Friday, January 9, 2009

VỀ NHÀ XUẤT BẢN GIẤY VỤN

Vài ý nhỏ về NXB Giấy Vụn cùng hai ấn phẩm mới
Vương Văn Quang
Đăng ngày 8-1-2009
http://danchimviet.com/articles/761/1/Vai-y-nh-v-NXB-Giy-Vn-cung-hai-n-phm-mi/TrangPage1.html

1.
Ấn phẩm mới của nhà Giấy Vụn - Giám đốc nhà Giấy Vụn, Bùi Chát, lần đầu xuất ngoại để tham gia Đại hội những nhà xuất bản Quốc tế.

Cách đây ít hôm 1, nhân một dịp về Sài Gòn tạm dừng bước giang hồ vài bữa đặng bớt loanh quanh cho đời mỏi mệt, tôi hẹn với thi sĩ Bùi Chát làm chầu café vì lâu quá rồi, kể từ dạo Sài Gòn tưng bừng biểu tình chống Trung Quốc thành lập huyện đảo Tam Sa, chúng tôi không có dịp gặp nhau hàn huyên, bốc phét về văn chương thi phú gêm ghiếc. Vừa ngồi yên vị, chưa kịp kêu “sẹc vơ”, Bùi thi sĩ đã hớn hở khoe, nhà xuất bản Giấy Vụn vừa ra ấn phẩm mới. Miệng nói, tay sờ lần sờ mò túi sách, Bùi Chát lôi ra 2 cuốn sách. Một là tập thơ của chính hắn, Bùi Chát: “Xin lỗi chịu hổng nổi”, và một là một sản phẩm dịch. Tập thơ: “Trong tiệm kẹo mứt” của nhà thơ Trung Quốc, Diệp Huy. “Cuốn này dịch có bản quyền hẳn hoi đấy. Tác giả là 1 trong 10 nhà thơ ưu tú giai đoạn 1997-2007” 2, Bùi Chát cho biết. “Mua bản quyền à? Ai liên hệ với tác giả thế?”, tôi hỏi. “Người dịch liên hệ chứ còn ai nữa. Xin. Xin thôi chứ tiền đâu ra mua”.

Cũng y hệt như những lần trước, khi cầm trên tay ấn phẩm mới của nxb Giấy Vụn, cảm xúc đầu tiên trong tôi bao giờ cũng là sự ngạc nhiên. Và lần này thì sự ngạc nhiên ấy lên tới cao độ. “Ngạc nhiên tột độ [hay chơn lí toàn phần]” 3. Không kể lần nhận hai tập thơ này thì lần mới nhất tôi cầm một ấn phẩm của nhà Giấy Vụn là tập thơ in chung của 47 tác giả: “Có jì jùng jì có nấy dùng nấy”. Khi đó tôi đã nhận xét trong bài viết giới thiệu tập thơ ấy như sau:
“Vẫn biết, những ấn phẩm ra đời từ lò Giấy Vụn luôn được chăm sóc kĩ càng, nhưng tôi vẫn thật sự ngạc nhiên khi cầm trên tay tập thơ Có jì dùng jì có nấy dùng nấy. Sự kỹ càng, tỷ mỉ trong khâu “đì zai”, in ấn, có thể nói, đạt tới độ toàn bích” 4

Lần này cũng vậy, vẫn là những sự tỷ mỉ kĩ càng trong khâu design, in ấn…, song được nâng cấp cao tới mức tôi cứ ngỡ như mình đang cầm trên tay một ấn bản phẩm nước ngoài, mà phải là những “nước ngoài” cỡ như những Anh, Pháp, Đức hay Hoa Kì, Canada…, với một số thuộc tính đặc trưng như: cầm nhẹ, chữ in nét, giấy in mầu ngà vàng bắt/hấp thu ánh sáng (nhất là ánh sáng đèn) chứ không phản quang, gây lóa mắt…

Có lẽ mục tiêu, năm sau thành tựu hơn năm trước; sản phẩm sau tốt hơn sản phẩm trước, là mục tiêu mà nhóm chủ trương Giấy Vụn đề ra, cho dù họ không tuyên bố như vậy (?)

Sở dĩ tôi cứ mang tiêu chí về chất lượng in ấn, thiết kế mỹ thuật ra để đánh giá bởi xin mọi người lưu ý và nhớ hộ rằng, Giấy Vụn là một Nhà- xuất- bản- lậu, cho tới giờ phút này, phương pháp in ấn của họ vẫn là photocopy, và “tiền thân” sự ra đời của họ có lẽ chỉ là sự đùa tếu có tính nổi loạn, hoặc cái sáng kiến một nxb mang tên Giấy Vụn cho hợp với (những) tác phẩm của họ, là Thơ Rác, hay cái chủ trương: “Chúng tôi không làm thơ” 5

Bùi Chát cũng cho biết, anh vừa đi Hàn Quốc để tham gia Đại hội xuất bản Quốc tế tại Hàn Quốc hồi tháng 5 năm nay (2008). Và đại hội này là một đại hội hoàn toàn nghiêm túc và chuyên nghiệp chứ chẳng liên quan tới bất kì trò đùa tếu táo nào.

“Hiệp hội Những nhà xuất bản Quốc tế (IPA - The International Publishers Association) là một liên đoàn công nghiệp quốc tế đại diện cho mọi khía cạnh của sách và những sưu khảo có liên quan. Thiết lập vào năm 1896, IPA làm sứ mệnh thúc đẩy và bảo vệ xuất bản, để nâng cao ý thức cho giới xuất bản như một động lực hỗ trợ cho phát triển kinh tế, văn hoá và chính trị. Trên khắp thế giới IPA tích cực đấu tranh chống lại sự kiểm duyệt và đẩy mạnh bản quyền, xoá nạn mù chữ và tự do xuất bản. IPA là một hiệp hội công nghiệp với một sự uỷ nhiệm về nhân quyền.

Hiệp hội những nhà xuất bản Quốc tế (IPA) đang mời những nhà xuất bản từ vòng quanh thế giới để kết nối với Đại hội lần thứ 28 (28th IPA Publishers Congress in Seoul) của tổ chức này ở Seoul từ 12 cho đến 15 tháng 5 năm 2008. Được đăng cai tổ chức bởi Hiệp hội những nhà xuất bản Triều Tiên, đại hội sẽ đề xuất một sự thấu hiểu các vướng mắc trong xuất bản; và cả cái nhìn vào Triều Tiên từ những khuynh hướng xuất bản trong châu Á và ở xa hơn nữa.

Tham dự đại hội kỳ này có những tên tuổi nổi tiếng như Orhan Pamuk (Nobel Văn học 2006), Yoshinobu Noma (Phó chủ tịch Bộ xuất bản Nhật bản), Sheila Copps (Nguyên Phó Thủ tướng Canada), Eugene Schoulgin (Thư ký Hội văn bút Quốc tế), Christopher Hudson (Nhà bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA),…, và nhiều tên tuổi lừng lẫy khác.

Tham dự đại hội này, Bùi Chát (Đại diện của Nxb Giấy Vụn, Việt Nam) sẽ nói về các vấn đề chung của xuất bản ở Việt Nam như: kiểm duyệt, giấy phép, tự do in ấn, tự do xuất bản, các văn bản pháp luật liên quan đến xuất bản, và cả thực tế ứng dụng của nó… Qua đây, anh cũng trình bày thêm về nhu cầu tự do xuất bản bằng cách nói thêm về một vài nhà xuất bản “tự phát”, không thông qua giấy phép, xuất hiện trong thời gian gần đây.

Chi tiết của chương trình đại hội, xem tại đây:
ipa2008seoul.org

Thêm thông tin khác, có thể xem tại:
internationalpublishers.org , hoặc: ipa2008seoul.org - Trích toàn văn tài liệu của nhà thơ Lý Đợi

Tôi chúc mừng Bùi Chát, và thầm nghĩ, thông tin về Đại hội xuất bản Quốc tế này, cũng như thông tin Bùi Chát, đại diện nxb Giấy Vụn được mời tham gia đại hội, không hiểu có mấy người làm xuất bản “chính thống” trong nước biết tới, và khi đã biết, họ có cảm thấy như đây là cái tát của thế giới văn minh vào giữa mặt họ không? Và cả các vị lãnh/chỉ đạo giới xuất bản trong nước cũng thế, họ có biết không, có thấy đau không, thấy xấu hổ không?

2.
Về hai ấn phẩm mới của nhà Giấy Vụn

a) Tập thơ Xin lỗi chịu hổng nổi của Bùi Chát

Có lẽ không có gì để nói nhiều về [nội dung] tập thơ này, bởi 131 bài thơ hiện diện trong tập [những người quan tâm cũng đã thấy] cũng xuất hiện rải rác trên các trang eVan (cũ), tienve.org, talawas.org, tapchitho.org…, đứng độc lập hoặc dạng “khuyến mãi” dưới những bài viết. Chúng đều nằm trong dự án 333 bài thơ “Xác ướp trở lại”_thơ nghĩa địa (như lời nói đầu [đội lốt một bài thơ] Bùi Chát cũng trình bầy như vậy), thủ pháp chủ đạo của dự án 333 bài thơ nghĩa địa nói chung cũng như 131 bài trong tập Xin lỗi chịu hổng nổi nói riêng, là “cắt dán hoạn thiến” (chữ của tui) hay giễu nhại, biếm phỏng, cắt dán (chữ của người t(T)a) hoặc “pát tít que”, “cô la giè”, “đề con gien”, “pa ra xê ta môn” (chữ của người Tây) , trong đó nổi tiếng với những bài như bài Thời hoa đỏ lè (có trong tập này) hay bài Hoảng hốt với trái lựu đạn trong túi quần mùa thu (không có, chắc trong tập 2, 3 gì đó) và …vân vân. Riêng bài Hoảng hốt với trái lựu đạn trong túi quần mùa thu khiến giang hồ thi phú lăng [xa] nhăng nhít dậy sóng một hồi (mấy chương, chả biết) trên talawas.org, các anh hào cao thủ thi lâm tụ tập phang nhau túi bụi khiến dân tình sợ hãi dạt dào một thủa, tới nay nhớ lại vẫn rùng mỉnh sởn da gà, vãi hết cả lòng [mề, tim, cật]

b) Vài nhận xét nhỏ khi đọc tại tiệm kẹo mứt của Diệp Huy

Tập thơ này, Trúc-Ty, người dịch, đã thỏa thuận sao đó và xin được bản quyền. Thậm chí tác giả tập thơ đã dành hẳn ít dòng tâm tình với độc giả Việt Nam (sách văn học dịch trên thị trường hiện nay, có mấy cuốn làm được điều này?). Chỉ riêng điều này đã có thể khiến “ban lãnh đạo” nhà Giấy Vụn yên tâm ăn no, uống say, ngủ kĩ…, vì đã “hoàn thành xuất sắc kế hoạch cả năm … 2009”.

tại tiệm kẹo mứt là tên một bài thơ trong tập, tác giả Diệp Huy đã lấy làm tên chung cả tập. Thông thường, khi lấy tên một bài thơ (hoặc một truyện ngắn) làm tên cho tập thơ (tập truyện ngắn), tác giả phải chọn sao cho cái tên ấy (có thể) phải gây ấn tượng lên độc giả. Chỉ thuần túy ấn tượng, ngoài ra không còn gì khác. Hoặc tên bài thơ (khiến độc giả phần nào thấy được) chính là ý tưởng chủ đạo cả tập thơ.

Tôi thấy rằng, khi lấy tên bài tại tiêm kẹo mứt để làm tên tập thơ, tác giả đã làm cả hai điều trên. Thứ nhất, cái tên tại tiệm kẹo mứt tạo ấn tượng ban đầu rằng nó … chả có ấn tượng gì. Nó đơn giản tới mức nhạt nhòa. Chỉ là một thông báo thiếu chủ ngữ. Và khi đọc kĩ, ta sẽ thấy, chính điều đó đã là điều gây ấn tượng. Thứ hai, ý tưởng của bài thơ tại tiệm kẹo mứt, có lẽ cũng chính là ý tưởng chủ đạo tập thơ này. Tôi nói theo lối phỏng đoán khi dùng từ “có lẽ”, bởi trong thơ, đôi khi, ý tưởng, thông điệp, ý nghĩa … là những cái độc giả thông thường thường hay đòi hỏi lại là cái rất khó nắm bắt. Tôi phỏng đoán, bởi ý tưởng trong bài tại tiệm kẹo mứt cộng với những dòng tâm sự với độc giả Việt Nam, Diệp Huy viết:
“Tôi giữ khoảng cách với thế giới, giống như bộ dạng một người đang nằm nhắm mắt, đang nằm nghĩ ngợi, có lẽ đây chính là cái mà chúng ta gọi là tưởng tượng, tôi nương vào đó thu được ý vị, nó luôn luôn là điều gì như có như không, do đó tôi không thích cảnh tượng thật.”

Nói chung, ngôn ngữ thơ, cách gọi liên tưởng, các ẩn dụ … của Diệp Huy đều rất giản dị. Nó, tất cả các yếu tố đó, đều đi trực diện, không lắt léo. Tóm lại, đọc Diệp Huy khiến tôi nhớ tới Đinh Linh. Nhưng Đinh Linh dữ dội hơn, hóm hỉnh hơn. Diệp Huy thì hoàn toàn không có sự dữ dội, và cũng vắng bóng sự hóm hỉnh, hoặc, nếu có, thì tôi đã không/chưa nhận thấy. Ở Diệp Huy là sự hiền lành, và nghiêm túc (không nghiêm trang, nghiêm trọng).

Một đặc điểm lớn dễ nhận thấy ở tập thơ này, là các bài thơ đều có tính truyện. Cái tính truyện ấy thể hiện ngay từ tựa đề bài thơ: Gã lang thang, Tại thôn làng, Một ngôi nhà, Nhà khảo cổ của thị trấn, Chuyện chàng thợ mộc trẻ tuổi, Người đất Trịnh mua giầy, Nhà thiên văn học, Cái điện thoại kiểu cũ, Nhìn trộm, Tại tiệm kẹo mứt. Thậm chí, bài cái điện thoại kiểu cũ, hoàn toàn có thể coi là một truyện cực ngắn, kiểu truyện cực ngắn của các nhà hậu hiện đại

Tóm lại, chưa thể/dám nói gì nhiều về tác giả cũng như tập thơ này, nhưng phải thừa nhận, dịch và giới thiệu tập thơ này đến với độc giả Việt Nam, nhà Giấy Vụn, dịch giả Trúc-Ty đã làm được một điều lớn lao đáng làm (có những điều lớn lao không đáng làm). Một trong những yếu tố làm nó trở nên “lớn lao đáng làm”, bởi nó sẽ làm một kênh tham chiếu quan trọng cho các nhà thơ, nhà phê bình Việt Nam hiện tại vốn đang thiếu trầm trọng những kênh tham chiếu, nhất là, cái kênh đó lại tới từ Trung Hoa, một đất nước với nền văn hóa vĩ đại nằm sát nách ta … Vậy mà, hãy thử hỏi các nhà thơ, nhà phê bình xứ ta, rằng họ đọc được bao nhiêu bài thơ, biết được mấy tác giả thơ Trung Quốc đương đại ?

04/01/2009
© 2008 Đàn Chim Việt Online
-------------------------------------------------

Chú thích:
1 Khi viết xong bài này, nhìn lại dòng đề tặng trong tập thơ của Bùi Chát, tôi mới giật mình: Té ra cái ít hôm (từ khi nhận thơ tới khi đặt tay type bài này) của mình là 2 tháng 1 ngày. Ôi, thời gian… (thật là đáng sợ mấy con vợ đồ của nợ hay đi chợ …)
2 Theo dịch giả Trúc-Ty: Gần đây, Diệp Huy được trang web.shigebao.com (Thi Ca Báo) bình chọn là 1 trong 10 nhà thơ ưu tú của Trung Quốc trong giai đoạn 1997-2007, song song với 10 nhà thơ tiên phong, 10 nhà thơ kiệt xuất, cùng giai đoạn
3 Tên một bài thơ trong tập Xin lỗi chịu hổng nổi, của Bùi Chát
4 Đọc phụ lục:
“Có jì jùng jì …”, một tập thơ thanh tẩy tâm hồn
5 Tìm đọc bài viết: “Thơ, và chúng tôi không làm thơ” trên
www.talawas.org


No comments:

Post a Comment