet-festival-in-Orange-County-02032009151353.html/hoichotet4.jpg

Đồng bào ở nhiều nơi đã phải tổ chức hội chợ Tết vào ngày nghỉ cuối tuần sau Tết. Hà Giang tham dự hội chợ Tết ở Nam California , được tổ chức vào hai ngày 31/1 và 1/2 /2009 vừa qua, và ghi nhận để chia xẻ với thính giả.

Tết Việt Nam luôn được bảo tồn

Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, thì việc được ăn một cái Tết vào đúng ba ngày Tết là một điều rất hiếm hoi.
Nhưng dù phải đón Tết trong hoàn cảnh nào, thì mỗi khi Tết đến, những hoài niệm về quê hương đã thúc đẩy nhiều cộng đồng người Việt hải ngoại tổ chức những hội chợ Xuân không kém phần trịnh trọng và đầy những nét đặc thù dân tộc…
Cuối tuần qua tại Little Sài Gòn, hàng chục ngàn người háo hức chờ đợi giờ mở cửa của hội chợ Tết Kỷ Sửu do Tổng Hội Sinh Viên tổ chức.
Vài giờ trước khi khai mạc xe cộ đã từ khắp các vùng phụ cận đổ về đông nghẹt. Trên đường, người đi bộ nườm nượp, lũ lượt kéo nhau từ các khu gia cư xung quanh đó tiến về hướng cổng của khu hội chợ. Nhiều cụ già, thiếu nữ và trẻ em hãnh diện khoe những chiếc áo dài sặc sỡ đủ mầu.
Một cô bé khoảng 12 tuổi, mới qua Mỹ được gần 1 năm, xúng xính trong chiếc áo dài mầu hồng tươi cho biết:
“Em nhớ Việt Nam, nhưng mà không ngờ ở đây Tết cũng giống như Việt Nam, hội chợ ở đây vui hơn hội chợ ở Việt Nam, rất là vui…”
Lác đác giữa những tà áo mầu sắc vui tươi làm ấm lòng người Việt xa xứ là những chiếc áo dài mầu xanh lam và khăn đống của các cụ ông đang trịnh trọng bước. Nhìn họ, người ta chỉ thấy những nét hân hoan, những nụ cười rộng mở, bao nhiêu lo lắng về một nền kinh tế đang suy thoái được tạm gác qua.

Một niềm hãnh diện cho phong tục tập quán

Một cụ ông diện bộ áo dài the đen mới toanh khoe rằng cụ đã may áo này để ăn Tết, “y như hồi còn ở quê nhà”, cụ bảo:
“Tôi hãnh diện với các cháu, tổ chức hội chợ Tết để duy trì văn hóa Việt Nam, thành ra lúc nào còn đi đi đứng được, dù chống gậy tôi cũng ráng ra với các cháu.”
Khung cảnh và không khí của một hội Tết dân gian đã được các sinh viên tái tạo thật sống động và tỉ mỉ.

Cổng vào chợ Tết Việt Nam. Photo, Ha Giang RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Tet-festival-in-Orange-County-02032009151353.html/hoichotet-180.jpg

Hai bên cổng “Làng Việt Nam” thật cao là hai hàng lính gác tay cầm mác, trong trang phục rập áo mão của lính gác ngày xưa.
Rải rác trong làng là những mái nhà tranh mộc mạc, những mảnh vườn với cây xoài, cây khế, những đàn gà, những gánh hàng rong với tiếng rao lảnh lót, có cả cảnh họp chợ trên sông với những chiếc ghe và những cô bán hàng mặc áo bà ba với dăm ba quả bầu quả bí, lọn cải, đọn khoai, và trái cây đủ loại.
Mọi người hân hoan dự Tết trong tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng pháo nổ đì đùng và những cành mai, cành đào nở rộ khắp nơi.

Một số khách ngoại quốc đứng ngây người nhìn hoạt cảnh Đám Cưới làng quê của VN. Ông Hemish, một người Ấn Độ phát biểu:
“Tôi thấy được nếp sống gia đình và sức sống của cộng đồng cũng như ngưỡng mộ việc bảo tồn văn hóa của quý vị trong buổi hội chợ này. Tôi rất thích nhìn những y phục cổ truyền đặc sắc của phụ nữ Việt Nam, rất hiếm khi thấy được ở đây.”

Bên cạnh những làng quê mộc mạc là những địa danh nổi tiếng của quê nhà như Chùa Thiên Mụ, Quốc Tử Giám và Đền Hùng. Những hoạt cảnh quen thuộc như thi gói bánh tét, Vinh Quy Bái Tổ, và Đám Cưới Về Làng khiến những vị lớn tuổi xúc động, trong khi đó nhiều em trẻ theo dõi một cách thích thú và gật gù khi được người lớn đi bên cạnh giải thích.
Một cụ bà 72 tuổi ngồi xe lăn, được người con trai đưa đi du Xuân cho biết người con đã đưa cụ từ Pomona đến. Cụ bảo:
“Vui, có hội chợ là tôi đi, tổ chức trình độ cao lắm rồi, thấy ở quê nhà cũng vậy, chứ không có gì khác….”

Cạnh chùa Thiên Mụ, một cụ ông mặc áo the đen đang hướng dẫn cậu bé trai khoảng 15 tuổi cách xin xâm. Cậu thắp nhang, vụng về vái lạy, rồi loay hoay xóc mãi cũng rớt ra được một cây xâm.
Nhìn cậu thầy e dè hỏi “cháu có biết tiếng Việt không?”, cậu bé ngập ngừng thưa có, rồi lóng ngóng ngồi xuống nghe thầy đọc quẻ. Ồ, cậu gieo được một quẻ thật tốt! Thầy bảo “năm nay cháu học hành hiển đạt”, rồi chợt thấy mặt cậu ngơ ngác, thầy hỏi “thế cháu có hiểu hiển đạt là gì không?”.
Cậu bé lắc đầu. Thế là đến lượt thầy ngập ngừng. Bà mẹ cậu vội đỡ lời thầy, “À, thầy bảo năm nay con học giỏi sẽ được xếp hạng cao, con cảm ơn thầy đi”.
Thầy tâm sự:“Tôi cố gắng giúp cho mấy em để mà cố gắng giữ những phong tục của Việt Nam mình, vào ngày Tết thì đi cầu nguyện xin xâm…”

Em Thiên Anh, học sinh của trường trung học Bolsa Grande, một trong số hơn 50 học sinh tình nguyện góp sức với ban tổ chức phát biểu:
“Con muốn góp một sức nào đó để quảng bá cái văn hóa Việt Nam mình đến mọi người và mang niềm vui Tết đến cho người ở hải ngoại.”

Một sinh viên dược khoa năm thứ nhất của trường đại học USC cho biết nhờ đi hội chợ Tết mà cô đang làm quen dần với món hột vịt lộn. Cô nói:
“Rất là vui, không khí rất là giống như ở Việt Nam, thì con biết thêm về lịch sử Việt Nam, vua chúa rồi có lính như thế nào…”

Cụ Đoàn Trúc Dư, 78 tuổi, quê ở Bình Định, đã ở Mỹ từ năm 75, hết lời khen ngợi tài tổ chức của giới trẻ trong Tổng Hội Sinh Viên:
“Thật là tuyệt vời, tôi bữa nay là trọn ngày đi dạo tất cả ở trong chợ, không sót chỗ nào hết. Cái làng Việt Nam này chung quanh là Việt Nam là tất cả đều giống y như ở Việt Nam mình vậy. Năm nay sinh viên tổ chức với cái tiêu đề là Hy Vọng, thì hy vọng Việt Nam mình sẽ có đa nguyên dân chủ”

Trong khi người Việt ở Nam California tưng bừng vui Xuân thì tại Việt Nam đã là mùng 7 Tết và mọi sinh hoạt đang trở lại bình thường. Nhiều người cho rằng thời khắc của ngày Xuân thực ra không quan trọng, điều quan trọng là, qua việc tổ chức và cử hành những nghi thức ngày lễ Tết thiêng liêng mỗi năm, các thế hệ của người Việt tha hương đã đến gần nhau hơn trong một tinh thần cộng đồng gắn bó.
Mỗi một dịp như vậy, giới trẻ được dịp tìm về nguồn cội và học hiểu thêm về bản sắc của mình, còn những cụ già ấm lòng với niềm tin là văn hóa Việt Nam sẽ được những thế hệ mai hậu không những bảo tồn, mà còn quảng bá rộng rãi đến cho người bản xứ.


No comments:

Post a Comment