Sunday, February 8, 2009

CHÍNH TRỊ - MỘT PHẠM TRÙ CẤM KỴ TẠI VIỆT NAM

TƯ DUY MÙA XUÂN CHO MỘT PHẠM TRÙ CẤM KỴ "CHÍNH TRỊ"
Tạp chí Phía Trước
http://blog.360.yahoo.com/blog-V3M_NEolerbUJtSbv.5KMo8GAUmgg7A-?cq=1&p=1050

Nếu như chúng ta phải chờ đến tận thế kỷ XIX để chấp nhận dưới thuyết tiến hóa của Darwin rằng con người chỉ là một động vật, thì tư tưởng của Aristote quả là đã đi xa vời vợi so với thời đại của ông. Thật ra việc nhìn nhận chính trị như một vấn đề tất yếu và không thể tránh khỏi, đã luôn là một vấn đề con người phải đối mặt, kể từ khi nhân loại biết sống cuộc sống cộng đồng, và biết suy nghĩ. Nhưng có lẽ chỉ cùng với Aristo-tle, con người mới bắt đầu biết chấp nhận thay vì lẩn tránh, và đấu tranh thay vì cam chịu khi bàn đến hai chữ chính trị. Chính trị không phải là một phạm trù cao xa, mà là cuộc sống hàng ngày. Chính trị là con người, vì vậy hiểu biết chính trị là một nhu cầu chính đáng để con người có thể thích nghi tồn tại với thế giới. Một điều kỳ lạ là tại Việt nam, người ta dạy cho sinh viên đủ mọi thứ trên đời, nhưng lại không bao giờ dạy chính trị, trong khi việc hiểu chính trị đối với con người hiện đại cũng quan trọng không kém gì việc hiểu những cạm bẫy nguy hiểm của tự nhiên đối với con người nguyên thủy ăn lông ở lỗ. Các thế hệ trẻ của chúng ta được học những thuật toán máy tính cực kỳ phức tạp, những phương trình vô số ẩn số, các công nghệ sinh hóa học, các kỹ thuật tài chính siêu đẳng, những máy móc điện tử và nguyên tử… vậy mà lại không được học chính trị - học cách sống giữa người với người. Chính trị chỉ được dạy cho một số ít cá nhân có nhu cầu trở thành “lãnh đạo”, và chỉ được dạy giữa bốn bức tường của cái được gọi là trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, với những lý thuyết đã lạc hậu từ cách đây cả thế kỷ.
Có lẽ trên thế giới ngày hôm nay, không còn phương thức ngu dân nào hữu hiệu hơn là cấm biệt dân học và hiểu chính trị.
Bài viết này không có tham vọng trình bày một cách hệ thống khung kiến thức chính trị cho bạn đọc, việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, kiến thức và hoàn toàn vượt quá khả năng người viết. Bài viết này chỉ nhắm vào giải thích một cách cơ bản, đồng thời dễ hiểu nhất thế nào là chính trị, ngõ hầu giúp bạn đọc có được một cái nhìn mới đúng đắn hơn về hai từ này. Xuân mới, đất nước lại bước vào một hành trình mới. Hiểu đúng về chính trị là hành trang vô cùng quan trọng để chúng ta có thể đi tiếp con đường tiến về văn minh, công bằng và dân chủ.

Rất tiếc tại Việt nam, chúng ta chưa bao giờ có một cuộc khảo sát để tìm hiểu hiểu biết của người dân về chính trị. Đơn giản bởi vì nói chuyện chính trị ở Việt Nam mà công khai là không được. Chuyện chính trị là chuyện của Đảng, của chính phủ, đâu phải chuyện của dân. Ngay những lúc trà dư tửu hậu thì nói chuyện chính trị cũng chỉ là chuyện phiếm. Cánh đàn ông có thể oang oang nói chuyện Nga giỡn mặt Mỹ, Palestin và Israel tranh chấp dải Gaza, hay khủng bố Hồi giáo ôm bom cảm tử… những chuyện trên trời dưới bể không ai kiểm chứng được. Có bao nhiêu phần trăm trong số đó nói chuyện chính trị Việt Nam, những chuyện xảy ra ngay cạnh chính mình? Bao nhiêu phần trăm trong số nói chuyện chính trị Việt Nam, tự coi mình là một người bình thường đang nói chuyện bình thường? Bao nhiêu người tự coi mình là bình thường, lại không bị công an mời đến nói chuyện một cách bất bình thường, và bị đối xử như là một mầm phản loạn tiềm năng? Than ôi, dân thường nghe đến bàn luận chính trị thì như vịt nghe tiếng sấm trên cao. Người có học thức, tài sản một chút thì quay lưng e dè, sợ liên lụy. Người có thân thế, tham vọng thì nghĩ đến chính trị như một công cụ để ngồi lên đầu của thiên hạ mà cai trị. Vậy rút cục chính trị là cái gì mà tồi tệ đến như vậy ?

Hai chữ “Chính trị” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ Politiké. Trong tiếng Hy lạp, Polis có nghĩa là Đô thị, do đó Politiké được hiểu như nghệ thuật tổ chức xã hội đô thị. Con người tách ra khỏi kiếp động vật để sống một cuộc sống cộng đồng văn minh, mà hình thức cao nhất vào thời điểm đó là Đô thị. Đô thị cổ Hy Lạp là một quốc gia thu nhỏ, có quân đội, có kinh tế, có bộ máy quản lý, có luật pháp và có một điều quan trọng nhất: có bầu cử. Bởi vì có tổ chức mà con người trở nên hùng mạnh, bởi vì có tổ chức mà con người không đơn độc lẻ loi, mà biết sử dụng sức mạnh của cộng đồng. Bởi vì có tổ chức mà nền văn minh Hy Lạp rực rỡ chói sáng, mà những thành quả của họ đến giờ chúng ta vẫn còn sử dụng. Con người là một động vật chính trị, câu nói đó của Aristotle chỉ càng nhấn mạnh nhận thức rõ ràng của người Hy Lạp cổ về cộng đồng và tầm quan trọng của tổ chức cộng đồng. Con người không đơn giản chỉ là một động vật biết tư duy. Nếu tư duy không làm cho con người cùng với con người tạo nên cộng đồng, thì không bao giờ loài người có thể tiến lên văn minh cả. Nhờ có cộng đồng, con người được bảo vệ về tính mạng và tài sản, nhờ đó toàn tâm toàn ý làm những việc phù hợp với khả năng cũng như mong muốn của mình, và thu được một kết quả cao hơn. Vậy nên chính trị, hiểu theo nghĩa đầu tiên và cơ bản nhất, chính là hình thức tổ chức của cộng đồng.

Hai chữ cộng đồng ở đây rất đáng được đem ra mổ xẻ. Cộng đồng hiểu theo nghĩa của Aristo-tle tức là tập hợp tất cả các thị dân của đô thị. Đương nhiên nếu hiểu theo nghĩa này, thì khi đô thị mở rộng và tiến lên một hình thức mới như vương quốc hay quốc gia, thì tổ chức cộng đồng cũng sẽ thay đổi theo một cách tương ứng. Đây chính là lý do vì sao ngày hôm nay, chính trị có một nghĩa được công nhận rộng rãi là tổ chức quốc gia, tức là Nhà nước, là Đảng phái, Chính phủ… Chúng ta sẽ quay lại nghĩa này dưới đây. Tuy nhiên cộng đồng không nhất thiết phải là tập hợp toàn bộ công dân của một quốc gia. Cộng đồng hiểu theo nghĩa hiện đại, là bất cứ một tập thể người nào hình thành trên cơ sở tự nguyện chung sống với nhau. Vậy là trong một quốc gia có thể có vô số hình thức cộng đồng cùng tồn tại: câu lạc bộ, hiệp hội, liên đoàn, công đoàn… Điều quan trọng nhất là những người đến với tập thể phải là tự nguyện. Sự tự nguyện không nhất thiết phải là tự giác, mà có thể chỉ đơn thuần là một con tính hơn kém. Nhưng không hề gì, chỉ cần có tự nguyện chung sống, cộng đồng sẽ tự động điều chỉnh lại sự kết dính giữa các thành viên của mình. Mỗi hình thức tập thể và cộng đồng sẽ lại có một hình thức tổ chức tương ứng. Nhìn từ góc độ này, chính trị chính là hình thức tổ chức quyền lực, và tổ chức vị trí xã hội của bất cứ một tập thể người nào. Trong chính trị quốc gia sẽ có chính trị xã hội, chính trị địa phương, có chính trị lãnh đạo và chính trị dân chủ. Những ý niệm này lấy nền tảng từ lý thuyết Khế ước xã hội của Rousseau thế kỷ XIX.

Một điều không thể phủ nhận là chính trị luôn được hiểu theo một nghĩa “truyền thống” như là NGHỆ THUẬT CAI TRỊ. Chính vì sự phổ biến của nghĩa này, mà hai chữ chính trị luôn đi kèm với quyền lực, thủ đoạn, đàn áp và cai trị… tất cả những thứ gây sợ hãi. Khổ nỗi đây là một thực tế của nhân loại kể từ hơn 5000 năm loài người biết sống cuộc sống cộng đồng một cách văn minh. Đó là chính trị của Thương Ưởng, của Hàn Phi Tử, của Ma-chiavel, của Richelieu, của Sta-lin, Mao Trạch Đông… Con người văn minh trong sự man rợ, và văn minh nhờ sự man rợ của chính mình. Tuy nhiên kỷ nguyên Ánh sáng đã mở ra một cánh cửa mới cho loài người bằng việc khai sáng triết học nhân sinh. Nhờ có kỷ nguyên Ánh sáng mà hai chữ con người mới được đặt vào vị trí hàng đầu của mọi tư duy chính trị. Nhờ có kỷ nguyên Ánh sáng, con người mới thật sự biết mình là người một cách trọn vẹn: không phải chỉ biết sống, ăn uống, và tuân lệnh, mà còn biết mình có những quyền bất khả xâm phạm đã được tạo hóa trao cho cùng với sự sống thiêng liêng. Chính trị có một bước chuyển mình, nó biến thành công cụ của nhân loại, thay vì là công cụ độc quyền của một tập thể cai trị nhỏ nhoi. Nếu như ngày xưa, các nhà chính trị xây dựng các đường lối của mình bằng việc đơn thuần coi người dân là các con tốt trên bàn cờ, thì ngày hôm nay họ buộc phải chấp nhận một cách tiếp cận mới, coi xã hội là một tập thể những con người biết suy nghĩ, được tự do tổ chức và lựa chọn. Mối tương quan lực lượng giữa cai trị và bị trị đã thay đổi hoàn toàn : nó không còn là mối quan hệ giữa kẻ mạnh ra lệnh và kẻ yếu phục tùng, mà là quan hệ giữa kẻ được ưu tiên giữ trọng trách, quyền lực vì lợi ích chung của cộng đồng, và những kẻ ít khả năng tổ chức hơn, tự nguyện trao đi một phần quyền & tự do của mình để đổi lại một cuộc sống an toàn và thịnh vượng.

Nhưng làm thế nào để có được một sự cân bằng giữa cai trị và bị trị? Làm thế nào để những kẻ được trao trọng trách & quyền lực không tìm cách khai thác tối đa, thậm chí lạm dụng quyền lực của mình để tiếp tục duy trì sự cai trị?
Một điều có thể khẳng định là không thể trông chờ vào lòng tốt và sự tự giác của các nhà lãnh đạo để có được cân bằng. Bất cứ ai nắm giữ quyền lực đều chỉ biết đến một điều, là phải duy trì và mở rộng quyền lực đó bằng mọi giá. Quyền lực không biết đến nhân nhượng, nó chỉ biết đến tương quan giữa nó và các quyền lực khác. Cân bằng chỉ có khi mà cả cai trị lẫn bị trị đều “đấu tranh” để tự bảo vệ mình, và điểm cân bằng chỉ đơn giản là một trạng thái thỏa hiệp giữa hai phe.

Hơn thế, sự thỏa hiệp dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng chỉ là tạm thời, và ranh giới thỏa hiệp luôn luôn biến động tùy theo tương quan lực lượng giữa hai bên. Đây là một điểm tối quan trọng khi nhìn nhận chính trị theo quan điểm hiện đại. Sự thỏa hiệp là bất thành văn, nó được ngầm hiểu giữa hai bên. Sự thỏa hiệp luôn tồn tại, nhưng chỉ nhìn vào nó thôi thì chúng ta không thể biết gì về trạng thái của mỗi bên. Một thỏa thuận ngừng bắn có thể được ký tại biên giới, nhưng cũng có thể được ký tại cửa ngõ thủ đô. Tiếng súng ngưng, nhưng giữa hai trường hợp, được mất của mỗi phe dao động một cách khổng lồ. Cũng như vậy, sự ổn định chính trị, biểu hiện bề ngoài của thỏa hiệp chính trị, có thể dừng lại ở điểm mà xã hội được coi là dân chủ. Nó cũng có thể dừng lại ở điểm mà xã hội bị coi là độc tài, khi mà phe cai trị lấn lướt và tranh dành hết các quyền mà người bị trị lẽ ra phải được hưởng. Vẫn là thỏa hiệp đàng hoàng, nhưng trong trường hợp này, phe cai trị chiếm hết, phe bị trị mất hết. Họ buộc phải thỏa hiệp, thỏa hiệp để tồn tại, thỏa hiệp để tiếp tục sống. Những người ủng hộ quan điểm cho rằng ổn định chính trị là tiêu chí quan trọng nhất của một nền chính trị tối ưu, rõ ràng không hiểu gì về điểm này. Bởi vì trong bất cứ chế độ xã hội nào, từ chiếm hữu nô lệ đến chủ nghĩa tư bản hiện đại, thỏa hiệp luôn tồn tại và ổn định chính trị luôn tồn tại (một cách tương đối), tuy nhiên tương quan lực lượng giữa cai trị và bị trị là khác nhau. Trong một chế độ độc tài, người dân buộc phải ngậm miệng để chấp nhận được sống, vậy là có thỏa hiệp, có ổn định. Điều này chẳng liên quan gì đến việc chế độ tốt hay không tốt, dân chủ hay không dân chủ.

Nhưng để trả lời cho câu hỏi làm thế nào để có một cân bằng “chấp nhận được” giữa cai trị và bị trị, cần phải đi xa hơn chút nữa vào trong cái được gọi là Xã hội dân sự. Đương nhiên Xã hội dân sự cũng là một thuật ngữ đáng để được phân tích một cách riêng biệt và tỉ mỉ. Tuy nhiên việc này vượt ra ngoài hiểu biết của người viết bài, và không những thế có thể làm lệch hướng bài viết. Xã hội dân sự được đưa ra một cách miễn cưỡng ở đây để đại diện cho các hình thức tổ chức của xã hội hiện đại, lấy con người làm trung tâm. Ai nói tổ chức xã hội là nói đến chính trị. Do đó xã hội dân sự chính là chính trị dân chủ, một hình thức chính trị ngược sóng với chính trị cai trị truyền thống. Để có được cân bằng, cả cai trị và bị trị đều phải làm chính trị. Cai trị sử dụng chính trị nhà nước, bị trị sử dụng chính trị xã hội dân sự. Cai trị áp đặt quyền lực, bị trị liên kết với nhau để xây dựng quyền lực, cùng nhau làm đối lực.

Xã hội dân sự của các nước dân chủ được thể hiện bằng một mạng lưới dày đặc, trùng trùng điệp điệp các mối quan hệ xã hội. Một người sống trong xã hội dân sự dân chủ có vô số quan hệ với vô số các tổ chức cộng đồng khác nhau. Tại nơi làm việc, anh ta ít nhất có mặt trong công đoàn - tập thể những người lao động được trả lương. Xin nhấn mạnh là công đoàn dân chủ khác xa với công đoàn tại Việt Nam, nơi mà những người lãnh đạo công đoàn cũng ăn lương và nghe lời sếp răm rắp. Anh ta còn có thể có mặt trong các hiệp hội nghề, hiệp hội thương mại. Tại nơi ở, anh ta tham gia hiệp hội bảo vệ di sản văn hóa địa phương, hiệp hội bảo vệ môi trường. Để bảo vệ quyền lợi của mình, anh ta tham gia hiệp hội người tiêu dùng. Để bảo vệ quyền lợi cho con cái, anh ta tham gia hiệp hội cha mẹ học sinh. Khi có thời gian, anh ta tham gia các câu lạc bộ thể thao, văn hóa. Khi có nhu cầu luật pháp anh ta nhờ sự can thiệp của các hiệp hội tư vấn pháp luật. Để bày tỏ chính kiến của mình, anh ta tự nguyện đứng vào một đảng phái chính trị. Vậy là xã hội dân chủ cho phép công dân của mình tự do liên kết với nhau để không bị đơn độc lẻ loi.

Người Việt Nam thường luôn đánh giá con người phương Tây là cô độc, ích kỷ, hàng xóm đôi khi chẳng biết mặt nhau, con cái không đến thăm bố mẹ thường xuyên. Lý do điều này là vì tại Việt Nam chúng ta coi trọng mối quan hệ gia đình mà coi nhẹ quan hệ xã hội. Người phương Tây ngược lại, coi trọng quan hệ xã hội hơn quan hệ gia đình. Nhìn từ góc độ gia đình, họ có lẽ phải học Việt Nam một số điều. Nhưng nhìn từ góc độ xã hội, Việt nam quả là “lạc hậu” khi bị đem ra so sánh với họ. Tấn công một cá nhân sống trong một xã hội dân chủ là vô cùng khó khăn, bởi vì cá nhân này không bao giờ chiến đấu một mình. Vô số mạng lưới xã hội đằng sau lưng anh ta sẽ gánh hết sức nặng của cuộc tấn công. Trước hết là các hiệp hội, mạng lưới trong đó cá nhân là thành viên sẽ hỗ trợ về mặt tâm lý, thông tin, con người để gánh bớt sự suy sụp cho người bị tấn công. Sau đó họ sẽ cung cấp các quan hệ của mình để liên kết với các mạng lưới khác có nhiều tài nguyên và vị trí xã hội hơn để xin hỗ trợ. Sau cùng, họ sẽ rất có thể có quyết định tập thể để trả đòn, và đòi bồi thường thiệt hại cho thành viên của họ. Xã hội dân sự được đặc trưng bằng sự kết nối dày đặc các cá nhân và sự sẵn sàng giúp đỡ một cách tự nguyện giữa các cá nhân. Sự tự nguyện này không chỉ đơn thuần là lòng tốt, tình người mà còn là một chuẩn mực sống, bởi lẽ đơn giản giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ mình. Các mạng lưới càng rộng và chặt chẽ thì các cá nhân càng được bảo vệ an toàn và càng có lợi.

Một cuộc nghiên cứu các bản án của tòa án Tối cao Pháp (Conseil d‟Etat) trong 25 năm gần đây cho thấy vai trò của các cộng đồng đa dạng càng ngày càng trở nên quan trọng trong tổ chức xã hội hiện đại. Nghiên cứu này tập trung vào các cuộc tranh chấp giữa các hội dân trước các dự án đô thị hóa của chính phủ. Diễn biến của một cuộc tranh chấp điển hình có thể được mô tả như sau: chính phủ có một dự án làm đường (hoặc xây một công trình công cộng). Chính phủ sẽ ra một nghị quyết thu hồi đất đai làm dự án để thực hiện công trình vì lợi ích công cộng. Các chủ đất bị thu hồi lập tức thành lập một hiệp hội bảo vệ quyền lợi của mình. Hiệp hội này lập tức lên tiếng nói phản đối và đòi xem xét lại tính cần thiết & tính khoa học của dự án. Tiếng nói của hiệp hội, tuy đã mạnh mẽ hơn nhiều so với tiếng nói cá nhân, nhưng đương nhiên vẫn không đủ mạnh để chính phủ phải lắng tai nghe. Hiệp hội sẽ sử dụng các quan hệ của mình để bắt tay với các hiệp hội khác, như hiệp hội bảo vệ môi trường, hiệp hội bảo vệ sinh thái, hiệp hội bảo vệ di sản lịch sử, hiệp hội bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hiệp hội luật sư, vân vân và vân vân... Tiếng nói của vô số các hiệp hội này cùng với những tài nguyên (human capital) mà họ cung cấp, sẽ cân đối lại mối tương quan lực lượng giữa chính phủ và một nhúm dân địa phương. Đương nhiên không phải bất cứ hiệp hội nào cũng có khả năng huy động giúp đỡ như vậy, hơn thế kết quả còn phải tùy thuộc vào tính chính đáng của dự án. Tuy nhiên nghiên cứu chỉ ra rằng tại Pháp, trong 25 năm vừa qua, khả năng chính phủ phải hủy bỏ dự án lên tới khoảng hơn 30%. Điều này cho thấy sức mạnh của tập thể có thể thay đổi tương quan lực lượng giữa cai trị và bị trị đến như thế nào.

Tại Việt Nam, quyền được lập hội bị chà đạp một cách không thương tiếc. Chính trị trung ương tìm mọi cách để xé lẻ các cá nhân cho dễ bề cai trị. Thanh niên không được học chính trị vì nếu người dân biết đứng lên sát cánh cùng nhau thì chính trị trung ương ắt sẽ bị đánh cho tan tác tả tơi. Mỗi khi chúng ta nhìn thấy các phong trào bị công an xé nát, đâu đó vài chục, vài trăm người dân oan bị đàn áp vì chỉ dám lên tiếng đòi quyền lợi cho mình, cần phải hiểu lý do là vì những phong trào này không có mạng lưới, không có sự hỗ trợ của xã hội. Mỗi người dân oan chỉ có thể thét lên những tiếng kêu oan ức cho mình mình. Một con người đơn độc không thể chống lại một guồng máy quyền lực. Giai cấp cai trị hiểu điều đó nên họ càng tìm mọi cách cấm đoán không cho các hội được hoạt động công khai và tự do. Quyền lập hội là một quyền chính trị thiêng liêng của con người, bị vu cho tất cả những tội lỗi xấu xa: nào phản động, nào phạm pháp, nào xúi bẩy lòng người. Giai cấp cai trị tìm cách trấn áp bất cứ một hình thức tổ chức cộng đồng nào có ảnh hưởng đến xã hội. Đảng Cộng Sản không cho phép bất cứ tổ chức nào làm hoạt động cộng đồng ngoài họ, dù rằng đó là những việc nước sôi lửa bỏng như đóng góp cứu nạn cho các đồng bào bị thiên tai. Các vụ đàn áp như với giáo dân Thái Hà gần đây chỉ là bề nổi của một chính sách phủ nhận chính trị dân sự, không cho tồn tại đối lực, để dễ bề thao túng quyền lực. Không nằm ngoài vòng thao túng, các chính sách giáo dục cũng nhằm đào tạo từ trong trứng nước những con người chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời.
Dân tộc Việt Nam đã bị ru ngủ bởi những bài học gia đình từ lâu lắm rồi. Họ chưa được học bài học xã hội, cho nên họ thờ ơ vô cảm với những nỗi đau của xã hội. Người Việt có thể chia sẻ với nhau miếng cơm manh áo, nhưng người Việt chưa biết chia sẻ với nhau chính kiến và sự đoàn kết. Chúng ta coi việc thiết lập các hiệp hội là chuyện thiên hạ. Chúng ta coi việc tham gia xã hội là việc ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng?. Chúng ta chưa có một văn hóa chấp nhận sự quan trọng của các hình thức tổ chức xã hội tự nguyện. Chính vì thế chúng ta luôn phải chiến đấu riêng lẻ, chiến đấu mà biết chắc mình thua nếu không có vài mối quan hệ với các ngài tai to mặt lớn. Thật đáng buồn vì chúng ta chỉ đoàn kết với nhau khi chống ngoại xâm, mà chúng ta không thể đoàn kết với nhau nhiều như vậy, khi phải cùng sát cánh đòi quyền lợi cho tập thể...
(Xem tiếp tại
TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC SỐ 20)
Đông A
© Tạp chí Phía Trước

THAM KHẢO
Bách khoa toàn thư Universalis 2003, mục Science politique
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, địa chỉ web: http://en.wikipedia.org/wiki/Politics, tham khảo ngày 24/12/2008
Bàn về khế ước xã hội – Rousseau J. Phiên bản web tại http://www.marxists.org/vietnamese/rousseau/kheuoc/index.htm
Báo cáo nghiên cứu về xung đột đất đai (1980 -2005) – Học viện quốc gia Nông học Pháp – INRA
Politics – Aristotle – phiên bản web tại http://www.iep.utm.edu/a/aris-pol.htm
Thủ đoạn chính trị - Vũ Tài Lục – Phiên bản web tại
http://www.vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=20342


DOWNLOAD TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC SỐ 20 (THÁNG 01/2009)


No comments:

Post a Comment