Cuộc đánh cá 787 tỷ
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, February 17, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=90970&z=7
Tổng Thống Barack Obama đã ký đạo luật 787 tỷ đô la, gọi là để “phục hồi kinh tế và tái đầu tư,” nói giản dị là kích thích kinh tế. Sau khi ký xong, ông Obama sẽ hồi hộp chờ đợi coi chương trình này sẽ có tác dụng phục hồi kinh tế hay không, và bao lâu mới thấy dấu hiệu phục hồi! Và phía đối lập là các đại biểu Quốc Hội đảng Cộng Hòa, tất cả đều chống đạo luật này trừ ba vị nghị sĩ ở Thượng Viện, họ cũng bắt đầu hồi hộp chờ đợi. Ðây là một cuộc đánh cá rất lớn. Kết quả sẽ quyết định đảng nào lên trong cuộc bầu cử
Quốc Hội năm 2010, và có thể cả cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.
Nếu trong vòng một năm mà kinh tế tiếp tục xuống dốc, thì các đại biểu Cộng Hòa có thể nói họ có lý khi bỏ phiếu chống. Tức là đúng như họ tố cáo, sau mấy trăm tỷ giảm thuế, món tiền 500 tỷ mà chính phủ Obama xin được phép chi tiêu chỉ là những món chi bình thường không kích thích thêm được đồng nào cho Tổng Sản Lượng Nội Ðịa nước Mỹ cả. Và họ còn nói đó là những món chi tiêu chỉ cốt thi hành chính sách cấp tiến của đảng Dân Chủ mà thôi.
Ông Obama sẽ hồi hộp hơn. Vì trong thực tế cả món tiền 787 tỷ này chỉ là để “kích cho máy khởi động” mà thôi. Muốn cho bộ máy kinh tế Mỹ chạy trở lại thật sự thì phải giải quyết cảnh hệ thống ngân hàng đang đứng yên không chuyển. Kinh tế không thể nào chạy được nếu các ngân hàng không bắt đầu cho vay kiếm lời như thường lệ. Mà hiện giờ thì người ta dè dặt không muốn cho vay vì trong nhà nhiều trái khoán ứ đọng không bán được, ít người muốn đem thêm những trái khoán mới vào nhà. Chính phủ George W. Bush đã sử dụng 350 tỷ trong số 700 tỷ của kế hoạch giải cứu hệ thống ngân hàng trong bốn tháng cuối cùng, nhưng bộ máy tài chánh vẫn chưa nhúc nhích. Hiện chính phủ Obama còn 300 tỷ để dùng. Ông bộ trưởng tài chánh rất dè dặt chưa công bố chi tiết về việc sử dụng ngân khoản này. Và thị trường chứng khoán vẫn nghi ngại, tỏ ra chưa tin tưởng cơ hội phục hồi sẽ tới sớm, khi chỉ số Dow Jones tụt gần 300 điểm.
Ông Obama sẽ phải tiếp tục chinh phục các đại biểu Quốc Hội để có thêm tiền chi vào việc kích thích kinh tế nhiều hơn số tiền trong đạo luật mới này. Số tiền 300 tỷ cho hệ thống ngân hàng có thể sẽ được xin thêm. Một chương trình ngưng làn sóng siết nhà vì thiếu nợ mà ông Obama sắp công bố cũng cần thêm 50 tỷ đô la nữa. Còn các nhà sản xuất xe hơi đang cầu cứu, cần giúp thêm bao nhiêu? Nếu dân Mỹ không mua nhà, không mua xe thì kinh tế không thể nào hồi phục được. Riêng ba khu vực đó, ngân hàng, nhà cửa và xe cộ cần được “kích thích” riêng, và người nào ngồi trong Tòa Bạch Ốc cũng không thể ngồi yên chờ cho món tiền 787 tỷ đô la tự nó làm việc kích thích.
Cho nên trong thời một năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến cảnh hai đảng chính trị ở Mỹ hồi hộp chờ đợi kết quả của chương trình kích thích kinh tế, trong khi suy nghĩ về các đề tài tranh cử năm 2010 và 2012!
Nhưng liệu món tiền 787 tỷ đó có khả năng kích thích những cái gì?
Như đã trình bày trong mục này, có những món chi tiêu sẽ kích thích thật, tức là một đô la chi ra có thể giúp tạo thêm công việc khác, khiến cho Tổng Sản Lượng Nội Ðịa tăng lên hơn một đô la. Thí dụ, khi chính phủ tăng tiền trợ cấp cho người nghèo thì gần như chắc chắn là người đó sẽ đem tiền ra tiêu ngay, đồng tiền được luân chuyển trong nền kinh tế sẽ sinh ra những lợi tức cho người khác, GDP sẽ tăng một đô la rồi lại thêm khoảng ba phần tư của một đô la nữa. Những đồng tiền này khi được phân phát sẽ thúc đẩy thêm những hoạt động kinh tế khác trong vòng 6 tháng. Ngược lại, khi bớt thuế một đô la cho những người trung lưu khá giả thì nhiều người sẽ để dành, hoặc trả nợ chứ không chi tiêu. Hậu quả là GDP chỉ tăng thêm được một xu mà thôi.
Năm ngoái, Tổng Thống George W. Bush đã thi hành một kế hoạch kích thích kinh tế bằng phương pháp bớt thuế. Vào đầu Mùa Xuân năm ngoái chính phủ Mỹ đã gửi trả cho những người thọ thuế những ngân phiếu 300 đô la hoặc 1,200 đô la. Nay người ta được biết là dân chúng nhận được tiền rồi chỉ dùng một phần ba để chi tiêu thôi, còn lại họ để dành hoặc trả nợ (trả nợ cũng là một cách để dành, theo con mắt kinh tế học). Kết quả là vào Tháng Năm năm 2008, khi người ta nhận được tấm ngân phiếu, tỷ lệ tiết kiệm của dân Mỹ đã tăng lên thành gần 5%, mà vào Tháng Tư thì tỷ lệ đó là số không, zero! Cả kế hoạch kích thích 152 tỷ đô la coi như vô hiệu vì dân không chịu tiêu tiền! Một lý do khác khiến dân không chi thêm là vì giá xăng lúc đó vọt lên trên 4 đô la một ga lông, bao nhiêu tiền kích thích được chuyển cho các hãng xăng và các nước Trung Ðông sản xuất dầu lửa!
Nhiều người lo rằng hành động giảm thuế của kế hoạch Obama lần này cũng sẽ vô hiệu giống như năm ngoái, mặc dù tổng số lớn gấp đôi. Gần 70 tỷ giảm thuế AMT cho giới trung lưu khá giả chắc sẽ được để dành chứ không đem chi tiêu. Giảm thuế cho người mua nhà thì những người này chắc cũng không đem chi tiêu ngay, khoản này tốn 6.6 tỷ đô la!
Chỉ có khoản 116 tỷ đô la bớt thuế cho người nghèo và trung lưu, trừ ngay vào thuế công việc (payroll tax) là có vẻ sẽ được đem chi tiêu ngay, vì những người soạn luật cố ý “kích thích” người thọ thuế. Theo kế hoạch, những người lợi tức dưới 75,000 đô la một năm mỗi người sẽ được bớt 400 đô la trong khoản thuế vẫn đóng vào quỹ hưu bổng, hai vợ chồng khai thuế chung được bớt 800 nếu kiếm dưới 150,000 đô la. Những người lợi tức trên 75,000 sẽ được bớt ít hơn, cứ thêm một ngàn thì bị ít đi 20 đô la. Thí dụ người có lợi tức 80,000 sẽ bị bớt 100, chỉ được giảm thuế 300 thôi; người lương 95,000 trở lên sẽ không được bớt đồng nào cả. Ðây là một khoản bớt thuế nhắm vào người nghèo và lớp trung lưu lợi tức thấp. Có 95% dân đóng thuế ở Mỹ thuộc loại lợi tức dưới 75,000 đô la một năm. Từ trước tới nay đảng Dân Chủ vẫn ủng hộ phương pháp giảm thuế này nhưng chưa có dịp thi thố, nay họ được thỏa mãn, cho nên có nhiều triển vọng là sau 2 năm điều khoản này sẽ được giữ lại luôn.
Thời hạn 2 năm là một cách “kích thích” người tiêu thụ. Vì số tiền 400 đô la giảm thuế được hưởng mỗi năm sẽ không được trả thành một món cho người thọ thuế, mà đem chia cho từng kỳ trả lương. Mỗi tuần được bớt gần 8 đô la, những người lương dưới 75 ngàn sẽ thấy ngay số tiền ghi trên ngân phiếu lãnh lương của mình tăng thêm được 8 đô la! Người ta sẽ có cảm tưởng là được tăng lương! (Trong năm 2009, số tiền mỗi tuần sẽ cao hơn chút đỉnh, vì khi luật này được thi hành thì thời gian được hưởng ngắn hơn 52 tuần lễ).
Nếu như cuối năm nhận được ngân phiếu 400 đô la thì có thể người ta sẽ tiết kiệm hoặc đem trả nợ. Nhưng khi được “tăng lương” thêm 8 đô la một tuần thì đa số đem chi tiêu ngay. Ðó là mưu mẹo của những người viết luật để chính phủ bỏ tiền ra là có thể kích thích kinh tế thật! Chỉ có một điều đáng ngại là dân Mỹ đã đổi tính! Trước đây họ chỉ lo tiêu thụ, ngày nay họ lại tập tánh tiết kiệm không khác gì người Việt mình! Tháng Mười Hai năm 2007 tỷ lệ tiết kiệm của dân Mỹ là 0.4%, chưa được nửa phần trăm, Tháng Mười Hai năm 2008 vừa rồi, tỷ lệ tiết kiệm của người Mỹ đã tăng lên thành 3.6%, tăng gấp 9 lần! Nếu họ cứ tiết kiệm thì kết quả của kế hoạch kích thích sẽ chậm lại!
Nhưng có những lý do khác khiến kế hoạch kích thích phải chờ lâu mới đem thi hành được. Giản dị nhất, là đưa tiền cho guồng máy chính phủ tiêu, mà họ không đủ sức đem chi ngay!
Thí dụ, có khoảng 40 tỷ đô la sẽ được trao cho Bộ Năng Lượng (Department of Energy). Ông bộ trưởng mới nhậm chức là một nhà khoa học, ông Steven Chu đã được giải Nobel về Vật Lý học, nhưng ông chưa bao giờ chi một món tiền lớn như vậy! Cả bộ của ông xưa nay có ngân sách 25 tỷ, đã là nhiều lắm rồi. Bây giờ phải chi thêm 40 tỷ, quả là một gánh nặng! Vì thứ nhất là thiếu người. Và khi chi tiền sẽ phải theo những tiêu chuẩn, thủ tục có sẵn, chứ không phải muốn chi thế nào cũng được.
Bộ Năng Lượng đang có ngân sách 140 triệu Mỹ kim để cải thiện mạng lưới phân phối điện. Nay họ sẽ có thêm 11 tỷ đô la nữa! Xưa nay chính phủ vẫn giúp các gia đình nghèo sửa chữa để giảm tiền sưởi, nhưng ngân sách chỉ có 250 triệu; bây giờ sẽ thành 5 tỷ đô la! Việc nghiên cứu năng lượng mới trước là 311 triệu, nay tăng gần gấp mười. Nhiều món tiền này được dùng để bảo đảm nợ cho các công ty nghiên cứu năng lượng để thay thế dầu lửa. Việc xem xét tiêu chuẩn coi các dự án nghiên cứu đó có đúng khoa học hay không, có khả thi hay không, có ít tốn kém hay không, không thể vì muốn “kích thích” thì làm cho nhanh được! Làm sai không những không kích thích được kinh tế mà còn phạm tội đối với người đóng thuế!
Bộ Thương Mại Mỹ cũng sẽ bị tràn ngập vì phải tiêu nhiều tiền quá! Chương trình đem Internet tới các vùng nông thôn sẽ chi 7 tỷ đô la, do bộ này phụ trách. Công việc thuộc thẩm quyền một sở trước tới giờ chỉ chi tiêu 19 triệu đô la, với 20 nhân viên duyệt xét các dự án trước khi cấp tiền. Nếu giữ nguyên số người này thì phải mất 8 năm mới chi hết món tiền mới!
Cuối cùng, cả kế hoạch kích thích 787 tỷ không phải là một cây đũa thần, sẽ tác động thay đổi ngay trên nền kinh tế Mỹ. Từ đây tới cuối năm, công việc của ông Obama là làm sao xin được thêm tiền để kích thích hệ thống ngân hàng cho nó chạy bình thường trở lại. Và ông sẽ phải đi giải thích khắp nước cho dân Mỹ nghe là phải kiên nhẫn, phải chờ đợi. Ông sẽ làm sao cho mọi người không trông đợi nhiều quá. Năm 1981, cố Tổng Thống Ronald Reagan đã lâm vào hoàn cảnh tương tự. Ông ký một kế hoạch kinh tế, với một khoản cắt thuế lớn kỷ lục vào lúc đó, rồi chờ đợi suốt hai năm mới thấy kinh tế phục hồi. Trong khi chờ đợi thì đảng Cộng Hòa của ông đã bị mất 26 ghế dân biểu Hạ Viện. Vẫn kiên nhẫn, ông Reagan kêu gọi đảng ông và dân Mỹ hãy chờ đợi. Ông Reagan có tài là lúc nào cũng lạc quan, và làm cho người chung quanh lạc quan tin tưởng. Khi dân chúng tin tưởng ở tương lai thì họ sẽ tiêu tiền, và kinh tế hồi phục sớm. Cuối cùng thì mọi người công nhận ông Reagan đã thành công. Liệu ông Obama có đủ kiên nhẫn và có khả năng thuyết phục như thế hay không?
Cuối cùng, dân chúng Mỹ sẽ là những vị thẩm phán xét xử trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2010, và cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Lúc đó chúng ta sẽ biết ai thắng trong cuộc đánh cá lớn này.
No comments:
Post a Comment