Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất công trình phân giới?
Trương Nhân Tuấn
Đăng ngày 06/01/2009 lúc 00:00:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3432
Như thế công trình cắm mốc phân giới đường biên giới hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã được hai bên quan hệ tuyên bố kết thúc sau hơn 30 năm đàm phán, hoạch định và cắm mốc trên thực địa. Trong những giây phút bước sang năm mới 2009 các đội phân giới phía Việt Nam đã gởi báo cáo hoàn thành nhiệm vụ được giao phó [1]. Ý muốn kết thúc công trình là do «quyết tâm» của cấp lãnh đạo đảng và nhà nước hai bên [1].
Một số vấn đề khuất tất về biên giới bấy lâu nay được bạch hóa nhưng đồng thời nhiều nghi vấn khác được đặt ra.
Tuần qua, vào ngày 22 tháng 12, nhân chủ tọa buổi lễ cắm mốc số 1116 tại Nam Quan, ông Vũ Dũng cho biết là vẫn còn một số cột mốc vẫn chưa cắm tại vùng Cao Bằng. Chỉ trong một tuần mà đội phân giới phía VN đã hoàn tất việc cắm mốc trên thực địa vào những giây phút giao thừa 2009 như đã loan báo là một việc hoang đường. Không thể cắm các mốc tại các vùng núi non hiểm trở, các cao điểm chiến lược, hay giải quyết các tranh chấp đã tồn đọng không thể giải quyết từ hơn 30 năm qua trong một thời gian ngắn ngũi như thế. Đương nhiên ngoại trừ trường hợp phía VN qui thuận mọi đòi hỏi phi lý của phía bên Trung Quốc.
Quyết tâm chấm dứt việc phân giới bằng mọi giá cho thấy cấp lãnh đạo đảng CSVN đã nhưọng bộ trước sức ép của TQ, thỏa mãn những đòi hỏi phi lý nhất của nước này.
Việc này đã để lại hậu quả của nó. Việt Nam đã mất những phần đất có giá trị lịch sử, kinh tế và chiến lược cho TQ, mặc dầu phía Việt Nam có đầy đủ bằng chứng chứng minh chủ quyền của mình ở những vùng đất này mà phía TQ không thể phản biện được. Các khu vực như Nam Quan, thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm… là những nơi mà phía VN có đầy đủ dữ kiện, bản đồ, bằng chứng lịch sử cụ thể; các bằng chứng này đã được các học giả trong, ngoài nước công bố từ lâu, lặp đi lặp lại nhiều lần, một cách đầy đủ trên các mạng internet.
Biên giới lịch sử khu vực Nam Quan bị thay đổi sâu sắc : trước cổng, đường biên giới lùi về phía nam trên 300m (qua cột ki-lo-mét zéro); tại điểm nối đường ray thì mất 148 m; VN mất toàn bộ cao điểm chiến lược là rặng núi đá phía bắc Đồng Đăng, đường biên giới cách nơi này chỉ còn khoảng 100 – 200m thay vì khoảng 1800m như biên giới lịch sử.
Biên giới lịch sử khu vực thác Bản Giốc cũng bị thay đổi lớn. Thác Bản Giốc thay vì hoàn toàn của Việt Nam và cách biên giới đến 2km thì nay phải nhượng cho TQ phân nữa và họ đặt tên thác này là thác Đức Thiên (Đức Thiên Bộc Bố).
Bãi Tục Lãm, mặc dầu việc tranh chấp chỉ mới bị tiết lộ ra ngoài công chúng một vài tuần nay, nhưng quần chúng và các học giả hải ngoại đã tích cực tham gia bàn cãi, cung cấp dữ kiện, chứng minh rằng bãi Tục Lãm hoàn toàn thuộc về Việt Nam [2]. Bãi này cũng phải nhượng cho TQ một phần tư diện tích.
Các đội phân giới Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, họ không có trách nhiệm trong việc làm mất đất. Việc nhượng bộ TQ ở các vùng đất này là do ý muốn của cấp lãnh đạo CSVN.
Các tin tức được tiết lộ ra ngoài ở các vùng tranh chấp là do các nhân viên thuộc đội phân giới. Họ đã không mù quáng nghe theo lãnh đạo và làm đúng theo lương tâm. Dưới sức ép của cấp lãnh đạo, những người này nhờ đến lẻ phải và dư luận bên ngoài để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mình.
Ông Nguyễn Hồng Thao là trưởng ban biên giới hiện nay, là người chịu nhiều sức ép từ cấp lãnh đạo. Qua bài viết “Việt-Trung và đường biên giới pháp lý, công bằng, hữu nghị”. VietNamNet, ngày 02/01/2009, ông đã khéo léo tố cáo: «Đây là quyết tâm đã được lãnh đạo Đảng và Chính phủ hai nước nhiều lần khẳng định».
Danh dự của quốc gia VN bị thuơng tổn nặng. Một nước độc lập không thể chấp nhận bất kỳ một sức ép nào đến từ ngoại bang.
Vũ Dũng nhân dịp kết thúc việc cắm mốc, trả lời phỏng vấn báo chí ca ngợi công lao giữ nước của đảng CSVN: «Gần tám thập kỷ qua, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, đã đi qua những cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, chịu đựng nhiều mất mát, hy sinh to lớn để giữ vững chủ quyền lãnh thổ của mảnh đất thân yêu này» [3].
Nhưng thực tế đã không như vậy. TS Nguyễn Hồng Thao rất khéo léo phản biện ý kiến của ông Dũng cũng trong bài viết dẫn trên như sau :
« Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài khoảng 1.406km tiếp giáp giữa 7 tỉnh của Việt Nam từ Tây sang Đông là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây của Trung Quốc.
Đường biên giới này đã được hình thành qua quá trình lịch sử hàng nghìn năm và tồn tại một cách tương đối ổn định kể từ khi Việt Nam giành được độc lập sau nghìn năm Bắc thuộc. Tạp chí Geographer số 38 của Vụ Tình báo và Nghiên cứu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 29/10/1964 viết: "Sau hơn 10 thế kỷ bị đô hộ, năm 939 Bắc Kỳ phá vỡ ách đô hộ của Trung Quốc và thành lập Vương quốc Đại Cồ Việt... nhà nước mới này đã bảo vệ được nền độc lập của mình... một đường biên giới gần giống như ngày nay dường như đã tồn tại giữa hai quốc gia cách đây 10 thế kỷ" » [1].
TS Thao là người am tường lịch sử, đã trích dẫn đúng các chi tiết lịch sử : đường biên giới hai nước VN và TQ đã hiện hữu từ ngàn năm trước, công ước Pháp Thanh 1887 là chỉ thể hiện thực tế lịch sử đó mà thôi. Nhưng chủ ý của TS Thao là đảng CSVN đã thừa hưởng từ tiền nhân một lãnh thổ đã không thay đổi từ ngàn năm nay.
Nhưng ngày hôm nay đảng CSVN đã làm thay đổi đường biên giới này, họ đã nhượng đất cho TQ, bất chấp sự thật lịch sử, bất chấp dư luận trong, ngoài nước. Lời ông Vũ Dũng không thuyết phục được ai. Đảng CSVN phải chịu trước quốc dân và lịch sử các hành vi nhượng đất (và biển).
Trương Nhân Tuấn
© Thông Luận 2009
----------------------------------
[1] Xem: “Việt-Trung và đường biên giới pháp lý, công bằng, hữu nghị”. VietNamNet, ngày 02/01/2009.
[2] Xem: “Việt Nam sắp mất thêm Bãi Tục Lãm thuộc tỉnh Quảng Ninh”. X-Cafe1.com, ngày 12/12/2008.
[3] Xem: “Thứ trưởng Ngoại giao: Không có chuyện “cắt đất” cho nước khác”. VietNamNet, ngày 02/01/2009.
No comments:
Post a Comment