Saturday, January 24, 2009

VIỄN CẢNH VIỆT NAM 2009 (phần 2)

Viễn cảnh Việt Nam 2009 (phần 2)
Việt Hùng, Thông tín viên RFA
2009-01-23
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Duo-Le-Hong-Ha-Tran-Binh-Nam-discuss-the-features-of-Vietnam-in-2009-part2-01232009125907.html
Những dự đoán về bức tranh “khủng hoảng lớn” tại Việt Nam mà hai ông Trần Bình Nam – Lê Hồng Hà đưa ra từ buổi phát thanh trước chỉ trong lãnh vực kinh tế và xã hội hay còn trong lãnh vực nào khác? Việt Hùng tiếp tục ghi nhận những ý kiến.

An ninh quốc phòng và chính trị.

Nếu đã nói đến những “khủng hoảng lớn” trong Viễn cảnh Việt Nam 2009 ngoài hai lãnh vực kinh tế và xã hội thì không thể không nói đến những lãnh vực khác cho dù những đề tài luôn được coi là “khá nhạy cảm” trên các mặt báo tại Việt Nam đó là an ninh quốc phòng và chính trị.

Theo dõi những vấn đề trong “nội tình” đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi ông Lê Hồng Hà từ Hà Nội cho rằng, Viễn cảnh 2009 của Việt Nam là khủng hoảng toàn diện từ kinh tế, xã hội cho đến chính trị và văn hóa tư tưởng thông qua công tác lý luận…thì từ bên ngoài ông Trần Bình Nam cho rằng, “khủng hoảng” về vấn đề an ninh quốc gia là điều cần bạch hóa để người dân cũng như dư luận ý thức được những nguy cơ đang đe dọa Việt Nam.

Ông Trần Bình Nam: Tôi nghĩ nhà cầm quyền trong nước không muốn dân chúng và các cơ sở truyền thông báo chí nói rõ ràng cho mọi người thấy, nhưng mà ai cũng thấy có vấn đề về an ninh. An ninh ở đây là vấn đề an toàn của Việt Nam trước âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Vì Việt Nam và Trung Quốc có liên hệ về biên giới và đất liền khá dài, cũng như có vùng biển liên hệ của hai nước là biển đông. Cả hai vùng đó từ xưa đến nay lúc nào Trung Quốc cũng nhòm ngó. Gần đây thấy Việt Nam có vẻ yếu thế thì Trung Quốc lại càng lấn lướt hơn.
Trong 10 năm vừa qua kể từ năm 1999 khi Việt Nam ký Hiệp ước Biên giới với Trung Quốc, rồi qua năm 2000 ký hiệp ước về Biển với Trung Quốc để phân định làn ranh ngoài biển thì mình thấy trong vòng 10 năm qua chủ quyền về lãnh thổ của Việt Nam rõ ràng bị đe dọa. Việt Nam bao giờ cũng yếu thế, chỉ cần lấy một ví dụ gần đây thôi, ngoài quần đảo Trường Sa, một quần đảo có nhiều dầu khí…
Khi Việt Nam ký với những hãng quốc tế như BP (Anh quốc) hãng ExxolMobil (Hoa Kỳ) thì Trung Quốc lên tiếng can thiệp nói đó là đất của họ, biển của họ, Việt Nam không được quyền khai thác.
Không chỉ nói không Trung Quốc còn gây áp lực khiến các công ty đó rút lui khỏi các giao kèo đã ký với Việt Nam, trong khi đó Trung Quốc lại bỏ ra 29 tỷ mỹ kim để cho các công ty quốc doanh của họ ký với nước ngoài để khai thác thì mình thấy rõ ràng nền an ninh Việt Nam đang bị đe dọa và bị đe dọa thực sự. Có lẽ đây là đe dọa mà tôi nghĩ là lớn nhất trong lịch sử Việt Nam trong khoảng nhiều trăm năm vừa qua.

Điều 4 trong Hiến pháp về quyền lãnh đạo của đảng

An ninh quốc gia với cái nhìn từ bên ngoài của ông Trần Bình Nam là vậy, trong khi từ trong nước ông Lê Hồng Hà cho rằng muốn kiểm soát được những nhượng bộ mà giới “bảo thủ giáo điều” trong đảng đang ở thế “chủ động” thì hướng đấu tranh của không ít thành phần đảng viên trong đảng là phải Luật hóa Điều 4 trước khi bàn đến việc bỏ điều 4 trong Hiến pháp về quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam. Đưa ra nhận định, ông Trần Bình Nam cho rằng.

Ông Trần Bình Nam: Vấn đề luật hóa Điều 4 chỉ giải quyết được một phần của vấn đề nhưng không giải quyết được toàn vấn đề. Trong Hiến pháp quy định đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo và vì là không có luật nói rõ lãnh đạo là lãnh đạo như thế nào, đảng có quyền trên lĩnh vực nào, đảng không có quyền trên lĩnh vực nào…vì vậy cho nên bất cứ việc gì các chi bộ đảng cứ dựa vào điều đó nói họ có quyền quyết định mọi thứ… thì nó có sinh ra một sự hỗn độn thật.
Nhưng bây giờ nếu luật hóa trong khung Điều 4 thì cuối cùng vẫn là họ phân ra việc này việc kia nhưng cuối cùng quy theo ngôn từ của Điều 4 thì vẫn là sự lãnh đạo của đảng.
Vì vẫn là đảng lãnh đạo thì khác nào trên một sân chơi mà người chơi banh và người trọng tài cũng vẫn là một thì cuối cùng vẫn tạo sự thiếu công bằng và hỗn độn trên sân chơi mà thôi, thành ra tôi nghĩ rằng, nếu Luật hóa Điều 4 thì có thể tạm thời giải quyết một phần của vấn đề đảng lãnh đạo, nhưng không giải quyết được nguồn gốc của khủng hoảng chính trị.

Bên cạnh những vấn đề về an ninh quốc gia, về chính trị, một trong những công tác luôn được đảng Cộng sản Việt Nam cho là “rất quan trọng”, đó là tư tưởng văn hóa thông qua công tác lý luận. Theo ông Lê Hồng Hà.

Ông Lê Hồng Hà: Về mặt trận lý luận tư tưởng ấy trong các Nghị quyết của Đại hội, của hội nghị Trung ương, của Hội đồng lý luận…thì người ta vừa đánh giá là công tác lý luận còn bất cập không đi kịp, chưa giải đáp được những vấn đề của xã hội và đồng thời người ta muốn đẩy mạnh vấn đề này lên, nhưng theo tôi suy nghĩ hướng cơ bản và tổ chức là không đúng cho nên mât trận lý luận cơ bản không thể, không thể có tác dụng được.
Qua bài phát biểu của tôi trước Hội thảo khoa học (cách đây ít lâu) do ông Phạm Như Cương chủ trì với đề tài “Góp phần đi tìm chủ thuyết phát triển cho Việt Nam đầu thế kỷ 21” mà anh đã có rồi. Tôi đã có ý kiến nhận xét ở trong đấy tôi nói trong thời gian vừa qua công tác lý luận của Trung ương chưa có thành tích gì cả. Tất cả những bài viết hay sách in ấn xuất bản ra chỉ là những bài có tính minh họa.
Theo tôi công tác lý luận phải tổng kết được, phải phát hiện được sự vận động của xã hội và phải kết luận được những vấn đề có tính lý luận chứ như vừa rồi Hội đồng lý luận Trung ương làm chỉ có tính cách minh họa.
Bởi vì làm sao? Bởi vì cơ bản hướng lãnh đạo của Trung ương là đòi rằng “Công tác lý luận chỉ được đưa vào vấn đề làm rõ con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội như thế nào”. Tức là ngoài con đường Xã hội Chủ nghĩa là không được nó cái gì khác. Thế rồi một điểm thứ hai lại đặt vấn đề là phải trung thành với hệ tư tưởng Mác-Lê-nin để suy nghĩ về công tác lý luận.
Nội hai điểm đó đã triệt tiêu toàn bộ vấn đề công tác lý luận. Cho nên ý kiến của chúng tôi đặt vấn đề một cách rất thẳng thắn tức là chủ nghĩa Mác-Lê-nin du nhập vào Việt Nam không đem lại lợi ích gì cả. Như tôi đã nói trong bài phát biểu ấy, đợt năm 1930 thành lập đảng, rồi đến năm giải phóng biên giới xong rồi thì đợt mà ông Hồ tiếp xúp với Mao Trạch Đông, với Stalin đấy và thế là chủ nghĩa xã hội vào Việt Nam đem lại tai hại rất lớn cho dân tộc.
Rồi các Đại hội đảng quy định đường lối đi lên chủ nghĩa Mác-Lê-nin… thì đó là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng lần thứ nhất tại Việt Nam (1975 – 1985). Thế cho nên ý kiến của tôi về mặt này đây là đối lập dứt khoát.
Và tôi đưa ý kiến về vấn đề nếu mà chúng ta đem chủ nghĩa Mác-Lê-nin như thế này mà giáo dục cho sinh viên như hiện nay ở các trường đại học thì lại chính cái nhà nước này đây đang làm ngu cả dân tộc này!

Vừa rồi là những ghi nhận ý kiến trong – ngoài nước của một số nhà quan sát bình luận thời cuộc về Viễn cảnh Việt Nam 2009.

No comments:

Post a Comment