Sài Gòn những ngày giáp Tết
Văn Quang
http://www.x-cafevn.org/node/1388
Nguồn: Viendong Daily News
Khi tôi viết bài này, chỉ còn đúng hai tuần nữa là tới ngày Tết Nguyên Đán. Vào những năm trước, giờ này đường phố Sài Gòn đã nhộn nhịp kẻ bán người mua. Đường phố rộn ràng sắc xuân với những gương mặt hối hả, lo toan nhưng đâu đó vẫn ẩn giấu một nét vui đón chào năm mới. Năm nay không khí có vẻ trầm lắng hơn. Ai cũng biết suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng tới hầu hết các nước trên thế giới. Những công ty, xí nghiệp lớn làm ăn sa sút, người làm công bị bớt giờ làm việc và đôi khi thất nghiệp. Ở Việt Nam cũng vậy thôi. Nhưng chỉ khác cái là tiền trợ giúp thất nghiệp không hề có và cũng chẳng thấy ai bảo vệ quyền lợi cho người lao động nghèo. Đó mới là chuyện đáng nói.
Ai bảo vệ quyền lợi của công nhân?
Công nhân thất nghiệp ráng chịu. Những ông chủ công ty xí nghiệp vỡ nợ, bỏ của chạy lấy người, công nhân trơ mắt ra nhìn, chẳng làm gì được. Khi thành lập Công đoàn thì hăng hái tuyên bố um sùm là tranh đấu bảo vệ quyền lợi cho công nhân, nhưng đến lúc này cũng mất tăm. Các cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ người lao động hoạt động cầm chừng, đến lúc quyền lợi người công nhân bị xâm phạm thì đứng ra làm "vai trò hoà giải", rồi cũng chẳng đi đến đâu. Mọi thiệt hại đều dồn lên vai người lao động. Làm việc suốt năm, mong đến cái Tết được về sum họp với gia đình, nhưng không tiền đành chịu nằm "ép rệp" ở những khu nhà trọ. Nhiều công ty xí nghiệp nợ lương công nhân, tiền lương còn chẳng có, lấy đâu ra tiền thưởng Tết! Cho nên tình hình bi đát nhất trong những ngày cuối năm này là những anh chị em công nhân từ những vùng quê, tận miền Bắc miền Trung lặn lội vào làm việc ở các thành phố lớn tại miền Nam như Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… Ngay tại các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng số công nhân làm việc tại chỗ cũng khốn đốn vì mất việc.
Hàng chục ngàn lao động vừa mất việc vào cuối năm 2008. Nhiều doanh nghiệp tuy chưa thu hẹp sản xuất nhưng đã có hiện tượng cho lao động nghỉ tạm thời, hay luân phiên nghỉ, giảm ngày làm, tuy giữ được người nhưng túi tiền của công nhân thì vơi hẳn.
Một dẫn chứng điển hình như Công ty Kim Quốc Bảo có 750 lao động mất việc làm. Công ty Wei Xern Sin Đà Nẵng có 106 lao động nhưng hiện chỉ còn 5 người được giữ lại để giải quyết một số vấn đề tồn đọng của doanh nghiệp. Đặc biệt, Công ty khoáng sản Transcend VN có 48 lao động thì cả 48 người đều… mất việc làm!
Ông chủ bà chủ bỏ trốn, công nhân bị "xù"
Một vụ chạy làng điển hình vừa xảy ra tại Đà Nẵng nhưng cũng không thấy ai can thiệp. Trong mấy ngày qua, rất nhiều công nhân Công ty và dịch vụ Tuấn Công tập trung tại trụ sở Công ty ở số 405B Trưng Nữ Vương (Đà Nẵng) để đòi tiền lương và tiền đặt cọc khi vào làm việc. Tuy nhiên, đòi hỏi của họ hoàn toàn vô vọng, bởi cả vợ chồng ông giám đốc đều đã… biến mất!
Công ty Tuấn Công chuyên kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá, do ông Phạm Ngọc Tuấn là giám đốc và vợ là Võ Thị Kim Chung làm phó giám đốc. Tuy nhiên từ tháng 7 đến nay, hai vợ chồng bỏ đi đâu không rõ, giao quyền điều hành công ty lại cho em ruột là Phạm Ngọc Thuận.
Một số công nhân đang có mặt trước cổng công ty cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến tình cảnh hiện nay là do vợ chồng ông giám đốc bị vỡ nợ lên đến hàng tỷ đồng. 2 trong số 11 chiếc xe vận tải của công ty đã bị chủ nợ xiết, số còn lại đến sáng 22-12 cũng “biến mất” mà công nhân chẳng hay biết gì! Ngoài ra, nhiều tài sản, vật dụng khác của công ty cũng có dấu hiệu bị tẩu tán.
Một công nhân, quê ở Đại Lộc (Quảng Nam) ra làm tài xế cho Công ty Tuấn Công cho hay, theo hợp đồng đã ký kết, các tài xế khi vào làm việc tại công ty này phải nộp khoản tiền đặt cọc là 5 triệu đồng. 4 tháng qua, gần 20 công nhân lái xe, bốc xếp, bảo vệ… của công ty không nhận được đồng lương nào. Họ nhiều lần viết đơn khiếu nại lên công ty nhưng không được giải quyết và cũng chẳng có ai giúp đỡ gì người lao động trong trường hợp này.
Một anh công nhân cho biết: “Chúng tôi đa phần ở quê ra, phải vay mượn cho đủ số tiền đặt cọc để được vào làm việc. Bây giờ thì ai nấy đều thất nghiệp hết. Không những công ty không trả lương mà kể cả số tiền đặt cọc của chúng tôi họ cũng quỵt luôn. Hơn 1 tháng qua, ngày nào chúng tôi cũng gọi điện thoại, đến trước cổng công ty để đòi nợ nhưng đều bị khước từ, hẹn ngày này qua ngày khác. Thậm chí họ còn đóng cửa suốt ngày, không chịu tiếp công nhân!”
Họ có đứng suốt ngày, thậm chí có khóc lóc van xin rã cổ họng thì cũng chẳng có ai quan tâm đoái hoài tới.
Về cũng dở ở không xong
Tình hình chung của nhiều công ty, doanh nghiệp tư nhân cũng đang khá bi đát, “hứa hẹn” sẽ còn có nhiều bất ổn hơn nữa đối với đời sống người lao động trong dịp cuối năm. Thậm chí khi được hỏi chuyện về quê ăn Tết hay mua sắm cuối năm, nhiều công nhân trẻ, làm việc tại các công ty, xí nghiệp, khu chế xuất ở TP. Sài Gòn lại lắc đầu ngao ngán, thở dài nghe não lòng: "Giá như đừng có Tết".
Thống kê của Ban quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất TP. Hà Nội cho thấy, 3-4 tháng gần đây, rất nhiều doanh nghiệp đã thông báo cắt giảm lao động do sản xuất kinh doanh gặp khó, như Công ty Canon (KCN Thăng Long), với khoảng 2.000 lao động, Công ty Nissei Electric khoảng 300 lao động... hoặc tạm ngưng việc hoặc nghỉ việc ăn lương từ 50-70%. Công ty CP Sữa Hanoimilk cũng vừa cho nghỉ việc gần 250 lao động, trong đó phần lớn là người của địa phương.
Ngoài ra, Công ty đèn hình Orion - Hanel ở khu công nghiệp Sài Đồng B (Long Biên) vừa phá sản cũng khiến hàng ngàn lao động bơ vơ, không có Tết.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao Động - Thương Binh - Xã Hội Nguyễn Thị Kim Ngân xác nhận, khủng hoảng kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất do không nhận được đơn đặt hàng. Chỉ tính riêng một số tỉnh phía Nam, phía Bắc - nơi tập trung nhiều KCN, mấy tháng nay đã cho 22.000 lao động nghỉ việc, gây sức ép nặng nề lên nông thôn vì đa số lao động từ quê ra thành phố.
Rất có thể ở Việt Nam sẽ xảy ra một dòng chảy ngược, những công nhân mất việc hoặc làm không đủ ăn, nhân dịp Tết này sẽ trở về quê và không trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nữa. Trở về quê cũng khổ vì chưa chắc gì đã có ruộng để sản xuất, không có việc làm. Về cũng dở, ở không xong.
Chưa biết cuộc sống của những nam nữ thanh niên này sẽ ra sao.
Người nghèo cứ nghèo đi, người giàu cứ giàu lên
Đó là tình trạng chung của hầu hết công nhân vào dịp giáp Tết năm nay. Tuy nhiên, không phải thành phần nào cũng đều gặp khó khăn như vậy. Mặc dù nhìn chung, các cửa hàng cửa hiệu, các mặt hàng cao cấp đều vắng khách. Tuy vậy những món trang sức vừa tầm tay, khoảng trên dưới chục triệu đồng vẫn có người mua. Suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến hầu hết mọi hoạt động kinh doanh. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những thành phần dửng dưng "vượt qua cơn bão" này một cách dễ dàng. Họ chỉ có thể bớt đi nguồn lợi lớn, tạm thời chấp nhận phần lợi nhỏ. Cuộc sống vẫn ung dung và tưng bừng đón Tết.
Nếu phân tích kỹ hơn, khoảng cách giàu nghèo ở VN hơi khác so với các nước trong khu vực. Trong khi những người nghèo cứ nghèo đi thì những người giàu cứ giàu lên. Trong suy thoái kinh tế họ điều chỉnh làm sao cho phần thiệt về người làm công, phần chủ bình chân như vại.
Bên cạnh những người nghèo kiết xác thì vẫn có những tay chơi xe "xịn" giá hàng triệu Mỹ kim. TP. Sài Gòn gần như có đủ những xe “khủng” nhất thế giới. Mật độ xe “khủng” hay siêu xe lớn nhất VN có lẽ không đâu bằng khu biệt thự Phú Gia (Phú Mỹ Hưng Q.7). Những đại gia chơi xe hàng đầu TP. Sài Gòn như ông H.K, T.L.N, bà L.H.A… Riêng khu biệt thự Thảo Điền (Q.2) nổi tiếng với “bản doanh” của P.Q.C, một “thiếu gia” trong lĩnh vực bất động sản có bộ sưu tập 5 siêu xe mà dân chơi xe ước tính khoảng 2,5 triệu USD.
Một hiện tượng lạ
Nếu theo dõi thông tin qua báo chí, có một hiện tượng lạ là mới vài hôm trước đây thôi, các hãng du lịch đều nháo nhào hạ giá tour du lịch trong nước cũng như đi nước ngoài. Họ kêu gọi các dịch vụ khác hạ giá thành để mời gọi khách. Các hãng máy bay, xe đò, khách sạn… đều ngán "ông kẹ suy thoái" đều có chiêu giảm giá vào dịp Tết Nguyên Đán và họ tiên đoán rằng năm nay khách du lịch có thể giảm tới 30-40%.
Nhưng hôm nay, 11-1, một nguồn tin khác lại tiết lộ ngược hẳn. Lượng khách du lịch tăng trên dưới 10% so với Tết năm ngoái nên một số tour đã khoá sổ. Như thế, cho thấy rõ "cơn sốt suy thoái" ảnh hưởng tới người nghèo nặng nề hơn, còn với những người giàu lúc này chưa đến thời điểm người ta tung ra mua sắm và hưởng thụ. Năm nay thời điểm giữa Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần cùng với số ngày nghỉ Tết kéo dài, nên đa số khách tập trung đi du lịch vào dịp này. Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết: Lượng khách đi du lịch Tết tăng khoảng 7% so với dịp Tết năm ngoái. Chỉ từ 30 Tết đến mùng 5 Tết, công ty tổ chức cho gần 2.000 lượt khách đi nước ngoài và khoảng 3.100 lượt khách đi trong nước.
Còn ở Bến Thành Tourist cho hay lượng khách tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, dù giá tăng đến 30% - 40% so với ngày thường. Dịp Tết này, Bến Thành Tourist đón 1.850 khách đi tour trong nước, tăng 20% và 1.350 khách đi nước ngoài, tăng 10%. Vietravel cũng dư trù sẽ có 5.000 lượt khách du lịch nước ngoài và 4.000 lượt khách đi tour trong nước. Các tour Hàn Quốc, Nhật, Úc, Phú Quốc, Nha Trang - Đà Lạt... đến nay đã khoá sổ. Một hiện tượng lạ nhưng thật ra không lạ.
Khi vơi thì giảm, khi đầy thì không
Giống như những năm trước, các tour nội địa như Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Phú Quốc... luôn là sự lựa chọn hàng đầu của giới trẻ. Còn du khách lớn tuổi và người nước ngoài thường chọn các tour xa ở miền Bắc và miền Trung như Huế, Phong Nha, Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội, Hạ Long, Sapa... Ở tour quốc tế, “nóng” nhất là Hồng Kông, tiếp theo là Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Campuchia.
Các hãng lữ hành đều cho biết do các dịch vụ liên quan như vận chuyển, phòng khách sạn, ăn uống... đều tăng nên các hãng không thể giảm giá tour mà chỉ cố gắng giữ giá tour ổn định. Một vài đơn vị có chương trình khuyến mãi như mở tour “du lịch tiết kiệm” hoặc tổ chức bốc thăm trúng thưởng cho khách hàng... nhưng chỉ ở dạng lẻ tẻ.
Riêng về chương trình kích cầu du lịch, giảm giá khuyến mãi giảm 30%-50% giá tour, dù Tổng cục Du lịch “mạnh miệng” khẳng định bất cứ du khách nào đăng ký tour đều nhận được chương trình giảm giá, thế nhưng đến thời điểm này hầu hết các hãng lữ hành đều cho biết không áp dụng chính sách giảm giá được vì kế hoạch tour đã lên trước đó 3 tháng, tour đã chào bán, hợp đồng đã ký với phía nhà cung cấp dịch vụ.
Rõ ràng là ở đây có sự "điều chỉnh không bình thường". Khi cần mời gọi thì giảm giá, nhưng khi khách đầy thì có một ngàn lý do để không giảm.
Đem con bỏ chợ
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của những người đã từng đi tour, đã có lời khuyên đối với khách du lịch tại Sài Gòn: Khách quá đông, kẹt xe, thiếu phòng, phục vụ kém, cắt bớt tour... trong dịp Tết là “chuyện thường ngày” năm nào cũng xảy ra. Theo các đơn vị kinh doanh du lịch, thông thường các hãng uy tín đều nhận khách theo khả năng, có hợp đồng ký với khách và cam kết bồi hoàn nếu không cung cấp đúng dịch vụ đã bán, công khai số điện thoại của những người điều hành tour để khách dễ "nắm gáy"... Thế nhưng trong thực tế khi các công ty uy tín không nhận khách (vì đã kín chỗ) thì các công ty nhỏ, công ty “thời vụ” sẵn sàng hốt hết phần khách còn lại dù khâu chuẩn bị của họ không chu đáo. Vì vậy, khi ghi tên đi tour, khách nên chú ý đến các điều khoản trong hợp đồng, về trách nhiệm dân sự của các bên để yêu cầu bồi hoàn hợp lý khi xảy ra trục trặc. Hãy cẩn thận kẻo bạn sẽ được biết mùi đem con bỏ chợ là thế nào.
Chuyện "muôn năm" chẳng bao giờ hết
Ở Việt Nam, năm nào có một số chuyện cứ "đến hẹn lại lên", chẳng bao giờ dứt, dù năm nào cũng được hứa hẹn sẽ cải tiến, sẽ rút kinh nghiệm để năm sau không xảy ra nữa. Nhưng năm nào cũng chỉ là "năm sau".
Trước hết là chuyện vé xe lửa, xe đò trong những ngày giáp Tết. Nhu cầu đi lại giữa hai miền Nam Bắc rất lớn. Hầu hết là nhu cầu của những người miền Bắc miền Trung vào miền Nam làm ăn, ai cũng muốn trở lại đoàn tụ với gia đình vào dịp này. Những chuyến xe lửa, xe đò từ Sài Gòn đi Huế - Hà Nội bao giờ cũng đầy ắp. Ngược lại những chuyến tàu xe từ Hà Nội vào Nam vắng hoe. Người ta chưa thể tính toán được con số chính xác những người từ miền Bắc và miền Trung vào Nam là bao nhiêu. Nhưng có thể hình dung là con số đó đã làm cho số thanh niên thiếu nữ ở các làng quê miền Bắc và miền Trung giảm hẳn đi.
Ga xe lửa Sài Gòn và Bến xe Miền Đông đã làm việc hết công suất cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Họ loay hoay không thể tìm ra một giải pháp nào hầu giảm bớt sự căng thẳng mệt mỏi của người dân mỗi khi phải đến lấy vé. Từ hơn mười năm nay rồi, năm nào cũng nhắc đi nhắc lại cái điệp khúc hết vé, vé chợ đen và vé giả. Không loại trừ có "những động tác giả" tạo ra những cơn sốt vé ảo để bắt chẹt hành khách.
Thực phẩm không an toàn
Chuyện tàu xe đã khổ như vậy, đến chuyện thực phẩm trong những ngày Tết cũng chẳng an toàn. Đến lúc này, các quầy hàng hoa quả bánh trái đã thi nhau khoe sắc choáng ngợp trên khắp các siêu thị, các chợ, các hè phố. Tuy nhiên nhiều cửa hàng mới chỉ bày lấy đẹp, khách mua còn thưa thớt. Tất nhiên do ảnh hưởng của cơn bão suy thoái, nhà nào cũng phải thắt lưng buộc bụng. Nhưng tâm lý chung của người Việt là dù thế nào Tết đến cũng phải có một chút gì đó gọi là Tết. Có thể năm nay việc mua sắm sẽ chỉ rộ lên vào những ngày cuối năm, bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp, ngày "ông Táo lên chầu Trời".
Nhưng nói đến vệ sinh an toàn thực phẩm thì chẳng có gì bảo đảm cho tất cả những món hàng hoá đó. Kiểm tra đến đâu sai phạm đến đó. Và thực tế thì việc kiểm tra cũng chỉ là hình thức cho "đẹp", làm sao kiểm soát hết được tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm? Một số các nhà sản xuất lớn đặt hàng từ những gia đình làm ăn riêng lẻ. Nhà nào cũng có thể nhận "gia công" cho một hãng sản xuất lớn, dù là một gian nhà trong hang cùng ngõ hẻm, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh, thậm chí còn bẩn hơn là một gia đình bình thường trong một xóm bình dân.
Món mứt vốn là một món rất thông dụng trong những ngày Tết, hầu như nhà nào cũng có một vài lạng bày ra bàn cho có vẻ Tết. Nhưng một cơ sở lớn sản xuất rất nhiều loại mứt để phục vụ Tết như mứt bí, củ năng, gừng, khoai lang… Các nguyên liệu thô đã được gọt vỏ được đổ tràn lên trên nền nhà, dưới đi- văng. Chỗ nào có thể đổ được là đổ, kể cả nơi đó sát bên nhà vệ sinh.
Một món ăn khác cũng thường có mặt trong nhiều gia đình và cũng dùng làm quà biếu Tết, như lạp xưởng. Khi đoàn thanh tra kiểm tra một cơ sở sản xuất lạp xưởng ở Phường 14, Quận 11 thì thấy 10 tấn lạp xưởng phục vụ Tết được sản xuất trong tình trạng chỗ sơ chế thịt gần nhà vệ sinh; còn nhân viên mặc quần đùi, đi chân đất, tay không đeo găng và tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Nguồn nước sản xuất cũng chưa được kiểm nghiệm. Chưa biết còn bao nhiêu nhà sản xuất hàng Tết như vậy.
Nguy hiểm hơn nữa là gia cầm lậu từ các vùng ven biên, từ các tỉnh tràn về mà cơ quan chức năng không tài nào kiểm soát được.
Gia cầm lậu đầy phố, mua bao nhiêu cũng có!
Các điểm nóng gia cầm lậu tại các quận 5, 8, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú... - TP. Sài Gòn, ai cũng thấy cảnh buôn bán gà, vịt sống chưa qua kiểm dịch rất sôi động. Số gia cầm tập trung về các điểm này tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Người mua, kẻ bán đều rất vô tư, không hề nghĩ đến dịch bệnh và cũng không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng.
Ngay trong các chợ gia cầm không qua kiểm dịch cũng được bán công khai. Một số địa phương ở miền Bắc, miền Trung đang có dấu hiệu tái phát dịch cúm gia cầm. Cả ngàn con vịt ở Quảng Nam vừa chết không rõ nguyên do. Một gia đình ở Thanh Hóa đã ăn thịt gia cầm chết, khiến một người vừa tử vong, một bé gái 8 tuổi nhiễm cúm A H5N1... Nguồn gia cầm từ miền Trung đưa vào TP. Sài Gòn tiêu thụ lâu nay tuy không nhiều như ở các khu vực khác, song với tình hình trên, nguồn gia cầm này vẫn mang đầy nguy cơ mang mầm dịch bệnh vào thành phố.
Như thế thì thực phẩm ngày Tết có an toàn hay không là do "số trời", hàng trăm ca ngộ độc thực phẩm và nếu có bị nhiễm cúm H5N1 là do "trời gọi ai nấy dạ".
Lô cốt còn đó lại đào xới vỉa hè
Về giao thông thì khỏi nói, những ngày này đường sá kẹt cứng. Đã thế, những cái lô cốt vẫn lì lợm chắn ngang mọi nẻo đường. Sài Gòn bao gồm 24 quận, huyện thì đã có đến 18 quận, huyện bị “lô cốt” bủa vây, ngoại trừ Q.2, Q.4, Bình Tân, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh, đó là những quận ven đô.
Nhiều hành khách đi máy bay có dịp nhìn ngắm TP. Sài Gòn từ trên cao mô tả: Đường sá tại thành phố giống như thành luỹ lởm chởm và điều dễ nhận thấy từ trên cao là hàng loạt “lô cốt” nối đuôi nhau được ví như "Vạn Lý Trường Thành" trong đô thị.
Theo dự trù, sau Tết, vấn đề “lô cốt” sẽ còn căng thẳng hơn năm 2008 vì có đến 61 con đường, tương đương với 56,7km đường đào mới. Tổng km đường sẽ đào của 3 dự án lớn trong năm 2009 gần 120km, tương đương với quãng đường từ TP. Sài Gòn đến đầu địa phận tỉnh Bình Thuận. Chưa hết, lô cốt đã khổ, gần Tết các quan chỉnh trang đô thị từ Hà Nội đến TP. Sài Gòn lại còn chơi trò đào xới vỉa hè để làm đẹp bộ mặt hai thành phố lớn nhất nước. Điển hình, con đường Tô Hiến Thành – Q.10, kéo dài hơn 1km lề đường bị đào xới tan nát, ngổn ngang vật liệu xây dựng: sắt thép, xi măng, cát, gạch… Người dân bất bình than thở với trời: “Buổi sáng con đường này đã kẹt xe, nay lại thêm kẹt xe vì làm lề đường kiểu này, chẳng làm ăn buôn bán gì được!”.
Một người dân khác lại so sánh: “Tôi thấy lề đường còn rất tốt mà làm lại thì thật lãng phí, còn như đường Pasteur bị hư hỏng nhiều thì lại không thấy làm gì…”! Đó là kiểu làm việc theo từng địa phương đã từng gây ra quá nhiều phiền luỵ cho người dân, nhất là những cửa hàng kinh doanh gặp cảnh này chỉ có nước đóng cửa sớm ngày nào hay ngày ấy.
Sao không chọn thời điểm khác làm lề đường, mà lại chọn đúng những ngày giáp Tết này? Dường như các nhà tham mưu lỗi lạc chỉ biết mỗi việc là làm cho xong, không cần biết đến tâm trạng và nỗi khổ của người dân.
Những chuyện vui buồn trong những ngày giáp Tết trên đây chỉ là vài chuyện tượng trưng nhất trong ngàn lẻ một chuyện đáng nói khi Sài Gòn vào Tết.
Trong khi đó từ Hà Nội đến Sài Gòn năm nay các đường hoa phố hoa, các nơi vui chơi giải trí đang được gấp rút hoàn thành rất "hoành tráng", làm sao cho "huy hoàng" hơn hẳn mọi năm. Dường như đây cũng lại là một nhu cầu có thật: Càng đói càng cần "hoành tráng".
Nguồn: Viendong Daily News
No comments:
Post a Comment