Đọc quyển tự thuật "Dreams from my father" (Những ước mơ của cha tôi) của Barack Obama, giấc mơ hòa giải mầu da trên đất Mỹ
Ánh Nguyệt
Bài đăng ngày 09/01/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 10/01/2009 12:13 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/109/article_2160.asp
"Tôi tròn 21 tuổi được vài tháng, có một người đàn bà lạ gọi tôi báo tin". Đây là câu mở đầu quyển tự truyện của Barack Obama mang tựa đề Những ước mơ của cha tôi - Dreams from my father - xuất bản lần đầu gần mười năm trước và được tái bản khi ông tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. (http://www.rfi.fr/actuvi/images/109/20090109_Dreams_from_My_Father_book_200.jpg)
Người đàn bà lạ đã gọi điện cho Barack Obama năm ấy là cô Jane ở Nairobi báo tin cha ruột của Obama vừa qua đời vì tai nạn xe cộ.
Khi nhắc lại cái tin bàng hoàng này Obama đã kể lại cuộc đời ông với dòng kỷ niệm tuông tràn. Từ bờ cát biển ở Hawaii nơi ông sống với gia đình bên ngoại da trắng tới Jakarta, thành phố chứng kiến nhiều năm tuổi thơ của ông, từ cuộc sống sinh viên tại trường đại học danh tiếng Columbia tới khu phố nghèo nhất của Chicago nơi ông bắt đầu công việc đi dạy, quyển tự thuật của Obama vẽ lại những đoạn đường ông đã trải qua với nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc để lại dấu ấn cho bản thân ông. Ngay từ dòng đầu Obama đã lôi cuốn người đọc bằng giọng văn điềm đạm, thành thật. Ông kể laị những thành công và không che dấu những thất bại, ông nhắc cả những vét thương của bản thân ông, và cả của những ngưòi nuôi giấc mơ hòa giải hai màu da trên đất Mỹ.
Về người cha da đen của mình, một người cha mà Obama không có hạnh phúc được sống chung, ông đã giới thiệu
« Tôi được biết cha tôi là người châu Phi, xứ Kenya, bộ tộc Luos, sinh ra bên bờ hồ Victoria ở một nơi tên là Alego. Cha tôi chăn dê cho ông nội tôi và đi học ở trường làng do chính quyền thực dân Anh xây lên và ông tỏ ra rất thông minh.
Cha tôi dành được học bổng lên Nairobi và tại đây, trước khi Kenya độc lập, ông được giới lãnh đạo Kénya và các nhà tài trợ Hoa Kỳ tuyển chọn đưa sang Mỹ học đại học, trong làn sóng xuất dương đầu tiên của người châu Phi tìm học công nghệ phương Tây để mang về xây dựng một châu Phi mới, hiên đại.
Năm 1959, 23 tuổi, cha tôi vào đại học Hawaii. Ông là sinh viên Phi châu đầu tiên của trường. Trong một lớp học tiếng Nga ông đã gặp một cô gái Mỹ nhút nhát, khiêm tốn, chỉ mới 18 tuổi và họ đã yêu nhau. Đôi bạn trẻ cưới nhau và sinh một con trai, và cha tôi lấy tên Barack của ông đặt cho tôi. Ông lại có học bổng mới, lần này để chuẩn bị bằng tiến sĩ tại đại học Harvard nhưng không được cấp đủ tiền cần thiết để có thể đưa vợ con đi theo. Hai người đành sống xa nhau và sau đó, cha tôi trở lại châu Phi đúng như cam kết ban đầu. Tuy cha tôi về nước để lại vợ con nhưng mối liên hệ tình cảm vẫn kéo dài.
Cha tôi không giống bất cứ người nào chung quanh tôi. Ông đen như nhựa đường, trong khi mẹ tôi trắng như sữa nhưng điều này không đọng lại trong trí tôi. Tôi chỉ nhớ có một chuyện nói lên rõ ràng vấn đề chủng tộc. Chuyện kể rằng, một buổi chièu, sau cả ngày làm việc, cha tôi tới tìm ông ngoại tôi và nhiều ngưòi bạn nữa trong một quán ba ở Waikiki. Không khí vui vẻ, người ta ăn uống trong tiếng đàn hạ uy cầm, bỗng có một người da trắng, tiêng nói to và rõ ràng, than phiền với chủ quán là rươu thì ngon nhưng ông ta lại phải ngồi cạnh một thằng mọi. Gian phòng im lặng hắn đi, mọi người hướng cái nhìn về cha tôi , chờ đợi xung đột diễn ra. Thế nhưng cha tôi chỉ đứng dậy, tiến về phiá người khách da trắng, cưòi và thuyết cho ông ta một tràng về sự hẹp lượng điên cuồng, về giấc mơ Mỹ quốc và về tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.
Ông ngoại tôi nhắc lại : Khi Barack nói xong, anh chàng kia cảm thấy nhột nhạt đến nỗi chìa ngay một tờ trăm đô. Với tiền này, trả hết xuất ăn hôm đó, cha con còn đủ tiền nhà tới cuối tháng ».
Khi tự truyện Những ước mơ của cha tôi đuợc dịch sang tiếng Pháp và do Nhà xuất bản Presse de la Cité cho ra mắt công chúng lần đầu năm 2008 một trong những ý kiến phản hồi của người đọc cho rằng đây là một câu chuyện về bản sắc chủng tộc. Một kỷ niệm sâu sắc về nổi ám ảnh màu da được Obama kể lại
« Mẹ tôi dẫn tôi vào phòng đọc sách rồi bà trở về làm việc. Tôi đọc xong các truyện tranh, làm hết các bài vở mẹ tôi mang cho rồi tôi đứng lên đi thơ thẩn qua các dãy kệ sách. Trong một góc, tôi tìm thấy bộ sưu tập tạp chí Life., được trưng bày tươm tất trong các bìa plastic trong.Tôi lướt qua các hình ảnh quảng cáo hấp dẫn và cảm thấy hơi yên tâm. Một lát sau tôi chợt trông thấy bức ảnh minh họa một bài viết và tôi cố đoán nội dung bài viết trước khi đọc lời chú thích bức ánh. Ánh những cậu bé ngưòi Pháp chạy trên con đường lát đá : một cảnh tượng vui vẻ ; đám tré chơi trò cút bắt sau giờ tan học, tiếng cưòi gợi thấy sự tự do. Ảnh một ngưòi đàn bà Nhật Bản nâng niu một bé gái trần truồng trong bồn tắm mới kín nước ; bức ảnh buồn quá. Em bé bị bệnh, chân em có tật, đầu em ngã ra sau vào lòng mẹ em, gương mằt người mẹ buồn bã có lẽ bà than thân trách phận.
Rồi tôi nhìn thấy bức ảnh một người đàn ông có tuổi, mang kính đen và mặc áo đi mưa. Ông đi trên con đường vắng tanh. Tôi chưa hiểu bức ảnh muón nói gì, đề tài chẳng có gì đặc biệt. Trang tiêp theo lại một bức ảnh khác : một bức cận ảnh đôi bàn tay cũng của người đàn ông này, hai bàn tay trắng nhợt nhạt kỳ cục, một màu trắng không tư nhiên như thể bàn tay ông không còn một chút máu. Tôi lật trở lại tấm ảnh đầu và tôi chú ý tới mái tóc xoăn của ông ta, đôi môi to dày, cái mủi tròn và tất cả đều mang màu da khác thường, ma quái.
Tôi nghĩ chắc ông ấy bệnh nặng lắm, nạn nhân bị nhiễm phóng xạ, có thể lắm hay bệnh bạch tạng. Mấy ngày trước tôi có thấy một người bạch tạng trên đường và mẹ tôi có giải thích. Nhưng tới khi tôi đọc những dòng chữ kèm theo bức ảnh tôi mới hiểu là không phải vậy. Bài báo nói người dàn ông trong ảnh đã chiụ hóa trị để làm trắng da và ông đã hết sạch tiền. Ông cho biết rất tiếc đã cố thành người da trắng,, tiêc là két quả lại khủng khiếp thế này. Thế nhưng bây giờ đã lỡ. Ở Mỹ có hàng vạn người như ông, những người da đen, đàn ông cả đàn bà đã chạy chữa theo lời quảng cáo hứa hẹn là họ sẽ hạnh phúc một mai có làn da trắng.
Tôi cảm thấy nóng bừng mặt và cổ. Dạ tôi thắt lại. Chữ nghĩa nhòa nhoẹt ».
Khẩu hiệu của thượng nghị sĩ Obama trong chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ là « Thay Đổi Nước Mỹ ». Ngay từ thời sinh viên, như được kể lại trong quyển tự thuật Obama đã từng hoạt động cho công cuộc thay đổi. Nhưng thay đổi cái gì và bằng cách nào
« Năm 1983, tôi quyết định sẽ trở thành người tổ chức các hoạt động cho cộng đồng. Ở trường đại học, khi những người bạn hỏi tôi là vai trò của người tổ chức là gì, tôi đã không thể trả lời họ một trực tiếp : tôi diễn thuyết về sự cần thiết phải thay đổi. Thay đổi ở Nhà Trắng, nơi mà Reagan và thuộc hạ của ông ta lao vào làm những công việc bẩn thỉu. Thay đổi ở Quốc hội, nơi có những con người buông thả và tham nhũng. Thay đổi suy nghĩ của đất nước, vốn luôn bị ám ảnh và quanh quẩn tự coi mình là trung tâm. Tôi nói, sự thay đổi không đến từ trên xuống mà chỉ đến từ phía dưới, từ cơ sở. Do vậy, cần phải huy động những người ở phía dưới, ở cơ sở. Công việc mà tôi sẽ làm là như sau. Tôi sẽ vận động tổ chức cộng đồng người da đen. Đó là cơ sở để có sự thay đổi. Những người bạn, da trắng cũng như da đen, đã nồng nhiệt hoan nghênh ý tưởng của tôi, trước khi họ đi tới bưu điện dể gửi đơn xin vào các trường đại học có uy tín
...
Cuối cùng, một công ty tư vấn tài chính cho các tập đoàn đa quốc gia đã chấp nhận tuyển dụng tôi làm trợ lý nghiên cứu. Hàng ngày, tôi đi đến văn phòng của mình ở ngay trung tâm Manhattan. Tôi là ngưòi da đen duy nhất của công ty. Ike, nhân viên bảo vệ, người da đen, tính tình thô cục, đứng chắn ngay tại sảnh chính của toà nhà, ông ta không vòng vo, nói thẳng rằng tôi đã vào nhầm nhà rồi. »
…« Tôi hầu như đã bỏ ý định trở thành người tổ chức khi tôi nhận được một cú điện thoại của một người có tên là Marty Kaufman. Ông giải thích với tôi là ông sẽ lập một tổ chức ở Chicago và mong muốn tuyển dụng một thực tập sinh. Vẻ bề ngoài của ông không làm cho tôi tin tưởng nhiều lắm. Đó là một người da trắng, béo phệ, tầm thước, với bộ complet nhầu nhĩ. Khuôn mặt ông lún chìm trong bộ râu lâu ngày không cạo ; đằng sau cặp kính gọng viền sắt là đôi mắt híp. Khi đứng dậy bắt tay tôi, ông đã đánh đổ cốc, làm vấy một chút trà vào chiếc áo sơ mi của ông.
Vừa cầm chiếc khăn giấy lau vết trà, ông nói « Này, tại sao người ta lại muốn trở thành người tổ chức khi ngưòi ta từ Hawaii tới nhỉ ? ».
Tôi ngồi xuống và nói với ông một chút về bản thân tôi.
Ông gật gật đầu, vừa ghi vài chữ vào cuốn sổ và nói « Hum, chắc là anh đang bực tức một cái gì đó phải không ?
Ý của ông là gì ạ ?
Ông nhún vai.
Tôi cũng không biết một cách chính xác. Nhưng chắc chắn là có một cái gì đó. Đừng nghĩ sai nhé : nỗi bực tức, đó là điều bắt buộc phải có khi làm công việc này. Đó là lý do duy nhất thúc đẩy người ta dấn thân vào. Những người cảm thấy thỏa mãn, không có vấn đề gì, thì sẽ tìm một công việc bình lặng hơn. »
Cuộc đấu tranh chống kỳ thị, xóa bỏ vấn đề màu da trên đất Mỹ bàng bạc, xuyên suốt cả quyển tự thuật của Obama. Một cuộc đấu tranh dài hơi, không mong đợi sẽ kết thúc ngày một ngày hai. Đó cũng là một trong những giấc mơ lớn của cậu nhỏ Obama, chàng sinh viên Obama, luật sư Obama và chắc chắn của tổng thống Obama, tổng thống da đen đàu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
« Tôi vào học ở trưòng đại học luật Havard. Trong ba năm trời, tôi giành phần lớn thời gian ở trong các thư viện, nơi được chiếu sáng một cách yếu ớt, vùi đầu vào đọc các khảo cứu và văn bản luật pháp. Các nghiên cứu luật phát đôi khi thật chán ngán, bởi vì đó là học những quy định cứng rắn, những thủ tục tố tụng không rõ ràng áp dụng cho một thực tiễn trái ngược hẳn. Nhưng luật không phải chỉ có vậy. Luật đòi hỏi phải có trí nhớ ; luật cũng ghi nhận diễn tiến cuộc đối thoại, đó là cuộc thảo luận giữa quốc gia với lương tri của nó.
Chúng ta rất cần có những sự thật tự thân là hiển nhiên. »
« Tôi cố gắng đóng góp một cách khiêm tốn vào sự thay đổi xu hưóng này. Tại văn phòng luật sư, tôi làm việc chủ yếu với các nhà thời, các nhóm cộng đồng, với những con người đang thầm lặng xây dựng những cửa hàng thực phẩm, bệnh viện trong các khu nghèo, xây nhà cho những người nghèo. Thỉnh thoảng, tôi xử lý một hồ sơ phân biệt đối xử, để bảo vệ những khách hàng ; họ đến văn phòng của tôi, kể những chuyện mà mà chúng tôi thường nói với nhau là lẽ ra, nó không thể tồn tại được. Đa phần các khách hàng này thường tỏ ra hơi bối rối về những sự việc đã xẩy ra đối với họ, cũng giống như các đồng nghiệp da trắng khi họ phải ra làm chứng, bênh vực cho các đồng nghiệp da đen, bởi vì chẳng ai muốn trở thành kẻ gây rắc rối cả. Ây vậy, có lúc những người đi kiện cũng như các nhân chứng lại tự nói rằng là đó là một vấn đề nguyên tắc và cho dù mọi việc đã qua, những câu chữ đó được ghi trên giấy cách nay 200 năm chắc chắn vẫn rất quan trọng. Người da trắng cũng như da đen, mọi người đòi phải có một cộng đồng mà chúng ta gọi đó là nước Mỹ. Họ lựa chọn phần tốt đẹp nhất trong lịch sử của chúng ta ».
Quyển tự thuật Những ước mơ của cha tôi không chỉ nói lên ước mơ của ngưòi đàn ông đến từ xứ Kenya và kết hôn với một phụ nữ da trắng, của con trai họ. Obama, phải chăng đó còn là giấc mơ đã trở thành hiện thực của mục sư Martin Luther King, của cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela? Phần đầu câu trả lời nằm trong quyển tự thuật « Dreams from father của Barack Obama ».
No comments:
Post a Comment