Nền luật pháp Việt Nam trong năm 2008
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2009-01-27
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008-review-legal-system-in-vietnam-part-1-01272009115126.html
Năm hết Tết đến cũng là lúc để mọi người điểm lại tình hình của năm cũ để hướng tới những cải thiện trong năm mới. Dịp này, mời quý vị cùng Trà Mi nhìn lại những điểm đáng chú ý của nền luật pháp Việt Nam trong năm Mậu Tý 2008, qua cuộc hội luận với hai chuyên gia lão thành là luật sư Trần Lâm ở Hải Phòng và luật sư Trần Thanh Hiệp từ Pháp.
Luật sư Lâm là người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành luật pháp trong nước qua nhiều vai trò khác nhau từ Chánh án toà án nhân dân tối cao đến luật sư. Còn luật sư Hiệp, mấy mươi năm hành nghề luật sư trong và ngoài nước tại Toà Thượng thẩm Sài Gòn và Pháp, là người thường xuyên theo dõi và có nhiều bài viết về tình hình luật pháp Việt Nam.
Trước tiên, luật sư Lâm nhận xét chung về bức tranh toàn cảnh của nền luật pháp Việt Nam trong năm qua:
Luật sư Trần Lâm: Nếu nhìn toàn cảnh thì thấy rằng năm 2008 tình hình kém đi một chút. Nói vậy không có nghĩa là những năm trước tốt rồi đến năm 2008 tình hình xấu đi. Không phải. Tình hình cũng vẫn thế thôi, nhưng cái mức độ xấu đi của năm rồi rõ hơn thêm một chút.
Một nền luật pháp lạm quyền
Trà Mi: Đó là nhận xét chung của luật sư Trần Lâm. Chúng tôi sẽ hỏi thăm ông thêm chi tiết sau khi đựơc nghe ý kíên của luật sư Trần Thanh Hiệp.
Luật sư Trần Thanh Hiệp: Đúng như là luật sư Trần Lâm vừa mới nêu lên. Nếu mà muốn có một nhận định tổng quát trên cơ sở những quy phạm về pháp trị, về luật nhân quyền thì tôi thấy rằng nền luật pháp Việt Nam có 4 đặc tính. Thứ nhất, đó là toàn bộ công cụ pháp lý nhằm đàn áp dân chúng để duy trì một bộ máy cai trị tiếm quyền.
Tiếm quyền là vì chính quyền hiện thời không được dân chúng tuyển chọn chính thức, mà là một chính quyền tự phong bằng những cuộc bầu cử chuyên chế, “đảng cử dân bầu”. Thứ hai, vì có sự tiếm quyền nên toàn bộ luật pháp ấy là phi chính thống, các quy phạm pháp lý không tạo đựơc sự tự phục, tự nguyện của dân chúng, mà phải dùng bạo lực thông qua bộ máy kèm kẹp gồm công an, toà án, nhà tù của nhà nước để áp dụng.
Thứ ba, vì là một nền luật pháp chỉ nhằm phục vụ quyền lợi của tập đoàn cầm quyền nên đã chà đạp lên quyền lợi của đại đa số dân chúng. Thứ tư, khi đã tiếm quyền thì nhất định phải lạm quyền. Cho nên đó là một nền luật pháp lạm quyền.
Trà Mi: Thưa ông vừa đưa ra nhận xét về những đặc tính của nền luật pháp Việt Nam. Thế nhưng chủ đề hôm nay tập trung vào những nét đáng chú ý của luật pháp Việt Nam trong năm 2008 mà thôi. Trở lại với chủ đề chính này, thưa luật sư Lâm, trong ánh mắt của người có nhiều trăn trở và mong muốn đóng góp cho nền luật pháp Việt Nam, ông nhìn thấy những vụ việc nào liên quan đến luật pháp đáng chú ý nhất trong năm? Vì sao những sự việc này lại nổi bật? Chúng có ý nghĩa như thế nào và nói lên những gì, thưa ông?
Luật sư Trần Lâm: Năm 2008 bỏ tù cả công an và nhà báo, đuổi một lô những nhà báo tíên bộ. Đấy là một điểm khác và mạnh hơn trước. Thứ hai, hiện nay tình trạng tội phạm tăng hơn những năm trước, chống đối chính quyền nhiều hơn.
Tức là tiêu cực xã hội làm cho vai trò của luật pháp bị lu mờ đi như thế. Thứ ba, có một biểu hiện là muốn cải cách tư pháp, nhưng thực tế không làm nổi. Bởi vì bản thân pháp trị của ta, như ông Hiệp nói, là toàn trị, là của 1 đảng thôi, trong khi pháp luật mà chúng ta du nhập vào là kiểu của chế độ đa đảng, dân chủ của Châu Âu.
Cái chế độ của Châu Âu và cái toàn trị của ta có ăn ý với nhau đâu?! Vậy làm sao mà mình cải tiến được tư pháp. Nếu cải tiến tư pháp thì tư pháp phải độc lập, tam quyền phải phân lập. Mình mà cải tiến theo đó thì lại trái với cái chuyên chính, độc tài. Cho nên cứ lúng túng, giữa hình thức và nội dung không bao giờ hoà nhập đựơc với nhau.
Luật pháp VN mâu thuẫn với các Công ước quốc tế về nhân quyền
Luật sư Trần Thanh Hiệp: Không phải đó là sự khác biệt, vì năm 1982, Hà Nội đã công nhận và xin tham gia vào các Công ước quốc tế về nhân quyền. Bây giờ sở dĩ có tình trạng mâu thuẫn ấy không phải là sự mâu thuẫn khách quan, mà chính “độc tài toàn trị tàn dư” không muốn thi hành, tôn trọng những cam kết của mình.
Luật sư Trần Lâm: Một chế độ phải dùng lẽ phải, chân lý, luật pháp để cai trị. Ta dựa vào tư pháp, vào báo chí, vào công an mà bây giờ đã bắt đầu lục vào những chỗ đó rồi. Như thế, mình lại làm hại mình. Bởi vì nếu không làm thế thì nó lại phản ứng mạnh hơn, lại càng nguy ngập hơn. Người ta gọi là “giải pháp bằng thuốc độc pha loãng”.
Trà Mi: Thế ý kiến của luật sư Hiệp thì sao? Ông nhìn thấy những bước tiến bộ cũng như những điểm nào cần phải cải thiện hơn nữa trong năm qua, thưa ông?
Luật sư Trần Thanh Hiệp: Theo tôi không thể nào coi là tiến bộ. Tôi nghĩ rằng bây giờ phải cải thiện tình trạng “độc tài toàn trị tàn dư” để Việt Nam bắt đầu đi vào dân chủ, nhân quyền thật sự.
Luật sư Trần Lâm: Chế độ pháp trị và nhân quyền của ta thì trước sau nó vẫn thế, bởi vì nó bị cái gốc như bác nói, là vấn đề toàn trị. Trước kia chưa thật là tốt đẹp, nhưng nay nó lại còn thấp hơn cơ. Ví dụ như việc giáo dân Thái Hà, đáng lẽ phải ngồi bàn thảo với nhau để giải quyết cho tốt đẹp. Đằng này lại đưa ra những hình thức đàn áp. Đàn áp không đựơc lại mang ra xử. Xử rồi bị kháng cáo lùng bùng, làm cho hiện nay giữa dân với chính quyền không đựơc tốt đẹp. Cho nên tôi cho rằng tình hình có thấp đi, chứ tôi không nói là tiến bộ lên đâu.
Trà Mi: Như vậy là cả hai luật sư Lâm và luật sư Hiệp đều cho rằng nền luật pháp của Việt Nam trong năm qua không có những bước tiến bộ, mà chỉ có những điểm cần phải cải thiện hơn nữa. Nhưng dù gì đi nữa trong năm 2008 không có nhân vật bất đồng chính kiến nào bị đem ra xét xử vì vi phạm điều 79 hay 88 như những năm trước. Cho nên có ý kiến cho rằng đây là một tín hiệu tiến bộ đáng mừng cho cái gọi là “luật dân chủ” của Việt Nam.
Luật sư Trần Lâm: Ơ, hiện nay một số người vừa bị bắt, sắp sửa mang ra xử đây này. Hai, ba người mời tôi bào chữa đây này. Năm nay lại có chuyện động trời so với mọi năm là trong thời gian nhất định, 4-5 nơi treo băng, biển, khẩu hiệu đòi đa đảng. Một lúc 7,8,9 người ở khắp 3,4 tỉnh bị bắt và sắp sửa bị đưa ra xử. Người ta đã bị bắt rồi, đã ngồi trong tù 7,8 người rồi. Sao lại bảo là không có ai?
Trà Mi: Cái ý kiến cho rằng có “tín hiệu tiến bộ” trong “luật dân chủ” của Việt Nam là vì suốt năm 2008 không có những phiên toà như của luật sư Lê thị Công Nhân…
Luật sư Trần Lâm: Vâng vâng, không có phiên toà. Đồng ý!
Trà Mi: Nhưng quan điểm của luật sư Lâm cho rằng vẫn không phải là một tín hiệu đáng mừng, phải không ạ? Nghĩa là chưa có phiên toà, nhưng sắp sửa sẽ có.
Luật sư Trần Lâm: Không, không, không tiến bộ.
Trà Mi: Ý kiến của luật sư Hiệp?
Luật sư Trần Thanh Hiệp: Trong năm không có những vụ xét xử như vụ của linh mục Nguyễn Văn Lý hay Trương Quốc Huy. Thế nhưng vẫn có những vụ xét xử tuy không áp dụng điều 79, nhưng lại áp dụng điều 258 gọi là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, một cách khác để trừng phạt, đàn áp những hành vi không chấp nhận đường lối cai trị độc đoán của nhà nước. “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” thì phải có những quyền tự do dân chủ đã, rồi mới lợi dụng chứ. Đằng này, vì không có những quyền tự do dân chủ, nên người dân mới tranh đấu ôn hoà để đòi có đựơc những quyền ấy. Thì tại sao lại gọi đó là những hành vi “lợi dụng quyền tự do dân chủ”? Truy tố người ta những cái tội không có, mà lại định ra một cách không có cơ sở gì cả.
Trà Mi: Trước những nhận xét không mấy lạc quan như thế. Theo những chuyên gia trong ngành luật lâu năm như luật sư Lâm và luật sư Hiệp, làm cách nào có thể thúc đẩy nền luật pháp Việt Nam công bằng, tiến bộ hơn? Những điều kiện cần và đủ là gì? Nên bắt đầu từ đâu, theo trình tự các bước như thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai?
Những câu hỏi này sẽ đựơc giải đáp trong chương trình phát thanh tiếp theo. Mời quý vị đón theo dõi.
No comments:
Post a Comment