Đặng Tiểu Bình và truyền thông Việt Nam
Hà Hiền
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Hải Phòng
18 Tháng 2 2009 - Cập nhật 14h04 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2009/02/090218_dengxiaoping_media.shtml
Nói đến cuộc xâm lược tháng 2/1979 của Trung Quốc vào các tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến tên một nhân vật nổi tiếng với vai trò chủ chốt, đó là ông Đặng Tiểu Bình.
Báo chí Việt Nam thời kỳ đó miêu tả Đặng như là một kẻ "phản bội chủ nghĩa xã hội", là tên "phản động quốc tế đầu sỏ" bợ đỡ "đế quốc Mỹ" và phương Tây, là kẻ đưa Trung Quốc "đi theo con đường tư bản chủ nghĩa" với thuyết "mèo trắng mèo đen" nổi tiếng thực dụng mà truyền thông VN khi ấy lên án là "cực kỳ phản động".
'Kẻ phản bội'
Tôi không dám chắc những lời lên án chứa đầy những thuật ngữ chính trị ấy tác động đến người Việt Nam như thế nào vào cái thời ấy, nhưng tôi dám chắc là tất cả những người có hiểu biết và lương tri đã sống qua cái thời kỳ đó đều coi Đặng Tiểu Bình là kẻ gây ra tội ác khủng khiếp đối với nhân dân Việt Nam bằng cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo do chính ông phát động.
Cuộc chiến đã lùi xa 30 năm. Hai nước Việt - Trung đã bình thường hóa quan hệ. Cho dù vẫn còn những nhân tố bất ổn tiềm tàng tác động đến quan hệ 2 nước nhưng có thể thấy cả 2 bên đã có những cố gắng không khơi lại những kỷ niệm chẳng mấy tốt đẹp về cuộc chiến tranh biên giới thời kỳ đó.
Nếu đúng đây là thiện chí để thành tâm cùng nhau xây dựng một mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp lâu dài giữa 2 nước thì cũng đáng được ghi nhận, mặc dù làm thế nào để vừa đạt được mục đích này vừa làm cho các thế hệ sau không quên lãng một giai đoạn lịch sử đầy máu và nước mắt của dân tộc, để không làm tủi hổ vong linh những nạn nhân chiến tranh cũng như những người đã hy sinh xương máu của mình để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc một thời, là việc rất nên được bàn 1 cách nghiêm túc.
Xin được tiếp tục quay trở lại với nhân vật chính của cuộc chiến đã được nêu ở đầu bài viết là ông Đặng Tiểu Bình.
'Trí tuệ siêu việt'
Kể từ khi Việt - Trung bình thường hóa quan hệ, hình ảnh và những bài viết về ông Đặng Tiểu Bình lại tiếp tục xuất hiện càng ngày càng nhiều trên báo chí chính thống trong nước.
Chỉ khác là nếu trước đây ông Đặng được miêu tả như là một kẻ phản bội chủ nghĩa xã hội số một, là tên phản động quốc tế đầu sỏ... thì bây giờ ông được vinh danh như là "kiến trúc sư" của công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc và thuyết "mèo trắng mèo đen" của ông được ngợi ca như là một sáng tạo có một không hai, là sản phẩm của một "trí tuệ siêu việt" mà nhờ đó đất nước Trung Hoa đã có những bước "phát triển thần kỳ" trong 30 năm trở lại đây.
Nếu chỉ dừng lại ở những bình luận hay nhận xét ấy thì chẳng có gì đáng phải bàn thêm. Ông Đặng dù là kẻ gây tội ác đối với người Việt thì chúng ta cũng chẳng nên vì thế mà phủ nhận những phẩm chất đặc biệt hay tài năng nào đó của ông. Những chính sách khôn ngoan của ông có thể cũng đáng để cho các nhà lãnh đạo của chúng ta tham khảo học tập.
Lúc đầu, được đọc những đánh giá với "giọng điệu" mới này của truyền thông trong nước, tôi cũng rất háo hức như được ăn một món mới khác lạ hoàn toàn so với món tuyên truyền nói xấu ông Đặng đã được nghe hết ngày này qua ngày khác chỉ cách đây không lâu.
Thế mới biết, không có gì tẻ ngắt bằng những thông tin một chiều.
Một chiều
Nhưng rồi càng ngày hình như người ta lại càng mải mê với cái chiều mới này và thông tin cứ thế lại sa vào con đường một chiều mới.
Hơn nữa, người ta đã không chỉ dừng lại ở chỗ phổ biến những chính sách khôn ngoan của ông Đặng và coi đó là kinh nghiệm và kiến thức quý báu cho các nhà hoạch định chính sách VN học tập.
Họ còn đi xa hơn, theo tôi là quá xa, bằng việc xuất bản hàng loạt các ấn phẩm của các tác giả Trung Quốc được dịch ra tiếng Việt và cả những tác phẩm của các tác giả trong nước không tiếc lời ca ngợi ông Đặng như vĩ nhân, một người có tấm gương đạo đức sáng ngời, có cuộc sống riêng rất đáng học tập, thậm chí có nhiều bài viết còn nêu gương cả gia đình và con cái ông
Không nên coi ai là kẻ thù mãi mãi. Cuộc sống nên như thế. Và chúng ta có thể không nên coi ông Đặng là kẻ thù nữa. Chúng ta có thể đọc và tôn trọng những tác phẩm của ông để tham khảo, để học tập.
Nhưng liệu có hồn nhiên quá không nếu như người ta lại làm "PR" một cách quá liều lượng với những lời lẽ cực kỳ cung kính và trân trọng quá mức cần thiết cho một nhân vật, có thể không còn là kẻ thù nữa, nhưng cũng đã để lại những dấu ấn rất xấu đối với đất nước và dân tộc chúng ta, kẻ một thời đã có thái độ rất ngạo mạn đối với dân tộc chúng ta bằng lời phát biểu "muốn dạy cho Việt Nam một bài học".
Đấy là chưa nói đến liệu những chính sách của ông Đặng có xứng đáng được đề cao quá mức đến thế hay không khi thực chất chỉ là đưa Trung Quốc trở lại con đường phát triển hợp quy luật hơn mà đại đa số các nước văn minh trên thế giới đang đi.
Phải chăng những chính sách của ông có thể chỉ mang tính "sáng tạo" dưới con mắt của người Trung Quốc hay Việt Nam mà thôi. Nhưng đó lại là câu chuyện khác.
Bài viết thể hiện ý kiến riêng của tác giả. Quý vị có chia sẻ hoặc đóng góp, xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk hoặc sử dụng hộp tiện ích bên tay phải.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Độc giả
Đối với người TQ, với đất nước TQ, Đặng Tiểu Bình có những tư chất đáng kính khả dĩ vực dậy một đất nước sớm muộn đi vào diệt vong do bám mãi vào lý thuyết CS truyền thống. Họ Đặng đã sớm nhận ra và đưa TQ trở lại "quỷ đạo phong kiến" sở trường bằng tiếp tục khai thác chủ nghĩa cộng sản.
Điều này càng dễ thực hiện từ cuối các năm 1980 khi các đảng CS lớn nhỏ lần lượt tan rã để không còn một "quốc tế cộng sản" hạch sách ý đồ của Đặng. Sử dụng chủ thuyết CS để xây dựng hệ thống "phong kiến mới" rất hạp lòng các vị lãnh đạo CSVN nơi tính "tập ấm" và "lòng trung thành" được coi là căn bản của sự nghiệp.
Nhiều nhà lãnh đạo của Đảng hiện nay coi việc "đổi mới" khởi xướng từ Đặng Tiểu Bình như một cơ hội để thu vén cho phe nhóm, gia tộc, dòng họ và vì đó tham nhũng cửa quyền tràn lan đến không ai dám dẹp. Cách nay mấy ngày người ta kỷ niệm 81 năm sự kiện "nọc nạn", và trong số những quan chức chính phủ tham dự đã phải thốt lên "coi chừng chúng ta đang tạo ra nhiều đồng Nọc Nạn mới còn thâm hiểm hơn cả cường hào ác bá".
Việc truyền thông VN thay đổi thái độ đối với vai trò của Đặng không phải vì họ không nhận ra cái “khổ nhục đất nước”. Nhưng họ cam tâm làm vậy vì nhiều trong số lãnh đạo cao cấp CSVN coi Đặng Tiểu Bình như cha tinh thần và sẵn sàng xóa đi dấu vết của cuộc xâm lăng do Đặng phát động.
Lọ lem
Người ta thấy ĐTB tài ba là do ĐTB đứng giữa "bọn ngốc" trong một "trại điên" đang xây dựng một chế độ điên rồ (với những quyển Mao tuyển, những phong trào toàn dân nấu thép, toàn dân bắt chim sẻ, đại cách mạng văn hóa, ...). Cải cách của ĐTB quy mô hơn và có thể hiệu quả hơn, nhưng cũng như "Đổi mới" chẳng phải là đổi mới mà thực chất là trả lại cho Nhân Dân một chút Tự Do để quay về Cái Cũ của những quy luật xã hội hiển nhiên muôn đời. Tuy nhiên, như vậy còn hơn là không "Đổi Mới" chút nào.
No comments:
Post a Comment