Saturday, January 31, 2009

KẾ HOẠCH 900 TỶ ĐÔLA

Một kế hoạch 900 tỷ đô la
Ngô Nhân Dụng
Friday, January 30, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=90224&z=7
Tổng Thống Barack Obama và các đại biểu quốc hội Mỹ đang đi dần dần tới một kế hoạch kích thích kinh tế. Ði từ từ, vì khi phải bàn việc chi tiêu 900 tỷ mỹ kim, chắc chắn người ta khó đồng ý với nhau ngay. Ví thử quý vị là một đại biểu quốc hội Mỹ mà sắp bàn vấn đề này, với 900 tỷ Mỹ kim mình phải quyết định đem chi vào việc nào, quý vị có nghĩ tới việc dành một số tiền trong đó để chi vào việc gì ích lợi nhất cho các cử tri đã bầu mình hay không? Với hơn 500 đại biểu quốc hội, bên kia là ông tổng thống và chính phủ của ông với những lời hứa hẹn họ đã nói khi tranh cử, chúng ta có thể tưởng tượng biết bao nhiêu là ý kiến muốn đem dùng 900 tỷ Mỹ kim vào những việc hữu ích!

Tình hình kinh tế xuống trước hết vì cả hệ thống ngân hàng bị kẹt với những món nợ xấu. Các công ty tài chánh, tạm gọi chung là các ngân hàng, đã cho vay bừa bãi suốt mấy năm trời. Lỗi ở ngân hàng trung ương giữ lãi suất ở mức thấp lâu quá. Lỗi ở các chính phủ Trung Quốc, Á Rập dư tiền đem sang cho Mỹ vay dù lãi suất thấp. Tiền nhiều quá, rẻ quá, các ngân hàng không đi vay rồi đem về cho vay lại cũng uổng.

Nhưng trong hệ thống tài chánh người ta lại có nhiều sáng kiến, đem “đóng gói” lại các món nợ mua nhà, dùng làm bảo đảm mà đi vay nợ thêm, phát hành các trái phiếu. Nhiều “sáng chế” đưa ra những loại chứng khoán mới trong hệ thống tài chánh. Các chứng khoán mới này, gọi là đê ri va ti, giúp cho các ngân hàng càng dễ vay nợ hơn, mối rủi ro của các món nợ được đem chia ra cho nhiều người cùng chịu, thì nghĩ rằng rủi no cũng nhẹ hơn.

Ðùng một cái, nhiều người vay nợ xấu không trả được nợ. Ðến lúc đó những trái khoán bảo đảm bằng những món nợ khó đòi đó không ai muốn mua nữa. Các công ty tài chánh và ngân hàng lớn bị kẹt vì trong nhà chứa bao nhiêu thứ trái khoán nhiễm độc đó. Ðiều độc hại là người ta không biết chắc những chứng khoán nào bị nhiễm độc nhiều hay ít. Ai dám mua những trái khoán đó nếu không biết đến lúc nào các món nợ trong đó sẽ ngưng không trả được nữa? Tháng Mười, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đoán là có khoảng 1,400 tỷ đô la trái khoán bị nhiễm độc sẽ không còn giá trị nào nữa. Ðến Tháng Giêng, họ nâng con số ước đoán lên 2,200 tỷ đô la. Tại sao con số lại tăng lên? Vì người ta không thể biết món nợ nào là món nợ xấu trước khi chính con nợ báo tin không có tiền trả nợ! Và số con nợ xấu đó ngày càng xuất đầu lộ diện nhiều hơn.

Hậu quả là các ngân hàng bị ứ đọng với hàng ngàn chứng khoán không ai muốn mua. Chính các ngân hàng biết sẽ lỗ vốn, phải để dành tiền đề phòng, họ có tiền cũng không còn đem cho ai vay nữa. Các xí nghiệp không vay được tiền chạy công việc, người tiêu thụ không vay được tiền sắm xe, mua nhà, tất cả kéo nhau cùng đi xuống! Nước Mỹ mỗi tháng mất nửa triệu công việc làm. Trong một ngày Thứ Hai vừa qua, các công ty lớn loan báo sẽ sa thải 76,000 công nhân. Con số mới ra cho thấy trong quý sau cùng của năm 2008 Tổng Sản Lượng Nội Ðịa Mỹ đã giảm gần 4% một năm, một tỷ lệ giảm sụt nặng nề nhất từ 26 năm nay.

Trong tình trạng kinh tế suy thoái bình thường thì muốn thúc cho các hoạt động đi lên ngân hàng trung ương có thể bơm thêm tiền vào trong xã hội. Giảm lãi suất là một cách thúc cho người ta vay nợ và chi tiêu hoặc đầu tư. Nhưng khi ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất xuống đến số không rồi thì không giảm thêm được nữa. Ngân Hàng Trung Ương cũng có thể bơm tiền vào nền kinh tế theo những cách khác. Nhưng ngay việc bơm tiền vào cho các ngân hàng cũng không thúc được cho các ngân hàng nhúc nhích thêm trong việc cho vay. Vì họ vẫn còn kẹt với những trái khoán không ai muốn mua. Nói chung, là những “biện pháp tiền tệ” mà ngân hàng trung ương vẫn dùng bây giờ trở thành vô dụng. Người ta vẫn ví như đi đẩy một sợi dây, thay vì kéo dây, ngân hàng trung ương trở nên bất lực.

Chính vì vậy mà tất cả mọi người đồng ý: Chính phủ phải đứng ra làm công việc đẩy tiền trực tiếp vào trong nền kinh tế. Trong tình trạng người tiêu thụ và các xí nghiệp, các ngân hàng không chịu đẩy cho đồng tiền luân chuyển, chính phủ phải đứng ra làm công việc đẩy tiền đó. Thiếu tiền thì đi vay nợ, khi nào kinh tế lên sẽ thu thuế trả nợ. Ðấy là lý do chính phủ Bush trước đây và chính phủ Obama bây giờ, thuộc hai đảng khác nhau, triết lý kinh tế cũng khác nhau, mà đều đồng ý phải đi vay nợ lấy tiền kích thích kinh tế. Số khiếm hụt ngân sách đã lên đến ngàn tỷ đô la, và sẽ khiếm hụt thêm hàng ngàn tỷ nữa trong năm tới. Nhưng không có đường nào khác.

Hạ Viện Mỹ đã chuẩn y một ngân sách 819 tỷ kích thích kinh tế với tỷ số 244 - 188 phiếu. Tất cả các dân biểu Cộng Hòa bỏ phiếu chống. Nhiều đại biểu Dân Chủ chống (11 vị) vì kế hoạch kích thích chưa vừa ý họ. Ở cả hai viện quốc hội ai cũng có ý kiến. Có người muốn phải ghi vào trong luật là các xí nghiệp nhận được công việc do chính phủ trao cho thì chỉ được mướn các công nhân quốc tịch Mỹ mà thôi! Có người đòi khi kích thích kinh tế thì chỉ được phép mua những hàng hóa sản xuất ở Mỹ thôi. Người muốn phải dành nhiều tiền trợ giúp các gia chủ sắp bị xiết nhà; người muốn tăng trợ cấp cho những người thất nghiệp; mỗi người một ý. Khi không được vừa ý, dù là một ý rất nhỏ, họ có thể bỏ phiếu chống! Các đại biểu Cộng Hòa nêu một ý kiến lớn; họ đòi chương trình kích thích này phải bớt phần chính phủ chi tiêu và tăng thêm phần cắt giảm thuế. Triết lý “giảm thuế” này đã được thi hành mạnh mẽ dưới thời Tổng Thống George W. Bush, và đến nay vẫn còn được đảng Cộng Hòa tin tưởng.

Câu hỏi là: Có hai con đường để chính phủ đẩy tiền vào trong nền kinh tế: chi tiêu trực tiếp hoặc giảm thuế để dân có tiền đem tiêu. Ðường nào có hiệu quả kích thích hơn? Người thích giảm thuế thì cho là người dân đem tiền tiêu bao giờ cũng có hiệu quả hơn để đồng tiền cho các công chức nhà nước tiêu! Người nghĩ ngược lại thì cho rằng khi trả lại thuế hay cắt thuế, người dân nhận được tiền chưa chắc đã đem tiêu, nhất là trong lúc này ai cũng lo sắp mất việc. Như vậy thì không có hiệu quả kích thích bằng chính phủ đưa tiền trả lương cho những người làm việc! Việc gì, các đại biểu quốc hội sẽ bầy ra.

Nhưng việc thông qua hơn 800 tỷ ở Hạ Viện tương đối dễ dàng. Cái cửa sắp tới phải đi qua là Thượng Viện. Ở đây đảng Dân Chủ có đa số 59-41, chưa đủ 60 phiếu để buộc các nghị sĩ Cộng Hòa phải ngưng thảo luận, nếu họ muốn dùng thủ tục filibuster không cho Thượng Viện biểu quyết. Liệu Tòa Bạch Ốc và các nghị sĩ Dân Chủ có thể thuyết phục được một số nghị sĩ Cộng Hòa ủng hộ mình hay không?

Có thể, nếu có sự trao đổi. Một số nghị sĩ, Dân Chủ hoặc Cộng Hòa, có những ý kiến họ rất thiết tha. Nếu chiều theo ý thì họ có thể bỏ phiếu thuận. Có người muốn tăng số tiền miễn thuế cho những người vay nợ khi mua nhà. Có người muốn buộc các ngân hàng phải ngưng ngay việc xiết nhà dù chủ nhà không trả được nợ. Trong dự luật chi tiêu kích thích trị giá gần 900 tỷ ở Thượng Viện có những khoản chi bị nhiều nghị sĩ chống đối; thí dụ chi cho cơ quan y tế quốc gia để nghiên cứu thuốc ngừa cảm cúm. Nhiều người không hiểu tại sao chương trình ngừa cúm đó lại đem cho vào kế hoạch kích thích kinh tế? Nghị Sĩ Olympia Snowe, tiểu bang Maine, là một người đặt câu hỏi đó. Bà thuộc đảng Cộng Hòa, và là một trong những tác giả viết về thuế trong dự luật kích thích kinh tế ở Thượng Viện. Nếu Tổng Thống Obama chinh phục được bà Snowe ủng hộ thì sẽ có nhiều nghị sĩ Cộng Hòa khác cũng sẽ ủng hộ kế hoạch kích thích kinh tế của ông. Ông Obama có thể sẽ nhượng bộ Nghị Sĩ Cộng Hòa Charles Grassley, tiểu bang Iowa, nếu ông đồng ý thêm vào trong dự luật một khoản giảm thuế cho những người lợi tức khá giả nhưng tìm được nhiều lý do hợp pháp để không phải đóng thuế, gọi là Thuế Tối Thiểu (alternative minimum tax).

Tuần lễ tới sẽ là thời gian các nghị sĩ ở Thượng Viện và Tòa Bạch Ốc gặp gỡ để mặc cả, trao đổi với nhau, với hy vọng cuối cùng các nghị sĩ Cộng Hòa sẽ không dùng tới thủ tục filibuster nói dai, nói hoài không cho biểu quyết. Thượng Viện được tiếng là nơi các đại biểu thảo luận với nhau như người lớn, chứ không gay go om sòm như ở Hạ Viện. Cho nên hiện nay ông trưởng khối đa số (Dân Chủ) ở Thượng Viện đang hy vọng sẽ có 80 nghị sĩ bỏ phiếu thuận. Ít nhất, ông hy vọng sẽ có 5, 6 nghị sĩ Cộng Hòa sẽ ủng hộ dự luật.

Vì trong tình trạng kinh tế đang báo động như bây giờ, không mấy ai muốn đóng vai kỳ đà cản mũi trước một kế hoạch cứu nguy kinh tế. Ðảng Dân Chủ cũng không muốn một mình đứng ra nhận trách nhiệm về kế hoạch này. Vì không ai biết với 900 tỷ sắp chi ra đó bao giờ kinh tế Mỹ sẽ hồi phục! Nếu may mắn đến cuối năm nay mà kinh tế bắt đầu lên trở lại thì ai cũng muốn đứng ra nhận công của mình; còn nếu đến sang năm kinh tế vẫn chưa lên thì sẽ nhiều người khoe với cử tri là chính mình đã biết trước nên bỏ phiếu chống!


No comments:

Post a Comment