Quốc tang: Luật và Lệ
Nguyễn Hữu Vinh
http://anhbasam.wordpress.com/2009/01/27/47qu%e1%bb%91c-tang-lu%e1%ba%adt-va-l%e1%bb%87/#comments
Đúng vào cái ngày mà mọi người Việt trong cũng như ngoài nước vui đón Tết thì tin dữ đến từ một miền quê nghèo miền Trung ─ hơn 40 người tử nạn và mất tích vì chìm đò đúng sáng 30 Tết (xem tin BBC). Các báo in đã nghỉ từ hai ba hôm trước, báo mạng không có mấy người xem trong những ngày rộn rã tất bật này, truyền hình chắc phải bận nhiều chương trình vui Xuân… Quả thật nếu vụ việc rơi vào một ngày bình thường trong năm, chí ít cũng sẽ có nhiều chia sẻ, từ tin tức báo đài, các đợt quyên góp, kể cả tìm kiếm hai nạn nhân mất tích. Nhưng rồi cũng có một điều an ủi khá bất ngờ : tỉnh Quảng Bình quyết định không bắn pháo hoa theo như kế hoạch. Còn có thể làm được gì nữa không, cho người đã khuất và những người còn ở lại trong đau đớn giữa niềm vui của cả nước ?
Nghĩa tử nghĩa tận, cha ông ta vẫn dạy thế. Ấy vậy nhưng nhiều lúc, không biết có phải vì cái khốn khó, hoặc ngược lại, cái đam mê giàu sang cũng làm cho người ta quên bớt việc nghĩa này. Thậm chí, nói dại, có thể chuyện chết chóc xảy ra quá nhiều, từ chiến tranh triền miên, tản cư, di tản, vượt biên vượt biển bỏ mình, cho tới đủ loại tai, tệ nạn, để rồi coi cái chết nhẹ như lông hồng, tâm hồn con người thêm chai đá.
Ở nhiều nước, không phải chỉ có sự ra đi của các nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất, các nghệ sĩ, trí thức… rất danh tiếng là được tổ chức quốc tang, mà những vụ tai nạn, thiên tai mang đến cái chết của nhiều người cũng có nghi thức này. Như vụ nổ mỏ than ở Ba Lan 2006 làm chết 23 người (xem bản tin BBC), vụ nổ súng giết hại hơn 10 người ở Phần Lan năm 2008 (xem Tuổi Trẻ)… đều được để tang trên toàn quốc.
Còn ở nước ta, ngoài quốc tang cho các vị lãnh đạo, cựu lãnh đạo cao cấp nhất của nhà nước, có quốc tang cho hàng chục nạn nhân trong các vụ tai nạn, thiên tai như vụ chìm đò 30 Tết này không ? Cố lục lọi trí nhớ và lần tìm trên mạng qua các vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm kia làm chết hơn 50 người, vụ chìm đò năm 2003 trên sông Thu Bồn, Quảng Nam làm chết 28 em học sinh… không thấy ta tổ chức quốc tang.
Có người bảo “ phải có Luật ”. Đúng vậy. Vội vàng vào trang vietlaw.gov.vn của Văn phòng Quốc hội, tìm từ “ quốc tang ” thì được thấy duy nhất một văn bản sau đây : Thông Tư, của Bộ Tài chính, số 40/2002/TT-BTC ngày 2-5-2002 hướng dẫn các khoản chi phí, cấp phát và quyết toán ngân sách phục vụ lễ quốc tang, lễ tang cấp nhà nước, lễ tang cấp cao.
Vậy là rõ. Không phải chỉ có quốc tang, mà còn có lễ tang cấp nhà nước và cấp cao (tức là hai loại lễ tang thấp hơn lễ quốc tang). Nhưng… cả ba loại lễ tang này đều dành cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước từ trần, căn cứ vào Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12-9-2001 của Chính phủ.
Như vậy không phải chỉ với dân thường, mà cả với các bậc chí sĩ nổi tiếng tới đâu, nếu không phải là người của nhà nước, thì chắc chắn không thể được hưởng nghi thức tang lễ tầm cỡ quốc gia ?
Chưa yên tâm, tiếp tục tìm kiếm với từ khóa “ tang lễ ” thì có được duy nhất Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 34/2002/QĐ-TTG ngày 20-2-2002 về việc sử dụng và quản lý Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Quyết định này chỉ căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ, ý kiến của Bộ Chính trị, Nghị định số 62 (nêu trên). Theo đó, nhà tang lễ này dành để tổ chức tang lễ theo nghi thức Quốc tang, lễ tang theo nghi thức lễ tang Nhà nước, và lễ tang đối với các đối tượng nêu trong một phụ lục mà trong đó, ngoài các đối tượng là cán bộ, sĩ quan quân đội, công an… thì có các nhà hoạt động xã hội, văn hoá, khoa học tiêu biểu được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất trở lên.
Tới đây, không biết có phải tìm kiếm thêm, bàn thêm về chuyện buồn này nhân dịp đầu năm mới, hoặc phải trách cứ Nhà nước không những không sớm ra một bộ luật liên quan tới nghĩa tử, mà còn không có cả những cái lệ, tạm thời khi chưa ra được luật, hay chí ít là trong từng địa phương, cho hợp với đạo lý ông cha xưa, để quan tâm tới cả người dân nữa chứ không chỉ với các công bộc của dân thôi ? Xin được nhường lời cho bạn đọc.
Hà Nội, sáng mùng Một Tết Kỷ Sửu 2009
No comments:
Post a Comment