Việt-Trung đã phân giới những khu vực nhạy cảm như thế nào?
04:42' 25/02/2009 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/02/831965/
Trao đổi với báo chí chiều 24/2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng làm rõ kết quả giải quyết cụ thể các khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân trong quá trình phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đây là những khu vực “nhạy cảm”, có lịch sử tranh chấp lâu đời, được dư luận hai nước quan tâm.
Thác Bản Giốc: Giải pháp chính trị, kỹ thuật
Thác Bản Giốc nằm trên sông Quây Sơn, là sông chung của Việt Nam và Trung Quốc. Các bản đồ Pháp - Thanh đã khẳng định đây là sông biên giới và thác Bản Giốc là thác chung của Việt Nam và Trung Quốc.
Khi ký Hiệp ước 1999, hai bên chỉ chưa giải quyết được cồn Pò Thoong nằm trên thác, có diện tích khoảng 2,6ha. Theo luật pháp quốc tế và Hiệp ước 1999, tại khu vực này, đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy chính.
Về kỹ thuật, dòng chảy chính được xác định nằm ở phía Nam cồn Pò Thoong, cồn Pò Thoong quy thuộc Trung Quốc. Qua nhiều vòng đàm phán, hai bên thoả thuận giải quyết khu vực thác Bản Giốc kết hợp giải pháp chính trị và giải pháp kỹ thuật.
Kết quả là đường biên giới đi từ mốc 53 (cũ) lên cồn Pò Thoong rồi đến điểm giữa của mặt thác chính. Như vậy, toàn bộ thác phụ và ½ thác chính quy thuộc Việt Nam. Hai bên cũng thoả thuận sẽ bàn bạc việc hợp tác phát triển tiềm năng du lịch tại thác Bản Giốc.
¾ bãi Tục Lãm thuộc Việt Nam
Khu vực cửa sông Bắc Luân kéo dài từ thượng lưu bãi Tục Lãm đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ, có độ dài khoảng 14km. Khu vực này đã được Pháp - Thanh hoạch định và cắm mốc, nhưng vào thời điểm đó, các cồn bãi Tục Lãm, Tài Xẹc, Dậu Gót đều chưa xuất hiện trên bản đồ hoạch định.
Khi ký Hiệp ước 1999, hai bên cũng chưa thống nhất được phương án giải quyết khu vực này. Vào ngày đàm phán cuối cùng (31/12/2008), hai bên thống nhất giải quyết khu vực cửa sông Bắc Luân bằng giải pháp chính trị: Đường biên giới đi lên bãi Tục Lãm, ¾ bãi Tục Lãm thuộc Việt Nam ¼ bãi Tục Lãm thuộc Trung Quốc sau đó đi tiếp lên hòn Dậu Gót (1/3 hòn Dậu Gót thuộc Việt Nam, 2/3 hòn Dậu Gót thuộc Trung Quốc) rồi đi đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ.
Cửa khẩu Hữu Nghị: Đường biên được tôn trọng
Cửa khẩu Hữu Nghị là cửa khẩu lâu đời nhất trên tuyến biên giới Việt-Trung. Theo Thứ trưởng Vũ Dũng, tại khu vực này, có 3 vị trí rất quan trọng liên quan đến đường biên giới. Đó là Ải Nam quan, các mốc cũ do Pháp cùng nhà Thanh cắm cuối thế kỷ thứ 19 và điểm nối ray của tuyến đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường.
Về Ải Nam quan, các sử sách ta còn lưu giữ đều khẳng định Ải Nam quan do các triều đại phong kiến Trung Quốc xây dựng và tồn tại cho đến ngày nay.
Về các mốc Pháp - Thanh, mốc 19 vẫn còn tồn tại và nằm đúng vị trí cũ. Mốc 18 đối diện với mốc 19, do yếu tố thời gian, hai bên đều không thể xác định được. Về điểm nối ray, do bị lệch về phía Việt Nam so với đường biên giới lịch sử, hai bên đồng ý điều chỉnh. Kết quả giải quyết: đường biên giới đi qua Km0 rồi đến mốc 19 cũ và đến điểm cách điểm nối ray 148 mét về phía Bắc.
Hiện nay, Việt Nam đã cắm mốc 1116 và 1117 đối xứng với nhau qua quốc lộ 1A và mốc 1118 trùng vị trí mốc 19 (cũ). Theo Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng, như vậy, đường biên giới lịch sử tại khu vực này không những đã được tôn trọng mà còn được cụ thể hoá bằng một hệ thống cột mốc mới hiện đại.
Xuân Linh
TIN LIÊN QUAN
Biên giới Việt - Trung và thông điệp mới
Biên giới Việt - Trung và những nguyên tắc công bằng
Việt- Trung xem xét hợp tác du lịch ở Thác Bản Giốc
Việt -Trung chính thức có đường biên giới đất liền lịch sử
Thứ trưởng Ngoại giao: Không có chuyện “cắt đất” cho nước khác
Biên giới Việt - Trung và những nguyên tắc công bằng
04:06' 23/02/2009 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/02/831349/
Trước lễ chào mừng hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc diễn ra chiều nay (23/2) tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng trao đổi với báo giới những nguyên tắc công bằng trong đàm phán.
Theo Thứ trưởng Vũ Dũng, đến 31/12/2008, hai bên đã phân giới khoảng 1.400km biên giới, cắm 1.971 cột mốc.
Hệ thống mốc này được ghi nhận bằng hệ thống tọa độ tiên tiến, chính xác tới centimet, được quản lý bằng phần mềm hiện đại.
Năm 2009, hai nước sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để hai Chính phủ ký Nghị định thư về kết quả phân giới cắm mốc, thống nhất quy chế quản lý biên giới mới thay thế cho quy chế tạm thời.
Hai bên cũng sẽ ký hiệp định về quản lý hoạt động khu vực cửa khẩu, bàn bạc và đi đến ký kết hiệp định về hợp tác khai thác tiềm năng du lịch khu vực thác Bản Giốc, hiệp định về việc đi lại ở khu vực cửa sông Bắc Luân…
Cơ hội giao thương mới
Mặc dù đã hạn chế tối đa, song không tránh khỏi việc phân giới cắm mốc sẽ ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của bà con nhân dân hai bên đường biên. Việc này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Một đặc điểm của đường biên giới Việt - Trung là sự hình thành tự nhiên qua sinh hoạt của bà con dân tộc trong vùng. Nhiều khi chẳng có khái niệm quốc gia, từng xóm bà con từ thế kỷ này qua thế kỷ khác sinh sống, canh tác và dần dần tạo thành đường biên ước lệ.
Cho nên, nếu so với đường biên giới pháp lý do Pháp và nhà Thanh ký kết, thì sau này hiện tượng xen canh, xen cư, quá canh quá cư và cả xâm canh xâm cư diễn ra rất phổ biến. Mồ mả mai táng sang nhau rất nhiều… Với từng gia đình, dòng tộc nơi biên giới, đây là vấn đề rất lớn, nhất là với văn hóa tâm linh của dân tộc Tày, Nùng, coi cụ tổ chôn qua năm đời là hóa thánh.
Đây là vấn đề chung của bà con hai bên đường biên, nên đoàn đàm phán hai nước thống nhất phương án: Đường biên giới cứ gặp khu vực mồ mả thì điều chỉnh để nếu là của người Việt thì giữ cho người Việt, của người Trung Quốc thì giữ cho người Trung Quốc.
Trường hợp quá riêng lẻ và khó điều chỉnh thì thống nhất sẽ đưa vào quy chế đường biên, tạo điều kiện cho bà con đi lại phúng viếng. Ngoài ra, về phía ta, nếu bà con muốn di chuyển về thì Chính phủ hỗ trợ tiền, 4 triệu đồng, cao hơn nhiều lần mức hỗ trợ dưới xuôi.
Với những đoạn mà đường biên đi cắt thẳng qua xóm dân cư, thì đôi bên thống nhất nắn cong theo nguyên tắc có đi có lại và công bằng. Như bản Ma Lỳ Sán ở Hà Giang của ta, chiếu theo đường biên thì cắt đôi, họ thống nhất cho nắn đường biên ra mép làng, đổi lại, khu 13 nóc nhà ở gần đoạn hang Dơi, ta uốn đường biên nhường lại cho họ.
Vậy còn vấn đề xác định chính xác quốc tịch cho cư dân vùng biên?
- Trước hết phải tiến hành đăng ký kết hôn theo đúng luật của ta với những trường hợp kết hôn với người Trung Quốc. Còn việc giữ quốc tịch cũ hay chuyển sang quốc tịch mới thì sẽ tuân theo pháp luật hai bên. Nhìn chung, đây là những việc phải tuyên truyền, hướng dẫn và giải quyết dần dần. Bởi bà con miền núi cứ tự nhiên mà lấy nhau, sinh con đẻ cái, chẳng chủ động đăng ký theo luật.
Việc hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt - Trung tạo ra những cơ hội giao thương mới nào giữa hai nước, thưa Thứ trưởng?
- Với khu vực thác Bản Giốc, dự kiến đôi bên sẽ ký hiệp định hợp tác phát triển du lịch, thương mại. Có thể sẽ khoanh một vùng cùng khai thác mà du khách tới đó không cần visa. Ngoài ra, triển khai hợp tác ở các cặp kinh tế cửa khẩu như ở Lạng Sơn có một khu kinh tế cửa khẩu.
Một thuận lợi nữa cho cả đôi bên là ở nhiều khu vực cửa khẩu, do đường biên lúc chưa phân định, đường xá có tiền cũng chẳng làm được. Ví dụ cửa khẩu Tân Thanh, đường đi có đoạn muốn chở hàng lại phải chuyển xuống xe ba gác, sắp tới sẽ làm lại đường đi lại cho thuận tiện.
Về giao thông đường hàng không, như trước đây, từ Hà Nội đi Côn Minh phải vòng qua Nam Ninh, mất 1h35 phút. Bây giờ, biên giới Lào Cai cắm mốc xong, đôi bên thống nhất được đường bay thẳng, thời gian bay chỉ còn 55 phút.
Phía Trung Quốc cũng vậy, sau khi phân giới cắm mốc thì ký với ta hiệp định vận tải, được chuyên chở khách thẳng từ Phòng Thành, Hà Khẩu bên đó xuống Quảng Ninh. Vừa qua, hai bên cũng đã mở tuyến du lịch đường biển từ đảo Hải Nam tới Quảng Ninh. Sắp tới đây có thể mở cầu hàng không Hải Nam - Hải Phòng hoặc Hải Nam - Hà Nội.
Tăng nhịp độ đàm phán về Biển Đông
Thưa Thứ trưởng, từ kết quả đàm phán hiệp định và phân giới cắm mốc biên giới trên bộ, chúng ta rút ra kinh nghiệm gì cho việc đàm phán biên giới trên biển trong thời gian tới?
- Giữa Việt Nam và Trung Quốc có ba vấn đề lịch sử để lại: Biên giới trên bộ, biên giới trong Vịnh Bắc Bộ, và vấn đề Biển Đông. Bằng việc kết thúc phân giới cắm mốc trên bộ, chúng ta đã giải quyết xong hai vấn đề đầu.
Bài học rút ra là đối với những tranh chấp do lịch sử để lại, nếu các bên có thiện chí, có ý chí chính trị và cùng kiên trì đàm phán, đều dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích và quan tâm của nhau, thì các bên đều có thể từng bước tìm ra giải pháp cơ bản, lâu dài cùng chấp nhận được.
Cùng với hoàn tất những việc còn lại liên quan đến biên giới trên đất liền giữa hai nước, việc đàm phán biên giới trên biển liên quan đến vấn đề Biển Đông sẽ được tiếp tục thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, hai bên có ba diễn đàn liên quan đến Biển Đông, gồm diễn đàn của trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ liên quan đến Biển Đông, diễn đàn đàm phán phân định và đàm phán cùng phát triển khu vực cửa vịnh Bắc Bộ.
Đến nay hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán và đạt được một số thỏa thuận mang tính nguyên tắc mà tôi cho là vô cùng quan trọng cho khu vực cửa vịnh Bắc Bộ. Khu vực này bắt đầu từ vùng biển đảo Cồn Cỏ kéo ra đến vùng quần đảo Hoàng Sa.
Diễn đàn thứ ba bàn về các vấn đề trên biển, nằm ngoài khu vực cửa vịnh Bắc Bộ, cụ thể là liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai bên thỏa thuận sắp tới đây sẽ tăng nhịp độ đàm phán của các diễn đàn này.
Xuân Linh
TIN LIÊN QUAN
Việt -Trung chính thức có đường biên giới đất liền lịch sử
Việt- Trung xem xét hợp tác du lịch ở Thác Bản Giốc
Sớm hoàn chỉnh bản đồ biên giới trên bộ Việt - Trung
Thứ trưởng Ngoại giao: Không có chuyện “cắt đất” cho nước khác
Khánh thành một trong cột mốc cuối cùng biên giới Việt- Trung
Việt-Trung và đường biên giới pháp lý, công bằng, hữu nghị
No comments:
Post a Comment