Thursday, February 5, 2009

ĐEM TÂM TÌNH VIẾT LỊCH SỬ (Phần 1)

ĐEM TÂM TÌNH VIẾT LỊCH SỬ
TRÔNG NGƯỜI MÀ NGHĨ ĐẾN TA
BẰNG PHONG ĐẶNG VĂN ÂU
http://www.vietnamexodus.org/vne0508/vnenews1/bandocviet/news/DEM%20TAM%20TINH%20VIET%20LICH%20SU.htm

Lời người viết: Cuộc chiến tranh Quốc Cộng Bắc Nam đã gây nên bao cảnh phân ly chia lìa. Hầu như gia đình nào cũng có người ở phía bên này, bên kia. Cuộc huynh đệ máu lửa tương tàn đã chấm dứt hơn ba thập niên mà vẫn chưa nguôi niềm u uẩn. Tuy thư này được viết cho một người anh thúc bá trong gia tộc – Con Hùm xám Đường 4 Đặng văn Việt – nhưng có liên quan đến bối cảnh Nước Nhà, nên người viết xin trân trọng gửi độc giả trong và ngoài nước để cùng chia sẻ tâm tư.

Houston, Texas, U.S.A., ngày 20 tháng 1 năm 2009.
Anh Đặng văn Việt kính mến,
Em khởi sự viết thư này cho anh vào một ngày trọng đại đánh dấu khúc quanh lịch sử Hoa Kỳ – Ngày tuyên thệ nhậm chức của một vị Tổng thống DA ĐEN đầu tiên: Ông Barack Hussein Obama. Từ vị Tổng thống đầu tiên George Washington đến George W. Bush, các Tổng thống Hoa Kỳ đều có gốc Ái Nhĩ Lan, chứ không có ông nào gốc Đức, Pháp, Anh lọt vào. Chưa biết lúc nào thư này sẽ viết xong, vì em cứ bận các thứ việc hiếu hỉ linh tinh trong mấy ngày giáp Tết và em cũng cần thời gian để trang trải tâm tư với anh. Đây là những lời rất tha thiết nói lên niềm thao thức của em, mong anh cảm thông.
Như kẻ tình cờ “lạc đường vào lịch sử” bỗng trở thành chứng nhân ở góc cạnh nào đó trong một giai đoạn, em xin ghi lại vài điều suy nghĩ gửi anh, để biết đâu nó sẽ là tư liệu hữu ích cho những nhà viết sử mai hậu, bởi vì thời đại này người ta cố tình xuyên tác lịch sử do ý đồ chính trị quá nhiều. Tên tuổi anh và bạn bè anh – những con cái thuộc gia đình tiểu tư sản – đã đi vào quân sử kháng Pháp, đánh dấu một thời kỳ oanh liệt đấu tranh giành độc lập, nhưng bị gạt ra vòng ngoài vì cái chủ nghĩa lý lịch phân biệt giai cấp. Thư này em viết cho riêng anh và cho cả các đồng đội cũ cùng chung cảnh ngộ với anh.

Năm 1962 khi du học Hoa Kỳ, em – một thanh niên đến từ quốc gia chậm tiến – hết sức choáng ngợp trước những tòa nhà đồ sộ chọc trời, xa lộ thênh thang hun hút, xe cộ như mắc cửi biểu hiện sự giàu sang của nền văn minh cơ giới tột bực. Nhưng có một điều em cảm thấy không hài lòng. Đó là sự đối xử bất nhẫn của người da trắng đối với người da đen. Ví dụ như người da đen bị bắt buộc ngồi băng ghế sau cùng trên xe buýt, chỉ được phép vào phòng vệ sinh dành riêng cho người da màu … Sinh viên da vàng chúng em không bị đối xử kỳ thị, nhưng em chẳng cảm thấy hãnh diện chút nào. Em cho rằng sự kỳ thị chủng tộc, mầu da là sai lầm, là thiếu văn hóa.
Chưa đầy 50 năm, người Hoa Kỳ da trắng đã thay đổi thái độ và tư duy vì có nếp suy nghĩ cấp tiến hơn, lại thêm nhờ chính phủ của họ áp dụng triệt để luật cấm phân biệt đối xử, trong lãnh vực công đã đành, mà còn trong lãnh vực tư nữa. Bất cứ người da trắng nào có lời lẽ châm biếm người da đen là bị đuổi việc ngay. Đảng cộng sản thi hành chủ nghĩa lý lịch – tàn tệ không kém sự kỳ thị chủng tộc – làm tan nát hàng triệu cuộc đời – trong đó có dòng họ ta – hơn 50 năm rồi mà chưa biết khi nào sẽ chấm dứt. Chỉ vì anh là con của một vị Thượng thư triều Nguyễn nên bị mang chức Trung tá Trung Đoàn Trưởng mãn đời, mặc dù đạt được nhiều chiến công đánh Pháp lẫy lừng, trong khi ấy thành phần “bần cố nông” cấp dưới của anh thì lên Tướng.

Chứng kiến sự thay đổi của nước người, lòng em không khỏi chạnh nghĩ đến số phận hẩm hiu của dân nước mình. Hoa Kỳ bị phe thù nghịch lên án là Đế quốc xâm lược, nhưng quốc gia này không chiếm đất đai của ai làm thuộc địa. Nước Pháp tự hào về cuộc cách mạng Dân Quyền, về văn hóa, nhưng lại là quốc gia cực kỳ vô nhân đạo đối với nhân dân của nước bị trị. Nếu thực dân Pháp cai trị Ấn Độ, thì ông Mahatma Gandhi không bao giờ trở thành Thánh, mà sẽ bị bay đầu như nhà cách mạng Nguyễn Thái Học. Kể từ giờ phút này, người Mỹ da trắng sẽ dần dần trút bỏ mặc cảm xấu hổ vì tổ tiên họ đi “săn bắt” người da đen ở Phi Châu về làm nô lệ. Mặc dù không phải là quốc gia thập phần toàn hảo, nhưng Hoa Kỳ xứng đáng là tấm gương sáng cho những chế độ độc tài, độc đảng lạc hậu noi theo. Bởi vì khi nhận ra sai lầm là người Mỹ dũng cảm sửa đổi. Có thể nói Hoa Kỳ là nơi luôn luôn có cuộc “cách mạng nhung” xảy ra, thay đổi ôn hòa, chuyển giao quyền lực êm thắm. Chưa hề có nạn “cướp chính quyền” bằng bạo lực hoặc “đảo chánh cung đình” từ ngày lập quốc.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, em không bỏ phiếu cho ông Obama, không phải vì có cái nhìn xuống đối với người da đen như một số người khác, nhưng vì không đồng quan điểm chính trị tả khuynh thái quá và nhất là về chính sách quốc phòng và an ninh nội địa của ông ta. Tuy nhiên khi nghe ông Obama tuyên bố trong bài diễn văn Hoa Kỳ sẽ cương quyết đánh bại quân khủng bố thì em an tâm phần nào. Buổi lễ tuyên thệ nhậm chức năm nay được đánh giá “hoành tráng” hơn tất cả những lần trước kia. Báo chí thế giới – nhất là từ Âu châu – đều có bài nhận định tương tự nhau: “Hiện tượng Obama chỉ có thể xảy ra tại Hoa Kỳ”. Đúng thế! Ông Obama không những là người da đen, mà còn có ông bố đẻ với bố dượng theo đạo Hồi và mang tên đệm là Hussein, giao du khắng khít với kẻ khủng bố Bill Ayers, có vị mục sư linh hướng Jeremiah Wright từng đứng trên bục giảng ở nhà thờ cầu mong “Thượng Đế trừng phạt nước Mỹ” (God Damn America), nhưng cử tri da trắng Mỹ đa số có tín ngưỡng Thiên chúa giáo bất chấp, họ vẫn bầu cho Obama với tỉ số áp đảo.

Chưa biết nước Mỹ sẽ đi về đâu, nhưng ông Obama là sự lựa chọn của đa số nhân dân Mỹ nên có vị thế chính thống để lãnh đạo quốc gia. Những người cầm quyền của chế độ cộng sản hiện nay không do dân bầu, họ tự động dành cho họ cái quyền ban hành luật pháp và ngồi xổm lên là láo lếu. Nhiều chủng tộc khác mơ ước đến lập nghiệp tại Mỹ chính vì Đất Nước này hứa mở ra cơ hội đồng đều cho mọi người được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Xô Viết – ông Mikhail Gorbachev – đã nói: “Một người Nga đến định cư ở Pháp lâu năm vẫn là người Nga, nhưng một người Nga đến ở Mỹ chẳng bao lâu thì trở thành người Mỹ”. Một xứ sở được kết hợp bởi những công dân không cùng chủng tộc, lịch sử, văn hóa mà chỉ trong vòng 200 năm đã trở thành siêu cường bậc nhất thế giới thì không phải là sự may mắn tình cờ. Em cho rằng đấy là nhờ lòng cương quyết theo đuổi lý tưởng Tự Do một cách lương thiện của các nhà lãnh đạo từ thời lập quốc. Em dùng từ “lương thiện” để nói họ không thiết lập nền dân chủ giả hiệu hoặc bánh vẽ.

Đại tướng George Washington sau khi đánh bại Thực dân Anh giành độc lập, được các thuộc cấp đề nghị lên ngôi vua để có vị thế ngang hàng với vua nước Anh, nhưng ông từ chối và thiết lập nền Cộng Hòa. Sau khi làm Tổng thống hai nhiệm kỳ, người ta đề nghị ông làm Tổng thống mãn đời, ông lại từ chối. Ông nói: “Dù một người thông minh tài giỏi đến đâu mà làm Tổng thống hai nhiệm kỳ thì cũng đã hết sáng kiến. Tôi xin nhường chỗ cho người khác”. Lời nói của George Washington được các Tổng thống kế nhiệm tuân thủ như một luật lệ bất thành văn. Cho đến khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt viện cớ đang có Thế chiến II, đã làm Tổng thống đến 4 nhiệm kỳ (từ năm 1933 đến năm 1945, nhiệm kỳ thứ 4 mới bắt đầu mấy tháng thì qua đời và Phó Tổng thống Truman thay thế). Từ đó, Quốc Hội phải viết tu chính án hạn chế nhiệm kỳ Tổng thống chỉ được phép tối đa là 8 năm.

Người lãnh đạo cộng sản “cướp chính quyền”, thiết lập chế độ Dân Chủ Cộng Hòa trên đất nước Việt Nam, viết ra bản Hiến Pháp rập khuôn theo Hoa Kỳ có đầy đủ các quyền dân chủ, nhưng không áp dụng một điều khoản nào. Ông Hồ Chí Minh là người đa mưu xảo quyệt. Ông lấy câu “Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc” làm khẩu hiệu nên dễ mê hoặc khát vọng của người dân bị trị. Ai có thể cưỡng lại cái lý tưởng công bằng xã hội, xóa bỏ giai cấp, làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu, không còn có cảnh người bóc lột người? Dù là nạn nhân của hành động tai ngược dưới chế độ cộng sản, người ta cũng đã rộng lòng bao dung tha thứ vì cho rằng đó là lỗi lầm của cấp dưới! Anh đang là sinh viên Y khoa năm thứ 3 đã nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc cũng lên đường đánh Pháp, mặc dầu học vấn của anh là do Pháp đào tạo. Em có hỏi anh Đặng văn Sung vì sao giữa hai anh em lại có tình trạng kẻ đi hướng này, người đi huớng kia và được anh Sung trả lời: “Ngày đó ở Hà Nội có cuộc nói chuyện của ông Võ Nguyên Giáp và ông Trương Tử Anh ở hai nơi. Anh Việt đi nghe ông Võ Nguyên Giáp nói chuyện thì trở thành cộng sản; còn mình đi nghe ông Trương Tử Anh nói chuyện thì trở thành Đại Việt. Tuổi trẻ đâu có hiểu chủ nghĩa gì đâu, miễn là đánh Pháp”. (Bác sĩ Đặng văn Sung, nguyên Thượng Nghị sĩ Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa và Chủ nhiệm Nhật báo Chính Luận trước năm 1975, từng là cán bộ lãnh đạo của Đại Việt được chỉ định liên hệ với vua Bảo Đại. Bác sĩ Đặng văn Sung, Hùm Xám Đặng văn Việt và người viết là anh em thúc bá. Ông Nội chúng tôi là Hoàng Giáp Đặng văn Thụy, làm chức quan Tế Tửu của trường Quốc Tử Giám dưới triều Nguyễn ở Huế. Chức Tế Tửu giống như Viện trưởng Viện Quốc Gia Hành Chánh dưới chế độ VNCH – Ghi chú của người viết). Anh Sung lớn hơn em hai giáp, sinh năm 1916 (tuổi Thìn), nhưng anh ấy khi nào nói chuyện với em út trong họ luôn luôn xưng “mình” rất dễ thương. Anh Sung được mọi người qúy mến không những vì nói năng lịch sự, mà còn cách cư xử hào hiệp rất đẹp. Ngày nay, những nhân viên từng làm việc cho Nhật báo Chính Luận – từ nhà văn, ký giả đến thợ sắp chữ – đều nhắc đến anh ấy bằng tấm lòng kính trọng và biết ơn.

Anh Đặng văn Việt qúy mến,

Em xin phép nói rõ để anh khỏi ngộ nhận. Có rất nhiều người như anh, vì khát khao Độc Lập, đã chấp nhận hy sinh gian khổ, chịu tù đày để đánh đuổi Thực dân Pháp rồi gia nhập đảng Cộng Sản. Tức là em xác nhận trong hàng ngũ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn có người yêu nước Việt Nam – chứ không phải yêu nước Trung Quốc như Triết, Dũng, Trọng. Nhưng bộ máy đảng Cộng sản không cho phép đảng viên được quyền yêu nước. Ai thấy điều sai trái trong đảng mà dám góp ý xây dựng là bị loại trừ ngay. Đó là trường hợp Trần Xuân Bách – người có khả năng được bầu làm Tổng Bí thư Đảng – chỉ mới manh nha tư tưởng theo gót chân Gorbachev thì liền bị khốn đốn. Nếu không có Nguyễn Cơ Thạch che chở, Trần Xuân Bách chắc chắn sẽ không tránh khỏi số phận nằm nhà đá. Đó là trường hợp Tướng Trần Độ bị tước thẻ đảng, lúc chết cũng bị Đảng không cho phép người nào phúng điếu với bốn chữ “Vô Cùng Thương Tiếc”. Vì vậy muốn leo lên địa vị lãnh đạo, người cán bộ phải “phấn đấu” như con tố cha (Trường Chinh), vợ tố chồng, nhắm mắt làm ngơ trước sự bất công, nịnh bợ lãnh tụ (Tố Hữu) để lấy niềm tin của Đảng hoặc tạo thành tích. Do đó, lấy đâu ra người lãnh tụ cộng sản lương thiện, tử tế, có lòng thương nước yêu dân? Chính người cộng sản thuần thành Phạm Quế Dương – bạn anh – đã công khai xác nhận Đảng Cộng Sản là một đảng cướp, sau khi xé thẻ đảng cơ mà!

Các cụ nhà ta nói không sai: “Gieo gì gặt nấy”. Gieo xuống đất hạt cam thì không thể mọc lên cây mít. Nhà cầm quyền Việt Nam càng ngày càng thối nát, xã hội càng ngày càng băng hoại là kết quả tất yếu do một đảng cầm quyền được xây dựng trên sự lừa đảo, dối trá, phi đạo đức, phản phúc, bất nhân. Nói tóm lại, đó là một đảng cướp, nhưng em cho rằng họ tồi tệ hơn đảng cướp đời thường, vì đảng cướp đời thường đi ăn cướp không nhân danh những biểu tượng thiêng liêng cao qúy như Tổ Quốc, Dân Tộc. Với cái nhân danh đó, đảng có quyền kết tội “Việt Gian”, “Phản Động” cho bất cứ ai không đồng tình với những việc làm tai ác của Đảng. Đảng cướp đời thường không đặt ra cái luật quái gở: “Tài sản đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, đảng cuớp quản lý”. Ở hải ngoại, ai nói đến vụ ăn cắp, ăn bẩn PMU hoặc PCI thì Nhà Nước Cộng Sản quy cho người đó cái tội nói xấu Tổ Quốc. Một thứ ăn cắp, ăn trộm mà tự đồng hóa mình với Tổ Quốc, Dân Tộc là điều đáng phỉ nhổ.

Mới đây, em nhận ba thư của ba nhà bất đồng chính kiến trong nước: Một của cựu Đại tá Quân Đội Nhân Dân Phạm Quế Dương ở Hà Nội, một của luật sư Trần Lâm ở Hải Phòng và một của nhà giáo Nguyễn Thượng Long ở Hà Tây. Ba thư ấy đều phàn nàn Nhà Nước dùng bọn bồi bút bôi nhọ, mạ lỵ Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang về tội thực hiện tờ báo điện tử Tổ Quốc để làm tiền. Em đã gọi điện thoại thăm anh Phạm Quế Dương, luật sư Trần Lâm để hỗ trợ tinh thần và ca ngợi sự dũng cảm của hai anh ấy. Luật sư Trần Lâm cho em biết vẫn thường gặp gỡ anh khi có dịp lên Hà Nội. Riêng nhà giáo Nguyễn Thượng Long em gọi nhiều lần, nhưng có lẽ đường dây điện thoại đã bị cắt. Sau cùng, em gọi anh Nguyễn Thanh Giang để khuyên anh ấy đừng phiền muộn, nhụt chí vì bọn bồi bút hoặc kẻ đố kỵ. Em cũng đã động viên chị Tuyết Mai – phu nhân của anh Giang – hỗ trợ tinh thần anh ấy để vượt qua những trù dập của chế độ. Em ví những nhà tranh đấu dưới chế độ độc tài toàn trị giống như người tự nguyện thí phát đi tu. Mà tu giữa chợ, đầy dẫy điều thị phi, oan trái. Các anh còn bận tâm vì những lời lẽ bất xứng của bọn bồi bút, bọn đố kỵ ghen ghét là còn mắc mưu chế độ. Em nói bây giờ Nhà Nước “đánh” anh như thế hãy còn nhẹ so với thời kỳ ông Hồ làm Chủ tịch Nước kiêm Chủ tịch Đảng. Rồi em đọc cho anh Thanh Giang nghe bài thơ của nhà văn Nguyễn Công Hoan hỗn láo với Cụ Phan Khôi:
“Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi!
Thọ mi, mi chúc, chớ hòng ai.
Văn chương Đù mẹ thằng cha bạc!
Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài.
Lô-dích, trước cam làm kiếp chó,
Nhân Văn nay lại hít gì voi.
Sống dai thêm tuổi cho thêm nhục,
Thêm nhục cơm trời chẳng thấy gai.”

Đấy là “văn hóa chửi” dưới triều đại Hồ Chí Minh của anh đó, anh Thanh Giang à! Nghe em nói vậy, anh ấy chỉ cười nhẹ, chứ không có lời biểu đồng tình hay phản bác. Em cảm thông tình cảnh “cá chậu chim lồng” của người dân phải sống dưới chế độ bạo ngược, không ai dám đả động cái “bàn thờ”. Mặc dầu sách quốc văn giáo khoa thư không thấy dạy phải gọi quân ăn cướp bằng “ông”, nhưng trong các bài viết em không bao giờ dùng chữ “thằng” để gọi các lãnh đạo “đảng cướp” cộng sản bằng “thằng”, giống như họ thường dùng khi gọi các lãnh đạo Miền Nam.

Em cho rằng vì cái định mệnh nghiệt ngã của dân tộc ta mới nẩy nòi ra nhân vật Hồ Chí Minh, một diễn viên thủ vai “kép ác” trong kịch bản bi thảm. Không phải ông Hồ mà nếu Trần Phú hay Lê Hồng Phong lãnh đạo cộng sản thì hậu quả cũng như ngày hôm nay, vì đó là bản chất của chủ nghĩa cộng sản. Giá như nước ta không bị thực dân Pháp tham lam, ngu muội đô hộ thì thứ “cỏ cộng sản” (chữ của Cụ Phan Khôi) không thể có cơ sinh sôi tràn lan được. Bằng cớ là tất cả các thuộc địa của Anh Quốc không bị nhuộm đỏ. Nhân đây, em xin tường thuật hầu anh câu chuyện này để anh thấy cái xui tận mạng của Đất Nước mình: “Thầy em – cố bác sĩ Đặng văn Dư, làm Đổng lý văn phòng cho Thủ tướng Trần Trọng Kim – kể lại với Đẻ em rằng khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh thì Ông Đại sứ Nhật tên là Marc Masayaki Yokohama (lai Pháp) đến văn phòng Thủ tướng đề nghị:
– Thưa Ngài, dù chúng tôi thua trận, nhưng quân đội chúng tôi thừa sức tiêu diệt Bộ Tham Mưu Cộng sản Đông Dương trong vòng 24 giờ đồng hồ để giúp Đất nước Ngài tránh hiểm họa trong tương lai.

Cụ Trần trọng Kim là một nhà Nho đạo đức, có tinh thần tự chủ cao, nên khước từ và nói:
– Xin cám ơn Ngài Đại Sứ, nhưng việc nội bộ của chúng tôi, xin hãy để chúng tôi tự xử trí với nhau.”

Nhân dân Nhật có truyền thống bảo hoàng trọng vua chúa, nên họ nhất định không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Lúc bấy giờ Việt Nam cũng là quốc gia đang có vua, do đó họ muốn tiễu trừ cộng sản để tránh họa cộng sản lan sang nước họ. Giá như Cụ Trần trọng Kim thấy trước cộng sản gây tai họa ghê gớm cho đất nước mình như ngày hôm nay thì cái đạo đức Nho gia của Cụ đáng chê trách. Chẳng qua vận nước mình xui đơn xui kép: Vừa bị thực dân Pháp tham lam ngu muội đô hộ, vừa gặp phải nhà lãnh đạo “quân tử Tầu” không có viễn kiến. Đó là lý do vì sao em gọi “định mệnh nghiệt ngã dân tộc”. Nếu trường Đại học Mỹ thuật Đức nhận đơn xin nhập học của Hitler thì chắc chắn không có hỏa lò Holocaust giết hàng triệu người Do Thái và Thế chiến II không xảy ra. Nếu thực dân Pháp nhận đơn xin vào học trường Thông Ngôn của ông Hồ thì ông Hồ không mang tội ác với dân tộc Việt Nam đến thế. Hoàn cảnh nghiệt ngã đó đã đẩy anh em trong họ hàng mình mỗi người một phía thật là đau thương. Anh Phan Huy Quát, anh Đặng văn Sung – mặc dù được Pháp đào tạo – nhưng chống Pháp mà không tham gia Mặt trận Việt Minh vì các anh ấy sớm nhìn ra chân tướng cộng sản.

Lúc còn ở hậu phương, em đã reo hò mỗi khi nghe tin anh chiến thắng giặc Pháp. Em từng vung quả đấm tay hoan hô Hồ Chí Minh. Nhưng sau năm 1953, em được tin bác Thượng Hướng, bác Tham Oánh và chú Phủ Cận bị cộng sản đấu tố cho đến chết trong chiến dịch phóng tay phát động quần chúng “Cải Cách Ruộng Đất” là em thề không đội trời chung với cộng sản. Anh Việt có biết người bà con trong họ mình tên là Chắt Yêng – đảng viên cộng sản – bại liệt cả hai chân từ bé, ở Nghệ An, đang làm Chủ tịch Xã, vì quá kinh hoàng khi chứng kiến cảnh đấu tố hai bác, chú Phủ nên chờ đến canh khuya bò lết ra giếng để tự tử không? Anh Việt có biết một thanh niên khác ở quê Nghệ An mình rất khôi ngô, được dân trong làng gọi là Cậu Tú (có lẽ đỗ Tú Tài), thừa hưởng tài sản của bố mẹ để lại khoảng 10 mẫu ruộng, tối ngày chỉ cỡi ngựa rong chơi đây đó, ruộng thì giao cho nông dân cấy rẽ, tới mùa được dân chia thóc cho mà không hề biết phần mình bao nhiêu. Sự dễ dãi hào phóng của Cậu Tú rất được dân yêu qúy, cho nên khi cuộc đấu tố xảy ra, Đội không biết vin vào tội gì để đấu, ngoài cái tội đã lớn mà không lấy vợ. Thế là Đội bày cho mấy chị nông dân tố giác Cậu Tú hiếp dâm họ. Bị các cô, các bà mắng chửi, đánh đập, vu cho những hành động hiếp dâm hết sức thô bỉ, tục tằn, Cậu Tú vẫn đứng yên chịu trận. Cuối cùng Tòa án Nhân dân ra lệnh xử tử hình, nhưng để tỏ ra nhân đạo, Tòa ban cho “tội nhân” một ân huệ được phép nói lời cuối cùng. Cậu Tú chẳng nói, chẳng rằng, bỗng lẹ tay tụt quần xuống để phô ra bộ phận sinh dục chỉ nhỏ bằng quả ớt hiểm. Hóa ra Cậu Tú là một loại “Thái Giám” bẩm sinh. Biết Đội đấu tố Cậu Tú tội hiếp dâm là sai lầm, nhưng Tòa án Nhân dân rất nhanh trí, ra lệnh: “Hãy chém đầu ngay lập tức vì tội vô lễ, dám tụt quần trước mặt Nhân dân!”. Nhà văn Tô Hoài còn thuật nhiều kịch bản ghê rợn không kém trong tác phẩm “Ba Người Khác”. Anh Việt thử kiểm điểm xem trong lịch sử dân tộc mình có thời đại nào dã man, tai ác như thế không?

Bác Thượng Hướng – thân phụ anh – được Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng trong chính phủ Liên Hiệp; bác Tham Oánh – thân sinh anh Khoáng – cũng do đích thân Hồ Chí Minh mời làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt ở Liên Khu Tư vì hai bác nổi tiếng là những vị quan thanh liêm, được nhân dân kính trọng, bởi lẽ lúc bấy giờ Hồ Chí Minh cần những nhân vật có uy tín với quần chúng – tầm cỡ như Cụ Huỳnh Thúc Kháng – hợp tác và cần tạo bộ mặt đoàn kết quốc gia. Hai bác đều có con đang là đảng viên cộng sản (anh và anh Khoáng), giống như bà Nguyễn thị Năm ở Hải Phòng từng nuôi Đảng, có con đang là Chính ủy Trung Đoàn, đều bị giết một cách nhục nhã, thê thảm. Hồ Chí Minh luôn luôn chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới làm bậy. Thế mà anh Việt cũng tin được? Chính chủ trương “đào tận gốc, trốc tận rễ” của ông Hồ đã gieo cái chết oan ức cho hai bác và họ hàng mình. Nếu ở trong trường hợp của anh, em sẽ tìm đường vượt tuyến vào Nam, quyết chí phục thù cho bố và dòng họ. Với biệt tài quân sự của anh từng đánh cho quân Pháp tơi bời, chắc chắn ông Ngô Đình Diệm sẽ trọng dụng, giống như ông Diệm đã trọng dụng anh Trần Chánh Thành và nhiều nhân vật khác từ Chiến khu ra.

Em được biết anh gửi hàng chục lá đơn cho Phạm văn Đồng, cho Bộ Chính trị để yêu cầu trả lại danh dự cho bác, nhưng họ không thèm hồi đáp một lời, phớt tỉnh Ăng-lê như thể không hề nhận được thư khiếu nại. Đó là thái độ cao ngạo, trịch thượng rất khả ố của tập đoàn lãnh đạo cộng sản vô giáo dục. Em viết lại việc cộng sản “vắt chanh bỏ vỏ” là một hình thức công khai phục hồi danh dự cho những vị quan thanh liêm yêu nước thương nòi cũng bị chết oan dưới bàn tay Hồ Chí Minh, chứ chẳng phải em muốn khơi lại vết thương quá khứ. Anh em ta có thể tha thứ bọn chúng, nhưng không bao giờ quên tội ác chúng gây ra. Người Do Thái vẫn còn lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm tìm từng tên sát nhân Đức Quốc xã để mang về nước trị tội, dù chính phủ Đức đã công khai xin lỗi Do Thái. Hành động săn bắt đó không phải vì lòng báo thù dai dẳng, nhưng phải trừng phạt những tên sát nhân để cảnh báo những tên sát nhân tương lai phải suy nghĩ trước khi nhúng tay vào tội ác.

Năm lên 17 tuổi, em được ba đảng chống Cộng cho người đến tiếp cận. Em vốn không phải là người có tham vọng chính trị, chỉ ưa thú tiêu dao như Tản Đà, nhưng vì thù ghét cộng sản đã hãm hại dòng họ mình, nên em nghĩ phải tham gia một tổ chức thì chống Cộng mới hữu hiệu. “Không có tổ chức là không có gì cả”, hình như ông Lénine đã phát biểu như thế, phải không anh Việt?

Em không vào đảng Cần Lao – đảng đang cầm quyền – vì người cán bộ tổ chức hứa nếu vào đảng thì sẽ được bố trí cho đi học ngoại quốc sau khi đỗ Tú tài II. Em tham gia Đại Việt vì nhận thấy người cán bộ tổ chức của đảng này có vẻ chững chạc, lưu loát hơn anh cán bộ Quốc Dân Đảng, chứ em không đủ tầm kiến thức để đánh giá chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn của Trương Tử Anh hay ho hơn chủ nghĩa Tam Dân của Nguyễn Thái Học. Vì đảng Đại Việt chống chính quyền Ngô Đình Diệm, có đảng trưởng Hà Thúc Ký lập Chiến khu Ba Lòng chống lại chế độ, tụi em phải sinh hoạt bí mật như hội viên Hội Kín thời Tây. Về sau em mới biết anh Bút, anh Nghiên, anh Sung, anh Quát đều là đảng viên Đại Việt. Sau khi gia nhập Quân đội, em không còn sinh hoạt Đảng nữa. Lúc đủ trí khôn hơn, em nhận thức rằng anh Hà Thúc Ký lập Chiến Khu Ba Lòng chống lại chế độ là sai lầm, chỉ làm lợi cho cộng sản mà thôi.

Ông Hồ đã ra người thiên cổ, chẳng lợi ích gì khi cứ đổ lỗi cho ông ta. Vấn đề là tại vì đảng cầm quyền cứ bắt dân chúng phải học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, thần thánh hóa một nhân vật có cuộc đời không lấy gì làm đẹp đẽ. Chị Thiếu Anh gửi tặng em một tác phẩm của chị trong đó có lời lẽ nói đến ông Hồ một cách trân trọng, mặc dầu thân sinh chị là Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm – một vị quan Tế Tửu thay thế Ông Nội anh em mình, rất thanh liêm – bị đấu tố cho đến chết, khiến em rất buồn. Em nghĩ rằng sống dưới chế độ bắt buộc phải tôn sùng Hồ Chí Minh, chị không thể nói lên sự phẫn uất đối với kẻ đã giết cha mình thì đành im lặng; chứ sao chị lại viết sách ca tụng? (Chị Thiếu Anh là chị dâu cả của người viết, vợ của bác sĩ Đặng văn Ấn và là em gái út của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện – Ghi chú của người viết).

Có lần em nghe anh Vũ Cao Quận tỏ ra ân hận vì sự nghiệp “xẻ dọc Trường Sơn cứu nước” giống như các nhà cách mạng lão thành hối tiếc đã xả thân vì chủ nghĩa cộng sản. Hình như trong bà con mình có nguời là đảng viên cộng sản hơn 50 năm cũng ôm nỗi thống hận ấy? Giá như người đang cầm quyền có chút lương tri để sám hối thì may cho dân tộc mình biết mấy. Nhưng các anh không nên ân hận vì các anh bị lừa, bị bịt mắt. Người cần bày tỏ niềm ăn năn là Đại tướng Võ Nguyên Giáp kia kìa. Ông ta được thế giới ca ngợi là anh hùng, nhưng không hành xử xứng đáng với danh hiệu đó. Tướng Giáp là một trong những “Cha Đẻ” đảng CSVN, nay dù hai mắt đã lòa thì tai cũng còn đủ nghe tiếng khóc than thống thiết của dân oan cách ngôi biệt thự của ông ở số 30 đường Hoàng Diệu không xa lắm. Tham nhũng đục khoét xứ sở tan hoang; quan chức hà hiếp bóc lột dân lành hơn thời Thực dân đô hộ, ông Đại tướng hồn nhiên đóng bộ đại bạch phục, ngực mang đầy huy chương ngồi cạnh Lê Đức Anh dự Đại Hội 10 mà không biết xấu hổ thì rõ ràng chủ nghĩa làm cho nhà quân sự đại tài (!) mất hết tính tự trọng. Ở vào tư thế thuộc hàng cha chú của các lãnh đạo hiện nay, ít nhất Tướng Giáp cũng phải nói được một câu như nhà thơ Bùi Minh Quốc tỏ ra hối tiếc vì tạo ra cỗ máy cộng sản ác ôn này. Đúng là cây gì sinh quả ấy, Tổng Bí thư Trường Chinh Đặng Xuân Khu đấu tố cha, thì nay hàng con cháu như Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng không xem “Cha Đẻ” của Đảng ra gì. Ông Giáp viết được một hai đề nghị gửi đăng báo thì bọn lãnh tụ “Con Cháu” bãi chức Tổng Biên tập báo để dằn mặt!

Anh Việt rất qúy mến của em,

Cái lỗi lớn đối với Tổ Quốc là Miền Nam đã để cho Miền Bắc xâm chiếm. Vì Miền Nam có một nửa phần đất trù phú, mưa thuận gió hòa, tương đối tự do nhưng không biết qúy giá để tận lực giữ gìn. Miền Nam đã không triệt để chống Cộng sản độc tài, mà chỉ cật lực chống nhau. Hoặc không chống lẫn nhau thì thờ ơ thây kệ bao nhiêu “thằng lính” chết ngoài mặt trận cũng mặc. Người Miền Bắc khi vào Nam đã khóc than với thân nhân “tại sao không ra giải phóng Miền Bắc” là điều có thật! Họ nói rằng nếu Nixon tiếp tục phong tỏa Cảng Hải Phòng thêm một tuần nữa là chúng đầu hàng.

Tướng độc nhãn Moshe Dayan của Do Thái nổi danh thế giới là nhà quân sự đại tài đã đánh bại liên quân Ả Râp trong vòng 6 ngày vào năm 1967. (Ở đây em xin ra ngoài lề một chút. Chẳng phải nịnh anh, em nghĩ rằng anh cũng là một thiên tài quân sự, vì anh chưa từng được đào tạo ở một trường chỉ huy quân sự nào mà với vũ khí thô sơ, anh đã làm cho quân Thực dân Pháp kinh hồn bạt vía đến nỗi chúng phải phong cho anh danh hiệu Hùm Xám thì đủ hiểu. – Danh hiệu ấy do chính kẻ thù tôn vinh, chứ không phải anh tự đặt, mới đáng trọng và đáng qúy – Em nghe luật sư Trần Lâm nói anh đang viết lại cuốn sách Con Hùm Xám Đường số 4 một cách đầy đủ hơn. Vậy bao giờ xong, anh nhớ cho em một cuốn nhé! Em mong anh viết đúng sự thật lịch sử. Nếu anh buộc lòng phải giữ “lề phải” theo quy định của chế độ độc tài, không dám viết ra SỰ THẬT thì thà đừng viết là hơn. Chẳng biết ông Chính ủy Trung đoàn, con trai bà Nguyễn thị Năm, còn sống hay đã chết. Nếu ông ấy còn sống, viết sách ca ngợi đạo đức Hồ Chí Minh thì chắc chắn vong hồn Bà Năm không thể nào ngậm cười nơi chín suối!)

Khi thôi đảm trách chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại Giao, Tướng Dayan đến thăm viếng Miền Nam với tư cách thông tín viên của đại nhật báo Do Thái. Trước khi ông rời Sài Gòn, một nhà báo Việt hỏi liệu ông có một lời khuyên nào để Miền Nam chiến thắng cộng sản. Không một chút do dự, Tướng Dayan trả lời bằng một câu ngắn gọn:
“Miền Nam hãy thua cộng sản trước đi đã, rồi sẽ thắng”. Lúc bấy giờ báo chí Sài Gòn có những bài đả kích Tướng Dayan, vì họ cho rằng lời phát biểu của ông ta có chủ đích xúi Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam để dồn nguồn lực tài chánh viện trợ Do Thái. Riêng em có suy nghĩ không đồng tình với quan điểm của báo chí Sài Gòn, nhưng cũng không đủ tự tin vào sự suy nghĩ của mình chính xác, nên em đến tham khảo ý kiến anh Đặng văn Sung tại tòa báo Chính Luận. Mặc dầu anh em tuổi tác cách xa nhau, nhưng anh Sung luôn luôn tỏ ra kiên nhẫn, chịu khó lắng nghe, chứ không bao giờ xem chú em là một sĩ quan trẻ nông nổi chỉ biết lái máy bay, không có hiểu biết chính trị. Sau khi chìa bao thuốc mời em một điếu, anh Sung từ tốn hỏi:
– Chú hãy nói cho mình nghe chú nghĩ như thế nào về lời khuyên của ông Tướng Moshe Dayan?

Thưa anh Việt, em xin tường thuật những gì em đã nói với anh Sung trong buổi gặp gỡ đó để anh Việt nhận định:

“Thưa anh Sung, Tướng Moshe Dayan đến viếng thăm Việt Nam không chỉ đơn thuần với tư cách nhà báo, ông ta nguyên là Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại Giao của Do Thái, tất nhiên tòa Đại sứ Do Thái phải thuyết trình cho ông ta nghe rất kỹ tình hình chính trị Việt Nam. Khả năng tình báo Do Thái còn được đánh giá cao hơn CIA của Hoa Kỳ, do đó em nghĩ lời phát biểu của ông Tướng Dayan phản ảnh một sự thật mà chúng ta không dám chấp nhận. Sự Thật đó là Miền Nam mang danh nghĩa chống Cộng nhưng không ý thức hiểm họa cộng sản. Nếu chúng ta ý thức được hiểm họa cộng sản thì không bao giờ chia rẽ nhau, tranh quyền đoạt lợi để tình hình an ninh càng ngày thêm sa sút. Cộng sản càng ngày càng lấn về thủ đô. Em đã reo mừng khi Quân Đội đứng lên chấm dứt chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, nhưng sau đó vô cùng thất vọng khi các ông Tướng cho phép mở vũ trường để nhảy nhót thâu đêm suốt sáng, ăn chơi tối đa mà lại đầy tham vọng chính trị nên đã bị giáo phái, chính đảng giật dây, cứ đảo chánh, chỉnh lý triền miên khiến cho ý chí chiến đấu của anh em binh sĩ vô cùng chán nản. Giết hai ông Diệm, ông Nhu rồi ném xác trong thùng chiến xa đã tạo nên hình ảnh xấu đối với thế giới, còn sợ Trí Quang đến nỗi Nguyễn Khánh ra lệnh xử tử hình ông Ngô Đình Cẩn đang lâm trọng bệnh là hành động man rợ đáng ghê tởm. Ông Ngô Đình Diệm xuất thân từ một gia đình quan lại phong kiến, có đầu óc thủ cựu hẹp hòi, không chịu cởi mở, nhưng ông ta thật sự là một nhà ái quốc. Ông Ngô Đình Diệm từng rũ áo từ bỏ chức Thượng thư Bộ Lại (ngang với Thủ tướng ngày nay) vì chống lại Thực dân Pháp. Nếu ông ta không chống lại yêu sách của Hoa Kỳ đòi đưa quân đội Mỹ vào Việt Nam thì Trí Quang và Dương văn Minh chẳng thể nào lật ông Diệm nổi. Luận điệu tuyên truyền Ngô Đình Diệm là tay sai Đế quốc Mỹ phát xuất từ Miền Bắc. Bất luận một ai khác muốn ngăn chặn làn sóng đỏ đều phải trông cậy vào sức mạnh của Hoa Kỳ, chứ nào phải riêng gì Ngô Đình Diệm! Ông Diệm là người được vua Bảo Đại giao trọng trách thành lập Nội Các, chứ ông ta đâu có “cướp chính quyền” hoặc cậy cục xin làm Thủ Tướng? Ông Diệm tổ chức bầu cử truất phế vua Bảo Đại vì Ngài không chịu về nước cứu dân, mà cứ ở lỳ bên Pháp đánh bạc. Đáng tiếc là khi về nước chấp chánh, ông Diệm không có một đội ngũ cán bộ chính trị, quân sự đủ khả năng và trung thành với lý tưởng tự do. Phần lớn sĩ quan đều do Tây đào tạo và có tinh thần “vọng Tây”. Ông Tướng “tây con” Nguyễn văn Hinh được ông Diệm trao chức Tổng Tham Mưu trưởng, chẳng biết khả năng đánh giặc tới đâu, dám nói thẳng vào mặt ông Diệm: “Tôi không biết ông là ai” thì lãnh tụ nào chấp nhận được? Bọn nịnh thần đã làm biến chất người lãnh đạo. Dù sáng suốt đến mấy mà bị bọn nịnh thần vây quanh riết rồi cũng thành mê muội.
Dù sao ông Diệm đã có công dẹp phiến loạn Bình Xuyên đem lại sự ổn định một thời gian dài, định cư hơn một triệu người Miền Bắc tị nạn cộng sản, lập khu canh tác dinh điền, khai khẩn đất hoang, xây dựng nền giáo dục khai phóng và đặc biệt trong sạch, sống đạm bạc, không ăn cắp, tham nhũng như các ông bà Tướng hiện nay. Người ta đồn đãi chế độ Ngô Đình Diệm độc ác, nhưng sự thật không phải như vậy, nếu đem so sách chế độ cộng sản ở Miền Bắc.
Bọn cộng sản tuyên truyên ông Diệm kéo lê máy chém khắp Miền Nam để chém đầu cộng sản là một sự xuyên tạc trắng trợn. Em từng đi suốt dãi đất Miền Nam mà chưa bao giờ thấy hình thù chiếc máy chém ra sao. Chỉ có một mình Lê Quang Vinh, tự Ba Cụt là bị chém đầu mà thôi. Nhưng Ba Cụt là loạn tướng Hòa Hảo, chứ không phải cộng sản. Thanh niên Hà Minh Trí ám sát ông Diệm ở Ban Mê Thuột, bị tòa kêu án tử hình, thì ông Diệm ký giấy tha. Anh Hà Thúc Ký của Đảng Đại Việt ta lập đài phát thanh bí mật, âm mưu ám sát ông Diệm, mang quân ra Ba Lòng lập chiến khu. Sau khi ông Diệm dẹp xong chiến khu, anh Ký không bị tử hình, quân nhân phản nghịch không bị tù tội, chỉ bị phạt quân kỷ. Ngoài ra ông còn chỉ thị cho anh Cao Xuân Linh, em anh Cao Xuân Vỹ ngầm giúp đỡ chị Hà Thúc Ký nuôi các cháu ăn học. Ở Miền Bắc, một người chỉ bị tình nghi tội phản động là cả họ đều bị điêu đứng, trong khi ở Miền Nam những người chống ông Diệm thì đâu có gia đình nào bị liên lụy? Chính anh, anh Quát cũng là người chống ông Diệm, nhưng chị Sung, chị Quát và các cháu đâu có bị chính quyền ông Diệm gây khó khăn? (Bà Nội chúng tôi là con gái đầu lòng của Cụ Đông Các Đại Học Sĩ Cao Xuân Dục, cho nên họ Đặng văn và Cao Xuân có mối liên hệ bà con với nhau – Ghi chú của người viết).

Bác sĩ Trần Kim Tuyến, Giám đốc sở Nghiên cứu Chính trị – một cơ quan tình báo trá hình – có kể cho em nghe câu chuyện về ông bác sĩ PQĐ tham gia cuộc đảo chánh của ông Nguyễn Chánh Thi năm 1960 thất bại, bị Công An bắt. Dù chưa bị tra khảo, bác sĩ PQĐ đã khóc lóc rất thảm thiết và viết tờ thú tội rất lâm ly. Nhân viên an ninh trình cuốn băng thu âm cùng mấy trang giấy thú tội cho bác sĩ Tuyến và đề nghị ông Cố vấn Ngô Đình Nhu cho phát thanh cuốn băng ghi âm trên đài, đăng báo tờ tự thú nhằm hạ bệ uy tín nhà cách mạng. Nhưng ông Nhu gạt đi và nói: “Chúng ta là người trí thức mà làm nhục người trí thức thì chẳng hơn gì cộng sản Hà Nội”. Em đã kiểm chứng câu chuyện này với anh Cao Xuân Vỹ và được anh Vỹ xác nhận là đúng. Vậy anh có bao giờ nghe bác sĩ Tuyến nói về việc này hay không? Anh Sung trả lời: “Mình từng sinh hoạt với ông Nhu vào thời gian đầu. Ông Nhu là con người lắm mưu mô, nhưng không phải là người có thủ đoạn tàn ác. Đúng như chú nói, Anh Quát (tức là cựu Tổng trưởng Quốc phòng Phan Huy Quát dưới thời Bảo Đại – anh rể của Hùm Xám Đặng văn Việt – có một thời gian làm Thủ tướng – Ghi chú của người viết) và mình bất đồng chính kiến với ông Nhu nhưng ông ta không ra lệnh bắt bớ. Chuyện bác sĩ Tuyến kể với chú, mình có nghe vài anh em khác nói đến, chứ không phải từ bác sĩ Tuyến”.

Anh Sung ạ! Em sắp sửa nói với anh điều này, xin anh đừng giận em. Hai đảng cách mạng có tên tuổi, có quá trình chống Pháp, chống Cộng sản đã phạm cái tội rất lớn với lịch sử. Họ đã không đoàn kết nhau thành một khối để có sức mạnh nhằm củng cố nền dân chủ ở Miền Nam và đủ khả năng chống lại cuộc xâm lược của Miền Bắc. Các anh từng là đồng chí trải qua biết bao nhiêu gian khổ, tù tội mà anh, anh Phan Huy Quát, anh Bùi Diễm, anh Hà Thúc Ký, anh Nguyễn Tôn Hoàn, anh Nguyễn Ngọc Huy thì mỗi người đi một hướng, chẳng chịu ngồi lại với nhau. Bên Quốc Dân Đảng cũng vậy, Cụ Vũ Hồng Khanh, nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, luật sư Trần văn Tuyên … mỗi người một hệ phái. Rồi phía Phật giáo là tôn giáo của đa số đồng bào Việt ta cũng chia phe Việt Nam Quốc Tự - phe Ấn Quang, cứ tổ chức lên đường xuống đường để bị cộng sản lợi dụng mà quên đi rằng cộng sản xem tôn giáo là thuốc phiện. Tướng lãnh thì không ông nào đề ra được một sách lược quân sự hữu hiệu để bảo vệ đồng bào, lãnh thổ. Hàng ngũ trí thức là lực lượng lãnh đạo dân tộc thì một số sống trong tháp ngà, một số làm dáng tả khuynh như các ông trí thức Phương Tây, mà không cần biết Đất Nước mình đang chống lại một chủ nghĩa phi nhân, tàn ác nhất trong nhân loại. Ví dụ, giáo sư Nguyễn văn Trung và giáo sư Lý Chánh Trung viết sách, viết báo cổ súy Miền Nam đi theo con đường xã hội chủ nghĩa không cộng sản như các nước Bắc Âu là hoang tưởng, viễn mơ. Sở dĩ các nước nhỏ ở Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch thực hiện được xã hội chủ nghĩa tư sản là nhờ sức mạnh của khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Hoa Kỳ lãnh đạo. Nếu không có khối này thì chiến xa Xô Viết cày nát các tiểu quốc ấy trong vòng một tuần lễ là xong. Em tin chắc rằng tòa Đại sứ Do Thái đã thuyết trình cho Tướng Moshe Dayan biết rõ tình hình chính trị Miền Nam thì ông ta mới phát biểu “Miền Nam hãy thua cộng sản đi đã, rồi sẽ thắng”, nghĩa là phải nếm mùi cộng sản, rồi sau đó mới hiểu được sự dối trá của chiêu bài “Giải Phóng Miền Nam” thì may ra người Miền Nam mới tỉnh ngộ. Tưởng Giới Thạch thua Mao còn có đảo Đài Loan để dung thân. Miền Nam mà chỉ lo xâu xé lẫn nhau để thua Hồ thì đâu còn đường nào mà chạy khi cộng sản tràn vào? Em còn định nói nhiều hơn nữa, nhưng xem chừng anh Sung có vẻ mệt tai khi nghe chú em nói toàn chuyện tiêu cực, nên anh đề nghị hai anh em cùng đi ăn trưa với nhau, rồi bàn tiếp”.


(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment