Monday, February 9, 2009

CÁC GIÁM ĐÔC ĐỔ XÔ ĐI LỄ CHÙA

Các giám đốc tất bật lễ chùa đầu năm
Thứ hai, 9/2/2009, 17:00 GMT+7
http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Kinh-nghiem/2009/02/3BA0B175/

Lo ngại tình hình kinh tế khó khăn, hoạt động kinh doanh giảm sút, những ngày đầu năm, nhiều chủ doanh nghiệp tạm gác công việc sang một bên để đi lễ chùa. Họ tin rằng "tâm tĩnh thì đầu sáng"- sẽ giúp họ tìm được hướng đi thích hợp trong hoạt động kinh doanh của mình.
Tờ mờ sáng nay, hai vợ chồng sếp Quang - chủ một doanh nghiệp kinh doanh hàng điện tử ở phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội - mang lễ và vàng tiền về Bắc Ninh để xin lộc bà Chúa Kho, với hy vọng khoản tiền 1,2 triệu USD dự kiến vay bà Chúa trong năm nay sẽ sinh sôi nảy nở, giúp ông vượt qua giai đoạn khó khăn.
Sếp Quang vốn là người "vô thần", lâu nay chỉ biết tin vào bản thân, chuyện lễ bái trở thành phần việc riêng của bà xã. Năm nào cũng vậy, qua ba ngày Tết là ông bắt tay ngay vào kinh doanh, chị nhà lo chuyện đối nội đối ngoại trong gia đình, thờ cúng. Có khi chị lặn lội vào tận miền Trung để lễ "Ông Hoàng Mười" hay về hội Phủ Dày ở Nam Định để tạ bà chúa Liễu Hạnh... ông cũng chẳng bận tâm.

Phủ Tây Hồ lúc 13h chiều nay. Ảnh: N.L.A.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A0/B1/75/chua.jpg

Ba năm trước, hoạt động kinh doanh của ông phất lên như diều gặp gió. Mạng lưới phân phối được mở rộng ra khắp các tỉnh miền Bắc, sếp Quang chuyển sang đầu tư một số lĩnh vực tay trái như bất động sản và chứng khoán. Trong một chuyến đi công tác tại Trung Quốc hồi đầu năm 2007, tình cờ sếp Quang được một người lạ mặt phán rằng: Gia đình ông sắp gặp vận đen, nếu không thường xuyên cầu cúng thì gia tài sẽ mất sạch.
Chẳng tin vào lời nói vu vơ, sếp Quang quên ngay lời tiên đoán. Đùng một cái đến cuối năm 2007, cậu em trai thua cờ bạc, tiêu tốn của ông gần 1 tỷ đồng. Chưa hoàn hồn vì "cú lừa" của chính người thân trong gia đình thì bước sang năm 2008, hoạt động kinh doanh của ông bắt đầu sa sút.
Chi phí đầu vào gia tăng, thị trường nhà đất đóng băng, cổ phiếu cũng thi nhau dò đáy, toàn bộ vốn liếng làm lụng trong 3 năm của sếp Quang bỗng chốc tiêu tan. Từ đây, ông bắt đầu tin vào những lời tiên đoán. Rồi, ông bắt đầu tìm đến "cửa chúa" để mong hóa giải vận đen. Không chỉ ngày rằm, mùng một mà bất cứ khi nào thấy tâm trạng bất an, kinh doanh gặp bế tắc là ông lại tìm đến cửa chùa.
Năm nay, cùng với đà suy thoái của kinh tế thế giới, hoạt động kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Ông Quang đánh bạo sắm mâm lễ trị giá 1,2 triệu đồng gồm tiền vàng, ngũ sắc, cây ngọc, cành vàng để ớm hôm nay về Bắc Ninh, dâng bà Chúa Kho để vay 1,2 triệu USD, lãi suất 0%, hẹn một năm sau sẽ trả, kèm theo lễ tạ. Ngày khai hội sáng nay, các tăng ni, phật tử ở khắp nơi cũng đổ về đây xin lộc. Từng đoàn ôtô xếp san sát cả một đoạn đường dài, trong đó có nhiều ông chủ doanh nghiệp mà ông từng biết.

Ai cũng cầu mong cho mình và những người thân yêu có một năm an bình, hạnh phúc. Ảnh: T.Nga.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A0/B1/75/chua4.jpg

Anh Tuấn - chủ một doanh nghiệp phân phối hàng mỹ phẩm của Thái Lan ở phố Tôn Đức Thắng thì giữ thói quen đến cửa chúa ngay từ khi thành lập công ty (năm 2002). Theo anh Tuấn, đi chùa cốt phải thành tâm, đã đến nơi này mà vẫn hoài nghi hay có tư tưởng nhạo báng thì sẽ mất lộc.
Anh cho hay, điểm khác biệt so với mọi năm là giới doanh nhân không còn "sùng ở một cửa" mà mang lễ đi "vái tứ phương". Nếu như mọi năm, giới làm ăn chỉ trung thành ở cửa bà Chúa Kho thì năm nay họ còn tìm đến những nơi thờ tự linh thiêng như Bia Bà ở Hà Đông, chùa Bái Đính, Ninh Bình... Tuy nhiên, cùng với đà giảm sút của nền kinh tế, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, nên quả lễ dâng Thánh cũng gọn nhẹ và ít cầu kỳ hơn so với mấy năm về trước.
"Đúng là "phú quý sinh lễ nghĩa", năm ngoái có chủ doanh nghiệp còn sắm cả thủ lợn, xe Rolls-Royce, nhà lầu để đi cúng tế. Năm nay, hầu như vắng hẳn nghi thức này", anh Tuấn nói.

Tại Phủ Tây Hồ - Hà Nội mấy ngày nay hàng nghìn tín đồ ở khắp nơi cũng đổ về để cúng lễ. Vợ chồng ông Quân - chủ doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội trưa nay cũng sắm một quả lễ với đủ loại vàng tiền, rượu Tây, giò chả đến đây để dâng Thánh. Năm nào ông cũng thân chinh đi cúng chùa đầu xuân để cầu một niên làm ăn phát đạt, may mắn. Ông lên kế hoạch cúng lễ rất kỹ, sáng Mười bốn tháng Giêng về Nam Định, đúng 12h đêm lấy Ấn, rồi trở về Hà Nội. Trưa đi lễ Phủ Tây Hồ, chiều tối lại cùng mấy người bạn về Bắc Ninh lễ bà Chúa Kho.
Ông Quân cho hay lâu nay, giới doanh nhân đều tâm niệm hai đại lễ không thể thiếu trong tháng đầu năm. Đó là lễ vay tiền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) và lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định). Hai lễ này khác nhau ở chỗ một bên là cầu tiền tài, một bên là cầu chức tước, nhưng đều mang lại cho người cầu cúng những ý niệm về thăng tiến, thành đạt trong năm mới. Năm 2009, tình hình kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn nên giới kinh doanh càng chăm lo chuyện cúng cầu.
Ngay từ sáng sớm 14 tháng Giêng, lãnh đạo một số doanh nghiệp đã í ới điện thoại chuẩn bị xuất quân về Đền Trần - TP Nam Định để dự lễ khai ấn đầu năm. Giám đốc một doanh nghiệp viễn thông còn cất công bay từ TP HCM ra Hà Nội rồi đi đường bộ về Nam Định để xin ấn Thánh. Đi cùng anh còn có 3 người bạn cũng đều là chủ doanh nghiệp lớn có trụ sở đóng tại địa bàn Hà Nội. Ai cũng muốn là một trong số 100 người đầu tiên nhận được dấu ấn được in trong giờ Tý (24h đêm 14, rạng mười Rằm tháng Giêng). Bởi lẽ đây là giờ linh thiêng và đem lại cho người ta sự may mắn thành đạt trên con đường công danh sự nghiệp.
Một chuyên gia tư vấn ở Hà Nội - người đã dày công nghiên cứu Kinh Dịch cũng cũng cho rằng càng những người thành công, làm ăn phát đạt càng coi trọng việc thờ tự. Theo ông, cúng cầu là thiện nguyện nên sắm lễ nhiều hay ít không quá quan trọng. Chuyện kinh doanh thành hay bại còn phụ thuộc vào thời vận, đức độ, phước của mỗi người chứ không phải cứ cúng chùa, vay tiền âm làm ăn là có thể yên tâm hưởng lợi.


Phan Linh Anh

No comments:

Post a Comment