Tuesday, January 20, 2009

THƯ CHÚC XUÂN của GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

Thư Chúc Xuân Kỷ Sửu 2009 của Viện Tăng thống, GHPGVNTN
2009-01-20 PTTPGQT
http://www.queme.net/vie/news_detail.php?numb=1162
PARIS, ngày 20.1.2009 (PTTPGQT) - Thừa ủy nhiệm Hòa thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh thư ký Viện Tăng thống kiêm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo đã nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện (Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo) viết bức Thư Chúc Xuân Kỷ Sửu 2009 gửi đến Chư Tôn Trưởng Lão Hội Đồng Giáo Phẩm, Chư Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức Tăng Ni cùng toàn thể Phật Tử và Đồng bào các giới trong, ngoài nước.

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng tải nguyên văn Thư Chúc Xuân như sau :

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG

Văn phòng Viện Tăng thống : Chùa Báo Quốc, 11 đường Điện Biên Phủ, Phường Đúc, TP Huế

Phật lịch 2552
Số : 01/VTT/VP

Thư Chúc Xuân Kỷ Sửu – 2009
của Viện Tăng Thống

Kính gửi :
Chư Tôn Trưởng Lão Hội Đồng Giáo Phẩm
Chư Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức Tăng Ni
cùng toàn thể Phật Tử và Đồng bào các giới trong, ngoài nước

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính bạch chư tôn đức,
Thưa toàn thể liệt quý vị,

Trước thềm năm mới, tôi xin thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), trong và ngoài nước thành kính gửi đến chư liệt vị lời cầu chúc năm mới Kỷ Sửu, một năm nhiều sức khoẻ, vạn sự cát tường, Phật sự hanh thông và chúng sanh dị độ.

Kính thưa quý vị,

Theo lẽ tuần hoàn của vũ trụ, mùa xuân là mùa của vạn vật chuyển mình, cây cối đâm chồi trẩy lộc, trổ sắc khoe hương. Truyền thống dân tộc Việt Nam, mùa xuân về bao giờ cũng mang đến cho mọi người niềm vui tươi và hy vọng. Trong ý tưởng chan hoà niềm vui chung, tôi cũng thấy lòng được sưởi ấm, sau những năm tháng băng giá trước hiện trạng nhiễu nhương của Đất nước, Giáo hội, và tin tưởng rằng năm Kỷ Sửu, năm thứ chín của thiên niên kỷ mới, hồn thiêng của sông núi, ân đức của Phật tổ sẽ mang lại cho tất cả dân tộc chúng ta, nhiều niềm vui và lạc quan hơn.

Kính bạch chư tôn đức và quý liệt vị,
Trong thời gian dài lâu, chư tôn giáo phẩm và liệt quý vị, mặc dầu hoàn cảnh sinh hoạt có khắc nghiệt, sự răn đe cấm cản, sự hù doạ khủng bố có thường xuyên và thô bạo của các thế lực vô minh hung hãn. Thế nhưng, khó khăn không làm chùn bước, danh lợi không màng và bạo lực không làm nản chí, chư tôn đức và liệt quý vị đã đồng hành cùng Giáo hội, cống hiến công của vào sự nghiệp phục vụ chánh pháp và dân tộc, đòi lại pháp lý sinh hoạt bình thường của GHPGVNTN cũng như dân chủ, nhân quyền cho toàn thể dân tộc, kết quả cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu gì sáng sủa. Không những thế, gần đây hơn, đức cố Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN, Đại lão Hoà Thượng Thích Huyền Quang viên tịch, là nỗi đau thương mất mát vô cùng lớn đối với Giáo hội, với chư tôn giáo phẩm, chư Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức Tăng Ni và toàn thể Phật tử. Sự đột ngột ra về của Ngài đã để lại nỗi tiếc thương, trống vắng trong lòng Giáo hội và trong muôn vàn trái tim sắt son của Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam và các Thiện tri thức thế giới !
Trong giây phút này chúng ta hãy dừng lại,
lắng đọng tâm tư giây lát tưởng niệm Giác linh Ngài.

Kính thưa quý vị

Tang lễ đức cố Tăng Thống đã diễn ra êm đẹp trầm hùng trước vô vàn sách lược manh động và thâm độc của ma quân hung hãn bạo ngược, muốn tiêu diệt ngay GHPGVNTN tại tang lễ này. Tưởng chừng như hội đồng tang lễ mất hết cơ may tổ chức. Thế nhưng ánh sáng đến đâu, bóng tối lùi tới đó. Cái tà đã không thắng được điều chân. Con thuyền Bát nhã trí tuệ, sắc tức không, không tức sắc, đã chuyên chở kim thân đức cố Tăng Thống GHPGVNTN đến cõi tịch mặc vĩnh hằng.

Kính thưa quý vị,

Đạo Phật là sinh lực vô cùng phong phú. Đó là nguồn sinh lực của Chánh Pháp. Khởi nguyên cho nguồn sinh lực ấy là đức Phật. Nguồn sinh lực này không phải là những hệ thống lý thuyết vô tận trong ba tạng kinh điển, mà chính là sự thể hiện của chánh Pháp trong đời sống loài người.

Thời đức Phật còn tại thế, người ta chỉ cần nương vào đạo phong của Ngài mà tu tập và chứng ngộ. Nhân cách siêu tuyệt của Ngài đã cảm hoá nhân loại một cách nhiệm màu. Cho đến hơn một trăm năm sau ngày Nhập diệt mà uy đức của nhân cách ấy, vẫn còn hướng dẫn được sự sống của toàn Giáo hội, thì chúng ta đủ biết nguồn sinh lực ấy mạnh mẽ đến chừng nào !

Không những thế, gần ba nghìn năm sau hàng trăm triệu người, nương vào nhân cách ấy để tu tập và tiến bộ, thăng hoa đời sống đạo đức, lễ nghĩa trong xã hội. Đức Phật quả là Nguồn Sống bất tận !

Đệ tử của Ngài qua nhiều thế hệ, đã từng trân trọng và tăng bồi nguồn sinh lực ấy để cho mọi tầng lớp chúng sanh được thụ hưởng.

Còn gì mầu nhiệm và rực rỡ cho Phật giáo hơn, khi giáo lý được thể hiện ngay nơi cuộc sống của Tăng ni, Phật tử và nhân loại.

Hai mươi ba thế kỷ trước ở Ấn Độ, có ông vua hết sức tàn ác, từng đẫm ướt thanh gươm chinh phạt trong máu đào của hàng trăm nghìn sinh dân. Ấy thế mà, khi được cảm hoá theo chánh Pháp, đã trở thành một ông vua nhân từ thuần hậu, được mọi người thương mến kính phục. Đó là A Dục Vương đại đế. A Dục vương tàn ác (Candasoka) đã trở thành A Dục vương của chánh pháp (Dharmasoka).

A Dục vương đã áp dụng Chánh pháp của đức Phật để giúp nước trị dân. Một tổ quốc bao la, đã sinh hoạt theo đạo Phật, một khối dân hàng trăm triệu người sống trong an lạc – không còn ai bị sợ hãi – không một ai bị áp bức – không một ai bị chiếm đoạt đất đai và chẳng còn ai khốn cùng. Đó là thời đại đạo Phật được thịnh hành và áp dụng.

Ở Việt Nam vào các triều đại Lý – Trần, nguồn sinh lực ấy được khơi mở dồi dào nhờ công trình thực tu, thực chứng của các Thiền sư. Còn thêm các đấng quốc vương, tể tướng thực tâm quy y Chánh pháp và nguyện làm theo lời Phật dạy, (chứ không là lợi dụng chánh pháp, khoác áo cà sa vào chùa núp bóng Phật làm việc tà ma, đoạt danh tiếm lợi, bức hại sinh dân). Một dân tộc được sống hiền hoà, hành động theo tinh thần Phật giáo đã đưa quốc gia đến thái bình, an lạc và phú cường. Thời ấy, cũng là thời đại mà đạo Phật được thịnh hành và áp dụng.

Chánh Pháp được sinh hoạt ở đâu, thì nguồn sinh lực được khơi mở ở đó. Nhìn lại những thời đại mà Chánh pháp được thực hiện rõ ràng ấy, chúng ta nghĩ thế nào ?

Còn gì mầu nhiệm và rực rỡ cho Phật giáo hơn, khi giáo lý Thế tôn được thể hiện trong đời sống hằng ngày của Tăng ni và Phật tử.

Kính bạch chư tôn giáo phẩm và quý vị.

Trong tinh thần đó, mừng xuân Di Lặc, đối với Tăng ni Phật tử, tôi cầu chúc chư Tôn đức giáo phẩm, chư vị thành viên Hội Đồng Lưỡng Viện, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và toàn thể Phật tử cùng chư thiện tri thức trong và ngoài nước cùng toàn thể quý liệt vị một mùa xuân mới, an khương thịnh vượng, tinh tấn tu tâm hành thiện, trau dồi Giới - Định - Tuệ để chánh Pháp được rộ nở trong đời sống hằng ngày làm thăng hoa đạo pháp và dân tộc.

Nguyện cầu đất nước sớm thu đạt tự do, dân chủ, nhân dân an lạc, cảnh lầm than đói nghèo, tù tội bị xóa bỏ . Triệu người như một kề vai góp sức chống ngoại xâm, bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải và Hoàng-sa Trường-sa để không thẹn với tiền nhân khổ công gầy dựng.

Cầu chúc chư tôn giáo phẩm, chư vị thành viên Hội Đồng Lưỡng Viện, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cùng toàn thể Phật tử và chư thiện tri thức đồng bào các giới trong và ngoài nước, một Mùa Xuân mới an vui, thịnh vượng, và thành công như ý. Tất cả chúng ta thành tâm nguyện cầu mười phương chư Phật, chư Đại Bồ tát, liệt vị Hộ pháp thiện thần, hồn thiêng sông núi, Tổ tiên và anh linh các Thánh tử đạo, phù hộ cho tất cả chúng ta vượt qua cơn quốc nạn và pháp nạn.

NAM MÔ ĐƯƠNG LAI HẠ SANH DI LẶC TÔN PHẬT

Huế, Báo Quốc ngày 03 tháng 01 năm 2009
T.U.N Hòa Thượng Xử lý Viện Tăng Thống
kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo
Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống
kiêm Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo
(ấn ký)
Tỷ Kheo Thích Thiện Hạnh

No comments:

Post a Comment