Friday, February 6, 2009

DỰA VÀO CHỖ KHÔNG PHẢI LÀ THẾ MẠNH

Dựa vào chỗ không phải là thế mạnh
TS. NGUYỄN THÀNH SƠN
Thứ Sáu, 6/2/2009, 11:47 (GMT+7)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/14949/

(TBKTSG) - Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu khoáng sản, một chỗ dựa mà Việt Nam không có thế mạnh. Nhưng việc khai thác theo kiểu tận thu để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cộng với công nghệ khai thác lạc hậu đã gây ra tác hại lớn về môi trường.

Yếu tố bất định về tài nguyên khoáng sản có ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạch định chính sách. Những cú sốc tăng giá khoáng sản trong năm 2007, đầu năm 2008 và giảm giá một cách thảm hại vào cuối năm đã đủ để chúng ta rút ra nhận xét là không thể dựa vào khoáng sản để phát triển bền vững nền kinh tế.
Số liệu trên trang báo điện tử của Chính phủ cho thấy, ngân sách cũng như xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào giá cả của nguồn tài nguyên khoáng sản, nhất là dầu thô và than đá.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs & Merrill Lynch dự đoán trong năm 2009 giá dầu có thể chỉ còn 25 đô la Mỹ/thùng.

Nguồn thu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam dựa vào xuất khẩu dầu và nhiều loại khoáng sản khác có giá cả gắn liền với dầu mỏ. Với lượng xuất khẩu dầu thô khoảng 14 triệu tấn/năm như hiện nay, ngân sách của Việt Nam chỉ có thể dễ thở trong các cân đối với mức giá trên 100 đô la Mỹ/thùng. Nhưng khoáng sản xuất khẩu đang phải chịu đựng cơn bão rớt giá thảm hại.

Trong tám tháng đầu năm 2008, thị trường xuất khẩu than của Việt Nam được coi là do người bán quyết định. Nhưng đến cuối năm, thị trường này lại chuyển sang tay của người mua.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của than Việt Nam là Trung Quốc. Họ phải nhập khẩu than từ Quảng Ninh về các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây chạy các nhà máy nhiệt điện, nhưng vẫn có thừa điện giá rẻ để bán lại cho Việt Nam, mặc dù chúng ta đang bán than cho các nhà máy điện của Trung Quốc với giá cao hơn các nhà máy điện trong nước khoảng 30-40%.

Điều đó cho thấy giá nhiệt điện của Trung Quốc rất cạnh tranh. Đây cũng là một ví dụ rất điển hình cho thấy, khoa học công nghệ, chứ không phải tài nguyên khoáng sản, đang quyết định sự phát triển của nền kinh tế.

Các khoáng sản thuộc loại quý và hiếm khác của Việt Nam cũng tương tự. Giá đồng thỏi đã rớt một mạch từ trên 8.400 đô la Mỹ xuống khoảng 2.900 đô la Mỹ/tấn, giá thiếc thỏi từ 25.000 đô la Mỹ xuống còn trên 11.000 đô la Mỹ/tấn. Giá gang đúc rớt từ 12,5 triệu đồng/tấn xuống còn 7,5 triệu đồng/tấn... mà các đối tác nhập khẩu truyền thống từ Trung Quốc cứ “ngoảnh mặt làm ngơ”.

Chỉ mấy tháng trước, mỗi ngày Tổng công ty Khoáng sản của tập đoàn Than và khoáng sản (TKV) đã có thêm gần hai tỉ đồng tiền lãi vào tài khoản. Đến nay, tổng công ty này đang đề xuất được nhận trợ cấp của tập đoàn.

Hiện nay, Tổng công ty Khoáng sản đang tồn kho hơn 800 tỉ đồng sản phẩm (gần bằng 50% doanh thu). Giá hòa vốn của một tấn kim loại kẽm thỏi khoảng 1.500 đô la Mỹ, nhưng hàng ngàn công nhân của công ty đang cầu mong bán được 1.100 đô la Mỹ/tấn để được lĩnh lương.

Việt Nam chỉ có nguồn tài nguyên khoáng sản khiêm tốn và manh mún, nhưng lại đang được khai thác quá mức với công nghệ rất lạc hậu. Những tỉ đô la Mỹ mà chúng ta thu được từ xuất khẩu khoáng sản có lẽ không đủ bù đắp cho thiệt hại do môi trường sống (đất, nước, và không khí) đang ngày càng bị hủy hoại nhanh chóng, do chính hoạt động khai thác này gây ra.

Nền kinh tế của Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh, nhưng với một cấu trúc hết sức mong manh. Chúng ta có tham vọng rất lớn, có nhu cầu phát triển rất cao, nhưng tầm nhìn và khả năng dự báo hết sức hạn chế. Tất cả những vấn đề đó đang đặt ra cho Việt Nam một sự lựa chọn rất rõ ràng là phải phát triển một nền kinh tế bền vững, sạch và hiệu suất cao. Đó chính là nền kinh tế dựa vào tri thức, chứ không phải tài nguyên khoáng sản.

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng-TKV

No comments:

Post a Comment