Wednesday, January 28, 2009

LẨM CẨM SÀI GÒN THIÊN HẠ SỰ - Số 295

Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự
Văn Quang
Số 295 - Ngày 25 tháng 1 năm 2009
http://www.take2tango.com/?display=5902

Xôn xao ngày cuối năm

Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày cuối năm, tôi lại thấy một thoáng bâng khuâng như thương nhớ một cái gì đó hay nhớ tất cả những ngày tháng đã trôi qua trong cuộc đời mình. Những ngày thơ ấu, những năm tù đầy, những ngày chia xa gia đình, xa người thân yêu, xa con cái… với cả những gì đã mất và cả những gì còn lại… Không thể xác định rõ ràng vì cái gì nhất định. Nó bàng bạc như sương khói. Tôi không hiểu hết tâm tư của các bạn ở nước ngoài vào những giây phút này, nhưng tôi chắc nỗi bâng khuâng của các bạn còn đầy hơn tôi nhiều. Có lẽ vào những ngày này, sự cảm thông giữa người trong nước và người ở nước ngoài cùng gặp nhau ở một điểm chung đó.

Và cũng chính vì vậy tôi mong mang đến với bạn đọc những hình ảnh của Sài Gòn vào mấy ngày cuối năm xôn xao này.

Từ thành phố đến các khu công nghiệp

Đúng 7 giờ sáng ngày 28 Tết tôi hẹn một người bạn "làm một vòng quanh Sài Gòn" như mọi năm để có những dữ kiện thật nhất tường trình cùng bạn đọc, ghé mắt nhìn qua thành phố của mình năm nay thế nào. Phương tiện chính của chúng tôi là chiếc xe gắn máy, phương tiện của những người được gọi là "phóng viên chân chính" đúng nghĩa. Ở Việt Nam, những ông đi "xe ô tô con" không bao giờ là phóng viên được cả. Chỉ có xe gắn máy mới len lỏi được vào hang cùng ngõ hẹp, đến được nơi cần đến. Mặc dầu bây giờ có những ông phóng viên "lên đời", chơi xe ô tô con cho bảnh, nhưng khi hành nghề (ở đây còn gọi là tác nghiệp) thì chỉ có xe gắn máy là… nhất.

Người bạn đi cùng tôi, có bút hiệu là "Thanh Sài Gòn", anh lý luận giản dị với bạn bè: "Chúng mày đi hết, còn mình tao ở đây thì thêm cái "mác Sài Gòn" vào cho rõ, khỏi nhầm với Thanh Cali, Thanh Canada". Tôi thấy anh cũng có lý nên lẳng lặng leo lên chiếc Citi thuộc loại "cổ" nhất VN, mặc cho Thanh Sài Gòn rú ga vọt đi.

Con đường một chiều Điện Biên Phủ mới sáng sớm đã đông nghẹt và bị dồn cục như nghẹt lỗ cống vì cái lô cốt dài vẫn chiếm giữ gần hết mặt đường. Hiệu ứng của những chiếc lô cốt này, lâu ngày, dường như làm cho người dân thành phố thêm được một đặc tính là ai cũng vội vàng hơn, ai cũng "bon chen" và người ta bớt lịch sự đi, không còn ai nhường ai dù chỉ nửa cái bánh xe. Mọi người đều có thêm sức "chiến đấu" tranh giành nhau từ một khoanh đất hẹp, lao lên vỉa hè, đi ngược đường, hoặc bất cứ chỗ nào có thể cho chiếc xe gắn máy của mình vượt qua.

Tội nghiệp hơn là những ngôi nhà, những cửa tiệm lớn nhỏ hai bên, bị lô cốt "án ngữ", bây giờ không còn sức để than vãn nữa, cánh cửa chỉ mở hé vừa đủ cho một người đi. Họ sợ bụi cát và sợ cả "đạo tặc" trong tháng "củ mật" nên âm thầm chịu đựng như chịu đựng bóng tối trong thời chiến tranh. Cứ làm như tai hoạ từ trên trời giáng xuống chứ không phải do con người. Làm ăn buôn bán trông vào mấy ngày Tết, vậy mà phải đóng cửa từ mấy tháng nay, đành chịu! Có mà kiện củ khoai! Nhìn những khuôn mặt câm nín trong bóng tối chập choạng ở những cửa hàng, những ngôi nhà tối tăm mà thấy bùi ngùi. Nói chuyện "lô cốt" mãi không khác gì nói chuyện với đầu gối.

Tuy nhiên, rồi ai cũng vượt qua được những "đoạn đường đau khổ" đó. Chúng tôi băng ra xa lộ, ngày xưa gọi là xa lộ Biên Hoà, bây giờ gọi là xa lộ Hà Nội. Dòng người từ ngoài kéo vào thành phố nườm nượp, họ mang vào đủ thứ, hầu hết là thực phẩm từ những vùng quê gần đó, kể cả gia cầm nhập lậu và những thứ không kịp kiểm nghiệm và tôi cũng chẳng thấy trạm kiểm nghiệm nào ở đây. Xa lộ được trang điểm thêm những chậu hoa ngất ngưởng trên những chiếc xe ba gác, những chiếc xích lô cuối mùa. Có lẽ Tết năm nay là Tết cuối cùng, người dân Sài Gòn được nhìn thấy loại xe ba bánh này. Thành phố đã có lệnh cấm. Xe ba bánh sẽ trở thành một thứ "đồ cổ" như xe ngựa Sài Gòn - Trung Chánh - Hóc Môn ngày nào. Tôi còn
nhớ những buổi sáng sớm tinh mơ xưa kia, nằm trên căn lầu 3 ở Building Cửu Long, đường Hai Bà Trưng, với Thanh Nam, Thái Thuỷ, Hoàng Thư, Lâm thợ điện vẫn nghe tiếng vó ngựa gõ nhịp đều đều trên mặt đường nhựa vẳng lên. Bây giờ tôi vẫn chưa quên âm thanh ấy.

Những vẻ mặt trầm tư "dọc đường gió bụi"

Nơi chúng tôi đến đầu tiên là khu công nghiệp Biên Hoà. Ngã tư trống hoác, hiện rõ một vẻ tiêu điều. Đi trong khu công nghiệp vào giờ phút này như bỏ hoang. Những người công nhân để lại mồ hôi công sức của họ trên những con đường này. Họ trở về ăn Tết với quê nghèo, rồi có bao nhiêu người trở lại giữa thời buổi suy thoái kinh tế này? Tương lai họ ra sao là điều không ai trả lời được.

Chúng tôi đành trở lại Thủ Đức. Suốt dọc đường từ Biên Hoà về Thủ Đức, nơi bắt đầu có những khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), những nam nữ công nhân, đứng dài với mớ hành lý ngổn ngang đón xe về miền Trung, miền Bắc, nét đăm chiêu hiện rõ. Đôi chỗ họ tụ tập lại bên những cây xăng, những siêu thị, những chợ búa ven đường, nơi những "xe dù" thường đón khách.

Thỉnh thoảng một chiếc xe dừng lại, những chú phụ xe láu cá lên giọng hỏi khách "về đâu", toán công nhân lại nháo nhác: "Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế…" Tức khắc một cái giá "trời ơi" được đưa ra. Cuộc mặc cả lại bắt đầu: "Hai trăm tám, ba trăm.. mắc quá…". Gã phụ xe thản nhiên: "Chuyến cuối cùng rồi, không đi thì đứng đó mà ăn Tết ". Vài người vội vã leo lên xe, vài chục người bị bỏ lại, mặc dù xe còn trống. Chiếc xe 16 chỗ chuyển bánh, chiếc hơn 30 chỗ xà đến. Và cứ thế cảnh đón xe về quê kéo dài chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Một chiếc xe chạy vòng đến khoảng cuối đường Biên Hoà, nó quay đầu trở ngược lại đón khách. Nhồi nhét cho đầy xe mới chịu chính thức khởi hành. Xe nào cũng chật như nêm cối. Hành khách như những con gà bị nhốt trong chiếc lồng sắt, không nhúc nhích được. Tôi và Thanh nhìn mãi chẳng thấy bóng anh Cảnh sát Giao thông nào. Có lẽ Tết nhất hay vì một lý do gì khác mà mấy anh Cảnh sát hôm nay có vẻ… dễ tính hơn.

Dịch vụ thuê người làm Tết và cạm bẫy

Trong các KCN, KCX hầu hết các nhà máy đã đóng cửa. Ngay cả những quán cà phê đầu đường, những quán cơm bình dân, nơi mọi ngày những anh chị em công nhân (CN) thường tụ tập, giờ này cũng vắng hoe. Hầu hết các hàng quán chỉ lác đác vài người ngồi trong những dãy bàn ghế thấp lè tè và những chiếc ghế vải dưới chòm lá cây trứng cá, không biết là "tiếp viên" hay công nhân. Những nơi này trong vài tháng vừa qua thường có khá đông công nhân mất việc hoặc chỉ làm vài ngày trong tuần. Đời sống của họ trở nên thiếu thốn, ăn vẫn cứ phải ăn, nhà trọ vẫn phải trả đủ tiền, bệnh vẫn cứ phải mua thuốc, tiền gửi về quê không còn. Họ ngồi chờ bất cứ việc gì có thể kiếm thêm bù đắp qua ngày. Đến 28 Tết không có tiền về quê, đành ở lại nhà trọ. Họ mò ra các quán xá đầu đường cho bớt cô đơn, chẳng biết chờ đợi gì nữa.

Ở một vài nơi, đã có những "dịch vụ lẻ" tìm việc ngắn ngày cho người không có việc làm. Nhà nào cần mướn người giúp việc, trông nhà, coi em, làm việc vặt, vào dịp Tết, họ sẵn sàng giới thiệu, tuỳ theo công việc và số tiền để lấy hoa hồng.

Lẫn lộn trong đám đó, không thiếu những anh xe ôm làm nghề "bắt mối" cho những ông khách ở thành phố về đây "tìm của lạ". Rất có thể có một vài nữ công nhân xinh đẹp nào đó vì buồn chán, vì nhu cầu cuộc sống, vì thích đua đòi đã buông thả thân mình vào những cuộc chơi hoặc ít lắm thì cũng là bạn đi chơi Tết. Hiện tượng này không phải chỉ có trong năm nay, mà ở những năm trước, cái cảnh "vợ thuê, chồng mướn", thuê "đào" đi chơi Tết đã diễn ra. Tôi không thể biết năm nay nhiều hơn hay ít hơn những năm trước.

Chúng tôi bắt gặp trong dãy phố nghèo, lác đác những "nhà nghỉ", những phòng cho thuê rất kín đáo bên những hàng tre um tùm. Nhìn vào mấy cửa hàng cầm đồ giờ này vẫn có khách ra vào. Tết gần kề, phải mang xe, mang đồ trong nhà đi cầm cố là một thảm cảnh. Vậy thì mấy cô gái mang thân mình đi "cầm đồ" trong mấy ngày Tết cũng chẳng có gì là lạ.

Nếu cuộc sống ở các khu công nghiệp cứ diễn ra như thế này, chưa biết những người công nhân sẽ ra sao. Sẽ có bao nhiêu người từ bỏ nhà máy trở về làm nông dân, có bao nhiêu cô gái quê sẽ sa ngã? Một câu hỏi lớn cho xã hội hiện nay.

Ngơ ngác đường hoa thôn dã

Trên đường từ Thủ Đức về Sài Gòn, chúng tôi đi theo con đường cũ qua cầu Bình Triệu. Con đường nhựa chạy dọc theo đường xe lửa, vốn là con đường "đặc biệt" vào những ngày cận Tết với những cây cảnh bày bán hai bên lề đường. Những nhà vườn lớn mang hoa lên thành phố bán, còn những nhà vườn nhỏ, trồng hoa kiếm thêm như nuôi con gà con vịt kiếm tiền tiêu Tết, mang ngay ra đường bày bán cho khách
vãng lai. Hoa nào cũng có nhưng chỉ là loại hoa thường, giá cả ở đây khá rẻ, khó có thể kiếm ra một chậu hoa quý.

Đầu tháng vừa qua, đợt triều cường gây ngập lụt tại những "làng hoa" gần đó đã gây ảnh hưởng đến "con đường hoa thôn dã" này, vắng vẻ hơn hẳn mọi năm. Người bán ngơ ngác và người mua càng hiếm hơn. Xen lẫn vào những chậu hoa ế khách, có những sạp bán quần áo "sida", bày thành từng dãy dài. Ở đây đượm một màu sắc "phố phủ" tỉnh lẻ, yên bình thanh thản, chứ không mới theo thời mốt như những khu Phú Mỹ Hưng, Tung Sơn, Thảo Điền và những khu ngoại ô khác.

"Càng đói càng hoành tráng", một nhu cầu có thật

Trở lại thành phố Sài Gòn vào giữa buổi trưa nắng đẹp, từ Ngã tư Hàng Xanh, không khí đã có vẻ chộn rộn hơn nhiều. Mọi con đường đều là chợ, là hoa cảnh, là bánh mứt, là những gian hàng xanh đỏ với những dỏ quà gói sẵn treo lủng lẳng. Trong những gói quà đó, không thiếu những sản phẩm quá đát, kém chất lượng, bởi hầu hết khách hàng mua để đem tặng, đem biếu cho đủ "lệ bộ", cho "xong chuyện
đời", chứ khách không mua về để thưởng thức loại quà gói sẵn này. Cho nên được tặng quà Tết chưa chắc đã là "hạnh phúc". Nhìn ở đâu cũng vậy thành quen mắt, nên nó không mời gọi được ai. Tuy vậy cũng vẫn có vài người trong ngõ xóm săm soi, trả giá, mỗi phần quà loại "bình dân" này chừng vài trăm ngàn.

Càng về gần trung tâm thành phố, không khí Tết càng chan hoà hơn. Tuy nhiên, chỉ những con đường lớn, đường chính, mới được "trang điểm nhan sắc" theo cái kiểu càng "hoành tráng" càng tốt. Như tôi đã có dịp nhận định rất thẳng thắn rằng "càng đói càng cần hoành tráng". Bởi người dân tiết kiệm, không mua sắm xa xỉ hoặc chẳng có tiền mua hoa, nên được nhìn hoa, ngắm cảnh, xem pháo hoa rực trời cũng đủ "lãng quên đời" hay nói cho rõ hơn là "nhìn cho quên đói"… Đỡ tủi thân với những "đại gia" chơi cành hoa bạc tỉ, uống chai rượu vài triệu, đưa vợ con đi nghỉ Tết tận trời Tây. Cái khoảng cách giàu nghèo cứ dãn ra theo năm tháng. Thôi thì chịu khó ngóc cổ lên nhìn đường hoa… cũng đỡ khổ. Vậy đó là một nhu cầu
có thật.

Bởi thế, năm nay từ đường Thống Nhất, trước dinh Độc Lập cũ, đến nhà thờ Đức Bà, vòng ra đường Đồng Khởi (Tự Do cũ) đèn hoa lại rợp trời. Ban tổ chức đã hết sức cố gắng tạo ra một hình ảnh mới cho con đường cũ. Nhưng thật ra so sánh với năm trước, nó cũng chẳng mới được bao nhiêu. Vẫn là hoa là đèn, là những đường cong cố uốn lượn cho ra hình dáng một con rồng, con phượng. Vài nhà hàng cũng theo đó
mà tạo dấu ấn riêng cho thương hiệu của mình.

Đường hoa Nguyễn Huệ, bình mới rượu cũ

Chiều 28 Tết, chỉ còn vài giờ nữa là khánh thành đường hoa Nguyễn Huệ, cái "đinh" của bộ mặt thành phố lớn nhất nước. Từ cả tháng nay, dường như bao nhiêu công phu "nghệ thuật" đổ cả vào đây. Tốn bao nhiêu cũng làm. Có những công trình làm từ mấy tháng trước ở một địa điểm khác, nay mới được mang về "tu bổ lại nhan sắc" đưa vào vị trí.

Theo Ban tổ chức, đường hoa năm nay có 7 phân khu, chạy dọc suốt gần 1km đường Nguyễn Huệ từ vòng xoay Cây Liễu ra đến trước sông Sài Gòn. Mỗi phân khu có một cái tên khá "kêu" như Khơi nguồn, Nghị lực, Sáng tạo… Nhưng chẳng có du khách nào quan tâm đến những chủ đề này, họ chỉ chú ý đến cảnh vật, đầu này có bày trâu nằm nhai cỏ dưới luỹ tre làng, đầu kia là ba quả dưa hấu gợi nhớ tới chuyện quả dưa đỏ An Tiêm. Năm đang tới là năm Kỷ Sửu nên hình tượng con trâu được trưng bày rải rác khá nhiều và bằng đủ thứ chất liệu như trâu bằng rơm, trâu gốm, giả gốm, giả sơn mài, trâu sắt, trâu giấy bồi… Đủ thứ trâu!

Các loại cây trái được mua từ nhiều địa phương nổi tiếng của Đồng bằng sông Cửu Long. Các loại hoa từ Đà Lạt, Sa Đéc, rơm, lúa từ Long An, gốm từ Bình Dương, tre từ Củ Chi được trưng bày trong những chiếc dỏ phơ phất trong gió.

Một vài vị khách nước ngoài có vẻ thú vị trước khung cảnh lạ lẫm đó, chụp ảnh lia lịa. Nhưng số lượng khách nước ngoài năm nay ít hẳn. Cả đến khách trong nước lúc này cũng còn đang bận rộn với cuộc mưu sinh nên còn thưa thớt.

Những cố gắng tạo nên một đường hoa hoành tráng năm nay cũng chưa thấy có gì đổi khác nhiều. Vẫn là phong cách cũ, chỉ là thay hình đổi dáng những phẩm vật trưng bày trong một không gian xưa, như một thứ bình mới rượu cũ. Chưa thể thay đổi cho du khách chỉ thấy một đường hoa của ngày Tết trong một không gian mới.

Chợ hoa 23-9 ế nặng

Rời Nguyễn Huệ, chúng tôi chạy một đoạn ngắn tới chợ hoa 23-9, trước Chợ Bến Thành. Nói cho đúng, đây là chỗ bán đủ loại hoa Tết cho người dân TP. Sài Gòn Từ vài trăm ngàn đến vài ba triệu một chậu hoa. Từ những loại hoa rất được ưa chuộng trong ngày tết như Vạn Thọ, Cúc đại đoá, Mồng Gà... đến Bông Giấy, Mai chiếu thuỷ, Mai vàng, Mai ghép, cây Thanh Long, quất... đều có mặt. Có một cây độc nhất được gọi là "cây thần kỳ" chữa bệnh tiểu đường được trưng bày. Nếu đúng là cây chữa được bệnh tiểu đường chắc sẽ giúp ích cho rất nhiều nệnh nhân mắc thứ bệnh nan y này.

Người mua có thể leo xe lên lề đường trả giá rồi vẫy một chiếc taxi, xích lô, ba gác đậu ngay bên đường chở về. Cây nhỏ và hà tiện thì cho lên xe gắn máy chở về luôn.

Có một khu riêng biệt cho người bán hoa đào từ miền Bắc mang vào, có khi từ Đà Lạt mang xuống. Tất nhiên giá cả hoa đào giữa miền Nam rất đắt. Người bán nhắm vào thành phần những "đại gia" từ miền Bắc vào Nam lập nghiệp, dù thành công ít hay nhiều, vài triệu chẳng có nghĩa gì. Người dân miền Nam không mặn mà gì với hoa đào, đi hàng trăm nhà may ra mới thấy một nhà hoặc một công ty khoe cây đào
trong đại sảnh. Hoa đào để đầy khu đất rộng mà hầu như chưa có ai hỏi đến.

Chợ hoa này năm nay ế nặng. Bằng giờ năm trước, tôi đã thấy rất nhiều người chở hoa về. Chỉ còn 1 ngày 29 Tết nữa thôi, nếu không bán hết hoa, sang ngày 30 Tết chỉ có nước bán "sôn". Lúc đó giá nào cũng phải bán để thương lái còn kịp thu xếp ra xe về lục tỉnh. Thế nên đây là lúc đến lượt người mua "ép giá" người bán, một năm chỉ có một lần. Nhiều vị không cần chơi hoa cầu kỳ, thường đợi đến thời điểm "chém vè" này đi mua hoa "đại hạ giá".

Vườn Tao Đàn có "hầm bà làng"... đủ thứ

Sau đó, chúng tôi đến với vườn Tao Đàn, bây giờ gọi là Công Viên Văn Hoá. Nơi trưng bày hoa nhiều hơn là bán. Chưa đến ngày khai mạc, nhưng cửa bán vé đã mở. 15 ngàn một vé. Có đủ cả các thứ hoa cảnh chia thành từng khu.

Ngay trên lối vào có một vườn hoa Đài Loan, tuy nhỏ nhưng trưng bày nhiều loại hoa khá độc đáo. Nhất là những loại hoa lan.

Loại hoa được "tôn vinh" nhiều nhất là những cây mai đủ loại dự thi, lão mai, mai trắng, mai mười cánh san sát.

Trong một góc khác, các loại đá, loại gỗ tạo hình được trưng bày không khác năm trước bao nhiêu. Những thảm cỏ nhiều màu sắc đối nghịch cứ như từ năm nào còn sót lại.

Chúng tôi chú ý đặc biệt đến một "nữ hoạ sĩ" nét mặt thanh tú ngồi khiêm nhường, thu mình lại trong một góc thảm cỏ, bên rặng tre xum xuê cành lá. Không băng biển giới thiệu cô ngồi đó làm gì. Khi hỏi mới được biết cô chờ khách để vẽ caricature và chân dung. Để ý mới thấy bên cạnh cô, trên bãi cỏ xanh có một hộp bút vẽ, một cuộn giấy croquis nhỏ. Một vị khách trung niên xà đến nhờ cô vẽ. Vì lịch sự, ông khách không hỏi giá. Bàn tay mềm mại lướt nhẹ trên giấy. Hình ảnh vị khách dần hiện ra, khá linh động. Một vị khách khác tiếp theo ngồi vào chiếc ghế nhựa nhỏ trước mặt. Tôi cũng định nhờ cô vẽ cho một bức làm kỷ niệm, nhưng thấy cô bắt đầu bận rộn nên lại thôi. Tôi gửi lại cô tấm danh thiếp để khi nào
cô rảnh sẽ thông báo cho tôi biết để đến… trình diện. Nhưng có lẽ cô bận vào dịp Tết này nên chưa "có lệnh đòi".

Ở đây trong khu vườn được gọi là Công viên Văn Hoá này, người ta có cảm tưởng như bao gồm "hầm bà làng" đủ thứ.

Vườn Hoa Tao Đàn năm nay buồn tẻ hơn mọi năm. Khung cảnh làm gợi nhớ nhiều năm trước, năm nào tôi và Phan Nghị, Vương Đức Lệ cũng rủ nhau vào Chợ Tết Tao Đàn, nay cả hai ông đã theo nhau về Cõi Phật. Năm nay cũng không thấy cô gái làng Bát Tràng ngồi bán mấy pho tượng, mấy chiếc đĩa bằng đất nung mang dòng chữ Phúc Lộc Thọ. Một mỗi trống vắng ùa đến, nỗi mất mát tràn khắp trên cả vườn hoa.

Chỉ thấy ông đồ trẻ bày mực Tàu giấy đỏ

Cuối cùng chúng tôi tìm đến khu phố của những ông đồ ngồi viết thư pháp. Trên vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch, sau nhà thờ Đức Bà, một đoạn phố rất ngắn được dành cho các ông đồ "bày "mực tàu giấy đỏ bên phố đông người qua", ngồi viết thư pháp. Nhưng những ông đồ ở đây toàn là những ông đồ trẻ. Cũng khăn đóng áo dài, nằm phủ phục trên sạp chiếu hoa. Có những câu đối viết sẵn để người đến "xin chữ" cứ thế bê về. Ngày xưa các cụ gọi là đi "xin chữ" cho ra vẻ tôn trọng thầy đồ, nhưng ngày nay, khách hàng chưa gọi trắng ra là đi "mua" chữ, song người ta chỉ nói "anh đồ viết cho tôi câu đối này" và... chi tiền. Lễ nghĩa cũng giảm đi nhiều phần. Dù sao giữ lại được những hình ảnh xa xưa cũng là điều nên làm, miễn là nó đừng giả tạo quá đáng và cũng đừng vì thời buổi kinh thế thị trường làm hỏng cả truyền thống của một dân tộc.

Chiều 30 Tết Kỷ sửu khi tôi vừa viết xong bài này, trong khu chung cư của tôi đã có tiếng trống của đoàn múa lân rộn ràng khua động mùa xuân. Tết đến rồi.

Chúc bạn đọc Năm Kỷ Sửu vượt qua mọi khó khăn, khoẻ mạnh và đạt được mọi ước mơ, thành công trong cuộc sống.

No comments:

Post a Comment