Friday, January 30, 2009

QUÀ LÌ XÌ CỦA HOÀ THƯỢNG QUẢNG ĐỘ

Nhà văn Hoàng Tiến viết về quà Lì xì đầu năm, nhân đọc lại Thư Chúc Xuân gửi đến quý vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và đồng bào trong và ngoài nước của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Ðộ
2009-01-29 PTTPGQT
http://www.queme.net/vie/news_detail.php?numb=1165
PARIS, ngày 29.1.2009 (PTTPGQT) - Mồng Ba Tết Kỷ Sửu, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế nhận được từ Hà Nội bài viết của Nhà văn Hoàng Tiến dưới đề mục “Đầu Xuân được quà lì xì của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ”. Lì xì là chuyện bên lề. Lòng đường của bài viết là nỗi khổ hạnh dân tộc vào đầu năm Con Trâu. Chỉ hơn ba trang viết, nhà văn Hoàng Tiến đã khêu dậy nỗi thương tâm của người dân Việt nơi thiên niên kỷ 2009 này. Từ hạn hán đến lạm phát, từ vụ án PMU 18 đến Tổng cục 2 tình báo, từ vụ Thái Hà, tòa Khâm sứ đến Hoàng Sa, Trường Sa…
Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bài viết ấy dưới đây để chúng ta cùng vui đọc và ngậm ngùi trong mấy ngày xuân. Nhân Nhà văn Hoàng Tiến nhắc tới bức “Thư Chúc Xuân” của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, gửi đến quý vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn nghệ sĩ và Ðồng bào các giới trong và ngoài nước, chúng tôi xin đăng lại nguyên văn thư ấy làm quà Xuân gửi đến quý bạn đọc.

ĐẦU XUÂN, ĐƯỢC QUÀ LÌ XÌ CỦA
ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ

Nhà văn Hoàng Tiến
Năm nay các cụ viết đại tự chữ Hán (thường gọi viết thư pháp) cho bà con chơi Tết được quy tụ tại Văn Miếu. Nhóm Cảo thơm thư hiên của chúng tôi cũng được mời tới đó, chiếm một gian có mái lợp vải nilon, khung bằng ống nước kẽm, dựa lưng vào bức tường gạch cổ Quốc Tử Giám, nhìn ra đường phố đông đúc người qua lại.
Đang trao đổi với các cụ thì nhận được điện thoại của cháu Hà con gái trưởng cụ Hoàng Minh Chính nhắn đến nhà bà Hoàng Minh Chính ngay có việc gấp. Tôi xin phép các cụ, hòa vào dòng người nườm nượp trên đường phố đi sắm Tết.
Thật bất ngờ! Tôi được gặp vị sứ giả của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là Hòa thượng Thích Không Tánh từ Sài Gòn ra, sáng nay cùng gia đình tới nghĩa trang Thanh Tước bên kia sông Hồng, làm lễ đón cụ Hoàng Minh Chính về nhà ăn Tết, và chiều nay trước khi vào Sài Gòn muốn gặp gỡ một số anh chị em dân chủ và dân oan, gửi lời chúc Tết cùng biếu quà lì xì đầu xuân của Đại lão Hòa thượng.
Tíu tít hỏi thăm sức khỏe của Đại lão Hòa thượng, được biết ngài vẫn khỏe, lòng tôi rất mừng và cảm thấy một niềm an lạc tràn ngập khắp người.
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, tấm gương vô úy của vị cao tăng trước sự đàn áp khốc liệt của công an theo lệnh Đảng và Nhà nước, đã cổ vũ nâng đỡ chúng tôi rất nhiều trong công việc đấu tranh dân chủ gian khổ ở nước nhà. Ngài là biểu tượng hiện hữu của đại lực, đại hùng, đại trí theo kinh Phật dạy.

Tôi vẫn còn nhớ như in những lời ngài viết trong "Thư Chúc Xuân 2005":
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trong cương vị tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi ách nạn, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ." (Thư chúc xuân, trang 2)

Đại lão Hòa thượng nhận định:
"70 năm thử nghiệm ý thức hệ Mác Lê không đem lại cho nhân sinh tự do và no ấm, nên đầu thập kỷ 90, Liên Xô và toàn bộ phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, chấm dứt chiến tranh lạnh phân đôi thế giới." (Thư chúc xuân, trang 1)

Về con đường thoát khỏi khó khăn chồng chất của Việt Nam, ngài viết:
"Chúng tôi suy nghĩ từ bản thân qua hàng chục năm lưu đầy, tù ngục và quản chế, thì thấy không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước." (Thư chúc xuân, trang 2)

Những lời nói phải như vậy, tiếc rằng lãnh đạo Đảng và Nhà nước không chịu nghe. Dân gian có câu thành ngữ: "Nói phải củ cải cũng nghe". Thật là đáng tiếc!

Tình hình đất nước năm vừa rồi gặp nhiều khó khăn. Hết hạn hán lại lụt ngập. Tiền tệ lạm phát tới hai con số. Chống tham nhũng thất bại với sự kết thúc vụ án PMU 18, miễn tố thứ trưởng Giao thông Vận tải, khởi tố ngược lại một tướng một tá công an cùng hai nhà báo. Vụ Lê Đức Anh ầm ĩ trước Đại hội Đảng 10 là thế, nay cũng bị cho chìm xuồng, kết thúc ở việc chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho ông ta. Vụ Thái Hà và tòa Khâm sứ giải quyết cách cửa quyền một phía, không thấu tình đạt lý. Giáo dân Thái Hà chưa tâm phục khẩu phục, vẫn chống án. Những vụ án mở ra thật to lớn như đầu con voi châu Phi, mà kết thúc thì teo lại, bé tý như đuôi con chuột nhắt xó bếp. Dư luận chịu một quả lừa to lớn không thể nào ngờ, giống như một cuộc đá banh, quả bóng bất ngờ từ gôn bên này bay thẳng vào gôn bên kia.
Nhưng cái nguy hiểm nhất lại là sức ép từ phương Bắc. Trung Quốc bành trướng lấn chiếm đất đai, biển cả, hải đảo của Việt Nam. Phía ta cứ nhân nhượng chịu lùi, hết ký Hiệp định biên giới 1999, đến ký Hiệp định lãnh hải 2000, rồi Trung Quốc xây dựng và khai thác dầu mỏ ở Hoàng Sa, rồi Trung quốc lấn chiếm Trường Sa và cuối năm vừa rồi tuyên bố hai quần đảo này thuộc huyện Tam Sa trực thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Tàu chiến Trung Quốc tuần tiễu trên biển Đông mang theo tên lửa. Trung Quốc bỏ ra 29 tỷ USD thăm dò khai thác biển Đông. Ngang nhiên như vậy, mà bên ta chỉ dám phản đối yếu ớt ở cấp độ người phát ngôn Bộ Ngoại giao thôi.
Nhưng cái đau lòng nhất lại là chuyện thanh niên sinh viên muốn bộc lộ lòng yêu nước bằng cách tụ tập phản đối trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà nội, lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn, đều bị công an Việt Nam giải tán, ngăn cản, đe dọa.
Thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong toàn dân là một việc cực kỳ cần thiết triều đại nào cũng phải làm. Đất nước chúng ta tồn tại được 4.000 năm cũng chỉ nhờ lòng yêu nước mà thôi. Hãy thử tưởng tượng, nếu mọi người Việt Nam bây giờ đều lãnh đạm, thờ ơ với chuyện đất đai, sông ngòi, biển cả, ai muốn lấn chiếm cũng được, ma-kê-nô, thì chẳng khác gì cảnh nhà cháy mà con cháu cứ ngồi nhâm nhi cà phê, hát karaokê, ngắm các cuộc thi hoa hậu và nhảy múa sập sình.
Năm mới, tôi buộc lòng phải nói với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị đang nắm quyền lực trong tay, các vị không sợ ai, ai nói gì trái ý, các vị có thể bắt bớ bỏ tù, để tỏ cái uy quyền của mình. Nhưng các vị cũng nên biết sợ lịch sử, biết sợ hậu thế. Lịch sử và hậu thế sẽ rất nghiêm khắc và công bằng.

Sử sách có ghi chuyện vua Lê Thánh tông được tin người nhà Minh (Trung Quốc) đem quân đi khảo sát địa giới, Thánh tông liền cho người lên do thám thực hư. Ngài bàn với triều thần rằng: "Ta phải giữ gìn cho cẩn thận đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông, là có tội với tổ tiên, có tội với vua Thái tổ." Ngài có lòng vì nước như thế, cho nên dẫu nước Tàu có ý muốn dòm ngó, cũng không dám làm gì. (Việt Nam sử lược. Trần Trọng Kim. Trang 250)

Lòng yêu nước được nhen nhúm từ lịch sử. Ai là người Việt Nam hẳn đều biết chuyện Hai Bà Trưng. Đại Nam quốc sử diễn ca của Phạm Đình Toái và Lê Ngô Cát ghi:
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Hồ Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã tới gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Nước Nam riêng một triều đình nước ta…

Cuộc khởi nghĩa đầu tiên giành độc lập tự do cho đất nước chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất (từ năm 111 trước CN đến năm 39 sau CN) lại rơi vào tay hai người đàn bà. Chuyện thật thần kỳ, xảy ra vào thế kỷ thứ nhất những năm 40 – 43 sau Thiên Chúa giáng sinh.
Anh hùng giải phóng nước Pháp là Jeanne d' Arc hiện hữu sau Hai Bà Trưng ta 15 thế kỷ (1429 – 1431), cũng là một người đàn bà, đúng ra là một cô gái 19 tuổi. Được nhân dân Pháp và thế giới ca ngợi là thần kỳ. Rồi được phong thánh năm 1920.
Ngọn lửa yêu nước của Hai Bà Trưng truyền mãi cho đến ngày nay. Qua mỗi thời kỳ nó mang thêm dấu ấn của các thời đại, nhưng chất men yêu nước vẫn y nguyên, vẫn bốc cháy rừng rực không thuyên giảm.
Thế hệ chút chít ở thế kỷ 20, vẫn say đắm hình tượng Hai Bà Trưng, để trào ra ngọn bút những vần thơ hào sảng:
Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời, bóng lẻ soi.
Ngân Giang nữ sĩ

Cuộc khởi nghĩa trúc chẻ ngói tan của Hai Bà đoạt liền một mạch 65 thành trì, khiến quân Tàu chạy về Ải Bắc rồi mà đôi chân vẫn còn run rẩy, nghe tiếng vó ngựa lại bạt vía kinh hồn. Chiến thắng oai hùng làm sao! Ba câu dưới mang đậm dấu ấn của nữ giới thời tự lực văn đoàn thế kỷ 20, và Ngân Giang nữ sĩ là người có công đầu tiên phát hiện ra nỗi đau mất mát của các bậc anh hùng. Vĩ nhân không phải chỉ được hoan hô rầm trời, đứng hiên ngang vẫy tay trước công chúng, mà họ có những nỗi đau tâm khảm ít ai nhìn thấy.
Nghe nói, giảng đoạn thơ này của Ngân Giang nữ sĩ cho sinh viên văn khoa Sài Gòn, thầy giáo Đông Hồ rất xúc động. Sinh viên đề nghị thầy ngâm. Thầy ngâm to, rất truyền cảm, rồi ngất luôn. Đưa được vào bệnh viện thì thầy mất. Để lại một tình cảm xót thương trong sinh viên, và trở thành một giai thoại đẹp trong công việc giảng dạy truyền tiếp ngọn lửa yêu nước cho giới trẻ.
Nuôi lòng yêu nước cho mọi người là công việc rất hệ trọng của mọi thời đại. Bây giờ, có thể nói, ai làm nhụt nhuệ khí yêu nước của người Việt Nam, là có tội với dân tộc Việt Nam.
Mùa xuân năm con trâu Kỷ Sửu đã đến dự báo nỗi vất vả cực nhọc của thân phận trâu cầy. Kinh tế thế giới khủng hoảng vẫn tiếp diễn. Chiến tranh cục bộ đã xảy ra và có thể còn xảy ra. Trái đất nóng dần lên. Hiện tượng băng tan ở hai cực. Những nước giáp biển như nước ta, giả dụ nước biển dâng lên hai mét thì bao nhiêu đồng ruộng nhà cửa chìm trong nước? Rồi nạn khủng bố quốc tế. Rồi nạn tham nhũng Việt Nam. Lạm phát đe dọa. Dân oan khiếu kiện. Báo chí bịt miệng. Bất đồng chính kiến bị đàn áp. Tự do tôn giáo bị vi phạm. Nhất là sức ép của Trung Quốc. Sự bành trướng của họ về biên giới, về lãnh hải và các hải đảo của ta.
Thấy tình hình như vậy mà lo nhiều hơn vui.

Theo Kinh Dịch thì cùng tắc biến, biến tắc thông. Sự việc bế tắc đến đâu, rồi cũng có cách giải quyết. Các bậc minh quân sẽ nảy sinh trong đám rối rắm bế tắc này. Tôi hy vọng như thế.
Quà lộc tài (tiếng Quảng Đông lì xì) đầu xuân của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ màu giấy đỏ, nhưng lại làm tôi liên tưởng đến nhành mai trắng trong thơ của Mãn Giác thiền sư đời Lý. Xin chép cả bài quý vị đọc Tết cho vui:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Chuyển dịch:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Việc đời qua trước mắt
Cái già trên đầu rồi!
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước, một nhành mai.

Tôi ôm nhành mai đó vào trong giấc ngủ.
Đất thiêng Thăng Long
Những ngày đầu xuân Kỷ Sửu – 2009
Nhà văn Hoàng Tiến
Địa chỉ : Nhà A11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc – Hà Nội

THƯ CHÚC XUÂN
Kính gửi quí vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ, và Ðồng bào trong và ngoài nước
của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ

Dịp Tết Ất Dậu, 2005, Đại lão Hòa thượng viết Thư Chúc Xuân gửi quí vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ, và Ðồng bào trong và ngoài nước gọi kêu sự kết liên cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Bức thư gây chấn động lòng người Nam Bắc, trong và ngoài nước thời gian ấy. Có thể nói Thư Chúc Xuân của Hòa thượng khai mở lần đầu sự thống hợp tình cảm dân tộc giữa hai miền Nam Bắc, mà chiến tranh, Hiệp định Genève, rồi chế độ Công sản phi nhân đào sâu hố chia rẽ tưởng không bao giờ hàn gắn.
Thư Chúc Xuân đạo đạt mối ưu tư thâm thiết đến cộng đồng Sĩ phu đất Việt, mà hai lý do được Hòa thượng nêu rõ : “Mấy chục năm nay, tôi và hàng giáo phẩm Giáo hội lâm cảnh tù đày, rồi quản chế khắc khe, nên đã không còn hoàn cảnh thuận duyên, thư thái và tự do như trước năm 1975, để thuận hòa trong truyền thống thăm hỏi chúc Xuân chư liệt vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ cùng Ðồng bào trong và ngoài nước” (...)“Lịch sử nước ta trải dài nhiều nghìn năm cho thấy sĩ phu là giới hiểu thời vụ, nhờ hiểu thời vụ mà ra tay chuyển hóa thời đại làm cho quê hương thoát cơn luân hiểm, sinh dân được an lạc”.
Thư Chúc Xuân là lời tha thiết mời gọi cộng đồng Sĩ phu dân tộc hãy ngồi lại quanh một ý chí, quanh một giải pháp thay thế để “chặn ngăn các nẻo dữ, mở ra Ðường lành trong năm Ất Dậu 2005”. Ðường lành ấy là thế hiện nền dân chủ đa nguyên theo công sức của mỗi người. Ngồi lại quanh nhau, đoàn kết, liên minh không là điều mới mẻ. Bởi tiếng gào kêu “đoàn kết là sống, chia rẽ là chết” đã cất lên sáu mươi năm trước từ Xuân Ất Dậu 1945. Nhưng đoàn kết càng kêu gào, phân hóa càng cao, phân rẽ càng lắm, tranh chấp càng nhiều. Ấy chỉ vì, cho đến nay, các lời kêu gọi đoàn kết và liên minh thể hiện theo chiều dọc. Nghĩa là đoàn kết, liên minh sau lưng một cá nhân, một đoàn thể, một đảng phái. Chưa là đoàn kết, liên minh chung quanh một giải pháp thay thế, một kế sách thù ứng, một thần dược tối ưu giữa hàng chục, hàng trăm thần dược chưa thích nghi với tạng phủ Việt Nam. Nghĩa là đoàn kết, liên minh dân tộc trên chiến tuyến hàng ngang, chứ không là hàng dọc. Hàng ngang mới đồng đẳng và bình đẳng để cùng nhau bước vào tiến trình dân chủ hóa đất nước, như tổ tiên đất Việt sử dụng trong công trình hai nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Kế sách của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ nằm trong tiêu ngữ Dân chủ đa nguyên : “Phải có dân chủ đa nguyên thì mới giải quyết mọi vấn nạn bế tắc từ ba mươi năm qua trên đất nước. Pháp nạn của Giáo hội chúng tôi cũng tùy thuộc công cuộc dân chủ hóa này để được giải trừ. Nó là giải pháp thay thế, mà muôn dân trông đợi”. Hòa thượng giải thích : “Lẽ giản dị là nhiều ý kiến vẫn hơn một ý niệm độc tôn, nhiều thành phần chính kiến, tôn giáo, xã hội, đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương, vẫn hơn một đảng phái độc quyền bao cấp quản lý”. Biết Nhà cầm quyền cộng sản rất húy kị ý niệm dân chủ đa nguyên, nên Hòa thượng ngỏ lời đề xuất : “Nhà nước Việt Nam không nên sợ hãi. Chỉ sợ mình không có chính nghĩa, không thật sự có tâm huyết với dân tộc thôi. Chứ sợ gì mất quyền. Ðừng sợ nhiều đảng loạn quyền. Chỉ sợ dân trí bị kìm hãm trong chủ nghĩa ngu dân thôi. Mà đã ngu dân, thì một đảng cũng sinh loạn. Bối cảnh nước ta ngày nay, theo tôi, không cần có vài chục đảng mới thiết lập được dân chủ. Chỉ cần một đảng tả khuynh, một đảng hữu khuynh, một đảng trung hòa đại diện cho các dòng suy nghĩ chính lưu. Tuy nhiên việc này còn tùy thuộc ý nguyện của nhiều người”.
Với lời đề nghị thực tiễn qua Thư Chúc Xuân như thế, phải chăng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mở đầu cuộc tham gia chính trị ? Câu đáp đã được Hòa thượng minh định : “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trong cương vị Tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi nạn ách, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ. Hẳn nhiên thái độ ấy tùy thuộc các chính sách của Nhà nước có phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân hay không”. Hòa thượng nhấn mạnh thêm : “Tuy không làm chính trị, nhưng Giáo hội ủng hộ mọi nỗ lực chính trị nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống văn minh nòi giống, âu lo cho mỗi con người được sống đời no ấm, tự do, được hưởng trọn các quyền ghi trong Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết tại LHQ từ năm 1982”. Trái lại, giới “nam nữ Cư sĩ Phật tử tại gia sống giữa xã hội có toàn quyền tham gia và đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống như kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, chính trị, v.v... với tinh thần lợi tha bình đẳng”.

---------------------------------------------

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng lại nguyên văn Thư Chúc Xuân của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ sau đây :

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ÐẠO
Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, T.P. SaigonPhật lịch 2548
Số 02/VHÐ/VT

THƯ CHÚC XUÂN
Kính gửi quí vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ, và Ðồng bào trong và ngoài nước

Thưa quí Liệt vị,
Ðức Ðệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang vừa gửi Thông điệp Xuân Ất Dậu, dương lịch 2005, chúc mừng Chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại Ðức Tăng Ni, và toàn thể Phật tử các giới trong và ngoài nước.
Phần tôi nhân dịp Xuân về, thay mặt Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, xin kính lời Chúc Xuân và Mừng Tuổi quí Liệt vị. Mấy chục năm nay, tôi và hàng giáo phẩm Giáo hội lâm cảnh tù đày, rồi quản chế khắc khe, nên đã không còn hoàn cảnh thuận duyên, thư thái và tự do như trước năm 1975, để thuận hòa trong truyền thống thăm hỏi chúc Xuân chư liệt vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ cùng Ðồng bào trong và ngoài nước.
Cầu chúc quí Liệt vị cùng bảo quyến một năm mới an lành, thành công như ý nguyện. Kèm theo lời Chúc Xuân, chúng tôi mong được nói lên đôi lời ưu tư tâm huyết về tiền đồ quê hương Việt. Người ta thường nói : đất có tuần, dân có vận. Vận nước tuần hoàn đi rồi lại lại. Sự tuần hoàn như thế xác định mọi sự trên thế giới đều chuyển biến, thay đổi không ngừng, chẳng có gì tồn tại vĩnh viễn. Ðạo Phật chúng tôi gọi lẽ ấy là vô thường. Nhờ vô thường, mà con người có thể tham dự, như tác nhân, để chuyển hóa nghịch cảnh : hạnh phúc có thể tái tạo, tự do có thể thiết lập, nô lệ có thể chấm dứt. Cho nên kẻ sĩ phu theo thời mà thông biến. Lịch sử nước ta trải dài nhiều nghìn năm cho thấy sĩ phu là giới hiểu thời vụ, nhờ hiểu thời vụ mà ra tay chuyển hóa thời đại làm cho quê hương thoát cơn luân hiểm, sinh dân được an lạc.
Sau cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, các thế quyền đã thử nghiệm những phương thức xã hội khác nhau. Nhưng quảng đại nhân dân chưa no ấm, hạnh phúc. So với các nước láng giềng trong khu vực, thì nước Việt ngày càng tụt hậu. Làm sao đây ? Chúng tôi nghĩ rằng, xưa cũng như nay, đất nước phải cậy nhờ giới sĩ phu đảm đương trách nhiệm. Bảy mươi năm thử nghiệm ý thức hệ Mác-Lê không đem lại cho nhân sinh tự do và no ấm. Nên đầu thập kỷ 90, Liên Xô và toàn bộ phe Xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu sụp đổ, chấm dứt chiến tranh lạnh phân đôi thế giới.
Nay ta nên làm gì ?
Xu thế địa cầu ngày nay, khắp năm châu nổi lên ý lực hợp tác, chia sẻ, đối thoại, qua phong trào Toàn cầu hóa Kinh tế và Toàn cầu hóa Dân chủ.
Chúng tôi suy nghĩ từ bản thân qua hàng chục năm lưu đày, tù ngục và quản chế, thì thấy không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước. Lẽ giản dị là nhiều ý kiến vẫn hơn một ý niệm độc tôn, nhiều thành phần chính kiến, tôn giáo, xã hội, đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương, vẫn hơn một đảng phái độc quyền bao cấp quản lý.
Nhận thức trên đây muốn thành hiện thực, đòi hỏi sự lên tiếng và tham gia của quí vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ cùng đồng bào cho tiến trình dân chủ hóa đất nước trong năm Ất Dậu này. Ðầu năm 2001, chúng tôi đã có dịp đề xuất « Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam » qua một chương trình 8 điểm. Vì Lời kêu gọi này chúng tôi bị quản chế hành chính hai năm. Hy vọng rằng, tình hình khách quan năm nay, quí vị sẽ có nhiều thuận duyên, may mắn hơn, khi cất tiếng kêu gọi và hoạt động cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Nên không còn chần chờ được nữa.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trong cương vị Tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi nạn ách, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ. Hẳn nhiên thái độ ấy tùy thuộc các chính sách của Nhà nước có phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân hay không. Trong kinh sách Phật giáo, Ðức Phật không làm chính trị, nhưng Ngài không ngừng cố vấn, khuyến thỉnh các vị vua phải có chính sách đúng đắn để phục vụ quần chúng. Ngài cũng có những lời khuyên bảo thích đáng cho quần chúng Phật tử về cung cách làm ăn kinh tế sao cho thu đạt lợi nhuận, gây cơ sở vật chất làm tiền đề cho sự phát triển đời sống tâm linh.
Ở nước ta, các quốc sư Phật giáo dưới các triều Ðinh, Lê, Lý, Trần, Lê đã hành hoạt theo gương đức Phật. Gặp lúc biến, các thiền sư cũng tham gia chống ngoại xâm. Ðuổi xong giặc, các ngài lại trở về nơi thiền viện lo việc an tâm và giáo hóa.
Gần ba nghìn năm trước, Giáo hội Phật giáo được đức Phật thiết lập trên tứ chúng, bao gồm hai chúng nam nữ xuất gia gọi là tỳ kheo và tỳ kheo ni, và hai chúng tại gia nam nữ Cư sĩ Phật tử. Hai chúng nam nữ Tăng sĩ không tham gia chính trị. Nhưng hai chúng nam nữ Cư sĩ sống giữa xã hội có toàn quyền tham gia và đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống như kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, chính trị, v.v...
Tuy không làm chính trị, nhưng Giáo hội ủng hộ mọi nỗ lực chính trị nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống văn minh nòi giống, âu lo cho mỗi con người được sống đời no ấm, tự do, được hưởng trọn các quyền ghi trong Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết tại LHQ từ năm 1982. Và cùng với sự hậu thuẫn tinh thần của Giáo hội, hàng nam nữ Cư sĩ Phật tử tại gia có thể trực tiếp đóng góp vào công cuộc chung với tinh thần lợi tha bình đẳng.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Ðài nước ngoài gần đây, tôi có ngỏ lời đề nghị Nhà nước Việt Nam không nên sợ hãi. Chỉ sợ mình không có chính nghĩa, không thật sự có tâm huyết với dân tộc thôi. Chứ sợ gì mất quyền. Ðừng sợ có tự do, dân chủ là mình mất quyền. Không đâu. Người dân bây giờ tinh tường lắm. Ai có công, ai thật sự vì dân, vì nước, người ta biết. Hãy xem gương các Ðảng cộng sản ở các nước Ðông Âu cũ bây giờ đều chấp nhận đa đảng. Thế mà ở Ba Lan, Tiệp Khắc, v.v... dân chúng vẫn có người bỏ phiếu cho đảng Cộng sản, thì có mất gì đâu. Miễn là mọi đảng phái khác cũng được quyền tham dự để cho dân có cơ sở so sánh, lựa chọn, các đảng phái có cơ sở tranh đua phục vụ tổ quốc. Ðừng sợ nhiều đảng loạn quyền. Chỉ sợ dân trí bị kìm hãm trong chủ nghĩa ngu dân thôi. Mà đã ngu dân, thì một đảng cũng sinh loạn. Bối cảnh nước ta ngày nay, theo tôi, không cần có vài chục đảng mới thiết lập được dân chủ. Chỉ cần một đảng tả khuynh, một đảng hữu khuynh, một đảng trung hòa đại diện cho các dòng suy nghĩ chính lưu. Tuy nhiên việc này còn tùy thuộc ý nguyện của nhiều người. Nhưng trái lại, phải có nhiều xã hội công dân tự do xuất hiện với mọi quyền con người cơ bản, ắt việc nước sẽ hanh thông, quốc gia sẽ thịnh trị. Ðiều kiện tiên quyết muốn được như vậy là phải có tự do, dân chủ thật sự để mỗi người và mọi thành phần xã hội được bình đẳng tham gia việc nước. Không sung sướng gì bằng, không hạnh phúc gì bằng, khi những người làm chính trị được chính người dân tin tưởng giao quyền cho.
Ðời sống nhân dân các nước dân chủ ở Bắc Âu là mô thức khá hoàn hảo về sự an lạc và tự do của người dân mà chúng ta có thể học hỏi, nghiên cứu, dung hóa, áp dụng vào bối cảnh Việt Nam.
Phải có dân chủ đa nguyên thì mới giải quyết mọi vấn nạn bế tắc từ ba mươi năm qua trên đất nước. Pháp nạn của Giáo hội chúng tôi cũng tùy thuộc công cuộc dân chủ hóa này để được giải trừ.
Nó là giải pháp thay thế, mà muôn dân trông đợi.
Thử trầm tỉnh nghĩ xem, có phải là đảo chính bằng lá phiếu dân chủ vẫn hơn là những cuộc đảo chính bằng bạo loạn ?
Sống trong cảnh huống ngày nay, người có lòng dạ và ưu tư đều bị đẩy vào tâm trạng chờ tức nước vỡ bờ. Thế thì sao không chọn con đường nhân nghĩa của truyền thống cha ông để nước chở thuyền thay vì nước lật thuyền ?
Chẳng nên nghĩ rằng hễ có công an cho đông, nhà tù cho nhiều, và quân đội hùng mạnh là sẽ giữ được quyền bính mãi mãi. Chỗ dựa vững chắc nhất của một chế độ chính trị là lòng dân.
Không là chính trị gia, chúng tôi chỉ có vài ý kiến thô thiển kêu gọi quý vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và đồng bào là những người nhạy cảm với cuộc sống. Làm sao cho một cái gật đầu hay lắc đầu của lực lượng trí tuệ mang yếu tố quyết định thay đổi thời cơ.
Xin quí vị hãy ra tay chặn ngăn các nẻo dữ, dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, đánh lên hồi trống đại hùng khai mở Ðường Lành trong năm Ất Dậu, 2005, này. Ðường Lành ấy là con đường dân chủ đa nguyên đưa tới sự ổn định, phát triển và an lạc. An lạc cho quần chúng chỉ có ý nghĩa đích thực khi bảo đảm được quyền tự chủ quốc gia và những quyền tự do, dân chủ căn bản của toàn dân trong sinh hoạt cộng đồng thế giới.
Làm sao cho xuân qua rồi mà hoa vẫn hàm tiếu, người đến bên cây rừng mà chim không kinh sợ bay xa : Xuân khứ hoa hoàn hạm, Nhân lai điểu bất kinh.
Thư đã dài mà ý chưa hết. Chưa gửi đi nhưng lòng đà trông đợi. Xin chư Liệt vị nhận nơi đây lời Chúc Xuân chân thành và niềm hy vọng của tôi.

Phật lịch 2548 - Thanh Minh Thiền viện
Saigon ngày giáp Tết Ất Dậu, 3.2.2005
Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Ðộ

No comments:

Post a Comment