Saturday, February 21, 2009

HỌC PHÍ TĂNG, HỌC SINH NGHÈO KHÓ VÀO ĐẠI HỌC

Học sinh nghèo khó có cơ hội học đại học
Lao Động số 38 Ngày 21/02/2009 Cập nhật: 9:00 AM, 21/02/2009
http://www.laodong.com.vn/Home/Hoc-sinh-ngheo-kho-co-co-hoi-hoc-dai-hoc/20092/127260.laodong
(LĐ) - Theo quy định mới của Bộ GDĐT, một số trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã công khai mức học phí. Nhìn chung, các trường ngoài công lập phải đóng mức học phí cao gấp 3-5 lần so với công lập.
Học phí cao, vô hình trung đã ngăn không cho con em những hộ trung bình và nghèo bước chân vào cổng trường ĐH, dù họ có khả năng vượt qua được kỳ thi ĐH khắc nghiệt.

Học phí tiếp tục tăng

Năm học 2008-2009, mức học phí (HP) đối với sinh viên mới nhập học (khoá 21) của Trường ĐH Thăng Long đã tăng lên tới 10 triệu đồng/năm (tương đương với 1 triệu đồng/tháng) - tăng gấp đôi so với năm học 2007-2008.
Nhưng sang năm 2009-2010, HP của trường này lại tiếp tục có sự thay đổi và chia làm 3 mức như Lao Động số 37, ra ngày 20.2 đã thông tin: Mức cao nhất áp dụng cho ngành điều dưỡng là 16 triệu đồng/năm, trung bình 1,6 triệu đồng/tháng. Mức 2 áp dụng cho nhóm ngành công nghệ thông tin và ngoại ngữ là 14,5 triệu đồng/năm. Mức 3 là 13 triệu đồng/năm áp dụng cho nhóm ngành kinh tế, quản lý, xã hội nhân văn, chưa kể SV còn phải đóng thêm tiền xây dựng trường (3 triệu đồng) cho cả khoá học.

Tại Trường ĐH dân lập Hải Phòng, Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị cho biết, trường áp dụng 1 mức HP chung cho tất cả các ngành đào tạo là 790.000 đồng/tháng (so với năm học trước, mức HP này cũng đã nhích lên thêm 70.000 đồng/tháng)...

Theo khảo sát của Bộ GDĐT, nếu năm học 2005-2006, mức HP tại các trường ngoài công lập phổ biến là 350.000 - 400.000 đồng/tháng thì đến năm học 2008-2009, hầu hết các trường đã tăng lên 1,5 - 2 lần và khả năng sẽ còn tiếp tục tăng.

Vượt quá sức thu nhập của nhiều gia đình

Vấn đề ở đây là nếu HP cứ tiếp tục tăng, thì vô hình trung đã ngăn không cho con em những hộ trung bình và nghèo bước chân vào trường ĐH dù họ có khả năng để vượt qua được kỳ thi ĐH khắc nghiệt. Như vậy, cơ hội học tập sẽ không còn là bình đẳng cho mọi người.

Chúng ta đều biết rằng, thu nhập bình quân đầu người năm 2008 của người dân VN chỉ có 960USD/năm, mức lương bình quân của công chức vào khoảng 2 triệu và của công nhân VN hiện nay chỉ vào khoảng trên 1 triệu đồng/tháng. Nhiều bậc phụ huynh đã tỏ ra lo lắng trước mức HP quá cao của các trường dân lập và vượt quá khả năng kinh tế mà gia đình có thể đáp ứng.

Chị Trần Thị Huệ - Đống Đa, Hà Nội - có con sắp thi ĐH - lo lắng: "Sức học của con trai tôi chỉ ở mức trung bình khá, tôi muốn cho cháu đăng ký thi dân lập cho vừa sức. Nhưng mức HP dân lập cao như vậy, không biết làm sao để lo được tiền học cho con nữa. Bởi đi học không chỉ lo mỗi tiền HP, mà còn tiền xây dựng trường, tiền sách vở, máy tính...".

Trước mức HP cao như vậy, hầu hết các học sinh ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao đều phải từ bỏ ý định thi dân lập. Em Bùi Thị Lý (Đức Thọ, Hà Tĩnh) lo lắng: "Năm ngoái, em thi vào Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, nhưng không đỗ, dù biết điểm chuẩn vào trường dân lập sẽ thấp hơn, nhưng gia đình em là gia đình thuần nông.
Bố mẹ đã phải thường xuyên chạy vạy vay lãi để cho chị em em đi học. Với mức HP đó, bố mẹ em làm sao lo nổi. Các bạn cùng quê em còn không dám mơ ĐH, nhiều bạn chỉ đăng ký thi trung cấp hoặc vào Nam làm thuê".

Đất nước ta đang thiếu trầm trọng nguồn lao động có chất xám và tay nghề cao, trong khi đó Nhà nước đang có chính sách phổ cập giáo dục. Nhưng nếu HP các trường ngoài công lập cứ tăng nhanh như vậy, thì số lượng thất học ở nông thôn ở các bậc TCCN, CĐ và ĐH sẽ tăng lên đáng kể.

Các sinh viên nghèo dù đủ năng lực cũng chỉ dám học nghề, hoặc lựa chọn con đường đi làm thuê để trở thành những người thợ chưa đủ kỹ thuật. Như vậy, đất nước sẽ lãng phí một nguồn nhân lực và trí lực không nhỏ...

Bích Hường

No comments:

Post a Comment