Thursday, February 5, 2009

CON ĐƯỜNG DẪN TỚI DÂN CHỦ

Con đường dẫn tới dân chủ
Lê Diễn Đức
Gửi đến BBC từ Ba Lan
04 Tháng 2 2009 - Cập nhật 15h34 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2009/02/090204_roundtable_poland.shtml
Cách đây 20 năm, ngày 6/02/1989, Hội nghị Bàn Tròn lịch sử giữa nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan và Công đoàn Đoàn kết khai mạc tại Varsava.
Hội nghị Bàn Tròn là tiến trình đối thoại, dẫn tới chuyển hoá bất bạo lực từ chế độ cộng sản sang thể chế dân chủ của Ba Lan, tạo nên hiệu ứng đô-mi-nô cho hàng loạt các nước cộng sản khác ở Trung-Đông Âu, làm thay đổi cục diện chính trị toàn châu lục và thế giới.
Bên Bàn Tròn, một phía là những người cộng sản cầm quyền. Phía khác là những nhà hoạt động dân chủ đã từng bị truy bức hoặc ngồi tù bởi chính những người đối diện. Họ không quen biết nhau, không trọng nhau, không tin nhau, thậm chí thù ghét nhau.

Tổng biên tập nhật báo Gazeta Wyborcza, Adam Michnik, bấy giờ là một trong các đại diện của phe đối lập, viết: “Với cả bên này và bên kia đều là cuộc thử thách - chúng ta đừng sợ đại ngôn - trước lòng yêu nước và trách nhiệm với Ba Lan. Tôi nghĩ rằng, trong những ngày ấy, tất cả đều đã vượt qua thử thách này.”

Đối thoại và thoả hiệp

Chính quyền cộng sản đồng ý ngồi đàm phán với phe đối lập trước hết do áp lực của làn sóng bãi công, tranh đấu đòi tự do, dân chủ diễn ra liên tục trên toàn quốc từ nhiều năm trước, mãnh liệt nhất vào giai đoạn sau khi ban bố tình trạng chiến tranh ngày 13/12/1981.
Thứ đến, kinh tế suy sụp, lạm phát phi mã, nợ chồng chất, khiến nhà cầm quyền không còn căn cước xã hội để giải quyết các nan đề.

Qua hai tháng đàm phán gay go, kết thúc vào ngày 5/04/1989, Hội nghị Bàn tròn đạt được thoả thuận quan trọng: bảo đảm bầu cử tự do 35% tổng số ghế của quốc hội và 100 ghế của Thượng viện.
Trong cuộc bầu cử 4/06/1989, phe đối lập đã giành được 99 trong 100 ghế của Thượng viện và lấy hết 35% số ghế quốc hội. Quốc hội “chuyển tiếp” hình thành và ba tuần sau, chính phủ không cộng sản đầu tiên được thành lập kể từ 45 năm.
Ngày 27/10/1991, bầu cử Quốc hội tự do. Hàng trăm đảng phái ra tranh cử. Có 29 đảng lọt vào Quốc hội nhưng không đảng nào đạt đa số. Phe đối lập dân chủ thành lập chính phủ liên minh. Trước đó, Lech Walesa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống tự do nhiệm kỳ (1990-1995).
Từ đây đánh dấu bước tiến triển của nền dân chủ Ba Lan.

Rất nhiều người Việt đưa ra luận điểm rằng, giữ cơ chế độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam là để ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Đa đảng là loạn.
Có đúng như vậy không? Trường hợp Ba Lan có thể là ví dụ?
Ai đó nói rằng, đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ biết bơi nếu không cho nó xuống nước.
Có thể chế dân chủ, trong những năm 90, gần một ngàn đảng phái ở Ba Lan ra đời. Cuộc tranh giành quyền lực lúc nào cũng quyết liệt bởi tham vọng, chia rẽ, quan liêu, tham nhũng. Trong 10 năm đầu thay đổi Thủ tướng đến bảy lần!
Thế nhưng, những cuộc luận chiến chỉ diễn ra trên các diễn đàn công cộng, các phương tiện truyền thông tự do. Các đảng phái không tiêu diệt nhau bằng súng đạn vì bản chất của nền dân chủ là giành quyền lãnh đạo bằng lá phiếu cử tri.
Vì thế, an ninh xã hội luôn luôn bảo đảm. Cọ xát đã giúp ý thức dân chủ trưởng thành và tự hoàn thiện.
Qua 20 năm sàng lọc, các tổ chức yếu kém, cực đoan bị loại dần, và trong những lần bầu cử gần đây chỉ còn từ bốn đến năm đảng lọt vào Quốc hội.

Không thể ai phủ nhận được một đất nước Ba Lan hơn hẳn ngày nay. Từ nền kinh tế cộng sản kiệt quệ, đến năm 2008, Ba Lan có tổng thu nhập GDP 567,4 tỷ đôla (với 38,1 triệu dân), là thành viên quan trọng của Liên hiệp châu Âu (EU) và Khối Quân sự NATO.

Các giá trị của dân chủ và nhân quyền không phải của riêng ai hay do Mỹ và Tây phương áp đặt, mà là sản phẩm chung của nhân loại. Nó cho phép người dân bằng lá phiếu của mình được quyền đào thải những kẻ bất tài, thiếu đức và quyền được chọn những người có hạnh kiểm tốt và trí tuệ giỏi điều hành đất nước.

Không phải ai cũng đánh giá tích cực Hội nghị Bàn Tròn, thậm chí còn phủ nhận nó, kể cả những người đã trực tiếp tham dự. Họ nói rằng, Hội nghị Bàn Tròn là màn kịch do an ninh cộng sản đạo diễn và ngồi chung với kẻ thù cộng sản là một sự phản bội.
Tuy nhiên chân lý cuối cùng cũng chiến thắng hoài nghi. Sau 20 năm, đã có một đồng thuận hiếm hoi giữa tất cả các đảng cầm quyền và đối lập về nội dung bản nghị quyết của Quốc hội ngày 23/01/2009.
Nghị quyết có đoạn: “Những con người với chính kiến và nhân sinh quan khác nhau, từ phía Công đoàn Đoàn Kết đối lập và từ phía nhà cầm quyền bấy giờ, đã quyết định đối thoại. Sự sẵn sàng thoả hiệp ấy đã cho phép thực hiện những sứ mệnh của khoảnh khắc lịch sử”.
“Cuộc chuyển hoá quyền lực bất bạo lực đã mở ra con đường xây dựng nền dân chủ ổn định trong một nhà nước với đường biên giới an toàn và quan hệ tốt với các quốc gia láng giềng”.

Bài học dân chủ

Cuộc cách mạng dân chủ hoà bình ở Ba Lan và những thành quả đạt được ở các nước Đông Âu là điểm chiếu cho viễn cảnh xa hơn đối với những nước còn trong chế độ độc tài toàn trị hay chuyên chế, trong đó có Việt Nam.
Tất cả phụ thuộc vào sự đòi hỏi dân chủ của người dân đến mức nào và họ có muốn lật sang trang sử mới cho dân tộc hay không.
Hàng trăm cuộc biểu tình, bãi công của công nhân, nông dân và giáo dân Việt Nam trong thời gian qua chống lại chính sách đất đai, lương bổng, nạn cửa quyền, hối lộ, chính là những biểu hiện rõ rệt nhất của khát vọng tự do và công lý.
Rất tiếc, phong trào dân chủ Việt Nam vốn cục bộ, chia rẽ, mang nặng đánh bóng cá nhân, đã không đủ tài lực để yểm trợ lực lượng quý giá này, phát triển nó rộng khắp trong cả nước, có tổ chức, bài bản, đe doạ trực tiếp đến quyền lực của của chế độ.
Chỉ khi tạo được áp lực mạnh mẽ thì nhà cầm quyền mới chấp nhận đối thoại, đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của người dân.
Ngược lại, vừa có phương tiện trấn áp vừa có bộ máy tuyên truyền, nhà cầm quyền sẽ dễ dàng dẹp tan mọi cuộc tranh đấu tự phát.

Tôi tin rằng, một bộ phận lớn trong số đảng viên, nhìn nhận trách nhiệm của mình với đất nước, sẽ đứng về phía quần chúng khi thấy đòi hỏi quyền lợi, dân chủ người lao động diễn ra liên tục, rộng lớn, thực sự trở thành nỗi bức xúc nghiêm trọng của xã hội.
Lúc ấy, những người có bản lĩnh của cả hai phía sẽ tìm ra ngôn ngữ chung để hướng tới cách giải quyết bất bạo lực, đảm bảo cho đất nước chuyển hoá và phát triển hoà bình.

Kết luận, tôi xin trích lời của Sergei Kovalov, nhà tranh đấu nhân quyền của Nga phát biểu nhân dịp 20 năm kỷ niện Hội Nghị Bàn Tròn nói với hãng thông tấn PAP hôm 2/02:
“Tôi có niềm hy vọng và suy nghĩ nhân ngày lễ của Ba Lan. Tôi sẽ vui biết bao khi ở chúng tôi, nước Nga, sẽ có một một Hội nghị Bàn Tròn, nơi người ta mời nhà cầm quyền tới mà không bị khước từ (....). Có thể buộc nhà cầm quyền tiến tới hành động nhưng vấn đề ở chỗ không được đổ máu, bởi vì đổ máu sẽ tệ hại vô cùng. Kết quả là trong sự bạo loạn - vô nghĩa và tàn nhẫn - tại Nga các lực lượng sắt máu của chính quyền sẽ nắm thế thượng phong.”

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Quý vị có ý kiến gì xin chia sẻ với Diễn đàn BBC ở địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.

Ý kiến độc giả : http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2009/02/090204_roundtable_poland.shtml

No comments:

Post a Comment