Thụy Điển – Con đường thứ ba
Nguyễn Trang Nhung
Saturday January 17, 2009 - 05:44pm (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-3B6UyfslaadiuYvbPKpLvjnAoeHvsGc-?cq=1&p=2562
1969 – 2009, đã 40 năm kể từ khi Thụy Điển thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Nhắc đến Thụy Điển, hẳn mọi người sẽ nghĩ đến nhà khoa học nổi tiếng Alfred Nobel, ban nhạc nổi tiếng ABBA, nữ diễn viên nổi tiếng Greta Garbo, hãng nước hoa nổi tiếng Oriflame,... và còn gì nữa nhỉ?
Mỗi người có thể thêm vào danh sách trên những tên tuổi hay những điều thú vị về Thụy Điển mà mình biết đến.
Ở đây, tôi muốn nhắc đến Thụy Điển ở một điểm đặc biệt của nó. Những gì bạn đọc sau đây được dẫn từ cuốn "Thụy Điển & Người Thụy Điển" (Sweden & Swedes):
Khi lựa chọn giữa hai con đường, chúng tôi đi con đường thứ ba
"Ba chữ "Golden Middle Way" – con đường bằng vàng ở giữa, hoặc có thể gọi là "Kim Trung Đạo" – là một cách nói Thụy Điển chỉ một dân tộc luôn coi trọng sự dung hòa, hiểu biết, thông cảm và cái đỡ tệ hại hơn nếu phải chọn một trong hai thứ đều không hoàn hảo. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Thụy Điển đã giữ được bản vị trung dung khi cả châu Âu giữa thế kỷ 20 đã bị liệt thành hai khối tư bản và cộng sản.
Đặc biệt trong tuyên truyền của Mỹ thì Thụy Điển thời kỳ 1950, 60 và 70 thường được mô tả là một quốc gia nửa cộng sản nơi tự do của người dân bị hạn chế gắt gao. Đây là một hình ảnh bịa đặt sai lầm. Thụy Điển là một quốc gia hoàn toàn dân chủ với một nền kinh tế thị trường vững chắc.
Tuy nhiên, đúng là Thụy Điển, mà có lẽ cò hơn bất kì một nước phương Tây nào khác – đã và đang áp dụng những yếu tố xã hội chủ nghĩa trong chính sách tái phân phối của mình, dẫn đầu bởi một Đảng Dân chủ Xã hội đã lãnh đạo đất nước từ những năm 1930 cho đến tận 2006, với chỉ một vài ngắt quãng ngăn ngủi. Sự thịnh vượng mà xã hội đã xây đắp nên trong thế kỷ 20 đã được phân phối tới người dân dưới dạng những hệ thống lớn vận hành nhờ thuế trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc người già và trẻ em, bảo hiểm phụ huynh, hưu trí và nhiều phúc lợi chung khác nữa. Kết quả là chúng tôi có được một xã hội với những cách biệt nhỏ hẹp hơn giữa các tầng lớp dân chúng so với các nước tương đương.
Kiểu nhà nước phúc lợi cổ điển này vẫn được thế giới gọi là "trung đạo", là "con đường thứ ba" hoặc "mô hình Thụy Điển" – bốn chữ cuối cùng thoạt tiên là để chỉ những cuộc thương thuyết tập trung giữa giới chủ ở Thụy Điển và những nghiệp đoàn lớn của đất nước, đã góp phần gìn giữ sự ổn định sống còn của thị trường lao động trong nhiều thập niên trong khi nhà nước phúc lợi được xây dựng và mở rộng." (tr15)
---
Vậy, Thụy Điển có thể được coi là một nước xã hội chủ nghĩa hay không? Và đây là câu trả lời ngay trong cuốn sách "Thụy Điển & Người Thụy Điển":
"CHỦ NGHĨA XÃ HỘI: Không đúng. Thụy Điển là một nền kinh tế thị trường dân chủ hóa triệt để, chỉ có những yếu tố tái phân phối thu nhập mạnh hơn so với những nước khác." (tr29)
Ngay cả khi chúng ta coi Thụy Điển là một nước xã hội chủ nghĩa đi chăng nữa (như chúng ta vẫn được nghe ở đâu đó về Thụy Điển), thì Thụy Điển vẫn là một nước dân chủ. Và dân chủ chính là nhân tố lớn góp phần tạo nên sự thịnh vượng của quốc gia Thụy Điển ngày nay.
THAM KHẢO:
Con đường thứ ba - Trần Trung Việt
Để các bạn có thể hiểu rõ hơn về "con đường thứ ba" của Thụy Điển, tôi post tiếp phần "Từ thủa nằm nôi cho đến khi trở về cát bụi" được dẫn trong cùng cuốn sách:
Phong trào lao động và những "phong trào quần chúng" khác (tiết chế sinh hoạt, nữ quyền, v.v...) đã có ảnh hưởng lớn từ rất sớm. Trong những năm 1920, đảng Dân chủ xã hội lần đầu tiên lên nắm chính quyền. Trong những năm 1930, Thụy Điển bắt đầu xây dựng cái mà Thủ tướng thời đó, ông Per Albin Hansson, gọi là "nhà của nhân dân" (folkhem). Viễn tưởng của nó là đưa Thụy Điển ra khỏi tình trạng nghèo đói một lần và vĩnh viễn, và xây dựng một xã hội nơi tất cả mọi công dân, không phân biệt giới tính, giai cấp, nguồn gốc xã hội và những hoàn cảnh khác, sẽ được nhà nước đảm bảo an ninh kinh tế cơ bản. Những khu "nhà của nhân dân" này không lệ thuộc vào cứu trợ từ thiện, mà được chi trả bằng một hệ thống thuế trong đó người giầu sẽ chịu gánh một phần lớn. Nguyên tắc là "đóng góp theo khả năng và phân phối theo nhu cầu" (from each according to ability, to each according to needs). Một trong nhiều nhãn hiệu gán cho cấu trúc phúc lợi xã hội này là "con đường thứ ba" – một con đường nhỏ trước đây chưa có ai đi nằm giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.
Chủ yếu là trong hai thập kỉ 1950 và 1960, một giai đoạn phát triển kinh tế vô tiền khoảng hậu của Thụy Điển, mà hệ thống phúc lợi xã hội nhờ vào thuế hào phóng nhất thế giới đã được xây dựng. Nó bao gồm một loạt những cải cách, nhiều cái sau này đã được nhiều nơi khác trên thế giới noi theo.
"Một xứ sở chăm sóc bảo vệ được công dân của mình từ thuở nằm nôi cho đến khi trở về cát bụi" – đó là một câu nói nữa đôi khi ta vẫn nghe thấy mỗi khi thế giới nhắc đến Thụy Điển, mà thường pha cả chút giọng mỉa mai. Nhưng hình ảnh ấy chứa đựng rất nhiều sự thật. Nét đặc trưng của hệ thống Thụy Điển là khu vực công cộng, chứ không phải là gia đình, đã gánh chịu phần lớn trách nhiệm đảm bảo an ninh kinh tế của công dân.
Mọi việc bắt đầu ngay từ lúc lọt lòng, với những trung tâm công cộng chăm sóc bà mẹ, rồi tiếp tục với những nhà trẻ tư nhân hợp tác giữa các gia đình đã được phép tham gia thị trường, nhưng nguồn tài chính vẫn chủ yếu là từ ngân sách công, với một thang học phí tiệm tiến điều chỉnh theo thu nhập của phụ huynh đến một mức tối đa nhất định. Trường học là không mất tiền, nói cách khác là đã được thuế chi trả – không những ở bậc phổ thông bắt buộc 9 năm và 3 năm trung học, mà cả ở bậc cao đẳng và đại học, nơi chính phủ có những khoản tiền cho vay để thanh niên có thể theo học được, bất kể họ ở tầng lớp nào trong xã hội.
Hệ thống bảo hiểm y tế đảm bảo tất cả mọi người đều được chăm sóc y tế gần như không mất tiền cùng với việc bao cấp thuốc men và chăm sóc răng lợi. Những khoản phúc lợi khi ốm đau – và cả bảo hiểm phụ huynh nữa – sẽ bù đắp những hao hụt trong thu nhập (có giới hạn tối đa) khi một người không thể đi làm vì ngã bệnh hoặc ở nhà sinh nở hay chăm sóc con cái. Chăm sóc người già cũng hầu như hoàn toàn được ngân sách công chi trả. Thụy Điển còn có những hệ thống trợ cấp nhà ở, phúc lợi thất nghiệp và trợ cấp xã hội do ngân sách công chi trả, và nhiều chế độ khác nữa. Tham vọng cao cả của mạng lưới an sinh xã hội này là làm sao để tất cả mọi người Thụy Điển, không phân biệt năng lực hoặc hoàn cảnh, đều có thể luôn luôn dựa vào công quỹ mà chu cấp cho những nhu cầu cơ bản nhất của mình.
Trong những năm qua, các hệ thống an sinh khổng lồ của Thụy Điển thường phải chịu nhiều áp lực kinh tế nặng nề, đặc biệt là trong những giai đoạn chậm phát triển, với những vấn đề như phải chờ đợi lâu về dịch vụ y tế theo lựa chọn, thiếu thốn nhân sự, thâm hụt ngân sách trong các hệ thống hưu trí, vân vân. Với một dân số đang già đi – vì tuổi thọ tăng lên liên tục – và những thế hệ đông đảo sẽ về hưu trong những năm sắp tới, một thách thức kinh tế và chính trị lớn lao sẽ là việc phải phát triển những hệ thống có thể roếp tục đảm bảo an ninh kinh tế và đời sống sung túc cho tất cả mọi người.
---------------------------------------------
Nghĩ về Việt Nam, nếu bạn không hài lòng với mô hình Việt Nam hiện tại, bạn mong đợi mô hình nào cho Việt Nam trong tương lai? Tất nhiên mỗi quốc gia có những điểm riêng và không quốc gia nào giống quốc gia nào, nhưng về căn bản, có một số mô hình chung cho các quốc gia.
No comments:
Post a Comment