Thursday, January 22, 2009

NHƯ NGÀY NHẬM CHỨC

Như ngày nhậm chức
Posted By Dự Trần On January 21, 2009 @ 10:48 am
http://www.minhbien.org/?p=652&print=1

Ghi chú: Bài viết chỉ phản ánh quan điểm riêng của tác giả và không đại diện cho quan điểm chính thức của nhóm Minh Biện.

Một triệu tám trăm ngàn là con số ước tính lượng người có mặt tại Quảng trường Quốc gia của thủ đô Washington D.C. Để được dự lễ, những người này phải đi bộ nhiều cây số và phải xếp hàng trung bình từ 3 tới 4 giờ giữa tiết trời băng giá. Thủ đô Washington D.C. trong những ngày này cũng trở nên đặc biệt đắt đỏ. Giá thuê phòng ở khách sạn trung bình lên tới 800 Mỹ kim một phòng đôi. Đấy là chưa kể giá vé máy bay cũng đắt như tôm tươi.
Đắt đỏ, khó nhọc là vậy nhưng vẫn có tới một triệu tám trăm ngàn người tụ về thành phố này để chào mừng tổng thống mới. Đây là con số kỷ lục của nước Mỹ, và có lẽ là con số kỷ lục trên cả thế giới. Kỷ lục trước đây là một triệu bốn trăm ngàn người, được lập ra trong lễ nhậm chức của cựu tổng thống John F. Kennedy.
Là một người lạ sống nơi đất khách, tôi không hiểu được tại sao nhiều người Mỹ phải trả một cái giá cao đến vậy để có mặt trong ngày nhậm chức. Bạn bè tôi ở thành phố này có nhiều người thậm chí còn không muốn ra đường trong mấy ngày qua vì ngại đường xá đông đúc.
Mà ngại như thế cũng là phải. Hôm qua, trong ngày nhậm chức, có một nữ hành khách bị đẩy xuống dưới đường tàu trong khi tàu đang vào bến. May mắn là chị ta đã thoát chết. Ngoài tai nạn này, không biết còn trường hợp nào nữa chưa được báo chí nhắc đến hay không.
Hơn nữa việc một tổng thống ra đi, thay bằng một tổng thống mới có gì mà cần phải huyên náo? Nền kinh tế đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất kể từ năm 1930. Bóng ma thất nghiệp đang ám ảnh tất thảy những người làm công ăn lương. Các ngân hàng chuẩn bị phải quốc hữu hóa. Các hãng xưởng đang phá sản hàng loạt. Hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm y tế và giáo dục đều trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan còn chưa biết khi nào tới hồi kết. Trước các thách thức nghiêm trọng như vậy, liệu Obama có làm được gì?

Về phần tôi, ban đầu đã định bụng không đi. Sau đó vì công việc mà buộc phải ra phố.
Cảm giác đầu tiên ập tới là không khí lễ hội tràn ngập. Mọi người đi trên phố đều ăn mặc thật đẹp. Từ người già tới trẻ nhỏ, ai cũng có nét mặt rạng ngời. Họ vui vẻ làm quen với nhau, liên tục hỏi đường, và tíu tít bàn tán về lễ nhậm chức. Thật không ngờ mới qua một đêm mà Washington D.C. đã thực sự lột xác trở thành một thành phố của những người lạ và thân thiện. Trong dòng người này, tôi quên bẵng đi rằng mình đang ở giữa lòng D.C. – một thành phố vốn rất chính trị, khuôn sáo và nghi thức.
Không hiểu những người này vui mừng ở cái gì? Tôi tự hỏi. Là một người Việt Nam, tôi chưa bao giờ biết đến cảm giác vui mừng như vậy khi bộ máy lãnh đạo mới của Việt Nam được bầu ra. Tôi cũng chưa bao giờ thấy nhiều người Việt đổ ra đường ăn mừng vì một chủ tịch nước mới, một tổng bí thư mới, hay một thủ tướng mới.
Tôi đã quen thái độ thờ ơ với chính trị. “Ông này lên thì ông kia xuống. Chẳng có lý do gì để mà vui mừng cả”, tôi vẫn nghe bạn bè và người thân nói vậy.
Tôi cũng gặp nhiều người nước ngoài có thái độ tương tự. Họ chẳng quan tâm ai là tổng thống. Dạo Gordon Brown chuẩn bị được bầu làm thủ tướng thay cho Tony Blair, tôi có dịp được gặp và nói chuyện với những người biểu tình trước nghị viện Anh ở London. Tôi nhớ mãi về một phụ nữ mang tấm biển với dòng chữ: “Gordon Brown and Tony Blair – Same Shit, Different Assholes!”
“Same Shit, Different Assholes!” quả là một cách nói thô tục nhưng sáng tạo. Nếu như tôi biết người sắp kế nhiệm cũng không khác gì người đang tại vị thì tại sao tôi lại phải vui mừng?
Obama chưa chắc đã làm được gì ra hồn. Sau bốn năm nữa, có thể nhiều người Mỹ lại xỉ vả quyết định ngu muội của cử tri năm 2008. Obama so với Bush có thể vẫn chỉ là “Same Shit, Different Assholes!”
Nhưng cũng có nhiều khả năng Obama sẽ thực sự đem lại cải cách. Trên nét mặt của những người dự lễ hôm ấy, tôi biết họ tin Obama sẽ là một nhà cải cách thành công.

Đi giữa dòng người ở Washington D.C. hôm ấy, tôi nhận ra mình đã nghĩ sai. Người Mỹ ở D.C. vui mừng và tự hào không phải vì một tổng thống mới lên thay cho một tổng thống cũ. Họ tự hào vì, qua nỗ lực của chính họ, họ đã biến niềm tin và giấc mơ mà họ gửi gắm nơi Obama thành hiện thực. Nhiều người trong số họ đã đồng hành cùng Obama từ khi ông còn là một ứng cử viên không mấy tiếng tăm. Qua lá phiếu và hoạt động tình nguyện, họ từng bước đưa Obama lên thành ứng cử viên chính thức của Đảng Dân chủ, rồi sau đó là tổng thống nước Mỹ.
Tôi biết nếu tôi có một giấc mơ cho tôi và cho đất nước, rồi bằng hành động của mình, tôi góp phần làm cho giấc mơ ấy thành hiện thực, thì tôi chắc chắn có lý do để hân hoan và tự hào. Tự đáy lòng, tôi biết đồng bào mình ai cũng ấp ủ những giấc mơ như thế.

Chỉ khác với người Mỹ ở Washington D.C. hôm 20 tháng Một vừa qua, tôi chưa bao giờ cảm thấy, cũng như được chứng kiến, sự hân hoan thành tâm trước sự đổi thay của nền chính trị trong nước. Tôi chưa bao giờ thấy sức mạnh công dân của đồng bào trong các quyết sách lớn của dân tộc. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy khả năng dịch chuyển bộ máy lãnh đạo từ bên dưới.

Ở Việt Nam, về nguyên tắc tôi có thể bỏ lá phiếu bầu đại biểu quốc hội đại diện cho địa phương nơi tôi cư chú. Tuy nhiên, trong tất cả các lần bầu cử, tôi không bao giờ được nghe các ứng cử viên tranh luận, không bao giờ được nhìn thấy kế hoạch tranh cử của họ, không bao giờ được biết họ sẽ làm gì trong quốc hội với tư cách là người đại diện cho tôi. Với nhiều ứng cử viên, tôi thậm chí còn không biết họ từ đâu xuất hiện.
Mỗi khi đi bầu, tôi chỉ được dịp lướt qua sơ yếu lí lịch của họ dán trên bảng nơi bỏ phiếu. Tôi thường chọn vị nào có học vấn cao và xuất thân từ giới khoa học. Tuy nhiên, gần đây thì hầu như vị nào cũng có bằng tiến sỹ, vì thế làm sự chọn lựa của tôi trở nên khó khăn hơn trước.
Thêm nữa, tôi cũng hiểu rằng Quốc hội là một cơ quan có danh nhưng không có nhiều quyền lực thực tế. Cũng như mọi người Việt Nam khác, tôi hiểu Đảng là bộ máy có tiếng nói quyết định. Trung ương Đảng, với đại diện là Bộ Chính trị, là cơ quan tối cao. Các cơ quan này của Đảng quyết định tất cả các quyết sách và đường lối phát triển đất nước.

Cũng như tuyệt đại bộ phận người Việt khác, tôi không phải là Đảng viên, vì thế tôi không có chút ảnh hưởng nào tới việc chọn ra các thành viên của Trung ương Đảng. Ngay cả bố tôi, là Đảng viên trong suốt hơn 30 năm qua, cũng không có chút quyền lực nào trong việc lựa chọn ra Trung ương Đảng. Hiện nay, lá phiếu mà ông có trong Đảng chỉ được dùng để bầu ra ban Chấp hành Đảng bộ Xã – là cơ quan thấp nhất của Đảng sau “Chi bộ”.

Việc chọn lựa lãnh đạo đất nước không phải là việc tôi có thể can dự vào. Thế nên cũng như nhiều người Việt Nam khác, tôi thực sự không quan tâm ai là người lãnh đạo. Mỗi khi không đồng ý với những quyết sách của người lãnh đạo, tôi biết mình có thể viết thư kiến nghị. Đó là cách duy nhất tôi được phép làm, và có thể làm. Tôi cũng đã thử gửi thư kiến nghị nhưng chưa bao giờ được trả lời. Tôi biết những lá thư tôi viết và gửi đi đang lẫn trong số hàng ngàn lá thư không bao giờ được mở nằm vật vã đâu đó trong sọt rác của cơ quan hữu trách.

Nhìn nét hân hoan của những người giữa thủ đô Washington D.C. hôm ấy, tôi mong được thấy nét rạng ngời trên khuôn mặt Việt Nam. Tôi biết Hà Nội và Sài Gòn đã có những đêm không ngủ vì cuồng nhiệt sau mỗi chận thắng của đội tuyển bóng đá nước nhà. Tận đáy lòng, tôi cũng chia vui với niềm hạnh phúc của họ, nhưng tôi hiểu bóng đá là một trò giải trí không hơn.

Khi nào thì đồng bào Việt có thể hân hoan, có thể cuồng nhiệt, có thể xuống đường để tràn ngập phố phường trước những biến chuyển của vận mệnh quốc gia do chính họ tạo ra bằng quyền công dân của mình?

Tôi không biết. Nhưng tôi hiểu đó là giấc mơ của tôi, của nhiều bạn bè, và đồng bào Việt Nam khác.

No comments:

Post a Comment