Thursday, February 5, 2009

ĐÀI LOAN VÀ PHILIPPINES NHẬN CHỦ QUYỀN TRƯỜNG SA

Đài Loan nhận chủ quyền Trường Sa
05 Tháng 2 2009 - Cập nhật 04h54 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2009/02/090205_taiwan_claims.shtml
Sau động thái của nghị viện Philippines, đến lượt Đài Loan ra tuyên bố nhắc lại rằng họ có hoàn toàn 'chủ quyền ở quần đảo Trường Sa' tại Biển Đông.
Theo Taiwan News hôm 04/02/2009, Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của họ đối với các đảo và rặng san hô tại Biển Nam Trung Hoa.

Đây là động thái theo sau việc lưỡng viện quốc hội Philippines lần lượt vào các ngày 28/01 và 02/02 thông qua luật sáp nhập các đảo nhỏ và rặng san hô thuộc quần đảo Trường Sa (Nansha hoặc Spratlys) vào lãnh thổ của họ.

Phía Philippines cũng bằng luật do Thượng viện và Hạ viện thông qua, coi các đảo trong tiếng Anh là Macclesfield Bank Islands (Jhongsha) nay thuộc về nước cộng hòa.

Hiện trên thực tế Đài Loan đang làm chủ các đảo họ gọi là Đông Sa và Thái Bình.
Đặc biệt hơn, ngoài việc tái khẳng định chủ quyền, Đài Loan mời Philippines đàm phán về phân định lãnh thổ và lãnh hải tại toàn vùng.
Báo chí trích Thông tấn xã CNA của Đài Loan nói Đài Bắc muốn đàm phán về tranh chấp 'căn cứ vào các nguyên tắc và hiến chương Liên Hiệp Quốc'.

Hiện chưa thấy phản ứng gì từ những nước trong vùng cũng tuyên bố chủ quyền hoặc toàn bộ, hoặc một phần 180 đảo lớn nhỏ và bãi đá, rặng san hộ ở Trường Sa.
Các nước đó, ngoài Đài Loan và Philippines có Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia và cả Brunei.

Philippines chạy đua

Theo báo chí Philippines hôm 03/02/2009, Hạ viện nước nay đã thông qua luật xác nhận chủ quyền ở Trường Sa với số phiếu áp đảo 171-3.
Luật Hạ viện House Bill (HB) 3216 sáp nhập nhóm đảo họ gọi là Kalayaan trong quần đảo Trường Sa và cả Scarborough Shoal vào lãnh thổ biển của Philippines.
Văn bản của Hạ viện có sự khác biệt về một số định nghĩa so với bản của Thượng viện.
Nhưng Thượng nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago nói Philippines hành động phù hợp với các tuyên bố trước đó về lãnh thổ, lãnh hải và việc duy trì tình trạng hiện hữu, trừ phi có thay đổi về các đảo này bằng biện pháp hòa bình.
Giới bình luận tin rằng Philippines đang thúc đẩy tìm kiếm, khai thác dầu khí trong vùng với sự tham gia của công ty như Philippine National Oil Co.
Nhưng báo The Nation cũng nói nghị viện Philippines chạy đua với thời gian trước hạn định đưa ra quốc tế định nghĩa mới về thềm lục địa mở rộng của nước này theo Luật Biển quốc tế.
Theo Manila Standard Today, hạn chót này là ngày 13/05/2009 và tờ báo cũng nhắc lại rằng Bắc Kinh đã có công hàm phản đối dự luật HB 3216 ngay từ khi nó được đưa ra thảo luận tháng 12/2009.


PHẢN ỨNG CỦA VIỆT NAM


Sớm hoàn chỉnh bản đồ biên giới trên bộ Việt – Trung
19:21' 05/02/2009 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/02/827313/
"Năm 2009, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc để hoàn chỉnh Nghị định thư về phân giới cắm mốc trên bộ cùng các phụ lục kèm theo bao gồm bản đồ, hồ sơ ghi nhận kết quả phân giới cắm mốc đạt được trên thực tế trong những năm qua", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho hay chiều 5/2.
Ông Lê Dũng cho biết đó là công việc tiếp theo sau khi hai nước ký kết Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Vào tuần cuối cùng của tháng 2 này, hai nước sẽ tổ chức lễ mừng công việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên bộ tại cửa khẩu Hữu nghị (Lạng Sơn).
Ông Lê Dũng cũng cho hay, trong năm 2009, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục thương lượng về quy chế quản lý biên giới mới và Hiệp định quản lý các cửa khẩu quốc tế.
Người phát ngôn cũng cho biết hai bên sẽ tiến hành đàm phán vòng 6 về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ tại Trung Quốc trong thời gian tới.

Quan điểm rõ ràng về Hoàng Sa, Trường Sa

Ngày 2/2 vừa qua, Hạ viện Philipines đã thông qua dự luật HB 3216 về đường cơ sở mới của Philipines trong đó đưa một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough vào hệ thống đường cơ sở của nước này.
Trước đó, ngày 27/1, Thượng viện Philipines cũng đã thông qua dự luật SB 2699 không bao gồm các đảo này trong đường cơ sở và các đảo này được quản lý theo "quy chế các đảo" của điều 121, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Phản ứng trước việc này, chiều 5/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng.
"Chúng tôi cho rằng trong khi tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp đối với hai quần đảo này, các bên liên quan cần tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực".

Xuân Linh


No comments:

Post a Comment