Wednesday, February 25, 2009

CÁC BAI HỌC TRONG CUỘC GIẢI THỂ CỘNG SẢN ĐÔNG ÂU 1989

Chúng Ta Đã Học Được Gì Trong Cuộc Cách Mạng Giải Phóng Con Người Của Nhân Dân Đông Âu 1989
GS Lai Thế Hùng
Thứ Ba, ngày 24 tháng 2 năm 2009
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20090224_04.htm

Nhân kỷ niệm năm thứ 20 cuộc cách mạng giải phóng con người lớn lao nhất thế kỷ XX của nhân dân Đông Âu đạp đổ được các cơ chế độc tài chuyên chính, làm tan rã Khối Cộng Sản quốc tế và Liên Bang Xô Viết bị tiêu vong (1989-2009). Chúng ta thử ôn lại, tìm hiểu và có thể rút ra được những bài học lịch sử quí báu nào trong «cuộc cách mạng giải phóng con người» lớn lao này. Nói một cách khác «cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng nhân bản» mà nhân dân Đông Âu đã đồng tâm hiệp lực, quyết liệt, kiên cường và bất chấp mọi hy sinh, liên tục đấu tranh cả hơn một nửa thế kỷ mới đạt được mục tiêu: «giải trừ Cộng Sản, quang phục quê hương».

Khởi đi từ Biến cố Thiên An Môn tại Trung Cộng vào tháng 5 năm 1989, đến sự băng hoại guồng máy Xô Viết tại Nga, rồi dẫn đến sự sụp đổ hàng loạt các chế độ Cộng Sản ở Đông Âu, Trung Mỹ, Phi Châu vào năm 1991. Cuộc đấu tranh thành công của nhân dân Đông Âu, loại bỏ được các cơ chế độc tài chuyên chính nơi đây, đi tiên phong là nhân dân Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Ba Lan, Đông Đức, Bảo Gia Lợi và các nước vùng Baltic. Cuộc cách mạng nói trên, không những đã giải phóng hàng trăm triệu người dân khỏi các cơ chế độc tài chuyên chính, làm thay đổi tương quan giữa các siêu cường, biến đổi sinh hoạt chính trị thế giới, mà còn đem lại vận hội mới cho các dân tộc thống khổ bởi chủ nghĩa và cơ chế độc tài Cộng Sản.

Tuy đã qua đi hai thập niên; nhưng âm hưởng của những biến cố trọng đại trong cuộc đổi đời 1989 ở Đông Âu, đã làm cho tập đoàn thống trị Cộng Sản Hà Nội (CSHN) nói riêng, và nói chung các cơ chế độc tài chuyên chính còn sót lại trên thế giới vẫn lo âu, hoảng sợ.

Những con dân Việt tại quốc nội, đang phải gánh chịu muôn vàn tủi nhục, bị đọa đầy, lầm than thống khổ vì họa CS hay đang lưu bạt nơi xứ người hải ngoại như chúng ta đây - Tất cả đều có chung một nguyện ước, một y chí và một ‎quyết tâm tranh đấu cho đến khi nào quê hương đất nước thực sự được tự do, dân chủ, nhân bản và phú cường. Cho nên, chúng ta cần phải soát xét lại những phương thức, đường hướng và mọi nỗ lực đấu tranh của chúng ta. Nói một cách khác, chúng ta cần soát xét lại «chiến thuật đấu tranh» và làm thế nào thích ứng đươc nhu cầu tranh đấu chung để cùng đồng hành với các cao trào đòi quyền làm người, tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và quyền mưu cầu hạnh phúc mà mọi giới đồng bào đã và đang quyết liệt vùng lên, ngày một dâng cao khắp nơi tại quê nhà Việt Nam. Lẽ cố nhiên là để chúng ta cùng đồng tâm hiệp lực đấu tranh, loại bỏ cho kỳ được cơ chế và chủ nghĩa CS phản dân hại nước, đang thống trị quê hương ta hiện nay.

Cũng từ đó, «cuộc cách mạng giải phóng con người lớn lao của nhân dân Đông Âu năm 1989», đã để lại những bài học lịch sử đấu tranh quí báu mà chúng ta cần ghi nhận, đó là:

1/- Sự quyết tâm, kiên cường, liên tục, trường kỳ và đoàn kết tranh đấu: Cuộc cách mạng giải phóng con người ở Đông Âu, tuy rằng vào giai đoạn cuối, chỉ xẩy ra trong vòng có 4 tháng, khởi đầu từ Ba Lan vào tháng 8 năm 1989; nhưng nhân dân Đông Âu đã quyết tâm, kiên cường, liên tục và dũng cảm đấu tranh không mỏi mệt, ròng rã trong suốt 40 năm. Cuộc đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ của các dân tộc Ba-Lan, Hung Gia Lợi, Đông Đức, Tiệp Khắc, Bảo Gia Lợi và Lỗ Ma Ni được khởi đầu ngay sau khi Nga Xô đem quân thôn tính các quốc gia này cũng như toàn cõi Đông Âu và thiết lập các cơ chế độc tài chuyên chính CS nơi đây khi thế chiến thứ hai vừa kết thúc. Những cuộc tranh đấu của các dân tộc Đông Âu, đáng kể nhất là các cuộc nổi dậy của nhân dân Đông Đức năm 1953, Hung Gia Lợi năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968 và Ba Lan năm 1980. Thành quả mà nhân dân Đông Âu đạt được trên con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân bản đã phải vun đắp bằng chính máu xương, lòng dũng cảm và sự hy sinh vô ngần của chính họ. Do đó, người Việt quốc nội cũng như hải ngoại, chúng ta không thể trông chờ chế độ độc tài chuyên chế CSHN hiện nay, tự nguyện trả lại quyền làm người, tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và ấm no, hạnh phúc cho toàn dân. Chúng ta phải quyết tâm và kiên cường đấu tranh. Cho dù chưa đẩy CSHN vào thế chân tường, chúng ta cũng không thể vì vậy mà cầu hòa hay thỏa hiệp với bạo quyền thống trị. Vì «hòa giải hòa hợp hay thỏa hiệp cầu hòa tức là tự đầu hàng và mặc nhiên chấp nhận sự thống trị của bạo quyền trong hiện tại cũng như mãi mãi về sau».

2/- Mục tiêu đấu tranh không thay đổi; nhưng phương thức tranh đấu phải uyển chuyển tùy theo tình hình. Nói một cách khác, «chiến lược không thay đổi, nhưng chiến thuật phải linh động»: Mục tiêu đấu tranh của nhân dân Đông Âu nói chung và nói riêng của nhân dân Ba Lan, Hung Gia Lợi, Đông Đức, Tiệp Khắc, Bảo Gia Lợi, Lỗ Ma Ni đều giống nhau là loại bỏ cơ chế độc tài chuyên chính CS để thiết lập chế độ dân chủ pháp trị với hệ thống chính trị đa nguyên, đa đảng và nhân quyền, dân quyền phải được bảo đảm. Tuy nhiên, phương thức đấu tranh mỗi nước mỗi khác, như: Tại Ba Lan, từ «đấu tranh đòi tăng lương và cải thiện đời sống của công nhân xưởng đóng tầu Gdansk đã biến thành cuộc đấu tranh đòi thành lập nghiệp đoàn tự do không bị đảng CS kiểm soát», và cuối cùng đòi nghiệp đoàn Đoàn Kết được quyền sinh hoạt chính trị, với mục đích để biến chế độ độc đảng thành chế độ đa đảng. Tại Đông Đức, cuộc ra đi lớn lao của công nhân và chuyên viên đã làm cho nền kinh tế Đông Đức suy sụp, bắt buộc đảng CS nơi đây phải nhượng bộ từ bước này sang bước khác. Khởi đầu, CS Đông Đức chấp nhận hủy bỏ việc hạn chế xuất ngoại, tiếp đến phải nhượng bộ phá bỏ bức tường Bá Linh, tiếp theo là phải nhượng bộ nhân dân bằng cách mở cuộc điều tra toàn thể ủy viên bộ chính trị đảng CS trong vấn đề tham nhũng và cuối cùng phải nhượng bộ nhân dân trong vấn đề chấp nhận đối lập và bầu cử tự do. Tại Tiệp Khắc và Bảo Gia Lợi, nhân dân đã kiên trì biểu tình dưới trời đông tuyết giá từ tuần này sang tuần khác để bắt buộc nhà cầm quyền CS phải từ chức, để cho bộ máy cầm quyền mới hứa hẹn bầu cử tự do và chấp nhận sinh hoạt chính trị đa đảng. Tại Lỗ Ma Ni, cuộc đấu tranh của nhân dân bị đàn áp đẫm máu, đánh thức được lương tri quân đội,- Nhờ vậy, quân đội đã cùng nhân dân đạp đổ và cơ chế CS nơi đây đã phải trả một giá đắt nhất trong các cơ chế CS tại Đông Âu. Một cách tổng quát, từ Hung Gia Lợi đến Lỗ Ma Ni, hình thức đấu tranh của nhân dân Đông Âu thay đổi từ ôn hòa đến bạo lực, từ nhẹ nhàng đến đẫm máu, từ thỏa hiệp giai đoạn đến tiêu diệt bộ máy cầm quyền; nhưng tất cả đều quyết liệt. Nhân dân Đông Âu đã chứng tỏ được sức đề kháng, đấu tranh vô cùng linh động tùy theo tình huống. Bài học mà chúng ta rút ra được từ cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Âu là khi chế độ độc tài chuyên chính còn ngoan cố, «chúng ta không thể loại bỏ bất cứ một phương thức đấu tranh nào cho đến khi đạt được mục tiêu, đó là tự do, dân chủ, nhân bản và ấm no, hạnh phúc cho dân tộc».

3/- Biết nắm lấy thời cơ đúng lúc:
Chúng ta biết rằng, sau 2 năm Liên Xô thi hành chính sách glasnost và perestroika với mục đích để cứu vãn nền kinh tế vốn đã suy sụp cũng như để giữ vững ngôi vị siêu cường của mình, trong khi đó xã hội Liên Xô lại có những biến chứng, như tranh chấp chủng tộc, tranh chấp biên giới giữa các nước và khuynh hướng đòi tự trị, đòi độc lập của một số tiểu bang thuộc Liên Bang Xô Viết. Vì vậy mà Nga Xô không thể đem quân đàn áp bởi những khó khăn nội bộ và phải đóng vai trò hòa hoãn với thế giới tự do, hầu mong đạt được thỏa hiệp tài giảm binh bị với Tây phương, từ đó mới có thể cắt giảm ngân sách quốc phòng để cải tiến nền kinh tế suy sụp và hơn nữa, Nga Xô còn trông chờ sự giúp đỡ vốn đầu tư và khả năng kỹ thuật từ các nước Tây phương. Vì vậy, nhân dân Đông Âu đã nắm được thời cơ thuận lợi này một cách mau chóng vùng dậy, dành phần thắng lợi cho cuộc đấu tranh.

4/- Lùi một bước để tiến hai bước khi cần, hay lấn lướt tiến lên khi tình thế cho phép: Từ tháng 1 năm 1989, trước tình trạng bất cộng tác của nhân dân trong chương trình cứu nguy nền kinh tế, CS Ba Lan đã tìm cách thương thuyết với nghiệp đoàn Đoàn Kết. Sự thỏa thuận của nghiệp đoàn Đoàn Kết trong cuộc bầu cử tháng 6 năm 1989 đã làm cho các quan sát viên quốc tế lúc bấy giờ rất lo ngại, vì hai bên (CS và nghiệp đoàn Đoàn Kết) thỏa thuận bầu cử thượng viện và 35% hạ viện. Sự thỏa thuận này cũng làm cho các bình luận gia e ngại nghiệp đoàn Đoàn Kết mất thế nhân dân. Nhưng các chiến lược gia của nghiệp đoàn Đoàn Kết đã áp dụng «chiến thuật lùi một bước để tiến hai bước» một cách ngoạn mục. Lùi một bước là chấp nhận để CS Ba Lan có quyền chỉ định 65% hạ viện. Tiến hai bước là bắt buộc CS Ba Lan chấp nhận nghiệp đoàn từ tình trạng một tổ chức ái hữu, xã hội bất hợp pháp trở thành tình trạng một tổ chức chính trị hợp pháp và đối lập với đảng CS. Thành quả tiên khởi «tình trạng hợp pháp» của nghiệp đoàn Đoàn Kết là bước đầu đi đến tình trạng sinh hoạt chính trị đa đảng, hầu tiến tới cơ chế đa nguyên sau này cho Ba Lan. Nhưng tại Đông Đức, nhân dân lại áp dụng «chiến thuật lấn lướt tiến lên khi tình thế cho phép». Khởi đầu cho một chuỗi biến cố lấn lướt của nhân dân Đông Đức là sự kiện nhân dân Hung Gia Lợi phá bỏ hàng rào ngăn cách biên giới Hung và Áo vào ngày 20 tháng 9 năm 1989 thì hàng chục ngàn người dân đã bỏ nước ra đi bằng lộ trình Tiệp-Hung-Áo-Tây Đức. Trong khi đó, tại thành phố Leipzig của Đông Đức, một vài trăm người hội thảo đòi thay đổi qui chế du lịch. Trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập cơ chế CS ở Đông Đức vào ngày 7 tháng 10 năm 1989, hàng ngàn người biểu tình ở Đông Bá Linh và hàng chục ngàn người biểu tình ở Leipzig đòi được phép xuất ngoại. Erich Honecker (lãnh tụ CS Đông Đức) đã phải từ chức, Krenz thay thế, hứa hẹn sửa đổi qui chế xuất ngoại và du lịch. Nhân dân Đông Đức tiếp tục lấn lướt, bằng cách hàng chục ngàn người bỏ nước ra đi và hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình đòi hỏi cải tổ cơ cấu chính trị và cơ cấu kinh tế. Krenz đã bắt buộc phải phá bỏ bức tường Bá Linh với hy vọng ngăn chận được làn sóng người bỏ nước ra đi và thỏa mãn nhân dân còn ở lại. Nhân dân Đông Đức lại tiến thêm một bước nữa, đó là đòi hỏi toàn bộ chính trị phải từ chức và phải chấp nhận bầu cử tự do. Trước áp lực của nhân dân, CS Đông Đức đã phải chấp nhận quản thúc Honecker và các cộng sự viên, để điều tra về tội tham nhũng, hứa hẹn tự do bầu cử vào ngày 6 tháng 5 năm 1990. Chỉ trong vòng một tuần lễ, đảng CS Đông Đức mất 1 triệu đảng viên trong tổng số 2 triệu 3 ngàn và tổ chức Tân Hội Nghị (Tổ chức đòi loại bỏ cơ chế CS) từ 20 đoàn viên tăng lên một triệu đoàn viên. Nhân nhân Đông Đức đã lấn lướt từ những đòi hỏi nhỏ đến những đòi hỏi lớn. Cuối cùng, với «chiến thuật lấn lướt tiến lên khi tình thế cho phép», chưa đầy 3 tháng, nhân dân Đông Đức đã đạt được mục tiêu đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền được tôn trọng.

5/- Triệt để áp dụng qui luật Domino hay «qui luật địa ly‎ chính trị»: Vào trung tuần tháng 11 năm 1989, nhà cầm quyền CS Tiệp Khắc và Bảo Gia Lợi vẫn tự tin là kiểm soát được dân chúng; nhưng nhân dân của hai quốc gia này đã biết áp dụng qui luật Domino,- khi con bài Domino CS Ba Lan sụp đổ, tiếp theo là con bài Domino CS Hung Gia Lợi, rồi đến con bài Domino CS Đông Đức, nhân dân Tiệp Khắc và Bảo Gia Lợi đã nhận thức được «qui luật tương quan giữa vị trí địa l‎y và sinh hoạt chính trị», nên đã mạnh dạn đứng lên đấu tranh, xô ngã hai con bài Domino kế tiếp và cả chế độ chuyên chế Tiệp Khắc, Bảo Gia Lợi đã phải sụp đổ theo. Những cuộc bầu cử tự do và sinh hoạt chính trị đa đảng đã được qui định. Nhân dân Tiệp Khắc và Bảo Gia Lợi đã đạt được mục tiêu đấu tranh.

6/- Tinh thần kỷ luật và tinh thần trật tự của quần chúng tạo thành sức mạnh phi thường: Ngoại trừ Ba Lan có nghiệp đoàn Đoàn Kết thành hình từ 10 năm trước đó (1980), tuy bị đàn áp và cấm đoán; nhưng hệ thống cán bộ vẫn còn, các nước khác như Đông Đức, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Bảo Gia Lợi, Lỗ Ma Ni, thì các tổ chức đối lập quá yếu, hoặc không có. Tại Đông Đức chỉ có tổ chức New Forum, thời điểm nhân dân Đông Đức bắt đầu công khai đấu tranh, hội viên của New Forum có khoảng 20 người. Tiệp Khắc có Civic Forum, thời điểm nhân dân Tiệp bắt đầu đấu tranh công khai, hội viên cũng chỉ có khoảng 50 người. Các cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Âu đã có một tinh thần tự giác cao độ, nhờ đó đã tạo thành một sức mạnh lớn lao trong trật tự, đã làm thế giới phải kính phục và làm cho các cơ chế CS nơi đây khó đối phó. Hàng triệu người xuống đường cùng một lúc, tại nhiều thành phố khác nhau, cùng chịu đựng sự khắc nghiệt của khí hậu, cùng đòi hỏi một nguyện vọng, cùng thắp nến cầu nguyện hay cùng hát những bài ca dân tộc, tuy chỉ là những tập hợp của quần chúng, không có tổ chức mà như một tổ chức chặt chẽ và lớn lao! Chúng ta chỉ có thể giải thích được hiện tượng này bằng 2 ly do: Thứ nhất là nhân dân Đông Âu có trình độ nhận thức cao; Thứ hai là vì khát vọng tự do, dân chủ đã làm cho hằng triệu con tim có cùng nhịp đập, hằng triệu khối óc có cùng ‎y nghĩ mới có được sức mạnh vô song như vậy.

7/- Nhân dân trong nước và kiều bào tỵ nạn ở ngoài nước đều y thức được bổn phận và phối hợp nhịp nhàng trong nhiệm vụ cứu nước. Chúng ta đã thấy rõ vai trò của kiều dân Ba Lan suốt trong 10 năm nghiệp đoàn Đoàn Kết đấu tranh trong nội địa Ba Lan. Điều đáng nói là Ba Lan đã bị CS cướp chính quyền từ năm 1948, nhưng kiều dân Ba Lan ở Âu Châu và Mỹ Châu vẫn không chấp nhận cơ chế cầm quyền trong nước. Trước thời gian có nghiệp đoàn Đoàn Kết, các cộng đồng Ba Lan tỵ nạn ở hải ngoại luôn luôn gây áp lực với guồng máy chuyên chính CS trong quốc nội, bằng cách vận động dư luận quốc tế lên án các vi phạm quyền làm người và nhân quyền của cơ chế chuyên chính. Đến khi nghiệp đoàn Đoàn Kết được thành lập, cộng đồng kiều dân Ba Lan ở hải ngoại đã yểm trợ tài chánh, phương tiện truyền thông và tích cực vận động dư luận quốc tế áp lực CS Ba Lan công nhận nghiệp đoàn Đoàn Kết được hoạt động.
Thêm vào đó, lập trường không lay chuyển của hàng trăm ngàn công dân Đông Đức bỏ nước ra đi, dù rằng CS Đông Đức đã phải công bố sửa đổi chính sách xuất ngoại, cũng góp một phần vào việc xô ngã bức tường ô nhục Bá Linh.

8/- Không thỏa hiệp, cầu hòa hay hòa giải, hòa hợp với bạo quyền thống trị trong nước: Từ khi cơ chế chuyên chính CS được thiết lập tại Nga năm 1917 và các nước Đông Âu sau thế chiến thứ hai, khối 20 triệu kiều dân Đông Âu tỵ nạn ở Tây Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ và Úc Châu, dòng dã hơn 40 năm lưu lạc nơi xứ người, cho dù tập đoàn thống trị Xô Viết và bọn tay sai Điện Cẩm Linh tại hải ngoại dụ dỗ, mua chuộc và bằng mọi cách phân hóa; nhưng khối kiều dân Đông Âu tỵ nạn ấy, không bao giờ bị lung lạc, bị mê hoặc bởi những phỉnh gạt của tập đoàn thống trị CS trong nước tung ra. Vì họ y thức được rằng: «liên lạc, cầu hòa, thỏa hiệp, giao lưu hay đối thoại với bạo quyền đang thống trị, có khác chi là đồng lõa với tội ác, đồng lõa với kẻ thù đang hãm hại dân tộc họ, và làm hại đến cuộc đấu tranh chung, phản bội tổ quốc, đi ngược lại khát vọng của toàn dân trong nước». Khối kiều dân Đông Âu tỵ nạn ấy đều y thức được rằng, ngay cả «thái độ bàng quan, thờ ơ, hay ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi thống khổ của dân tộc, đã là một đắc tội với tổ quốc», nói chi đến những hành động làm tay sai hay trở thành những kẻ vô liêm sỷ, khấu đầu kẻ thù vì tư lợi. Khối kiều dân Đông Âu tỵ nạn ấy luôn son sắt với tâm nguyện lúc ra đi tìm tự do nơi xứ người, thủy chung với nhân dân quốc nội, đoàn kết, một lòng quyết liệt đấu tranh không ngưng nghỉ và không khoan nhượng với kẻ thù.

Tóm lại, «cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng nhân bản 1989» của nhân dân Đông Âu đã gửi đến các dân tộc đang sống dưới cơ chế độc tài chuyên chính CS những bài học đấu tranh quí báu, đáng kể: - Phải đoàn kết hợp nhất, quyết tâm, liên tục và kiên cường đấu tranh trên mọi bình diện, dưới mọi hình thức và bằng mọi phương cách; - Phải chủ động trong cuộc đấu tranh và đặt quyền lợi quốc gia, dân tộc lên trên hết;- Phải bằng một thái độ sống, một quyết tâm dấn thân, hy sinh, tự tin, thành tín, bất khuất, sáng tạo, kiên trì và triệt để;- Mục tiêu không thay đổi; nhưng phương thức đấu tranh cần linh động, uyển chuyển tùy theo tình hình. Nói một cách khác, «chiến lược không thay đổi, nhưng chiến thuật cần linh động»;- Biết ứng dụng chiến thuật lùi tiến khi cần hay lấn lướt tiến lên khi tình thế cho phép;- Biết ứng dụng quy luật Domino hay quy lu ật địa l‎y chính trị;- Tinh thần kỷ luật và tinh thần trật tự của quần chúng tạo thành sức mạnh phi thường khi thời cơ đến.

Ngoài ra, «cuộc cách mạng giải phóng con người 1989 của nhân dân Đông Âu» còn gửi đến các cơ chế CS ở Á Châu và Châu Mỹ Latin hai thông điệp quan trọng:

- Thứ nhất, số phận của các đảng CS sẽ được nhân dân định liệu tùy theo mức độ giác ngộ của những người lãnh đạo CS. Vai trò của đảng CS ở Ba Lan, ở Hung Gia Lợi, ở Tiệp Khắc, ở Bảo Gia Lợi trong cộng đồng dân tộc vẫn được chấp nhận vì họ biết giác ngộ đúng lúc, và biết đáp ứng khát vọng của người dân đúng thời. Nhưng số phận của những người lãnh đạo CS ở Đông Đức, đặc biệt ở Lỗ Ma Ni đã bị nhân dân đối xử nặng nề, vì sự ngoan cố của họ.

- Thứ hai, nếu những người lãnh đạo CS vẫn tỏ ra ngoan cố và bất chấp khát vọng của dân tộc, thì quân đội CS - một tổ chức mà CS tự hào luôn luôn trung thành với Đảng CS - một phút nào đó sẽ giác ngộ và sẽ đứng về phía nhân dân.

Cuộc cách mạng giải phóng con người lớn nhất thế kỷ XX ở Đông Âu giống như «cuộc cách mạng nhân quyền và dân quyền Pháp 1789», đã để lại cho nhân loại những bài học quí báu. Những dân tộc còn mất quyền con người, không những tiếp nhận được nguồn cảm hứng phi thường của «cuộc cách mạng giải phóng con người ở Đông Âu 1989», mà còn ứng dụng những kinh nghiệm quí báu của cuộc cách mạng đó trong cuộc đấu tranh dành lại quyền sống, quyền làm người, quyền hưởng tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của dân tộc mà đồng bào quốc nội và chúng ta đây đang theo đuổi, cũng như của các dân tộc đang trong vòng kiểm tỏa bởi chủ nghĩa và cơ chế chuyên chính CS.


No comments:

Post a Comment