Tuesday, February 17, 2009

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM "NHÌN XUỐNG CUỘC ĐỜI"

"Nhìn Xuống Cuộc Đời” để nhìn lại chính mình
Vũ Ðình Trọng/Người Việt

Monday, February 16, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=90937&z=1

Trân trọng kính mời quý độc giả và thân hữu vui lòng đến tham dự buổi giới thiệu sách mới:
nhìn xuống cuộc đời
Tuyển tập tạp ghi của Huy Phương
Thời gian: 1 PM, Chủ Nhật, 22 Tháng Hai, 2009
Ðịa điểm: Westminster Civic Center, 8200 Westminster Blvd., Westminster, CA 92683
Diễn giả: Nhà văn Ðỗ Tiến Ðức, nhà văn Bùi Bảo Trúc, ký giả Ðinh Quang Anh Thái.
Văn nghệ: Ban Tù Ca Xuân Ðiềm
Yểm trợ tổ chức: Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân Bình Ðiền
Liên lạc (949) 241-0488


Nhà văn Huy Phương. (Hình: Vũ Ðình Trọng/Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/90937-medium_NVHN-090216-HuyPhuong-01.jpg

Tản mạn về tác phẩm mới của người viết tạp ghi Huy Phương

Khó có thể phân biệt rạch ròi giữa phiếm và tạp ghi hay tùy bút và tạp văn. Ở Mỹ sau tháng 4 năm 1975, chúng ta đã biết nhiều đến phiếm của Ðặng Trần Huân, Huỳnh Văn Phú, Trà Lũ, Song Thao, Kathy Trần, Bà Ba Phải... và “dài hơi” nhất là Bùi Bảo Trúc. Nhà văn Huy Phương không chọn phiếm mà chọn tạp ghi cho loại văn báo chí như một cố gắng tìm đường đi riêng của mình.
Trong một buổi mạn đàm, ông thổ lộ: “Tôi chọn viết tạp ghi thay vì phiếm, và hy vọng những bài viết của tôi không phải là ‘chuyện tào lao’. Mỗi bài tạp ghi là một đề tài lấy từ cuộc sống chung quanh, sàng lọc qua cái tâm của mình, gợi những liên tưởng, từ đó rút tỉa ra một kết luận. Tôi không dám nói đó là một triết lý, mà chỉ là một ý nghĩ nào đó về cuộc đời, về sự sống chung quanh ta, muốn chuyển đến và chia xẻ với người đọc. Nhiều khi tôi thấy ngôn ngữ của thi ca và văn xuôi không đáp ứng được những điều nóng hổi mà tôi vừa bắt gặp, lại muốn giãi bày, nói ra ngay trực tiếp với người đọc. Nếu là một bài viết quan điểm, thì quá đứng đắn và khô khan, trái lại tùy bút thì quá nhẹ nhàng, nên tôi chọn thể loại, có thể nói là loại văn báo chí, tạm dùng hai chữ tạp ghi như anh thường thấy.”
Ðịnh cư tại Mỹ sau bảy năm ở trong các nhà tù CSVN, bài “tạp ghi tạm dùng” đầu tiên của Huy Phương được đăng trên Nhật Báo Người Việt từ Tháng Sáu năm 1991 mang tựa “Người Mới Sang”, và sau đó là “Nước Mỹ Lạnh Lùng”. Bẵng đi 10 năm lo nợ áo cơm, ông trôi dạt qua tới miền Ðông rồi trở về Orange County mà không hề cầm viết. Mãi cho đến năm 2002, sau khi được nghỉ hưu ông mới cầm viết trở lại, và cho ra mắt tác phẩm tạp ghi đầu tiên tại Hoa Kỳ “Nước Mỹ Lạnh Lùng”. Sau đó là “Ði Lấy Chồng Xa” (2006), “Ấm Lạnh Quê Người” (2007). Tác phẩm thứ tư “Nhìn Xuống Cuộc Ðời” sẽ được ra mắt độc giả vào ngày Chủ Nhật, 22 Tháng Hai, 2009 tại Westminster Civic Center.
Trên Nhật Báo Người Việt hiện nay, nhà văn Huy Phương phụ trách mục Tạp Ghi trên trang Người Việt Hải Ngoại mỗi Chủ Nhật, và mục Chuyện Trò Cùng Ðồng Ðội trên trang Cựu Chiến Binh mỗi Thứ Tư hàng tuần. Ông có lối viết sâu sắc, đầy nhân tính và thẳng thắn phê phán những vấn đề tiêu cực trong cộng đồng, như nhà văn Bùi Bảo Trúc nhận xét: “Từ những chuyện không có gì đáng nói, a non-story, một chuyện không có chuyện, một bản tin dễ dàng bị chìm vào những trang trong của tờ báo, người viết tạp ghi tinh mắt, nhìn ra chuyện đó, đem kể lại cho người đọc. Nếu chỉ kể không thôi, thì nó chỉ là một bản tin, bản dịch của một cái tin trong báo. Nhưng vận dụng khả năng liên tưởng, đưa vào cái nhìn riêng của mình, có khi phẫn nộ, có khi ngậm ngùi, có khi hài hước, có khi rất thơ, có khi đơn sơ và mộc mạc là việc làm của những người viết như Huy Phương”.
Ðôi khi, cũng những câu chuyện nói thẳng đó, ông gặp không ít phiền muộn, nhưng theo Huy Phương, nhà văn hay ký giả cũng cần trung thực, có lòng nhân và phải can đảm.
Ông chia sẻ: “Thư Gởi Anh Ðại Tá là một mẩu chuyện tiêu biểu gây chú ý vào thời gian có nhiều anh em H.O. mới đến Mỹ, vì có tính cách nói thẳng nói thực, mặc dầu có thể làm mích lòng một vài cá nhân hay những mẫu người tương tự, nhưng được nhiều người hưởng ứng. Tôi có nhiều bài phê phán trực tiếp như chuyên chia rẽ tại hải ngoại (Giỏ Cua Cộng Ðồng), chuyện lớp già xem thường lớp trẻ (Tuổi Trẻ), chuyện đi về Việt Nam (Về Việt Nam - Nhìn Xuống Cuộc Ðời), chuyện cứu trợ cho trong nước (Con Bò Sữa Hải Ngoại), chuyện gian lận bảo hiểm y tế (Còn Mong Nỗi Gì) mà có nhiều bạn bè khuyên tôi nên tránh né.”
“Trong bài 'Bài Nín Thở Qua Sông,' tôi dùng ngôi thứ nhất (nhân vật ‘tôi’) để đả kích những nhân vật cựu chiến binh, cựu tù ‘cải tạo’ nhưng qua đây sống ích kỷ, quay lưng với cộng đồng. Bài báo này gây ngộ nhận, vì nhiều anh em trước kia rất có cảm tình với tôi, đã lên án tôi là con người phản bội, xấu xa. Ðiều này chẳng qua vì sự hiểu lầm vì có người cho rằng tôi chính là nhân vật ‘phản diện’ trong bài viết đó. Trước hết là con người còn biết ghét điều xấu, sau hết là vì bạn bè còn thương mình nên đã thất vọng nghĩ mình là con người như thế, nên họ lên án mạnh mẽ.”
“Một câu chuyện khác như thế này: Hai năm nay, tại Nam California, người ta đưa lễ truy điệu cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ra tượng đài Việt Mỹ. Tôi có viết một bài nói rằng: 'Lúc sinh thời, TT Ngô Ðình Diệm chống lại việc đưa quân Mỹ tham chiến Việt Nam, ngày nay sao lại để ảnh Ngô Tổng Thống và làm lễ truy điệu dưới chân tượng một người lính Mỹ?' Ðây cũng là một đề nghị tôi muốn nói thẳng với những người có trách nhiệm.”
Hay ở cuối bài “Về Việt Nam” (Nhìn Xuống Cuộc Ðời, trang 214), vận động đồng hương không về Việt Nam trong Tháng Thư Ðen (tháng 4, 2009), ông viết: “Hải ngoại không có lãnh đạo, hải ngoại có nơi đoàn kết, nhưng cũng có nơi cấu xé nhau, hải ngoại nói và làm không đồng nhất, chúng ta có dám nhìn sự thật như vậy không?”
Những câu hỏi bỏ ngỏ cuối bài viết không chỉ gây “sốc” cho một số người, nhưng đó cũng chính là nỗi xót xa của chính ông!

“Nhìn Xuống Cuộc Ðời” để nhìn lại chính mình

Nhận xét về “Tạp Ghi Huy Phương”, nhà văn Bùi Bích Hà cho rằng văn phong của ông duyên dáng, ý nhị, nhiều lúc chua chát nhưng lúc nào cũng thấm đẫm tình người. Trong tác phẩm “Nhìn Xuống Cuộc Ðời” cũng có những chuyện đắng chát như thế. Câu chuyện về thuyền trưởng Nam Hàn Jeon Je Yong, năm 1985, bất chấp lệnh thượng cấp đã cứu giúp 96 thuyền nhân Việt Nam trên biển Ðông trong bài “Thuyền nhân, anh ở đâu?” (trang 21) là một câu chuyện cay đắng về tình người. Chín mươi sáu thuyền nhân được cứu sống năm xưa, nay chỉ có một người gặp thuyền trưởng ân nhân Jeon Je Yong tại Orange County để cầm tay ông và nói “Tôi vẫn nhớ ơn ông!” Ngoài ra không còn một ai. Chín mươi lăm người còn lại “lên bờ và tan biến vào dòng đời trôi đi, không bao giờ muốn nhìn lại dĩ vãng.”

Một câu chuyện chua chát... và xấu hổ!

Bài “Ai Gõ Thì Mở” (trang 157) thể hiện cách nhìn cuộc sống của nhà văn. Có nhìn người, nhìn sự việc qua một lăng kính nhân hậu, mới viết được một bài như thế. Câu chuyện được mở ra từ một bà mẹ từ Việt Nam qua Mỹ tìm con năm 2006 và được đóng lại bằng chuyện một người vô gia cư cho ta một bài học nhẹ nhàng nhưng thấm đẫm tình người như trong “Luân Lý Giáo Khoa Thư” ngày trước.
Nhà văn Huy Phương chia sẻ câu chuyện: “Anh nghĩ gì về họ, những người vô gia cư? Nhiều khi chúng ta có thấy họ mà không hề nhìn họ hay để ý đến họ, người ấy cũng như cái gốc cây hay ngọn đèn ở đầu đường. Có khi chúng ta có nghĩ đến họ nhưng nghĩ bằng thái độ này: đó là những kẻ nghiện ngập, lười biếng, vô lại. Nhưng nếu chúng ta còn chút tình người chúng ta lại nghĩ khác: trưa nay họ không có cái gì bỏ vào miệng, tối nay họ không có một mái nhà và một tổ ấm gia đình như chúng ta. Họ có thể là một cựu chiến binh đang thất nghiệp, vợ bỏ, suốt đời thiếu may mắn hơn chúng ta. Vậy thì đó là người đáng thương hơn là đáng ghét. Chúng ta không nghèo đi vì mất một đô la, thì chỉ với một đô la ấy, bạn có thể đem lại một niềm vui nho nhỏ cho người khác, vì sao bạn không làm? Tôi nghĩ sống với lòng nhân ái, bạn sẽ cảm thấy cõi lòng nhẹ nhàng và cảm thấy hạnh phúc hơn.”
Qua văn phong, ta có thể hình dung Huy Phương là một người trầm tĩnh. Ông viết như đang tâm sự riêng với một người nào đó bằng giọng văn nhẹ nhàng, chậm rãi. Chỉ đến đoạn cuối câu chuyện, ta mới nhận ra được ông dành cho ta một nụ cười hay một tiếng thở dài! Hầu như tất cả các bài tạp ghi của ông là những bài học, nếu có thể gọi như thế, về luân lý, về đạo làm người mặc dù ông không cố tình rao giảng.
“Tôi viết về chuyện quê nhà, quê người, chuyện đời, chuyện người... những vui buồn xảy ra hàng ngày ở đây thôi. Bài ‘Tổ Trống’ (trang 42) tôi viết một lần sau khi đi thăm một người bạn ở Colorado, tôi cám cảnh đôi vợ chồng già trong một ngôi nhà hiu quạnh, vì con cái đã rời tổ đi xa. Cuốn phim ‘House of Sand and Fog’ đã cho ta thấy thế nào là danh dự của người chiến binh, mặc dù đã giã từ vũ khí như người lính VNCH (Người Lính Ðã Giã Từ Vũ Khí, trang 54). Ðôi khi là một chuyện cũ trong trại tù, có lúc là những bản tin từ quê nhà. Chỉ sợ mình bất tài không ôm hết cả cuộc đời và không nói hết những điều mình mong muốn mà thôi.”
“Nhìn Xuống Cuộc Ðời” (trang 161) là cái nhìn soi rọi bản thân, ông nhìn vào mình, ta nhìn vào ta để thấy rằng: “Chúng ta là những kẻ phàm tục, không có khả năng giúp được ai, cứu vớt được ai thì cũng nên biết nhìn xuống để giúp được cho chúng ta, cứu vớt cho chính chúng ta khỏi những điều vị kỷ, mà vì không nhìn xuống chúng ta không thấy. Chúng ta thấy nhiều cái chúng ta chưa có, mà không hề thấy rất nhiều cái chúng ta đã có. Chúng ta không thấy, không nhận ra là vì chúng ta không bao giờ chịu nhìn xuống.”
“Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ, chưa một lần bị đói khổ, tai ương, thân thể lành lặn, nếu chưa một lần bước ra khỏi đất nước, để nhìn xuống cuộc đời, nhân loại, nói riêng là đồng bào ruột thịt thì làm sao hiểu được nỗi khổ đau, bất hạnh của những người này để giúp đỡ, cưu mang một phần nào? Chúng ta sẽ dễ hiểu hơn khi được biết nhiều em lớn lên trong những gia đình học thức giàu có, vừa tốt nghiệp trung học đã muốn tình nguyện sang Phi Châu, Trung Ðông để giúp đỡ an ủi những em bé mồ côi, bệnh hoạn hay tật nguyền!”
Và như thế, khi nhìn xuống cuộc đời bằng tình thương và sự chia sẻ, cũng là lúc ta nhìn lại được chính mình!
Và cũng chính ông nhận định: “Muốn sống cho ra con người, lại phải ngẩng đầu lên!” (V.Ð.T.)


No comments:

Post a Comment