Friday, February 6, 2009

BÔ-XÍT VÀ TÂY NGUYÊN

Bôxit và Tây Nguyên, đôi điều cần nói thêm
Hoà Vân
Cập nhật : 05/02/2009 23:02
http://www.diendan.org/viet-nam/boxit-va-tay-nguyen/

Ngày 4.2.2009, nhân buổi họp báo đầu năm của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời một câu hỏi của báo Tuổi Trẻ liên quan đến vấn đề khai thác bôxit ở Tây Nguyên. Chúng tôi đăng lại dưới đây (xem khung) toàn văn câu hỏi và câu trả lời, và xin có đôi điều thiết nghĩ cần nói thêm.

* Thưa Thủ tướng, vừa qua đại tướng Võ Nguyên Giáp có một
bức thư gửi Thủ tướng về vấn đề khai thác bôxit ở Tây nguyên. Xin hỏi Thủ tướng đã nhận được bức thư này?
- Thư của đồng chí Võ Nguyên Giáp tôi đã nhận được. Khai thác bôxit Tây nguyên là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được nêu trong nghị quyết đại hội X của Đảng và Bộ Chính trị đã ba lần nghe, kết luận về phát triển bôxit Tây nguyên. Chính phủ đã phê duyệt một quy hoạch về bôxit Tây nguyên với tinh thần là phát triển hiệu quả, bền vững. Có ý kiến cho rằng khai thác bôxit Tây nguyên sẽ có vấn đề môi trường. Nội lực, tiềm năng đất nước trước hết là con người, thứ hai là đất đai. Hiện nay chúng ta đất chật người đông.
Còn khoáng sản không phải là vô tận, trong đó có dầu thô, thép, đồng, kẽm, đá vôi để sản xuất ximăng… Có những loại khoáng sản khai thác một số năm nữa sẽ không còn. Bây giờ chúng ta đã tìm được là bôxit, theo tài liệu của Liên Xô để lại trước đây có 8 tỉ tấn, thuộc loại trữ lượng có cỡ của thế giới… Đương nhiên khai thác phải hiệu quả, có tính tới vấn đề môi trường.
Các đồng chí tin rằng trong điều kiện khoa học kỹ thuật hiện nay, cùng với những nhận biết của Chính phủ thì hoàn toàn có thể thực hiện đúng nghị quyết của Đảng là khai thác hiệu quả, làm ra bôxit, làm ra nhôm nhưng vẫn bảo đảm được môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo đảm an ninh chính trị của đất nước. Ít hôm nữa sẽ có hội thảo do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, trình bày với tất cả các nhà khoa học, các nhà báo quan tâm đến vấn đề bôxit Tây nguyên qua những vấn đề đặt ra, phương án khai thác thế nào, công nghệ thế nào để tạo sự đồng thuận.
VÕ VĂN THÀNH thực hiện (Tuổi Trẻ 5.2.2009)

1/ Trước hết là về hình thức. Trong báo cáo về « phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 », được thông qua tại « Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam » (gọi tắt là Đại hội X), có một câu duy nhất nói về chuyện này như sau :
« Căn cứ vào nguồn lực và hiệu quả, Nhà nước tập trung đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư để phát triển những sản phẩm quan trọng của nền kinh tế, như: lọc hoá dầu, khai thác quặng và luyện thép, phân bón, hoá chất, xi măng, khai thác bô - xít và sản xuất alumin, bột giấy gắn với trồng rừng, một số sản phẩm cơ khí chế tạo. »
Nhưng trong Báo cáo chính trị (có giá trị cao hơn Báo cáo kinh tế) thì việc khai thác bô-xit đã bị loại ra hoàn toàn. Trong báo cáo chính trị, câu tương đương với câu trên được viết như thế này :
« Khẩn trương thu hút vốn trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện một số dự án quan trọng về khai thác dầu khí, lọc dầu và hoá dầu, luyện kim, cơ khí chế tạo, hoá chất cơ bản, phân bón, vật liệu xây dựng. Có chính sách hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô (người viết nhấn mạnh) »

Thế là thế nào ? Tại sao một « chủ trương lớn của Đảng » lại không được ghi trong Báo cáo chính trị ? Thậm chí, lại đi ngược với nó (xem câu in nghiêng trên)
1. Tại sao một « chủ trương lớn của Đảng » lại không được đưa ra bàn thảo rộng rãi như nhiều chủ trương khác trong lúc chuẩn bị đại hội, và cũng chỉ được ghi ngắn ngủi trong một câu nhỏ nằm giữa hàng trăm chi tiết khác của một tiểu mục (II, 1.2) của bản Báo cáo Kinh tế dài mấy chục trang chứ không được phát triển thêm tí nào ?

2/ Về nội dung, có thật Thủ tướng « tin » rằng trong điều kiện khoa học kỹ thuật hiện nay, có thể « làm ra bôxit, làm ra nhôm nhưng vẫn bảo đảm được môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo đảm an ninh chính trị của đất nước » ? Làm ra "nhôm" hay mới chỉ là alumin? Và làm sao "bảo đảm được môi trường" khi người ta biết rằng nhà đầu tư nước ngoài đến từ một đất nước thuộc loại ô nhiễm nhất thế giới? Câu hỏi khác: bảo đảm thế nào, ai bảo đảm, có như việc "giám sát" công ty Vedan với dòng sông Thị Vải nay đã thành dòng sông chết hay không?

Ông Thủ tướng có đọc
Kiến nghị về « 5 nguy cơ và rủi ro », mà một số nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và văn hoá đã gửi cho các nhà lãnh đạo chính quyền sau khi đọc dự án khai thác bôxit ở Tây Nguyên của Tập đoàn Than - Khoáng sản ? Hay bài phân tích đầy tâm huyết, với rất nhiều luận cứ khoa học, nhiều kinh nghiệm thực tiễn của các nước đã hay đang sản xuất nhôm, của cựu đại sứ Nguyễn Trung ? Hay bài viết tập trung hơn vào các vấn đề văn hoá – xã hội – chính trị, của nhà văn hoá Nguyên Ngọc, một người rất am hiểu mảnh đất Tây Nguyên và những dân tộc sống trên đó, nói lên tiềm năng mất ổn định rất lớn của các dự án này, tại một « vùng đất rất nhạy cảm » ? Hay bài phản biện của tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, một chuyên gia của Tập đoàn Than và Khoáng sản (bài đăng hai kỳ trên VietnamNet, kỳ 1 ở đây, và kỳ 2 ở đây) ?

3/ Một nội dung khác, không kém phần quan trọng, mà Thủ tướng không đề cập tới, và báo chí trong nước cũng không được quyền nói tới, hoặc nhiều lắm là chỉ đăng một câu viết bóng gió. Như câu : « Đó là chưa tính đến yếu tố nước ngoài tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường ở Tây Nguyên một khi họ đã vào sâu trên một vùng đất rất nhạy cảm như Tây Nguyên » trong bài đã dẫn của Nguyên Ngọc.

« Yếu tố nước ngoài » nói đây thực ra cũng chỉ là một bí mật kiểu « cứt mèo » cố giấu nhưng chẳng ai không ngửi thấy : một bộ phận cao cấp trong Đảng và chính quyền, vì những lý do thầm kín nào đó, đã chiều lòng các « đồng chí » ở Trung Nam Hải, lén lút cho các nhà đầu tư Trung Quốc quyền (độc quyền ?) khai thác bôxit ở Tây Nguyên – dù Trung Quốc chưa hề đếm xỉa tới khía cạnh công nghệ « sạch » trong lĩnh vực này. Nói thẳng là bán đứng tài nguyên của dân tộc cho một quốc gia đang có nhiều tranh chấp chưa được giải quyết với nước ta. Xin mở ngoặc để nói ngay: Việt Nam cần xây dựng những mối quan hệ hữu hảo với ông bạn láng giềng, nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện với sự đồng tình của người dân, và đòi hỏi những chính sách độc lập, khôn ngoan, được trình bày minh bạch trước công luận, thay cho những việc làm lúi xùi kèm theo những cấm kỵ đối với báo chí và những cuộc đàn áp người biểu tình phản kháng. Đóng ngoặc.

Tây Nguyên không chỉ « rất nhạy cảm » về vấn đề dân tộc như Nguyên Ngọc đã chỉ rõ, mà như mọi người đều biết, là mảnh đất chiến lược mà người nắm quyền kiểm soát sẽ khống chế cả Đông Dương, mà Quân đội nhân dân Việt Nam đã chọn làm điểm thọc làm rung chuyển và sụp đổ chế độ miền Nam vào năm 1975. Ai bảo đảm những « công nhân » hay « kỹ sư » mà các công ty Trung Quốc cử sang khai thác bôxit ở Tây Nguyên không phải là những người lính trá hình, ngoài công việc ở công trường còn có nhiệm vụ nắm những thông tin thiết yếu trong vùng, phục vụ những mục tiêu lâu dài hơn ?

Như chứng từ trong
Thư bạn đọc Vĩnh Thanh trên mặt báo này cho thấy - điều mà Diễn Đàn đã viết trong khung kèm theo bài « 5 nguy cơ và rủi ro » -, dự án này đang « gây ra bức xúc, phẫn nộ ngay trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam ». Vấn đề là những bức xúc và phẫn nộ ấy vẫn chỉ lọt ra xã hội qua những cuộc nói chuyện riêng tư, trong khi, như một chính khách Pháp từng nhận xét, chuyện quốc phòng, an ninh quốc gia là chuyện của quốc dân, « quá quan trọng để có thể chỉ phó mặc cho những người lính chuyên nghiệp ».

4/ Và đây cũng là điểm cần nói để kết thúc bài này. Việc nhà báo chỉ được quyền ghi nhận mà không thể chất vấn, phản bác tuyên bố của một nhà lãnh đạo cấp cao của chính quyền, một khi vị ấy đã viện dẫn một « chủ trương lớn của Đảng » - kể cả viện dẫn không đúng -; việc đầy dẫy những biện pháp được đưa ra để buộc báo chí « đi đúng lề đường bên phải » thay vì tự do phản ánh mọi khía cạnh của đời sống kinh tế xã hội (dù « đen » hay « đỏ »), phản ánh trung thực tâm tư của người dân, chính là nguy cơ của mọi nguy cơ - suy thoái kinh tế, bùng nổ tham nhũng, mất ổn định chính trị…, cho tới nguy cơ đánh mất cả độc lập của Tổ quốc. Những cơ chế nghiêm chỉnh hơn cần phải được đặt ra và nhất là được tôn trọng, để tiếng nói của người dân, của các nhà khoa học, được tự do cất lên và phổ biến (không ai ngăn cản chính quyền có tiếng nói của mình!), và để xã hội dân sự có điều kiện buộc những nhà cầm quyền phải lắng nghe và có biện pháp đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi hợp tình, hợp lý.
Chuyện các dự án bôxit ở Tây Nguyên không thể chỉ là chuyện trình bày các « phương án khai thác thế nào, công nghệ thế nào để tạo sự đồng thuận ».

Hoà Vân


1 « alumin » cũng mới chỉ là một dạng quặng bôxit được sơ chế, tức vẫn thuộc loại « tài nguyên thô » dùng để luyện nhôm, chưa nói tới những sản phẩm công nghệ sử dụng nhôm mới là những sản phẩm có « hàm lượng tri thức » và trị giá gia tăng cao, mà Việt Nam phải vươn tới.



No comments:

Post a Comment