Sunday, January 4, 2009

NHỮNG DẤU LỬNG CẢI CÁCH

Những dấu lửng cải cách
Ts. Nguyễn Ngọc Điện
03/01/2009 14:47 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/5716/index.aspx
Rất nhiều những thể nghiệm cải cách thể chế cho 2008, nhưng đó vẫn dừng ở dấu chấm lửng hơn là một kết quả rõ ràng. Nhìn thấy đích đến nhưng Việt Nam vẫn loay hoay, lúng túng với những thử nghiệm cải cách của mình.

Không phải ngẫu nhiên mà rộ lên, trong cùng một năm, những ý tưởng cải cách thể chế mang tính đột phá, từ tổ chức cho dân bầu cử trực tiếp chủ tịch xã, đến tổ chức điều trần của quan chức đứng đầu cơ quan quản lý trước đại biểu hội đồng nhân dân, trước cử tri và nhiều ý tưởng khác nữa.
Đó thực sự là những dấu hiệu rõ ràng về sự phát triển vào độ chín muồi của nhận thức xã hội về dân chủ. Nó cũng thể hiện sự khao khát đổi amới và vươn tới sự hoàn thiện của một cơ thể xã hội trưởng thành, đang tràn đầy sức sống và năng động, như là hệ quả tất nhiên của sự phát triển nhận thức ấy.
Có điều, cho đến nay việc hiện thực hoá các ý tưởng cách tân hệ thống vẫn còn dang dở. Như một người đã nhìn thấy đích và mong muốn đạt đến đó, nhưng do chưa bao giờ thử tìm cách chinh phục nó, nên bây giờ cứ loay hoay giữa các phương án, các nhà cải cách đã khiến người dân đi từ chỗ trông đợi háo hức đến… mừng hụt.

Thiếu cơ chế kiểm tra và bảo đảm khách quan

Người dân đã theo dõi, với sự quan tâm đặc biệt, các cuộc trả lời chất vấn được truyền hình hình trực tiếp của một số quan chức đầu ngành ở TP Hồ Chí Minh trước Hội đồng nhân dân và cử tri. Nhưng rồi sau đó, những gì đọng lại chẳng khác mấy so với các cuộc chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với thành viên Chính phủ.
Cái được trông đợi, một cơ chế cho phép làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với sai lầm trong tác nghiệp chuyên môn và một cơ chế bảo đảm việc thực thi các cam kết chính thức của nhà chức trách đối với dân, vẫn chưa thấy xuất hiện.
Suy cho cùng, nếu chỉ dựa vào sức ép của những câu hỏi và những yêu cầu được đặt ra một cách công khai trong khuôn khổ chất vấn, điều trần tại cơ quan đại diện dân cử, thì còn lâu mới xây dựng được bộ máy quản lý, điều hành với những con người có năng lực và có trách nhiệm. Sức ép suông thậm chí còn giúp những công bộc “tận tuỵ” với chức vụ, quyền thế có điều kiện hoàn thiện kỹ năng “chinh chiến” ở các diễn đàn, càng trở nên gan lì, già dặn, khôn khéo trong việc đôi co.
Nói cách khác, cần phải làm thế nào để người bị quy trách nhiệm, dù không muốn, phải chấp nhận trách nhiệm được quy kết cho mình, trên cơ sở những lý lẽ, bằng chứng khách quan và thuyết phục. Trong xã hội có tổ chức và thượng tôn pháp luật, chỉ có quan toà mới đảm nhận được công việc đó, một cách vô tư và công bằng.
Rõ hơn, phải thừa nhận cho công dân, nói chung các chủ thể được quản lý, quyền khởi kiện trước toà án, đòi phán xét hành vi của người được giao quyền quản lý, điều hành, thực hiện trong khuôn khổ hoạch định hoặc triển khai một chính sách. Bằng một bản án, toà án buộc các bên chấm dứt tranh cãi và ứng xử theo chỉ định. Người có chức quyền mà làm bậy sẽ không còn cơ hội vô hiệu hoá việc quy trách nhiệm cho mình nhờ kiểu trả lời chất vấn quanh co, lẩn quẩn.
Vả lại, chỉ khi nào biết rằng mình có thể bị cáo buộc và bị xử phạt nhân danh công lý do phạm sai lầm, thì, theo bản năng tự vệ của thực thể sống, người cầm quyền mới thầy cần thiết phải cân nhắc, đắn đo, dè chừng trong quá trình thực thi chức vụ công. Nếu có một cơ chế kiểm soát như thế, thì hẳn đã không có chuyện nhà chức trách “dám” ban hành những quyết định quái gỡ, chẳng hạn buộc tập thể hoá các phương tiện vận tải tư nhân trong bối cảnh kinh tế thị trường hay cấm người thấp bé, nhẹ cân, ngực lép điều khiển ô tô, xe máy, như trong năm qua.

Nhận thức về chuẩn mực chưa tròn

Điển hình nhất cho những ý tưởng cải cách chưa thành hiện thực có lẽ là chuyện triển khai thí điểm cho dân bầu cử trực tiếp chủ tịch xã.
Kế hoạch tổ chức bầu cử đã được xây dựng khá công phu, số lượng, danh tính các địa phương được chọn để triển khai kế hoạch cũng đã được chỉ định rõ ràng. Thậm chí, toàn bộ quá trình chuẩn bị đã được đưa ra mổ xẻ, phân tích tại Quốc hội, chỉ còn chờ cơ quan lập pháp bật đèn xanh để chuyển sang giai đoạn thực hiện. Nhưng rồi, vào phút chót, mọi thứ được tạm xếp lại một cách đột ngột, để lại trong lòng cử tri nỗi hụt hẫng.

Ở góc nhìn nào đó, diễn tiến không suôn sẻ của các dự án cái cách thể chế có nguyên nhân chủ yếu gắn với nhận thức còn lệch lạc của con người về vai trò của chuẩn mực ứng xử khách quan trong xã hội có tổ chức.
Đổi mới, hiểu theo nghĩa tích cực, không chỉ đơn giản là xây dựng cái gì đó tốt hơn cái đang có; việc xây dựng còn phải được thực hiện như thế nào để kết quả tạo ra được xã hội tiếp nhận như là cái có chính danh (legitimate).

Nói cách khác, cái mới phải ra đời trong lòng xã hội một cách đĩnh đạc, đường hoàng và nhất lả phải phù hợp với hệ thống các quy tắc ứng xử được xã hội thừa nhận rộng rãi, đặc biệt là với luật pháp và đạo đức. Đã được gọi là mới, tốt, nó không thể chen chân vào thế giới theo cung cách của một vật được áp đặt cho mọi chủ thể, một cách phi chuẩn, dù là dưới sự đỡ đầu chính thức của người cầm quyền.
Đối với việc bầu trực tiếp chủ tịch xã hay chủ tịch thành phố, logic suy nghĩ đó đòi hỏi phải tiến hành xây dựng lại khung pháp lý cho phù hợp với ý tưởng cải cách, trước khi chuyển ý tưởng thành ứng xử cụ thể. Cho đến bây giờ, theo một điều khoản rành rành của Hiến pháp, Uỷ ban nhân dân các cấp, mà chủ tịch là một thành viên, phải do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra.
Muốn chủ tịch xã, chủ tịch thành phố dân cử xuất hiện một cách hợp hiến, thì sửa đổi Hiến pháp là điều cần thiết. Thậm chí, không chỉ sửa Hiến pháp, mà còn phải sửa cả Luật bầu cử, các luật tổ chức và, nói chung, tất cả các văn bản quy phạm có các quy tắc tạo thành cơ sở pháp lý cho sự ra đời của nhân vật này.
Giả sử trong kỳ họp vừa rồi, Quốc hội thông qua thuận lợi kế hoạch tổ chức thí điểm bầu cử trực tiếp chủ tịch xã và ra một nghị quyết về việc này, mà lại không tiến hành sửa Hiến pháp và các luật liên quan, thì, đúng là chủ tịch xã dân cử vẫn ra đời được. Thực ra, xã hội cũng đã từng ghi nhận các tiền lệ “xé rào” trong quá trình đổi mới.
Thế nhưng, ở góc độ nhà nước pháp quyền, liệu người ta có thể nói gì về bản chất của những việc diễn ra sau đó ? Sẽ có nhà chức trách tự trao cho mình quyền bỏ qua Hiến pháp khi tiến hành cải cách thể chế; có người dân cầm lá phiếu cử tri và đi bầu mà không căn cứ vào bất kỳ một điều luật nào; có người đại diện dân cử nắm lấy chức vụ công ngoài khuôn khổ Hiến pháp và luật, nhưng vẫn phù hợp với ý chí của nhà chức trách,….

Đó dứt khoát không thể là những nét chấm phá đặc trưng của một bức tranh mô tả nền dân chủ đích thực. Đúng hơn, nó chỉ có thể tiêu biểu cho một xã hội hành chính hoá, xã hội mà trong đó, ứng xử trong giao tiếp nhân văn được đặt trong cơ chế chỉ huy - phục tùng, chứ không chịu sự chi phối của những khuôn mẫu xử sự chung.
Ts. Nguyễn Ngọc Điện

Những thử nghiệm cải cách ngập ngừng của 2008
TP.HCM:3 sở điều trần vì chỉ số hài lòng của dân giảm
Quý 1/2009, Đà Nẵng đề xuất để dân bầu chủ tịch TP
Chủ tịch Đà Nẵng ủng hộ đề xuất dân bầu chủ tịch
Phút cuối, hoãn thí điểm dân bầu trực tiếp chủ tịch xã
500 xã chuẩn bị bầu trực tiếp chủ tịch
Dân chủ không bao giờ là "quà tặng" bất ngờ


No comments:

Post a Comment